April 20, 2024, 7:27 am

Ngôn từ vay của chúng sinh

 

Tuyên ngôn về nghề văn như thế này thì liệu có ai dám bước vào không nhỉ: “Nhà văn giàu có chi đâu/ Gia tài ta chỉ vài câu thơ tình/ Ngôn từ vay của chúng sinh/ Nửa đời chưa một đồng chinh trả làng…”. Ơ kìa thế thì đánh đu với cái nghề này để làm gì nhỉ. Biết bao nhiêu người lăn sả vào, lao tâm khổ tứ để mưu cầu điều gì? Phải chăng là một sự uổng phí?... Không! Thần thái của bài thơ này toát lên sự sang trọng tao nhã. “Gia tài ta chỉ vài câu thơ tình”, khiêm tốn chưa và cũng kiêu hãnh chưa. Thì ra cái cao quý của nghề này chính là vậy, câu thơ ngay lập tức đã chiếm trọn trái tim người đọc. Nói ngay và luôn, được như thế này thì chỉ có trời cho mới có.  Chưa hết, hai câu cuối của bài dấy lên một sự bất ngờ và  đã đụng tới cái lõi của nghề văn: “Ngôn từ vay của chúng sinh/ Nửa đời chưa một đồng chinh trả làng...”. Một nghề đi vay và luôn luôn mang nợ với đời. Một định nghĩa thú vị về nghề văn. Thế thì hãy yên tâm đi, vì đó là một nghề thanh bạch và sang trọng .

Vậy cái định nghĩa này của ai vậy? Khi coi đó là một nghề thì chí ít người đó phải là nhà thơ chứ , mà đã được gọi là nhà thơ thì nghiễm nhiên phải là hội viên hội nhà văn Việt Nam (luật bất thành văn mà) Không! Người viết bài thơ này chưa phải hội viên hội nhà văn Việt Nam, không phải không muốn vào, đơn nộp để đấy đã hơn chục năm, sách về thơ in cũng ngót chục đầu sách, giải thưởng về thơ ở trung ương và địa phương cũng ngót chục giải. Thơ ông không những phủ khắp vùng biên ải, bay khắp trời Quảng Ninh, bay vào tận Cần Thơ, Tây Nguyên và các vùng xa xôi khác.  Ở vùng biên ải này chẳng có ai là không thuộc thơ ông, ông có mặt nơi nào thì nơi đó thơ được bùng cháy. Có lần đến dự hội nghị phụ nữ thành phố, được yêu cầu đọc thơ ông đọc luôn: “Em ngồi chéo váy chờ ai/ tóc mềm thả xuống bờ vai nõn nà/ chao ôi sắc đẹp đàn bà/ vua còn mê mẩn nữa là thần dân…”. Cười nghiêng ngả, bao nhiêu con mắt lườm nguýt cái lão thần dân ma quái. Vì thế ở vùng đất biên cương người ta gọi ông là Người thơ (để tránh húy kị). Cố thi sỹ Trịnh Thanh Sơn cũng từng gọi ông là người cời than giữ lửa. Và người viết bài này xin mượn danh xưng NGƯỜI THƠ để viết về thơ lục bát của ông.

Ông là Bùi Hữu Thiềm, sinh năm 1947, người quê xã Vạn Ninh thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh. Ông đã từng tham gia ủy viên ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, và hiện đương là chủ tịch hội văn học nghệ thuật miền đông Quảng Ninh. Phải ghi vào đây những dòng lai lịch này là một sự bất đắc dĩ. Tôi chỉ muốn tải một thông điệp rằng: Với Bùi Hữu Thiềm có phải hay không phải là hội viên Hội Nhà văn cũng chả quan trọng lắm, Thiềm vẫn là Thiềm với những câu thơ để đời, với những hành động thơ xứng tầm kẻ sĩ. Cái mà không ai có thể làm lu mờ được là dấu ấn của Thiềm ghi trên vùng biên sôi động này. Cái mà Thiềm có không ai giơ tay biểu quyết được .

Nói về mình, người thơ này bảo rằng: “Cũng hàng thập loại chúng sinh/ được giời cho chút duyên tình với thơ/ lập đàn lục bát ta thờ/ thắp hương câu chữ ơn nhờ… nhân gian!...”. Tự cho mình thuộc hàng thập loại chúng sinh đã ghê gớm đáo để,  lại lập đàn để thờ thơ lục bát thì trong cõi nhân gian này hơi hiếm. Được giời cho mới hay chứ, chữ Giời đặt quá đúng chỗ, giời chứ không phải trời nhé, vay chữ này của chúng sinh thì người thơ này cũng thuộc dạng biết vay và biết trả, và ông trả như thế này:

Hội làng thi lục bát xuân

Ơ kìa sĩ tử đều dân thợ cày .

Mà gì cứ phải thơ hay

Lệch vần mang thả vẫn bay về giời.

Trả cho hội làng bài thơ này thì đáng giá quá, bài thơ gợi nhớ một kỷ niệm khó quên. Ấy là trong một ngày hội thơ, bắt chước trung ương, Móng Cái cũng ghi câu thơ hay trên phướn đỏ thả về trời. Hàng trăm câu thơ vươn lên trời mây xanh thẳm, có một câu thơ sà sang bên kia biên giới, và một người dân nhặt được, sợ nhặt phải truyền đơn, người ấy giấu kín và tìm cách sang bên này hỏi người thơ vốn là bạn thân của nhau. Hóa ra đó là câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh, Thiềm đã dịch ra tiếng địa phương cả bài thơ của Hữu Thỉnh trong đó có câu thơ này, nghe xong bạn mới thốt lên: hay quá! hay quá. Rượu lại rót đầy, và tình nghĩa càng mặn nồng như không thể chia cách được.

Đã từng đảm trách một vị trí quan trọng ở vùng biên , nhưng dân coi ông là bạn, họ nói về ông như thế này: Quan này là quan của dân/ quan này cũng ở trong quần chúng em… Nghỉ hưu ngót chục năm, có lần người thơ đang ngồi trên chiếc xe máy cà tàng, đúng chỗ mấy em đang vá đường thì xe chết máy. Mấy em la lên “chúng mày ơi người trong quần chúng em này”. Những cái đấm lưng nhau thùm thụp, những nụ cười giòn tan, người thơ có luôn lời tán: “Đường đời lắm bụi bặm bay (đang sửa đường mà) / tránh xa em rẽ lối này cùng anh/ trở về với một miền xanh/ một miền yên ả giời dành cho ta…”. Chả biết có ai rẽ lối không, nhưng trái tim ối người thổn thức.

Có lần người thơ đi lễ chùa, thấy người thơ đến, tăng ni phật tử hồ hởi đón tiếp và yêu cầu đọc thơ. Một chút lúng túng, người thơ bèn hạ giọng nhẩn nha: “lòng thành sắm lễ lên chùa/ oản xôi ngũ quả… xếp vừa đầy mâm/ cúi xin đức phật từ tâm/ đã ban con lộc đừng nhầm cho a…”. Mô phật! mô phật! Những tiếng mô phật vang lên chứng nhận lòng thành của thí chủ. Được hỏi về cảnh chùa thế nào, người thơ bảo rằng: “một chiều cuối tháng giêng hai/ lên chùa cầu lộc cầu tài cầu may/ trớ trêu gặp kẻ ăn mày/ họ không xin phật, chìa tay xin mình…”. Hóm hỉnh và thoải mái.

Một lần đến thăm bạn nghèo, đắng lòng người thơ viết:

Lương hưu tháng triệu rưỡi đồng

Buộc lòng tùng tiệm sống chung với nghèo

Thay trà chén nước trong veo

Nhấc lên tưởng rượu lại nheo mắt cười .

Tôi phải bái phục người thơ khi đọc 2 câu cuối, chữ nghĩa gì mà như muối xát vào long. Không bằng lục bát làm sao tải được tâm trạng này, không có lục bát làm sao vợi được nỗi đau này, vậy thì tôn thờ lục bát là phải lắm chứ…

Hồi đương nhiệm, ông được phân công việc đối ngoại, nghĩa là phải có mặt ngay và tức thì ở những nơi phát sinh ra việc. Một lần dân báo rằng phía bên kia họ đang chuẩn bị đổ đá ngăn dòng chảy của sông cho thúc về phía bên ta nhằm khoét sâu vào bờ. Người thơ có mặt liền, vẫn nụ cười rổn rảng, vẫn cái bắt tay chặt và đầy thiện ý, ông giải thích đại ý rằng: các ông ơi, nếu dòng chảy thúc sang bên tôi, khi trở lại nó lại thúc ngược sang bên ông, sâu hơn và xa hơn, chạy theo đến bao giờ, ai lại vác đá ngăn quy luật của dòng chảy… Đoạn cười phớ lớ, ông đọc luôn bài thơ của ông do tự ông dịch, bài thơ có tựa đề Chênh chao:

Em đừng đắm đuối ca dao

Bùa mê người thả vướng vào lại say

Chênh chao một chút bên này

Bên kia đã một đò đầy ngả nghiêng .

Cái lý không nằm ở kẻ mạnh, mà cái tình đã thức tỉnh cái đúng, người chỉ huy bên đó ngẩn tò te rồi thốt lên: Hấn hảo! hấn hảo!...  Đêm đó rượu ngon nhất được bày ra, ai không say không phải bạn của nhau, say rượu hay say thơ đây nhỉ, phải là người trong cuộc mới trả lời được câu hỏi này. Và cũng chỉ có thơ mới trả lời được câu hỏi này.  

Cũng đêm đó ông đọc cho những người bạn bên kia đường biên  bài thơ sau:  “Sông muốn thấp núi đòi cao/ Giời đem đối lập nhập vào thế gian (câu này ghê gớm quá –nv-) /Tình cờ một sớm sương tan/ Núi nghiêng soi bóng sông làm mặt gương.

Bài thơ đọng vào sự trong trẻo của mỗi con người, nó trỗi dậy tính thiện và xua đi những toan tính hẹp hòi. Hai bài thơ này hay thì rõ, nhưng sử dụng trong trường hợp này thì không thể chê vào đâu được.

Đã từng có những câu chuyện như thế trên biên ải. Lạ một điều bên kia đường biên có nhân viên đang thi hành công vụ tầm cỡ quốc tế của nước láng giềng thuộc thơ của Thiềm vanh vách, cũng có những đôi mắt lúng liếng với thơ Thiềm, và cả những trái tim tan chảy.  Thôi! tạm gác lại những câu chuyện đại loại như thế này để trở lại với thơ Thiềm.

 Với chữ GIỜI của người thơ được dùng nhiều dịp khác nhau trong mỗi bài và tải những dung lượng khác nhau có thể phát hiện ra nhiều điều thú vị .

Chẳng hạn như bài CHỢT THƯA :

Em về Võng Thị lâu chưa      

Chiều quê Móng Cái chơt thưa bóng người

Mưu sinh cuộc sống giời ơi

Tình chia ngả, nước xẻ đôi ba dòng .

Cứ tưởng là một bài thơ tình khi xa cách. Hóa ra tiếng kêu giời cho một số phận, mấu chốt là ở chữ GIỜI ƠI này, dùng chừ kiểu này thì giời ơi thánh thật.

Hoặc bài LẦN TRONG MÀU ÁO

Lần trong màu áo nâu sồng

Em ơi sao lại bỏ chồng đi tu

Cuộc đời nửa thực nửa hư     

Chao ôi thân phận cứ như… giời đùa.

Rõ ràng chữ giời trong hoàn cảnh này lại là sự thông cảm và chia sẻ.

Còn đây là bài NGỠ MÂY

Trớ trêu sao cái sự đời

Đã lên tận đỉnh mà giời vẫn cao

Tưởng rằng đẹp giấc chiêm bao                       

Tỉnh ra, ờ… khói thuốc lào… ngỡ mây .

Ơn giời, cái cơn say thuốc lào thật thú vị.

Đến đây đã rõ, gia tài của ông đâu chỉ mấy câu thơ tình, mà nhiều thứ khác nữa, nhân sinh, thế sự , trầm luân bể khổ, cảm thông chia sẻ, thơ mà lại là lục bát thì không thể không có những dung lượng này.

Tôi có bệnh mất ngủ. Thiềm biết điều này, bao thuốc hay gửi về cho bạn cũng không cứu vãn được, bao lang y nổi tiếng vùng biên bắt mạch, nhưng không kê nổi các vị thuốc. Ấy vậy, bằng sự mẫn tiệp, bằng con mắt hiểu đời và con tim yêu bạn, Thiềm viết gửi tôi bài thơ đã làm dịu đi rất nhiều căn bệnh mất ngủ của tôi, xin chép toàn bài: Ngủ đi đôi mắt ngủ đi/ Đừng thao thức nữa những gì xa xăm/ Vơi dần tháng cạn dần năm/ Quen đêm vạc vẫn lội nhầm bến sông/ Lẻ loi nào chỉ bồ nông/ Từng canh tiếng cuốc khô khong giữa trời/ Giàu nghèo đến thế này thôi/ Gói sao cho hết của đời mà tham/ Ngủ đi đôi mắt mơ màng/ Cái thiêm thiếp đã sắp sang thu rồi/ Lục bình tím khúc sông trôi/ Dạt theo cuối bể nhặt lời ru xưa/ Vẫn còn nắng vẫn còn  mưa/ Vẫn còn cả nỗi buồn chưa hết buồn…

 Đạt đến sự đốn ngộ, và truyền cho bạn sự đốn ngộ ấy, kỳ diệu thay .

 Bây giờ hàng ngày tôi ngồi thiền, đọc thơ Thiềm, buông bỏ, trở về sống với cõi vô thường, an nhiên tự tại. Thiềm vẫn hay nói: “Chả có gì quan trọng cả>. Ừ, mà chả có gì quan trọng thât.

Thôi đã đủ để nói về Bùi Hữu Thiềm, xin trích lại sự trao đổi của hai người bạn về thơ để kết thúc bài viết này

Thiềm:

Em đâu có chữ hả thày .

Chung quy của thế gian này mà thôi

Chẳng qua vay tạm ở đời

Viết câu lục bát học người làm thơ .

           

Tuấn:

Vay như thế đáng mặt vay

Đời sau nhận lại chữ này mà kinh

Đành rằng chữ của chúng sinh

Người phù phép hiện nguyên hình thần ngôn .

 

                        Nguồn Văn nghệ số 34/2018

 

  

              

                

   

 

  

    


Có thể bạn quan tâm