March 29, 2024, 1:34 pm

Ngóng chuyến tàu qua sông Hương…

Đã mấy tháng rồi, tôi lại mới cưỡi xe đạp điện lên cầu mới bắc qua sông Hương mang tên là cầu Giã Viên. Hầu như cùng lúc, trên cầu đường sắt song song với cầu Giã Viên, chuyến tàu từ phía Bắc giảm tốc độ, chầm chậm lăn bánh vào ga Huế. Dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, liệu có bao nhiêu du khách sẽ xuống ga Huế? À, đây là tàu hàng, chứ đâu phải tàu khách… Chỉ một thoáng suy nghĩ thôi, tôi đang trôi theo chiếc xe đạp điện xuống bờ bắc sông Hương …

Dịch giã vẫn đang rình rập, nhưng tuân theo quy luật xoay vần của Trời Đất, những ngày mưa bão đã lùi xa, chỉ còn gió mùa đông bắc nhẹ lướt trên các hàng cây xanh mướt trước Hoàng thành và mặt trời ẩn hiện sau khói mây đang tỏa sáng chân trời phía Tây, báo hiệu mùa Xuân sắp tới. Như rứa, dại chi không ra dạo bờ sông Hương, báu vật mà tạo hóa đã ban tặng cho Huế?

Tôi dừng xe chốc lát phía bắc đầu cầu Giã Viên. Trên đường đời lắm lối đi, nhưng nhiều khi ta không có toàn quyền lựa chọn. Còn tôi lúc đứng ở ngã tư này, sau một thoáng phân vân, liền rẽ trái, vượt qua đường sắt Bắc – Nam để lên Kim Long. Chẳng phải vì câu ca xưa “Kim Long cô gái mĩ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi” mà do đây cũng là con đường ven bờ sông Hương mà thành phố vừa cho làm thêm lối đi dành cho bộ hành dạo chơi. Và nữa, ở phía trên chùa Thiên Mụ, tôi có hai người bạn, hơi lâu rồi không lên thăm…

Hai tháng trước đây, tôi đã có dịp dạo tuyến đi bộ bên bờ Nam, ngỡ ngàng trước sự đổi mới thầm lặng mà thật thú vị này. Ôi chao, báu vật sông Hương thì tạo hóa đã ban cho Huế tự ngàn đời, vậy mà những chủ nhân của Cố Đô cũng chỉ mới thật sự “giác ngộ”, mới nhận ra hết giá trị của nó. Nói đúng hơn, sự “chọn lựa” phương án khai thác “báu vật” sông Hương phải qua bao trăn trở, đấu tranh suốt mấy chục năm mới đến hồi kết.

Nói đến sông Hương, lại nhớ lần gặp bác Nguyễn Tuân trước lúc bác đi xa một tháng. Ấy là năm 1987, tôi ra Hà Nội xin bác một bài để in vào số tạp chí Sông Hương chuyên đề “Văn hóa du lịch”. Bác đã viết một câu chuyện “tưởng tượng”, kể lại nỗi ám ảnh của một người từng học ở Huế, khi vào bệnh viện cứ nằm mơ ú ớ la hét: Răng, mi thấy cái chi? Nghe dễ sợ! - Chà chà, tau thấy con sông Hương không còn nước chảy, chỉ còn đôi bờ khô, bờ Bắc bờ Nam đều không có người chi cả!... Lần khác, trong chuyến tàu về thăm lại Huế, ông lại nằm mơ ú ớ la hét: Mi lại thấy cái chi nữa? - Lại thấy mất con sông Hương!.. Sau đó, khi đã nằm trên con “đò đôi” ngay giữa lòng sông Hương rồi, hai người bạn ấy vẫn còn “ôn vấn nhau về những ác mộng “mất Huế “. Tôi còn nhớ bác gạch chân chữ “mất”. Cơn ác mộng nghe qua như là phi lý, nhưng ngẫm kỹ đó là lời cảnh báo cần thiết không chỉ đối với Huế, mà với tất cả những nơi có may mắn lưu giữ được di sản văn hóa của dân tộc. Trên hành tinh này đã có biết bao cố đô bị tiêu hủy, biết bao di tích quý giá lụi tàn. Cuộc đấu tranh để gìn giữ những di sản văn hóa dân tộc, để “không đánh mất mình” quả là không đơn giản trước nhu cầu phát triển luôn tăng tốc của nhân loại.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Tuân tưởng tượng ra câu chuyện đó. Những năm tháng ấy, Huế đã phải đấu tranh để loại bỏ một số dự án kinh tế áp sát sông Hương và những thói quen sinh hoạt bừa bãi của không ít cư dân ven bờ. Cho đến hôm nay, đường đi bộ hai bờ sông Hương mới đưa vào sử dụng vài năm đã tạo nên một không gian thưởng ngoạn, thư giãn quả là “chẳng nơi nào có được”. Biết là không khiêm tốn khi nhắc lại câu hát quen thuộc này, nhưng ở đâu được hít thở không khí trong lành, yên tĩnh, ngắm sông nước trong xanh cùng ngàn hoa đua nở như ở đây?

Một công trình khiêm tốn, ẩn mình dưới lớp lớp cây lá xanh tươi, khách đi xe trên hai tuyến đường ô tô chạy dọc hai bờ sông Hương, hầu như không nhìn thấy. Điều đáng kể hơn là con đường đi bộ hai bờ sông Hương tuy cũng tốn khoảng trăm tỷ đồng, nhưng chỉ để du khách và dân Huế dạo chơi, chứ không thu lợi được đồng nào! Một sự lựa chọn không hề dễ dàng giữa trào lưu hưởng thụ vật chất đang như một cơn bão không quốc gia nào ngăn được. Cả ở Huế, đã hơn một lần, tại các diễn đàn, không ít người tỏ ra buồn phiền trước hiện tượng nhân tài đang tìm đến những vùng đất dễ sống hơn. Con em của Huế đi học, ít người quay lại xây dựng quê hương. Trong hàng triệu người hối hả rời Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương… khi dịch bùng phát dữ dội, có cả hàng ngàn người dân Thừa Thiên Huế. Cũng có nghĩa là còn rất nhiều người lựa chọn một cuộc sống sung túc, thu nhập cao, hơn là mỗi sáng được thong dong dạo bước trên đôi bờ sông Hương, hít thở không khí trong lành, ngắm cảnh sơn thủy hữu tình “chẳng nơi nào có được”…

Có lẽ chỉ từ khi đại dịch Covid-19 vô hình vô ảnh tấn công khắp địa cầu, những vùng đất phát triển nhanh nhất, dân cư đông đúc nhất, nhà máy nhiều nhất, người có lương cao nhất… cũng là nơi dịch dễ bùng phát nhất, đã khiến con người ta phải suy nghĩ lại về cách sống của mình. Trong thông điệp video nhân Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai hôm 13/10/2021, Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã nhấn mạnh: “Mất đa dạng sinh học, sự sụp đổ của hệ sinh thái và việc đô thị hóa nhanh chóng không có quy hoạch… là những nguyên nhân liên quan đến nhau dẫn đến nguy cơ xảy ra những thảm họa thiên nhiên”.

Trước xu thế “đô thị hóa nhanh chóng” như một đoàn tàu không phanh, câu chuyện ứng xử với sông Hương có khi chỉ như hòn sỏi ném xuống ao bèo. Tuy vậy, ít ra nó cũng gợi nhắc chúng ta nghĩ đến những giá trị chưa được khai thác đúng với vị thế của nó. Mà sông Hương thì lộ diện đã ngàn đời, chứ biết mấy giá trị còn ẩn sâu như mỏ quý hoặc là ở trạng thái “vô hình vô tướng” không phải ai cũng thấy được, đang bị chìm khuất dưới các lớp sóng xô bồ của cuộc đua tranh sống gấp, ngày ngày lôi cuốn không biết bao nhiêu con người trên hành tinh xanh, mặc cho tín hiệu S.O.S về môi trường sinh thái không ngừng gióng lên…

*

Câu chuyện về “hai người bạn” ở phía trên chùa Thiên Mụ, chủ nhân của “Bến Xuân”, tôi đã hơn một lần giới thiệu trên các sách báo. Đài Truyền hình Việt Nam cũng vừa có phóng sự giới thiệu “Bến Xuân, nơi nối nhịp cầu văn hoá”. Nay chỉ xin nhắc lại rằng, chủ nhân Bến Xuân - ông Trương Đình Ngộ và bà Camille Huyền (Cầm Hồng) - đã rời đất nước có đời sống cao nhất thế giới là Thụy Sĩ để về làm công dân một địa phương kinh tế chưa phát triển. Cầm Hồng, cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế, từng bày tỏ nỗi niềm trong những năm xa Huế: “… không một ngày nào không hướng về Việt Nam, về cha mẹ, đặc biệt về xứ Huế, nơi thiên nhiên và con người hài hoà với nhau. Nơi đây mình hiểu được cái đơn giản nhất là cái làm ta rung động nhất. Rất nhiều nơi ta đến để học hỏi, để xem, để nuôi phần xác. Huế là nơi ta đến để ngồi yên dưới trăng sao, để gửi hồn cho gió, để thả thơ trôi theo dòng sông, để sáng sớm thức dậy rù rì trò chuyện với cỏ cây trong vườn…”

Gần đây, ông Trương Đình Ngộ là người rất nhiệt tình trong kế hoạch dọn sạch rác trên sông Hương và đang xúc tiến xây bến tắm cộng đồng trước Kim Long. Liệu có thể nói đây là lớp người đầu tiên “giác ngộ” rằng con người ta không chỉ cần ăn ngon, mặc đẹp mà quan trọng hơn là biết xây dựng một cách sống đẹp, biết trân trọng những giá trị tinh thần, với tình yêu gia đình, quê hương, nguồn cội...

Trên con đường qua làng Kim Long xưa, phía dưới chùa Thiên Mụ, ngoài hai địa chỉ văn hoá nổi tiếng từ lâu là Văn Thánh với 32 bia ghi danh tiến sĩ Triều Nguyễn và chùa Thiên Mụ, còn có Vườn An Hiên của bà Tuần Chi là “thực tế” để nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết nên thiên bút ký đặc sắc Hoa trái quanh tôi. Cũng tại nơi này mấy năm gần đây, tiến sĩ Thái Kim Lan từ Đức hồi hương về, đang xúc tiến hoàn thiện một “Bảo tàng Sông Hương” trong khu nhà vườn của gia đình, trưng bày hàng ngàn cổ vật được vớt lên từ dòng sông này. Có thể nói, đây cũng là những giá trị đã lặng thinh qua bao năm tháng, đang ngày càng “lên giá”, khi con người ta không quá loay hoay với việc mưu sinh, với cuộc đua tranh làm giàu nữa.

Mấy địa chỉ kể trên tôi đã quen thuộc, nên lần này tôi chỉ ghé thăm một con người đặc biệt, một ông Tây yêu Việt Nam đến mức “xin được chết ở Việt Nam” như Yersin. Đó là nhà Việt học, Linh mục Leopold Cadiere (1869-1955), người đã dạy Yersin những câu tiếng Việt đầu tiên. Tôi cũng như phần lớn những ai quan tâm đến lịch sử - văn hoá dân tộc, từ lâu rồi đều biết tên ông, người chủ biên bộ B.A.V.H nổi tiếng, cho đến nay vẫn là “kho báu” cung cấp những tài liệu gốc cho nhiều công trình nghiên cứu. Nhưng đến hôm nay, sau khi đọc Hồi ký của một ông già Việt học do Nhà Xuất bản Thế giới vừa in cùng lúc tái bản công trình lớn của L.Cadiere Văn hoá, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt dày gần 1000 trang khổ lớn do Đỗ Trinh Huệ biên dịch, tôi mới phần nào hiểu được giá trị di sản L.Cadiere để lại và chợt nghĩ là nên vào chiêm ngưỡng nơi ông yên nghỉ. Năm 1953, khi L.Cadiere đã 84 tuổi, được đề nghị trở về Pháp, ông một mực từ chối: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Cho tôi được ở lại và chết ở đây”. Mộ phần khiêm tốn của ông xếp theo thứ tự kẻ trước người sau, cùng kích thước, cùng kiểu mẫu với các tiền nhân được an táng Đại chủng viện Kim Long Huế…

Đúng như dịch giả Đỗ Trinh Huệ đã viết, “đứng trước nấm mồ giản dị chẳng cần bia đá ghi công, chỉ vỏn vẹn 3 chữ R.I.P (Requiescat in pace – Xin hãy yên nghỉ trong an bình!), ta sẽ không thấy cái cảm xúc ngậm ngùi; chỉ thấy thoáng ra cái hồn nhiên bình dị, trong sáng tỏa ngời như chính cuộc đời của ông”. Một cuộc đời thật hiếm có, ông đã bỏ lại gia đình với người mẹ trong một nông trại và không bao giờ được gặp lại vì mẹ ông mất năm 1892, trước khi con tàu đưa ông cập bến Đà Nẵng vài ngày, để cống hiến cho Việt Nam 250 công trình nghiên cứu. Trong số đó, thật đặc biệt là chính ông đã nhắc nhở chúng ta hãy gìn giữ tổ ấm gia đình! Trong một bài viết của mình, L.Cadiere đã bày tỏ “… một ước nguyện là đừng làm suy yếu gia đình tại xứ Việt Nam này, mà trái lại hãy củng cố bằng mọi cách…”.

Tôi đặc biệt chú ý đến điều mà L. Cadiere đã cảnh báo từ hơn trăm năm trước, vì đến lúc này chưa phải ai cũng nhận biết gia đình là nơi gìn giữ, vun đắp truyền thống văn hoá và những giá trị nhan văn đang có xu hướng biến dạng, thoái hóa. Có phải vì thế mà mới đây thôi, trong dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Chủ tịch nước đã có thông điệp kêu gọi các gia đình hãy tiếp tục vun đắp, xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm?

Lời cảnh báo đừng làm suy yếu gia đình và tiếng gọi vun đắp tổ ấm gia đình càng vang lên trong tôi khi chiếc xe điện “mã hồi” sắp qua cầu Giã Viên, phải tạm dừng bánh trước thanh chắn đường sắt Bắc - Nam vừa hạ xuống. Có người xui: “Bác tranh thủ vượt qua đi. Tàu chưa đến mô!”, nhưng tôi vốn nhát và điều quan trọng hơn là tôi rất thích đi tàu hỏa, cũng rất thích nhìn những chuyến tàu rầm rập lăn bánh trên đường ray bóng loáng dưới ánh mặt trời. Thời còn công tác, mỗi khi phải đi xa vì công việc trong Nam ngoài Bắc, có khi được cấp vé máy bay, tôi cũng chỉ đi tàu hỏa. Không ít trang văn chương tôi đã thực hiện trên những toa tàu….

Hôm nay, tôi ngóng đoàn tàu qua vì tâm trí bỗng xao động khi nghĩ đến hàng vạn con người trong “cơn lũ” hồi hương hoảng loạn vì đại dịch Covid vừa qua đã trông chờ đến đỏ con mắt có những chuyến tàu hỏa, để họ khỏi liều mạng ôm con nhỏ dầm mình cả ngàn cây số trong mưa gió! Quá nhiều mất mát, nhưng nghĩ cũng còn may mắn là hầu như tất cả những con người đó đều còn điểm tựa là gia đình lúc khó khăn. Lúc này thì không còn cảnh tháo chạy tránh dịch Covid-19 hỗn loạn nữa, nhưng sau những đêm thao thức lựa chọn “đi hay ở”, hẳn vẫn còn không ít người trên những chuyến tàu, những chiếc xe xuôi ngược Bắc - Nam. Không biết lúc đoàn tàu vừa dừng ở ga Huế, liệu có mấy người xuống ga để về sống bình dị trong tổ ấm gia đình, sau bao năm tháng bươn chải vẫn không thể giàu sang? Và trên chuyến tàu sắp qua đây, ai đã lại tìm được việc làm ổn định, trở về quê vui Tết với gia đình và đón vợ con vào lại vùng kinh tế sôi động phía Nam? Hy vọng là sau những đổ vỡ, đó là những con người quyết định rời quê hương không chỉ để kiếm sống qua ngày, mà đã tìm được vùng đất “an cư lạc nghiệp”, khi các nhà máy, xí nghiệp đã biết giữ chân người lao động với cam kết tạo điều kiện cho họ xây dựng một gia đình mới, nơi gieo mầm và vun đắp tình thương yêu, ý thức trách nhiệm không vướng bận chút tính toán nào giữa những con người với nhau…

Đoàn tàu suốt Bắc - Nam SE6 vừa qua cầu, đang bắt đầu tăng tốc. Không đông chật như các chuyến tàu giáp Tết những năm trước, nhưng nhìn mấy cánh tay vẫy chào Huế sau các cửa sổ, tôi cảm thấy trong lòng ấm áp vì những con người đang diễu qua trước mắt mình không phải trong cảnh thất thần “di tản” như hồi nào mà tất cả đang náo nức trở về theo tiếng gọi của gia đình trước thềm một mùa Xuân mới. Hy vọng khi trang báo này có trong tay bạn đọc, con vi rút Delta không giở trò quái quỷ gì nữa, để Huế ngày càng được đón nhiều hơn những chuyến tàu rộn ràng tiếng nói cười du khách đến thưởng ngoạn miền núi Ngự sông Hương may mắn còn lưu giữ được những giá trị văn hoá giữa một không gian còn đủ khí trời trong lành cho tất cả mọi người…

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2022


Có thể bạn quan tâm