April 19, 2024, 3:01 pm

Ngọn sóng khơi xa

 

Tôi vừa có chuyến công tác đặc biệt theo tàu Trường Sa 571 của Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, đi thay/ thu quân và chúc tết cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa. Hành trình từ cảng Cam Ranh đến các tuyến đảo phía Bắc nơi có các đảo Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Thị, Đá Nam, Song Tử Tây… Khu vực được coi là “điểm nóng” nhất trên quần đảo Trường Sa…

Trên đảo Sinh Tồn

Khi con tàu Trường Sa 571 kéo ba hồi còi rời bến, người đi người ở vẫy chào nhau bịn rịn, hình ảnh đọng lại trong tôi là những hàng lính hải quân thẳng tắp giơ tay nghiêm chào tàu, chào đồng đội, là hai mẹ con thiếu phụ tiễn chồng tiễn cha ra đảo, họ cứ chạy theo ngước nhìn như thâu hết vào tim óc dáng hình người đàn ông thân yêu trên chiếc tàu khổng lồ đang chầm chậm rời đi trong chiều nắng. Tôi đã khóc cùng họ và đã hiểu phần nào sự hy sinh cao cả, lặng thầm của những người vợ, người yêu của lính biển nơi hậu phương.

 

Màu xanh trên Sinh Tồn Đông

Vượt hàng trăm hải lý, vượt qua những sóng gió dữ dội của cơn bão đầu mùa, điểm đảo đầu tiên tôi được đặt chân lên sau 3 ngày đêm lênh đênh trên biển cả mênh mông, sau những cơn say sóng vật vã tưởng chừng không gượng dậy nổi mỗi sáng mai là đảo Sinh Tồn Đông. Đêm trước đứng trên boong tàu nhìn vào đảo, không thể hình dung hết về diện mạo của một đảo nổi trên biển - nơi cán bộ chiến sỹ của ta ra đóng giữ từ ngày 15/3/1978 - một vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc hơn 40 năm qua luôn vững vàng giữa muôn trùng sóng gió và sự nhòm ngó của kẻ thù. Chúng tôi thao thức cả đêm để đợi sáng, đợi đến giờ được xuống xuồng vào đảo. Khi đoàn công tác đặt chân lên cầu cảng, hình ảnh khiến chúng tôi xúc động rưng rưng là hai hàng chiến sĩ quân phục tề chỉnh đứng chào đón, rồi ai cũng tay bắt mặt mừng như đã thân quen từ lâu lắm. Ở đảo, niềm vui, mong chờ gặp người thân, đồng đội và đồng chí đồng bào trong các đoàn từ đất liền ra thăm rất lớn. Mỗi lúc có đoàn ra, anh em hào hứng, phấn chấn và dào dạt tình cảm chia sẻ, tâm tình. Nỗi nhớ nhà của lính đảo luôn sâu thẳm như đáy đại dương…

Sinh Tồn Đông không có giếng nước ngọt nhưng vẫn trồng được cây xanh. Từ đảo đá cằn cỗi năm xưa nay cây cối dần sinh sôi nảy nở, đã xanh xanh một màu nhờ mồ hôi công sức của bao thế hệ cán bộ chiến sĩ…Trong từng không gian nhỏ được che chắn cẩn thận là hình ảnh một khu vườn giống nơi quê nhà, để mỗi chiều xong nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu anh em chiến sĩ lại ra vườn tưới nước, cơi đất, bón phân, bắt sâu, tỉa đọt cho cây cho rau. Hoạt động ấy làm mỗi người lính trẻ vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Lang thang trong nắng trưa xít mặn vị biển tôi thấy những chú chó lẽo đẽo quấn quýt đi theo lính đảo, chó ở đảo rất hiền, chúng vừa có nhiệm vụ canh giữ đảo cùng bộ đội vừa là những bạn nhỏ của lính, chúng luôn xoắn sít bên chủ nhân của mình nơi bốn bề sóng nước vây bọc, nơi mùa khô nắng cháy da người, mùa bão rát lưng mưa gió quật quã. Chợt nhớ câu thơ của Hoàng Trung Thông khi đứng giữa màu xanh của đảo: Bàn tay ta làm nên tất cả/có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

 

Đảo ngọc Nam Yết

Nam Yết - đảo nổi thứ hai tôi được đặt chân lên sau bao ngày bồng bềnh trên biển. Dù đã được thượng tá Vũ Duy Khánh - Phó chủ nhiệm phòng Chính trị Lữ đoàn 146 giới thiệu trước về hòn đảo hình bầu dục có 44 năm hình thành và phát triển này, nhưng khi đặt chân đến đảo, tôi vẫn không hết ngạc nhiên và xúc động về những nỗ lực tuyệt vời của người lính hải quân Trường Sa... Đảo như một thành phố nhỏ với những với những công trình quốc phòng và dân sinh được xây dựng vững chắc, đẹp mắt như: hệ thống tường chắn sóng, bến cập xuồng, trung tâm văn hóa, nhà ở, chùa Nam Huyên, ngọn hải đăng, hội trường, tượng đài anh hùng Trần Quốc Tuấn, với những rặng dừa xanh rì rào nhịp gió. Nam Yết được mệnh danh là đảo dừa vì hiện trên đảo có hơn 300 cây dừa đã cho trái. Giữa nắng gió rát bỏng của biển khơi ngồi dưới những tán cây râm mát mới thấy hết giá trị của tinh thần trách nhiệm, lòng yêu biển đảo, ý chí tự lực, tự cường khắc phục khó khăn của mỗi cán bộ chiến sĩ Nam Yết. Hiện nay, Nam Yết được đánh giá là đảo đẹp nhất về cảnh quan môi trường của quần đảo Trường Sa, trên nền cát nóng bỏng, trơ cằn sỏi đá san hô ngày nào, giờ đã được phủ xanh bởi những rặng dừa, bàng vuông, phong ba, tra, nhàu, mù u… Cây cùng người thi gan với gió bão, nắng mưa bám trụ kiên cường giữ biển đảo quê hương. Những “vườn hoa thanh niên”, “vườn cây thanh niên”, “hàng cây thanh niên”, “con đường thanh niên” trong khuôn viên đảo, mỗi cây xanh được trồng ở đây đều lưu giữ nhiều kỷ niệm, dấu ấn của người lính đảo và các đoàn công tác ra thăm đảo mỗi năm.

Đêm ở Nam Yết nghe chuông chùa Nam Huyên buông vọng, nghe gió rì rào trên những rặng dừa, nghe sóng xô ào ạt vào bờ kè lớp lớp, thoảng mùi nhang trầm, mùi biển, mùi lá cây hoa cỏ tôi có cảm giác mình đang ở một làng chài. Tôi không ngủ được mỗi khi nhớ lại hình ảnh đại tá Trần Minh Thuần - Lữ đoàn phó quân sự, trưởng đoàn công tác ngồi giữa nghĩa trang liệt sỹ của đảo sáng ấy, gương mặt anh dường như thêm trầm tư. Nơi đây anh từng có thời gian làm chỉ huy trưởng, nơi đây mỗi lần trở về anh có cảm giác như trở về nhà. Còn nhớ sáng hôm viếng nghĩa trang trên đảo, nắm nhang trên tay đại anh Thuần bất ngờ bốc cháy. Mắt người chỉ huy hơn 30 năm từng trải binh nghiệp lấp lánh những đốm lửa, anh lầm rầm gọi tên từng chiến sỹ của mình: Lại Huy Công, Đinh Thanh Bình, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Vũ Hoàng Phương - những chàng trai 19, 20 đã hóa thân mình vào sóng nước Trường Sa, mãi nằm lại nơi đảo xa để giữ yên biển trời quê hương.

 

Những chiếc bánh chưng mang hương vị biển

Anh là Trung tá Phạm Văn Điển - Phó chỉ huy đảo Sơn Ca, người tặng tôi cây bàng vuông, người đỏ hoe mắt khi tiễn mấy chị em tôi xuống xuồng. Khi tôi hỏi anh ở đây suốt một năm dài, làm sao để vơi bớt nỗi nhớ nhà, anh cười hiền lành: “Nhớ vô cùng nhưng phải lo tròn công việc em ạ, biến nỗi nhớ thành động lực mà công tác tốt, xa cách bây giờ để càng gần thêm khi mai này về bên nhau”.

Hôm đặt chân đến đảo, tận tay chạm vào từng bờ kè chắn sóng, tựa lưng vào gốc bàng vuông, mù u cổ thụ, ngước nhìn lá cờ Tổ quốc bạc màu tung bay trong nắng gió biển khơi trưa đỏ nắng, bao cảm xúc trong tôi dâng trào thành nước mắt. Cái cảm xúc ấy xốn xang trong tim mỗi chị em trong đoàn công tác không chỉ lúc đặt chân lên cầu cảng vào đảo mà còn nguyên vẹn thậm chí trào dâng mãnh liệt hơn lúc chia tay tạm biệt Sơn Ca để tiếp tục hải trình. Bữa đó, bên những chiếc bàn rộng, cán bộ chiến sĩ trẻ già quây quần, tóc xanh tóc bạc cùng nhau gói những chiếc chưng bánh vuông vức để chút nữa xếp vào chiếc nồi quân dụng và thay nhau chụm lửa. Bánh chưng ở đảo, nguyên liệu để gói không khác gì ở đất liền cũng gồm: gạo nếp, thịt heo, đỗ xanh nhưng những chiếc lá để gói thì thật đặc biệt: Lá bàng vuông. Những chiếc lá bàng vuông già và to vừa độ được lựa cắt từ các tán cây đem xuống, luộc sơ cho đủ độ mềm, cắt góc vuông vức lót vào khuôn để gói lại gạo thịt đỗ. Từ lâu rồi lính đảo nghĩ ra cách lấy lá bàng vuông thay lá dong, lá chuối gói bánh chưng khi Tết đến mỗi khi lá dong, lá chuối từ đất liền gửi ra không đủ, không kịp. Ở những đảo có dừa như Nam Yết, Sơn Ca, lính đảo trang trí chiếc bánh thêm bằng những chiếc lá dừa đan cài hình ô vuông xinh xắn. Trong lúc cùng nhau trông nồi bánh chưng, binh nhất Nguyễn Huỳnh Công Tước (TP.Hồ Chí Minh) hỏi tôi: Em đố chị bánh chưng gói bằng lá bàng vuông có màu gì và ăn có vị gì? Tôi im lặng. Em bảo: Bánh có màu xanh đậm như rêu và có vị chát, vị mặn của biển chị ạ!

             

Đến Trường Sa một lần thấy khác

Ai đã đến những đảo chìm Trường Sa sẽ rất khâm phục lòng quả cảm, sự hy sinh lớn lao của lính hải quân. Trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn được ghé hai đảo chìm là Đá Thị, Đá Nam. Hôm vào Đá Thị, gặp khi sóng lớn, xuồng vào đảo vô cùng khó khăn, thủy thủ Lê Mạnh Lương tàu 571 phải gồng mình điều khiển xuồng lách sóng, tránh những đoạn nước cạn lởm chởm đá mồ côi, san hô bên dưới để đưa đoàn vào đảo an toàn. Giữa nắng gió lồng lộng biển khơi, chúng tôi ngồi bên nhau tâm tình bao chuyện vui buồn, các em phóng viên trẻ xuống bếp nấu nướng cùng anh em chiến sĩ, bữa trưa giản dị, đầy tràn tình yêu mến nhau trong một căn phòng khang trang của nhà văn hóa đa năng – một công trình do thành ủy Hà Nội xây tặng vừa hoàn thành năm 2018… Tôi nhớ mãi hình ảnh chia tay nhau trên cầu cảng, xuồng đã rời cảng mà anh em trên đảo cứ vươn người giơ tay vẫy mãi, có người còn nhảy với lên để chào tạm biệt. Chị em tôi giấu mặt vào những khăn trùm che nắng để mặc nước mắt tuôn rơi, ngấm vào môi mặn đặm, bao cảm xúc cứ dồn đến dào dạt trong tim. Ở đây, tôi đã viết được những câu thơ: Đến Trường Sa một lần thấy khác/ quên hết nhỏ nhen, đố kị, tầm thường...

 

Như gặp một thành phố giữa đại dương

Song Tử Tây là đảo cuối cùng trong hải trình, chúng tôi được ở lại đảo một chiều, một đêm. Đảo như một khu rừng nhỏ mọc lên giữa đại dương. Đảo có nhiều giếng nước lợ nên có thể dùng tắm giặt và tưới cây. Môi trường sinh thái ở đây khá thuận lợi cho nên đảo nuôi được bò, lợn, gà, trồng được rau xanh các loại tươi tốt bốn mùa. Hình như, biển cả đã bao dung, ưu ái tặng cho con người nơi đây vị ngọt ngào, chân chất của đất liền, để bù lại những con sóng mạnh dội vào không ngớt bốn mùa. Cách đây 44 năm, vào 4 giờ 20 ngày 14/4/1975 phút, các chiến sỹ đội 1 đặc công Hải quân đã kéo lên lá cờ giải phóng tung bay trên đảo, báo hiệu ta làm chủ hoàn toàn trận đanh giải phóng quần đảo Trường Sa. 44 năm qua sau ngày giải phóng, Song Tử Tây đã thay đổi nhiều. Ngọn hải đăng sừng sững vươn cao 36m đêm đêm thắp sáng dẫn đường cho những con tàu vượt qua vùng biển đầy đá ngầm, bãi cạn và sóng gió. Trạm khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ ngày đêm cung cấp những số liệu về đất liền để các bản tin dự báo thời tiết có thể kịp thời dự báo chính xác. Âu tàu Song Tử Tây có khả năng chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn là bến đậu an toàn cho ngư dân các tỉnh duyên hải khai thác hải sản. Hiện đảo đã có trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa, cung dầu, nước ngọt cho tàu cá của ngư dân với giá bán bằng giá trong đất liền. Từ năm 2010, hệ thống năng lượng gió và năng lượng mặt trời được đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo. Theo năm tháng nhiều công trình đã được xây dựng trên đảo như: nhà văn hóa, khu tưởng niệm Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa, trụ sở UBND xã, trường tiểu học, nhà ở của nhân dân; bệnh xá, khu làng chài… Tôi ấn tượng mãi về những đứa trẻ ở Song Tử Tây, nhớ thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, vợ chồng Ngô Thành Được và Nguyễn Thị Lan cùng hai cậu con trai kháu khỉnh, thông minh ở làng chài trên đảo. Tôi nhớ cậu bé Thiên Lân “thần đồng” mới 5 tuổi nhưng đã được thầy Phú cho vào học lớp 1 cùng các anh chị vì bé quá thông minh, biết đọc, viết đẹp, thuộc lòng những bài thơ, câu chuyện do thầy giáo dạy. Bài thơ Quê em Song Tử Tây dài 5 khổ của thầy Phú, bé Lân đọc hồn nhiên truyền cảm... Những đứa trẻ trong sáng và mạnh mẽ, không biết đến những tiện nghi thành thị, những thiết bị hiện đại thời công nghệ 4.0. Đồ chơi chỉ là những viên đá, vỏ ốc, mảnh san hô, lá bàng vuông, cát biển và những cua cá cha mẹ chài lưới mang về… Chúng lớn lên vô tư, yêu quý tự hào mãnh liệt về nơi chúng đang sống, trong sự chở che, đùm bọc của cha mẹ, thầy giáo và các chiến sĩ trên đảo... Và còn có bao đứa trẻ nơi đất liền được hoài thai từ những chuyện tình vượt đại dương tôi được nghe kể, những đứa bé mang tên Sơn Ca, Trường Sa, An Bang, Tiên Nữ… Ấy là những tương lai của đảo ngày mai

*

Chúng tôi rời đảo về đất liền đem theo nỗi thương nhớ Trường Sa chập chờn trong từng giấc ngủ, với bao khuôn mặt thân thương nhòa trong màu hoa muống biển tím rưng rưng giữa trời nước xanh biếc, những cái xiết tay thật chặt, những choàng ôm thắm thiết rồi vội vàng quay đi giấu giọt nước mắt lưu luyến mỗi khi chia tay nhau nơi cầu cảng… những bàn tay cứ giơ lên vẫy mãi, những ánh mắt căng lên hướng về nhau như muốn thâu lại trọn vẹn những dáng vóc mới gặp mà đã như hóa thân quen….

 

Nguồn Văn nghệ số 11/2019

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm