March 29, 2024, 3:49 pm

Ngụ ngôn chính trị - kiệt tác văn chương của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Bác Hồ làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh TL

(Tiếp theo và hết)

Bác Hồ đã coi truyện ngụ ngôn như là một thứ vũ khí cách mạng, để phê phán, tố cáo kẻ thù, để cảnh tỉnh, thức tỉnh người nô lệ, kêu gọi dân ta đoàn kết, để giải thích tình hình… Chúng tôi tìm thấy một chi tiết trong Trả lời ông Vaxiđép Rao, thông tín viên hãng Roitơ, Người mượn câu chuyện ngụ ngôn để vạch trần một cách đích đáng luận điệu xảo trá của thực dân Pháp khi chúng gây hấn trở lại hòng cướp nước ta lần nữa.

"Hỏi:… Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về lời tố cáo của những người Pháp nói rằng Việt Nam đã gây ra cuộc xung đột hiện nay?

Trả lời:… Nước Việt Nam không có lợi gì gây chiến tranh để làm cho nhân dân thiệt hại và chịu bao nhiêu tang tóc. Ông hãy nhớ lại bài ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên Con chó sói và con cừu" (Trả lời vào tháng 5-1947. Tập 5, tr.134).

Truyện Con chó sói và con cừu kể một chú sói làm đục dòng suối, con cừu ra suối uống nước liền bị sói mắng là đã làm bẩn nước, cừu cãi lại, nói chính sói mới là kẻ gây ra. Chó sói liền đòi ăn thịt cừu. Ngụ ý của câu chuyện thật dễ hiểu: liệu cái lý của kẻ mạnh mà độc ác (như sói) bao giờ cũng đúng? Không phải. Kẻ mạnh mà độc ác luôn đi ngược lại chân lý thông thường. Chỉ cần mượn một câu chuyện ngụ ngôn mà nói được bản chất của vấn đề: Pháp như con sói kia, là kẻ đi xâm lược, gây ra chiến tranh mà còn vu cho người Việt "gây ra cuộc xung đột…". Đúng là không thể nói những gì, diễn đạt những gì chính xác hơn, hay hơn cách mượn ngụ ngôn này. Lã Phụng Tiên, tức La Phôngten (La Fontaine) nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới, người Pháp, tác giả của Con chó sói và con cừu. Cũng thật là thâm thúy khi Bác Hồ lấy chính một tác phẩm yêu thích của người Pháp nói chung để hài hước mỉa mai những người Pháp xấu - những kẻ thực dân.

Đầu những năm 1950 quân ta thắng nhiều trận lớn, quân Pháp có dấu hiệu xuống sức hụt hơi, thế mà chúng còn rêu rao khoe khoang là "bộ đội Pháp đánh hăng như cọp". Bác Hồ có ngay một ngụ ngôn Cọp, Nai, Thỏ (Báo Cứu quốc, số 1868, ngày 25/7/1951), sau khi thuật lại lời khai của một tù binh Pháp - hạ sĩ quan Ghiông (Guillon), tác giả đưa ra lời bình luận: "Lời khai của Ghiông có Nai, có Thỏ, có Cọp, như một vườn bách thú nhỏ. Song con cọp Pháp chỉ là cọp giấy" (Tập 6, tr.259). Một tiếng cười trào phúng vui vẻ mà sâu sắc qua so sánh "như một vườn bách thú nhỏ" đã hạ bệ thảm hại những kẻ đi xâm lược giờ đây cũng chỉ như những con thú bị "giam hãm" trong "vườn bách thú" để cho du khách tham quan ngắm nghía mà thôi. Quân Pháp có tự cho mình là cọp thì chẳng qua cũng chỉ là cọp giấy. ý nghĩa của câu nói càng có giá trị khi người nói là một vị Tổng tư lệnh quân đội kháng chiến - Chủ tịch Hồ Chí Minh, khích lệ tinh thần đánh giặc của quân ta bao nhiêu thì càng khiến cho sự hoảng loạn của lính Pháp tăng lên bấy nhiêu.

Cuối năm 1954 bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, vừa đánh thắng một thực dân Pháp to, trong đội ngũ cán bộ đảng viên chúng ta xuất hiện một tư tưởng công thần, đòi hỏi hưởng thụ. Câu chuyện Chiếc đồng hồ của Bác thật sự có tác dụng giáo dục to lớn: "Bác ngồi ở bàn, cầm một chiếc đồng hồ và nói: "Bác có chiếc đồng hồ này dùng đã lâu, đây là chiếc đồng hồ của đồng chí Nam Dương cho Bác". Chúng tôi nhìn chiếc đồng hồ nằm gọn trong tay Bác. Một chiếc đồng hồ quả quýt kiểu cũ. Bác hỏi tiếp: Cái đồng hồ này phía trước có hai kim và chữ số nói rằng: chúng tôi ở phía trước lâu rồi, đổi chỗ cho chúng tôi ra đàng sau. Còn những bánh xe ở đằng sau thì nói: chúng tôi ở đây đã lâu rồi cho chúng tôi ra đằng trước. Nếu tất cả mọi thứ đều yêu cầu như vậy thì chiếc đồng hồ có còn dùng được nữa không?". Rồi Bác giải thích: "Công tác cách mạng cũng thế, mỗi người đều có nhiệm vụ nhất định, do sự phân công của tổ chức, vì lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Mọi người ai cũng làm tròn nhiệm vụ của mình thì công tác cách mạng mới hoàn thành được"(4). Đây không chỉ là bài học cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức mà là bài học của cả cách mạng nói chung, bài học cho muôn người, muôn đời, mọi nơi, mọi lúc.

Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng nông thôn được nhiều mà mất cũng không ít, trong những cái mất ấy là xuất hiện sự nhìn nhận, đánh giá dẫn đến loại bỏ cán bộ tốt, người tốt chỉ qua vấn đề lý lịch. Bác Hồ đã nhận ngay ra sai lầm ấy, ngày 30/3/1956 trên Báo Nhân dân, số 757 có đăng bài báo Hoa sen, có đoạn:

" …Gốc rễ cây sen ở dưới đất bùn hôi hám. Nhưng vươn mình lên mặt nước trong trẻo, hấp thụ ánh sáng mặt trời, thì HOA SEN trở nên tươi đẹp thơm tho.

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, hoa đỏ lại xen nhị vàng,

Nhị vàng, hoa đỏ, lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Người ta cũng vậy. Thành phần giai cấp và quan hệ gia đình không thể ảnh hưởng xấu đối với những người thật thà cách mạng" (Tập 8, tr.140).

Ý của Bác Hồ rất rõ: động viên những cán bộ chẳng may có gia đình bị xếp vào thành phần bóc lột nhưng họ là "những người thật thà cách mạng" thì họ vẫn như hoa sen vậy. Đồng thời nhắc nhở chung mọi người đừng đánh giá con người chỉ qua lý lịch, tầng lớp xuất thân, như cây sen kia gốc rễ ở dưới bùn đất nhưng hoa sen thì vươn cao vẫn "tươi đẹp thơm tho". Ngụ ngôn mượn bài ca dao dân gian quen thuộc, chỉ thay hai chữ "bông trắng" trong ca dao bằng hai chữ "hoa đỏ" để nhấn mạnh phẩm chất của hoa cũng là phẩm chất của người tốt. Thế mới biết Bác có tầm nhìn xa và tấm lòng nhân hậu biết chừng nào!

Chúng tôi cho rằng câu chuyện ngụ ngôn Kẻ cướp nói chuyện hòa bình đã lột tả rõ nhất hoàn cảnh nước ta bị giặc Mỹ xâm lược mà chúng lại vừa "ăn cướp vừa la làng":

"Câu chuyện rằng: Làng Xuân gồm có hai xóm, xóm Trong và xóm Ngoài.

Cả làng làm ăn rất vui vẻ. Bỗng một lũ kẻ cướp từ phương xa đến đánh chiếm xóm Trong. Chúng cướp của giết người, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá nhà cửa, hủy hoại ruộng vườn… Chúng mua chuộc mấy đứa bất lương trong xóm làm tay sai cho chúng. Vốn có truyền thống anh hùng, dân làng xóm Trong đã nổi dậy nện cho lũ cướp giập đầu chảy máu.

Thấy không khuất phục được làng Xuân, lũ cướp một mặt thì kêu gào dân làng "bàn bạc cách giải quyết hòa bình". Mặt khác lại ồ ạt đưa thêm bọn lâu la vào xóm Trong. Không mắc lừa mưu mô xỏ lá của lũ cướp, dân làng Xuân kiên quyết bảo chúng: "Làng này là làng của chúng tao. Chúng mày là kẻ xâm lược. Trước hết, chúng mày phải cút khỏi làng này. Nếu chúng mày chần chừ, thì chúng tao sẽ đẩy chúng mày xuống biển"… Lũ cướp bèn kêu lên: "Xin thiên hạ làm chứng cho, chúng tôi muốn giảng hoà, nhưng làng Xuân không muốn!"… (Tập 11, tr.569).

Câu chuyện hết sức giản dị, chỉ là kể một câu chuyện trên dưới một trăm chữ về việc dân làng Xuân đánh cướp bảo vệ làng nhưng đọc lên thì ai cũng hiểu được lẽ phải chính nghĩa, tinh thần đoàn kết, ý chí đánh giặc của nhân dân Việt Nam; bản chất ăn cướp, luận điệu trắng trợn, xảo trá mà vô lối của đế quốc Mỹ. Không có tài năng, không có một khả năng khái quát, một tư duy chính trị sắc sảo, nhạy bén… không thể viết được ngắn gọn, sâu sắc như thế!

Như vậy ngụ ngôn chính trị của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có hai hình thức cơ bản, một là mượn ngụ ngôn đã có, quen thuộc; hai là sáng tạo ra ngụ ngôn mới. Chúng tôi quan tâm hơn cả đến hình thức sáng tạo ngụ ngôn.

Nghệ thuật dựng truyện của ngụ ngôn rất quan tâm tới việc tìm ra các sự vật tiêu biểu hoặc gần gũi cho từng tính cách nhưng vẫn giữ được đặc trưng của nó. Điều này trong ngụ ngôn mới của Bác Hồ đã đáp ứng một cách xuất sắc, ví dụ trong Truyện ngụ ngôn thì chỉ con rồng mới có thể "phát ngôn" như thế này: "- Ta là thủy tổ của giống nòi An Nam từng chứng kiến sinh ra biết bao vị anh hùng lừng lẫy", vì trong tâm thức người Việt con rồng là vật tổ; "Rắn nói:… Tôi hay là những người Pháp khẩu phật tâm xà mà người An Nam đưa vào nước họ? Voi nói: Người An Nam sẽ muôn đời phải gánh chịu hậu quả những lỗi lầm mà họ vô tình phạm phải. Họ đã rước voi về giày mả tổ lại còn bỏ mặc cho người Pháp cái quyền lãnh đạo cả Tổ quốc của họ nữa", thì rắn và voi trong thành ngữ dân gian đều mang nét nghĩa tiêu cực: "khẩu phật tâm xà", "rước voi về giày mà tổ". Đặt những thành ngữ ấy vào lời của rắn và voi làm cho người đọc dễ nhớ vừa hàm ý một so sánh: giặc Pháp còn nguy hiểm hơn cả rắn và voi…

Ngụ ngôn thường giàu tính kịch, thường mỗi truyện là một vở kịch nhỏ, ngụ ngôn chính trị của Bác cũng mang đặc điểm này mà Con cáo và tổ ong là rất tiêu biểu. Câu chuyện dựng lên một mâu thuẫn: con cáo quyết lấy trộm mật, đàn ong quyết giữ con; kịch tính phát triển cao trào: đàn ong "kéo nhau xúm lại vây tròn cáo ta. Châm đầu châm mắt cáo già"; kết quả: "Cáo già đau quá phải sa xuống rồi". Có khi đó là một hài kịch như truyện Đồng tâm nhất trí. Đặc điểm của nhân vật hài kịch là có hành động, tính cách buồn cười gây cười, đi ngược lại với lô gích thông thường như nhân vật anh Hai và anh Ba: nhúng đồ giấy xuống nước sông, phơi trầu non giữa nắng trưa. Câu chuyện bật ra ý nghĩa: đoàn kết không phải là cứ máy móc làm theo nhau. Có những ngụ ngôn mang tính trào phúng rất rõ ở lời văn gây cười, như Động vật học, Bộ sưu tập động vật

Đây là đoạn văn miêu tả "loài động vật":

"Kết quả những cuộc nghiên cứu kỹ càng cho phép chúng tôi khẳng định rằng nguồn gốc loài động vật này cũng lâu đời như nguồn gốc loài người, nếu không phải là lâu đời hơn nữa kia. Sự cấu tạo thể chất của nó hết sức kỳ lạ: ở tất cả các loài động vật, sự sinh sản ra lông lá thường là ở đằng đuôi; ở loài động vật này, lông lá lại mọc trên đầu; chỉ mọc trên đầu chứ không mọc ở cổ như bờm con ngựa. Lông lá này mịn màng như len và hung hung đỏ, hoặc cứng và đen, tuỳ theo khí hậu nơi nó sống. Khí hậu có ảnh hưởng rất nhiều đến màu da của nó. Màu da đỏ hoặc vàng hoặc đen, chớ ít trắng. Dù có những sự kỳ lạ đó, diện mạo của nó đôi khi cũng khá dễ thương. Loại động vật đi hai chân. Nhưng theo những tài liệu quan sát được tại nhiều vùng châu á, thì nhiều khi nó lại trở thành loài đi bốn chân".

Tả vật mà hoá ra tả người, tả người mà không phải người nhưng bạn đọc vẫn hiểu đó là người, đấy là nghệ thuật trào phúng miêu tả độc đáo. Bạn đọc vẫn hiểu, về nguồn gốc, về cấu tạo, như, "lông lá mọc trên đầu" là tóc, khí hậu quy định màu sắc của tóc, của da; con người đi bằng hai chân… Nhưng ở nhiều vùng châu á thì loài vật đó đi bằng bốn chân. Một sự mỉa mai thâm thuý vào thói quỳ gối cam chịu làm tay sai cho ngoại bang của một số ít người. "Loài đi bốn chân", theo nguyên chú của tác giả là "loài quan lại đứng theo tư thế Xalamếch". Xalamếch (phiên âm từ chữ Salamec) chỉ lối chào của người Arập, đầu cúi sát xuống đất.

Truyện ngắn là một mẫu mực của lời văn trào phúng, ở lời văn nhại: "… ông Giôdép Caiô, cựu Thủ tướng, nhà lý tài ngoại ngạch, một nhà văn không phải tồi, không phải tương đối tồi như Anhxtanh nói…"; ở lời văn giễu cả thần tượng "… Đácuyn, nhà đại thông thái Đácuyn, từng biết rằng con ngươi của một con ếch xứ Ôvécnhơ tròn hơn con ngươi của một con ếch ở vùng Nốttinhham, và đuôi chim bồ câu ở Mêchxich có nhiều hơn đuôi chim bồ câu ở Thuỵ Điển ba cái lông…"; kết hợp thủ pháp nhại với kết cấu đối lập, tăng cấp làm cho câu văn sống động: "óc bắt chước của nó rất phát triển, và óc đó không phải nông cạn như ở loài khỉ hay loài vẹt, vì người ta nhận thấy rằng tài bắt chước của nó thường đạt tới chỗ tuyệt khéo, và đôi khi còn hơn cả cái mà nó bắt chước nữa".

Tác phẩm ra đời cách nay trên 90 năm thế mà vẫn tươi mới, ở cái tình người, ở cách trào phúng hiện đại. Mới hay văn chương vì con người thì lúc nào đọc cũng thú vị!

Ngụ ngôn là một nghệ thuật vì xét về thực chất ngụ ngôn là một lối ví von được mở rộng, nâng cao mà bản thân lối ví von đã có tính nghệ thuật vì nó đòi hỏi sự liên tưởng thẩm mỹ phong phú. Ngụ ngôn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng rất nghệ thuật, nghệ thuật ở mục đích là vì hạnh phúc con người mà phê phán cái ác, cái xấu, kêu gọi, cảnh tỉnh con người hướng về cái đẹp phổ quát của độc lập, tự do…; nghệ thuật ở chính bản thân thể loại ngụ ngôn; nghệ thuật ở cách biểu đạt, khi thì thâm thúy sâu sắc khi cần lại hết sức giản dị dễ hiểu. 

Tôi muốn nhấn mạnh đến chất thơ trong ngụ ngôn chính trị của Người, đặc biệt là các ngụ ngôn viết năm 1942: Ca sợi chỉ, Hòn đá, Con cáo và tổ ong, Nhóm lửa, Chơi giăng. Có thể gọi đây là ngụ ngôn mang hình thức của thơ như trong ca dao - ngụ ngôn, như: Con cò mà đi ăn đêm, Con mèo mà trèo cây cau, Ếch cắn đầu rắn… Chúng là truyện vì cũng có nhân vật, có cốt truyện, có tình huống… nhưng được thể hiện bằng lời thơ. Như vậy chất thơ đã có ngay trong bản thân nó. Nếu hiệu quả của chất thơ phải xem xét ở sự giàu cảm xúc, ở khả năng lôi cuốn, truyền cảm làm rung động tình cảm người đọc… thì ngụ ngôn chính trị của Bác Hồ cũng dồi dào phẩm chất này. Các tác phẩm lấy đề tài là những gì hết sức giản dị, bình thường gần gũi với đại đa số người dân lao động: sợi chỉ, hòn đá, tổ ong, trăng…, những công việc quen thuộc: dệt vải, khuân đá, nhóm lửa…, những quy luật thông thường, phổ biến ai cũng hiểu được: một sợi chỉ thì mỏng manh yếu ớt, nhưng những sợi chỉ dệt thành tấm vải thì khó có thể "bứt xé"; một người không thể nhấc được hòn đá nặng nhưng nhiều người hợp sức lại thì nhấc lên dễ dàng… Dĩ nhiên những điều hết sức giản dị thông thường ấy chưa phải là nghệ thuật, nhưng chúng được dùng để hướng vào mục đích tuyên truyền đoàn kết góp phần tạo nên sức mạnh đánh giặc cứu nước thì nghệ thuật của nó lại nằm ở tính mục đích, một thứ nghệ thuật vì con người. Đặt vào hoàn cảnh nước ta những năm còn nô lệ thì cái mục đích cao nhất của cách mạng là giải phóng dân tộc để con người trở về với trạng thái người, do vậy mà những lời kêu gọi của Bác trở nên hết sức cần thiết, cấp bách, đầy tính người, nặng tình người. Chúng đã tạo ra thứ cảm xúc lớn lao nhất, truyền cảm nhất, lay động nhất để dễ dàng đi sâu vào tâm hồn mỗi người dân, cho dù khi đó họ còn không biết chữ, không hiểu cách mạng nhưng họ rất hiểu cái khao khát trong họ và đồng bào họ là thoát khỏi kiếp nô lệ… Tôi gọi những bài thơ - ngụ ngôn trên của Bác là nghệ thuật đích thực - một nghệ thuật tuyên truyền hết sức hiệu quả, sâu sắc, nhân văn./.

____________________________

 

(1), (2) Nhiều tác giả: Bác Hồ kính yêu, Nxb. Kim Đồng, H, 1970, tr.31, 60.

(3) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, H, 1970, tr.121.

(4) Nhiều tác giả: Bác Hồ sống mãi, Cục Chính trị Quân khu Ba, 1970, tr.22.

PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú

(Nguồn: Văn nghệ quân đội)


Có thể bạn quan tâm