April 24, 2024, 9:41 pm

“Ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ điện ảnh nhất…”

Cùng một thời điểm, có hai sự kiện diễn ra. Một sự kiện lớn gây chấn động ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, là giải Oscar lần thứ 94, và sự kiện kia là một triển lãm nhỏ của 10 nghệ sĩ tự kỷ “Trạm Chạm” tại Hà Nội, Việt Nam. Có điều gì liên quan giữa hai sự kiện này? Không có sự phân biệt, không có sự so sánh, chỉ là câu chuyện của những nghệ sĩ khuyết tật, những người thuộc “số ít” và thường sở hữu những tài năng, đặc biệt ở lĩnh vực nghệ thuật.

Trước khi giải Phim hay nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể hay nhất của Oscar lần thứ 94 được trao cho Coda, bộ phim kể về một gia đình khiếm thính tại Mỹ và ước mơ theo đuổi nghệ thuật của họ, thì ở Hà Nội, Việt Nam, triển lãm “Trạm Chạm”  được ví như một trạm kết nối của 10 nghệ sĩ đặc biệt, thực hiện bởi Doanh nghiệp xã hội Tòhe cùng với Able Art Nhật Bản, được tài trợ bởi Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam - nơi mà khán giả có thể chạm tới những rung động, đến ngôn ngữ nghệ thuật đa giác quan, thông qua việc tương tác với tác phẩm, tương tác với nghệ sĩ, cũng như với chính họ. Đây là cơ hội để khán giả đến gần hơn với thế giới quan độc đáo của những nghệ sĩ tự kỷ và khuyết tật - những người khó thể hiện bản thân và mong muốn của mình trong cuộc sống thường ngày.

Trong khi “Trạm Chạm” đã và đang diễn ra, thì câu chuyện điện ảnh về một gia đình khiếm thính do chính những nghệ sĩ khiếm thính đảm nhiệm vai chính đã được vinh quang tại giải Oscar. Bộ phim xuất sắc vượt qua những tác phẩm điện ảnh lớn nhất đến từ nhiều quốc gia trong vài năm trở lại đây, bao gồm những tác phẩm đề cao tính nghệ thuật, ít tính nghệ thuật hơn, hoặc kết hợp giữa nghệ thuật và giải trí. Và đây cũng là năm đầu tiên Oscar trao giải Phim hay nhất cho một bộ phim được phát trực tuyến thay vì ở các rạp chiếu như trước đây. Coda khiến người ta ngỡ ngàng và đặt câu hỏi: Phải chăng Oscar không còn quá chú trọng đến nghệ thuật mà đề cao những bộ phim truyền thông điệp tích cực về cuộc sống?

Tại Oscar năm nay, Troy Kotsur làm nên lịch sử khi trở thành nam diễn viên khiếm thính đầu tiên thắng giải Oscar cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Và ông đã có một bài phát biểu chân thành và gây xúc động, tất nhiên, bằng ngôn ngữ khiếm thính. Sự kiện này, ngay sau đó đã tạo một làn sóng phản hồi tích cực trong cộng đồng yêu nghệ thuật thế giới. Một câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu chiến thắng của Coda, cánh cửa Oscar có mở ra cho các nhà làm phim khuyết tật?

Justin Edgar, một đạo diễn người Anh đã viết: “Chiến thắng của Coda là thời điểm quan trọng trong mối quan hệ đôi khi có vấn đề giữa nghệ sĩ khuyết tật và điện ảnh. Đây là cơ hội để những người khuyết tật thưởng thức ánh đèn sân khấu mà những nghệ sĩ khuyết tật đã có trong mùa giải thưởng này. Dan Edge đã nói rằng “thành công của Coda và chiến thắng của Kotsur đã ném một quả bom vào sự khôn ngoan trong ngành mà các diễn viên khuyết tật không có khả năng chi trả. Đó là một thời khắc quan trọng đối với những tài năng khuyết tật và tôi cảm thấy rằng chúng ta sẽ không chờ đợi 35 năm nữa để một diễn viên khuyết tật giành được giải thưởng lớn, giống như chúng ta đã từng kể từ khi Marlee Matlin nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất vào năm 1987”. Thực tế là các đạo diễn khuyết tật không có được cơ hội mà họ nên có, và việc trở thành một đạo diễn khuyết tật dường như vẫn là một công việc khó trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình.

Điều này không có nghĩa là không tôn trọng Sian Heder, đạo diễn của Coda, người đã làm rất tốt công việc biến bộ phim trở thành tác phẩm đoạt giải Oscar được khán giả yêu mến. Nhưng nó sẽ thực sự đột phá nếu một đạo diễn khuyết tật - một người có kinh nghiệm về sự khác biệt và biết thế nào là khuyết tật - có thể giành giải Oscar cho phim hay nhất. Hy vọng rằng ngành công nghiệp điện ảnh rút ra được từ Coda là: khuyết tật có thể bán được và điều đó sẽ mở ra một vài cánh cửa cho những tài năng mới nổi. Nếu chỉ có ba phụ nữ từng đoạt giải Oscar đạo diễn, thì khi nào thì đạo diễn khuyết tật đầu tiên sẽ được trao một giải?

Sian Heder, nữ nhà văn, và là biên kịch, đạo diễn của Coda hy vọng thành công của bộ phim không có nghĩa là đại diện cho người khiếm thính. Nữ đạo diễn cho biết: Được nhìn thấy Troy Kotsur sở hữu thảm đỏ như một ngôi sao điện ảnh là một cảm giác tuyệt vời nhất trên thế giới.

Được biết, Sian Heder đã viết Coda và sau đó dịch phần hội thoại sang ngôn ngữ ký hiệu Mỹ: “Ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ đẹp nhất trên thế giới. Bạn sử dụng toàn bộ cơ thể của bạn; bạn phải sử dụng khuôn mặt và không gian xung quanh bạn và bạn phải có cảm xúc kết nối với những gì bạn đang nói khi bạn nói ra. Trải qua quá trình khám phá cách kể câu chuyện này bằng ngôn ngữ đó, sau đó thu hút các diễn viên của tôi tham gia và khiến họ biến nó thành hiện thực theo một cách hoàn toàn khác. Tôi không phải là một phần của văn hóa khiếm thính. Tôi là một người ngoài cuộc với nó. Nhưng tôi cảm thấy như tôi đã nếm thử nó.”

avclub.com, khi thực hiện cuộc phỏng vấn với nữ đạo diễn Sian Heder đã bình luận: “Đó là một điểm tuyệt vời khi ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ điện ảnh nhất. Thật là hoang đường khi Marlee Matlin là diễn viên khiếm thính duy nhất trong lịch sử nhận được sự quan tâm của các giải thưởng lớn, vì đó là một công cụ biểu đạt cho các diễn viên.”

Sian Heder cũng chia sẻ: “Troy Kotsur là một diễn viên xuất sắc. Anh ta có thể đã cống hiến cả đời và không bao giờ được nhìn thấy hoặc nhận ra vì không có phần nào được viết cho anh ta. (Giải thưởng Oscar cũng sẽ làm thay đổi sự nghiệp của Troy, người đã có hơn 25 năm vật lộn với tư cách là một diễn viên nhưng chưa được công nhận do cơ hội quá ít cho những diễn viên khiếm thính). Có vô số tài năng trong cộng đồng người khiếm thính. Họ chủ yếu làm việc trong nhà hát, như Nhà hát Deaf West, nơi đã ươm mầm tài năng. Nhưng chưa thực sự có cơ hội để lấn sân sang lĩnh vực truyền hình và điện ảnh. Tôi nghĩ rằng khán giả khao khát được xem những câu chuyện mà chúng tôi chưa từng xem trước đây. Và cộng đồng người khiếm thính, cộng đồng người khuyết tật đã bị bỏ qua quá lâu, ngay cả trong các cuộc trò chuyện hòa nhập mà chúng tôi đang gặp phải. Vì vậy, tôi nghĩ việc khai thác không chỉ các diễn viên khiếm thính, mà còn cả các nhà văn khiếm thính, đạo diễn khiếm thính, người dẫn chương trình, người kể chuyện, tạo đường dẫn vào Hollywood, cách tạo không gian dễ tiếp cận cho những nghệ sĩ này cộng tác, đều rất quan trọng. Và tôi hy vọng Coda là tảng đá bắt đầu, hoặc một trong những tảng đá bắt đầu của một trận lở tuyết…”

“Tôi hy vọng rằng cánh cửa hiện đang mở và rất nhiều nghệ sĩ khác có thể bước qua nó” – Nữ đạo diễn vừa chiến thắng giải Oscar lần thứ 94 cho biết. Và Troy Kotsur, người giành giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cũng hy vọng sự nghiệp của mình và những diễn viên khiếm thính, hay cộng đồng những người khiếm thính sẽ được quan tâm hơn.

Và đây là câu trả lời cho tất cả những gì người ta muốn biết: Hãy hy vọng.

Nguồn Văn nghệ số 15/2022


Có thể bạn quan tâm