April 25, 2024, 5:34 pm

Ngửa mặt lên nhìn đèn trời…

 

 Trương Vạn Thành gia nhập làng thơ với một loạt các tập thơ: Biển hát (NXB Văn học, 2008), Chim họa mi sổ lồng (NXB Văn học, 2013), Thơ viết trong đêm tình yêu (NXB Hội Nhà văn, 2014), Mùa đông lại về (NXB Hội Nhà văn, 2016). Đồng thời, thơ anh cũng xuất hiện ngày mỗi nhiều trên báo chí. Những người quan tâm đã nghĩ, Trương Vạn Thành đến với thơ khá muộn so với tuổi (sinh năm 1955). Thực ra, anh yêu thơ từ tuổi hoa niên và vào tuổi đôi mươi (năm 1975) đã viết những bài thơ của mình, những bài thơ yêu thở ban đầu, chỉ chép vào sổ tay, và cả những bài viết về cuộc sống trên quê hương, đã gửi đăng báo như bài Sông Mã-Hàm Rồng có cấu trúc 5 khúc với gần 80 câu thơ. Trong số đó có bài Khi đàn sếu bay qua, anh viết khi vừa từ một làng quê nghèo xứ Thanh ra Hà Nội học đại học. Vào một buổi đêm tịch mịch, nghe tiếng đàn sếu bay ngang bầu trời khói sương, mộng ước và lo nghĩ về tương lai cuộn lên trong lòng anh, thành thơ: Tiếng vỗ cánh rào rào về nơi xa thẳm/ Tiếng vỗ ấm cả một trời lạnh lẽo/ Mang đi ngàn dấu hỏi nơi tôi/ Phân số cuộc đời/ Lỗi lầm và nghị lực/ Tài năng và mơ ước…/ Không một tiếng thở dài/ Khi đàn sếu bay qua! Bài thơ biểu lộ một cái tôi đa cảm, nhiều nghị lực trước trường đời vừa mở ra, rộng lớn mà chắc là không dễ dàng; cấu tứ khá đẹp, tình và ý sâu kín, ngôn ngữ thơ khoáng đạt, giờ ta đọc vẫn thấy mới.

Sau bài Khi đàn sếu bay qua, chàng sinh viên chuyên chú vào việc học, ít tham gia sinh hoạt thi ca. Tốt nghiệp Đại học Thương mại, anh ở lại giảng dạy tại trường một thời gian, rồi về làm việc tại Sở Thương nghiệp Thanh Hóa. Tiếp nữa, Trương Vạn Thành được cử làm Hiệu trưởng trường Thương mại và Du lịch của tỉnh, trở thành một nhà kinh tế. Vài năm sau, anh thực sự bước vào thương trường khi được giao nhiệm vụ lãnh đạo Công ty Thanh Hóa - Sông Đà, một công ty lớn bậc nhất của xứ Thanh. Bạn bè và người thân những tưởng nhà kinh tế thương mại không còn tham gia vào đời sống thi ca, nhưng cái máu thi sĩ trong Trương Vạn Thành đâu có thay đổi được, sau hơn hai mươi năm, nó lại cuộn lên, dường như mạnh hơn cả thời trai trẻ, khiến anh phải viết. Rồi cái máu thi sĩ nó cuốn anh vào làng thơ từ năm 2008 với một loạt tác phẩm như tôi nêu ở trên. Và mới đây, anh lại trình làng tập thơ thứ năm, Hoa cỏ lau, NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 5/2018.  

Trương Vạn Thành thật có lý khi cho in bài Khi đàn sếu bay qua trong tập thơ này. Độc giả và giới quan tâm có thể thấy, giọng điệu thơ của anh nhất quán từ buổi mới làm thơ cho đến hôm nay. Những bài thơ như Tiếng rao người bán cháo, Đèn trời, Chén rượu tất niên, Thơ ru biển đêm, Tình khúc mùa thu… chứng tỏ điều đó. Trương Vạn Thành đã sớm có được một phong cách riêng trong thơ với lối cấu tứ chắc gọn, kiệm lời mà tạo được tiết tấu thơ nhanh, hình ảnh thơ giàu biểu cảm. Chẳng hạn, viết về những nữ thanh niên xung phong hy sinh thời kháng Mỹ (bài Hang Tám cô): Con đường của tuổi hai mươi/ Một sải tay, một xác người là đây; viết về thương trường thời kinh tế mở cửa ồ ạt và cũng đầy bất trắc (bài Doanh nhân năm Thìn):

Kinh tế chìm trong suy thoái

Lãi suất thì trên trời

Dòng tiền cà phê phin tí tách

Hàng ứ đầy kho, két rỗng tuếch

Chính sách như tân dược

Lắm kẻ uống vào lên cơn co giật

Đời sống thi ca Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI có không ít nhà thơ trẻ dấn bước vào cuộc đổi mới thơ. Phần nhiều trong số họ theo xu hướng săn tìm hình thức mới cho ngôn ngữ thơ. Trương Vạn Thành hiểu rằng, thi ca luôn phải tạo nên những phẩm giá mới, nhưng anh chú trong hơn về đổi mới nội dung tư tưởng thơ. Ngay cả những suy tư về thi ca, về nhà thơ trước đời sống thời nay cũng là một đề tài của thơ anh: Mặt người không tả, tả mặt nạ/ Những mặt nạ không là đồ chơi/ Những mặt nạ y nguyên mặt người/ Uốn éo nói cười/ Trái tim chính nhân quặn thắt…/ - Ai bảo siêu thực không là thực?/ - Ai bảo mặt nạ không mặt người (bài Chuyện nhà thơ trẻ). Đôi khi anh tạo tác bài thơ đẹp chu chỉnh như là một khúc trữ tình: Câu thơ ru sóng/ Sóng ru bãi cát nhàu.../ Câu thơ ru gió/ Gió ru hàng cây còi sa mộc/ Thuyền sấp mặt như diều dây đứt/ Khác sạn cao tầng lim dim mắt/ À ơi… giấc mơ quả trứng vàng... (bài Thơ ru biển đêm). Sự kiện năm 2016, người ta biến cải bãi biển vốn là ngư trường của vạn chài Sầm Sơn dân dã và đẹp đẽ như một danh tích quê hương thành vùng kinh tế địa ốc, Trương Vạn Thành viết bài thơ này, những câu khép lại khúc trữ tình như một tiếng thở dài:

Câu thơ ru người dưng

Ngày dài đêm vắn, Sầm Sơn

Ai treo nửa vành trăng khuyết

Soi lòng biển rộng cô đơn.

Do từng trải nhiều trong cuộc sống, từ làm thầy đến quản lý hành chính của ngành thương mại, rồi trực tiếp chủ trì việc buôn bán lớn thời kinh tế thị trường nhiều trồi sụt, Trương Vạn Thành có được cái nhìn nhân bản về cái được, cái mất trong đời sống buôn bán nói riêng và trong trường đời nói chung. Đơn cử bài Chén rượu tất niên, thơ sáu tám với phong vị dân gian : Một năm lỗ lớn, lời con/ Biết cô hàng váy có còn đong đưa…; rồi khép lại những được, thua một năm trong thương trường, tống tiễn nó bằng giọng lục bát buồn trầm sâu: Thương trường kẻ khóc người cười/ Kẻ đau mất vợ, người hời tước quan/ Sủi tăm, này chén đoạn tràng/ Cạn đi, rồi để mơ màng cùng xuân! Sự đời trong chuyện buôn bán vặt, như một người bán cháo rong trên phố mỗi buổi sớm mai, cũng làm Trương Vạn Thành động tâm: Chở nồi cháo nóng trên chiếc xe đạp cà tàng/ Như chở mùa màng qua phố/ Những mùa màng thất bát hay bội thu… Cảm thức thật sâu về quá khứ trỗi dậy trong nhà kinh tế - thi sĩ, khiến anh thấy người bán cháo Như chở ngày xưa qua ngõ phố/ Bao gương mặt cuộc đời đã cũ/ Bỗng trở về rất đỗi thân thương; và, qua ngôn ngữ giàu biểu cảm của nhà thơ, người bán cháo dạo là một hình tượng biểu đạt sự bền gan trong đời sống còn nhiều cực nhọc:

Liêu xiêu những vòng tròn qua ngõ phố

Người bán cháo như mót từng hạt thóc còn sót lại

Những mùa màng nóng hổi trên tay

(Bài Tiếng rao người bán cháo)

Trương Vạn Thành từng qua nhiều miền quê, cả Bắc, Trung, Nam, và nếm trải nhiều trong cuộc sống xã hội rộng lớn. Mỗi khi những sự đời anh bắt gặp dội vào tâm can, đều khiến anh động bút. Qua tên các bài thơ: Uống rượu trên đỉnh thác suối Tranh, Đèn trời, Về lại Him Lam, Đêm nghĩa trang Hàng Dương, Tạm biệt Quy Nhơn, Với Tuy Hòa, Hồ Lắc..., ta thấy đề tài tập thơ Hoa có lau khá rộng. Tuy nhiên, anh dành nhiều tâm sức viết về đời sống xứ Thanh. Xứ Thanh, có miền rừng núi phía Tây cao và xa thăm thẳm, nơi nhà thơ - nhà kinh tế hàng năm đi làm thiện nguyện: Thương lũ trẻ Cò Cài, Trung Lý/ Búp măng non sao lắm thiệt thòi/ Trường lớp phong pheo, cơm rau muối/ Cách sông cách núi, cách cả trời…(bài Gọi đò đêm bến Cò Cài). Xứ Thanh, có ngôi chùa cổ kính, gần chợ, gần bến Ngự, nơi các vua Nguyễn xưa mỗi lần ra Bắc đều ghé thuyền, lên thăm chùa; nhưng thời kinh tế thị trường bây giờ: Thuyền Rồng lâu không về bến Ngự/ Các nàng “cung nữ” môi son ngồi mút ốc…/ Tiếng đàn ca chàng mù và họa mi trong lồng sắt/ Tiếng chuông chùa ngẩn ngơ…rơi (bài Chàng ca sĩ mù, chim họa mi và tiếng chuông chùa). Xứ Thanh có người mẹ và làng biển Hoàng Hóa, như cái nôi của đời anh từ ấu thơ cho đến bây giờ:

Mẹ một đời liêu xiêu trên cát

Tần tảo nuôi con khoai lang, canh dắt

Ta lớn lên tiếng sóng dội trong lòng

Mẹ đã hóa thành sóng nước quê hương…

Hồn ta như bãi cát nhầu

Trăm ngàn con sóng bạc đầu

                                          Mẹ ru...

                                  (Bài Ơi biển chiều đông).

Duy nhất trong Hoa cỏ lau có một loạt bài về đề tài tình vợ chồng: Ngọn đèn dầu, Trái tim ngoài phòng mổ, Khi nào hết ốm, Tặng hoa, Tình khúc mùa thu… Trong tình yêu nam nữ, tình vợ chồng là mối tình dằng dặc nhất, bởi thế, không nhiều thi sĩ làm thơ về tình vợ chồng, lại càng ít người có được thơ hay ở đề tài này. Trương Vạn Thành viết được nhiều về người yêu - người vợ - người bạn đời của mình, có lẽ do anh thấy được sự lớn lao nhất trong tình vợ chồng là sự hy sinh cho nhau. Cùng nhau qua bao gian khó trường đời, đến lúc thành ông, bà, anh mô tả mình trong tấm tình này: Tôi như ngọn đèn dầu/ Thắp trong căn phòng nhỏ/ Từng tối em khêu lên/…Giữa tháng ngày hư hao/ Bên em tôi ngời ngợi (bài Ngọn đèn dầu). Khi người vợ tao khang lâm trọng bệnh, anh bên ngoài phòng mổ: Đợi em từ giờ Thìn qua giờ Tỵ, giờ Ngọ/ Ôm chiếc chăn chiên chờ đắp cho em sau ca mổ…/ Quá Ngọ sang Mùi, anh đợi/ Như ta hằng đợi nhau/ Đã qua bao khúc sông sâu… (bài Trái tim ngoài phòng mổ). Ngoài những chia sẻ gian lao, hoạn nạn trên đường đời dằng dặc, Trương Vạn Thành còn có Tình khúc mùa thu - một bài ca nghĩa tình chồng vợ. Giọng thơ êm ái: Trong mùa thu của tôi/ Em nhặt chi chút lá vảng rơi/ Lối ngõ ta về tiếng thu xào xạc… Đây là mùa thu của đời người, đã qua quá nửa đường đời rồi. Bằng ngôn ngữ trầm ấm hợp với kể một tích truyện dân gian, nhà thơ này thủ thỉ kể tấm tình của mình, phải trải qua những ngày nắng nôi cháy xạm mặt người và những đêm tối sóng cồn thuyền tròng trành nghiêng ngả, giờ tới được mùa thu:

Mùa thu êm đềm

Giấu nhẹm âm mưu bão tố

Anh sẽ giằng buộc lại mái nhà và các ô cửa

Ngôi nhà gỗ nhỏ, tay em sắp dặt

Hương vườn ngào ngạt

Em thắng bộ cánh mới

Như từ trái thị bước ra...

            Mỗi bài thơ trong Hoa cỏ lau thường có những câu thơ, hình tượng thơ đẹp và giàu xúc cảm. Bài Viếng mẹ, những câu thơ thương nhớ như nuốt nước mắt mà viết: Mưa phùn, mẹ gánh lá khô/ Bờ đê xóm Bể gió ù ù xoay. Bài Trước biển chiều nay, nhớ người bạn yêu mê biển và rượu đã quá cố, những câu lục bát buồn thấm đượm cái đẹp cổ điển: Bãi hoang, bờ quạnh, bè trôi/ Sầu đong, biển lắc, đầy trời mù sương/ Ai người đập hũ tìm hương/ Rượu tình như sữa, còn vương mảnh sành. Bài Quỳnh hoa, những câu thơ về hoa quỳnh nở, say đắm và đa tình, gọi hoa là nàng:

Thời khắc thần tiên

Những cánh của nàng rung lên

Ánh trăng chùng xuống

Ta nghe rõ tiếng nàng…

Ngơ ngác những cánh hoa như xiêm y trút lại

Nàng đã bay về trời

Mỗi thi sĩ thường từ một hoàn cảnh sống riêng, một thân phận riêng đến với thi ca, tự tạo một ngôn ngữ với tiết tấu và âm luật riêng để biểu đạt cái tôi trữ tình của mình. Trương Vạn Thành cũng vậy. Những câu thơ tôi dẫn ở trên cho thấy, anh đã tạo cho mình một cái tôi trữ tình có phong vị và cá tính riêng. Đến bài Đèn trời, viết về Đài tưởng niệm các liệt sĩ Thành Cổ Quảng Trị, những câu thơ Trương Vạn Thành chứa đựng nỗi thương đau to lớn hơn nỗi đau thương của một đời người. Nơi Thành Cổ yên bình, anh bày tỏ: Tôi rón rén như đi trên mộ, ta hiểu được ngay, không phải con người trần tục mà là cái tôi trữ tình của nhà thơ như đi trên những xương cốt nằm dưới cỏ xanh, những tim óc đã tan vào đất… Rồi cũng chính cái tôi trữ tình ấy Ngửa mặt lên nhìn đèn trời/ Như gào thét không thể cất thành lời/ Như yêu thương không thể cất thành lời. Và, qua cái tôi tôi trữ tình của nhà thơ, người đọc nhìn thấy:

Ngọn lửa

               câm

                        rần rật bay lên a

Cấu tứ và xúc cảm phảng phất yếu tố tâm linh nên những câu thơ có sức mê hoặc, và ngôn ngữ siêu thực khiến đèn trời thành một hình tượng thơ đẹp lạ thường. Có thể nói, trong tập thơ Hoa cỏ lau, bài Đèn trời là một thành công thi ca của Trương Vạn Thành.

            Nguồn Văn nghệ số35+36/2018


Có thể bạn quan tâm