March 28, 2024, 7:13 pm

Ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong sự bình đẳng và đa dạng của văn hóa Việt Nam

Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho biết, dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ 85,3%. Tỷ lệ 14,7%  được chia cho 53 dân tộc ít người còn lại. Sự giao lưu văn hóa, thông thương đã giúp các dân tộc thiểu số đạt được những tiến bộ đáng khích lệ, song cũng vì thế mà văn hóa truyền thống của dân tộc này bị tác động đáng kể, nhất là ngôn ngữ thiểu số đang dần mai một và một số dân tộc đã bị thất truyền. Sự “cáo chung” của các ngôn ngữ thiểu số đặt ra yêu cầu cấp thiết bởi đó chính là những di sản phi vật thể quý giá cần được bảo tồn khẩn cấp.

Trong hàng chục năm qua, câu chuyện về sự biến mất của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số đã trở thành vấn đề chung của thế giới, được các nhà nghiên cứu lên tiếng cảnh báo. Nhiều vùng lãnh thổ khi sáp nhập vào các nước lớn đã chỉ sử dụng ngôn ngữ phổ thông của quốc gia đó, dẫn đến việc thúc đẩy nhanh hơn sự biến mất của các ngôn ngữ đại diện cho vùng miền hay dân tộc. Nhà ngôn ngữ học Claude Hagéne ước tính là mỗi năm trên thế giới có khoảng 25 ngôn ngữ bị chôn theo cùng với sự qua đời của người sử dụng cuối cùng ngôn ngữ ấy. Ông cũng khẳng định, khi một ngôn ngữ biến mất, thế giới sẽ mất đi một phương pháp tư duy, một cách nhìn nhận thế giới quanh ta.

Cũng với những nguyên nhân tương tự, tại nước ta, nhiều dân tộc không còn chữ viết riêng, tiếng nói riêng… Nguyên nhân là do những dân tộc này còn có địa bàn phân bố cư trú tại các vùng biên giới, hải đảo vốn đã rất khắc nghiệt và nhiều khó khăn khiến đời sống của họ phải chịu những thiệt thòi đáng kể, không có điều  kiện văn bản hóa ngôn ngữ của dân tộc mình. Mặt khác, bản thân những người của dân tộc ấy muốn giao thương, làm ăn buôn bán với dân tộc khác thì phải học tiếng phổ thông hoặc biết tiếng của cộng đồng đông người hơn, phát triển hơn. Nhất là với những người đã và đang sống hòa nhập cùng người Kinh thì việc hòa nhập nhanh chóng với ngôn ngữ chung còn là cách nhanh nhất để đẩy lùi lạc hậu, tiệm cận với các giá trị mới. Điều đó đần trở thành thói quen và ngày càng ít người dùng tiếng của dân tộc mình để trao đổi trong sinh hoạt thường ngày dẫn đến ngôn ngữ ấy bị cô lập, không cần thiết với những cộng đồng xung quanh. Những người dân tộc thiểu số đang ở độ tuổi thành niên hiện nay có thể nói và viết thông thạo ngôn ngữ của dân tộc mình cũng chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn.

Không chỉ diễn ra với những dân tộc thiểu số ít người, nhiều cộng đồng lớn mạnh, có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng như Ba Na, Ê đê, Gia rai, Xơ đăng… cũng đã và đang đối mặt với nguy cơ này. Trong quá trình công tác tại Tây Nguyên, được gặp các nhà nghiên cứu, nghệ nhân tham gia dịch sử thi Tây Nguyên mới thấy được sự thiếu vắng của những người có thể hiểu được ngôn ngữ cổ trong các Khan, Hơ mon được các nghệ nhân truyền khẩu lại. Còn đội ngũ kế cận thì hoàn toàn trống vắng. Các dân tộc Tày, Nùng còn bảo tồn được ngôn ngữ giao tiếp song đã không còn duy trì chữ viết riêng của mình là Nôm Tày, Nôm Nùng. Phần lớn người Tày, Nùng không biết đọc, biết viết ngôn ngữ của dân tộc, chỉ còn một phần nhỏ trong hệ thống sách cúng, sách Then, sách của thầy cúng và một số người hành nghề thầy cúng.

Một số dân tộc khác như người Lô Lô, Clao, Pu Péo, Pà Thẻn… thì hoàn toàn không có chữ viết, chỉ có một số gia đình còn giữ lại được một vài mảnh có ghi lại loại chữ đó mà ít ai đọc được. Thiết nghĩ đã đến lúc các nhà ngôn ngữ Việt Nam phải thống kê xem có bao nhiêu ngôn ngữ dân tộc thiểu số đang suy vong và tìm ra một phương pháp để bảo tồn hữu hiệu, sinh động trực quan hơn là chỉ đơn giản ghi chép, thu âm rồi bảo quản cẩn thận trong các kho lưu trữ.

*

Thực tiễn lịch sử cho thấy, trải ngàn năm Bắc thuộc, các dân tộc Việt Nam đều phải gồng mình chống đồng hóa. Chỉ có một bộ phận nhỏ trí thức và quan lại ở kinh kỳ, phố thị mới học nói tiếng Hán, viết chữ Hán. Các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Tày, Nùng… đã nỗ lực rất lớn trong việc bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc mình cũng như ngôn ngữ, bản sắc của nước Nam. Người Việt cũng đã rất khôn ngoan khi tiếp thu chọn lọc những tinh hoa văn hóa của người Hoa Hạ với một số lượng lớn từ Hán - Việt được tiếp thu và Việt hóa về ý nghĩa cũng như âm vận, làm giàu thêm ngôn ngữ dân tộc.

Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam là khu vực nhạy cảm và được các quan toàn quyền Đông Dương hết sức lưu tâm. Ngay từ đầu thế kỷ 19, Pháp đã bắt đầu cho người đi nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa nơi đây để tìm cách bình định và lôi kéo các dân tộc thiểu số. Nhiều linh mục, nhà văn hóa, sĩ quan quân đội Pháp được cử đến khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên để truyền giáo và ghi chép tiếng nói và phong tục thờ cúng tín ngưỡng của những vùng này song mục đích truyền giáo ít nhiều không đạt hiệu quả như mong đợi. Điều đó cho thấy, những bản sắc dân tộc mạnh mẽ của vùng dân tộc phía Bắc hay Tây Nguyên đã cản trở Pháp thực hiện mưu đồ đồng hóa các dân tộc ở đây. Chính sự phong phú bản sắc dân tộc đã góp phần giành độc lập bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kết nối các dân tộc thiểu số cũng như đa số cùng đứng lên giành lại độc lập tự do.

Thay vào đó, họ đã ghi chép, văn bản hóa được nhiều tài liệu ngôn ngữ có giá trị về một số dân tộc ít người trên địa bàn mà họ tiếp xúc. Các tài liệu nghiên cứu rất giá trị đó hiện lưu giữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp và có những ảnh hưởng quan trọng đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam hiện nay. Nhiều giả thuyết được đặt ra là, ngôn ngữ dân tộc ít với lối diễn đạt trong sáng, biết đâu đó chính là cội nguồn xa xưa của ông cha chúng ta. Biết đâu, cùng với quá trình các bộ tộc xưa lưu lạc khai khẩn mở mang bờ cõi, ngôn ngữ phát triển dần và du nhập thêm cái mới, còn các nhóm ở lại đất cũ, ít giáo tiếp với các nền văn hóa khác nên vẫn giữ được cái cổ xưa. Bảo tồn tiếng nói không những là bảo tồn văn hóa, sắc thái đa phong phú của một đất nước, do nhiều bộ lạc hợp lại, đồng thời bảo tồn được ngôn ngữ cổ của ông cha. Đó cũng là một vũ khí để chứng minh nguồn gốc dân tộc và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

*

Trao đổi về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Viên trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, vấn đề bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Điều 5, chương I Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi rõ: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Ông đồng thời kiến nghị nên có “Ngày ngôn ngữ Việt Nam” để tôn vinh tiếng Việt và ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc anh em.

PGS.TS Tạ Văn Thông (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cũng nhận định: “Xu hướng hội nhập quốc tế làm tăng nguy cơ suy giảm các ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, ngôn ngữ không chỉ là một phần của của văn hóa mà còn là phương tiện để thống nhất ý chí và củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc. Không những vậy, việc bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số còn thể hiện vị thế bình đẳng giữa các dân tộc, thể hiện sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam.”.

Chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã hết sức chú trọng đến việc bảo tồn và giữ gìn tiếng nói các dân tộc với các dự án khảo sát và xây dựng các chiến lược lâu dài cho vấn đề này. Tuy nhiên, việc bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số là cần tới sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng động xã hội. Trong đó đặc biệt kể đến ý thức, thái độ chủ động của các dân tộc thiểu số. Chính họ phải giữ vai trò chủ thể trong việc nâng cao vị thế của chính dân tộc mình. Có như vậy mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước mới có cơ hội phát huy rộng rãi và có hiệu quả cao.

Một trong những giải pháp được thực hiện khá hiệu quả hiện nay là tổ chức học song đồng ngôn ngữ Kinh và ngôn ngữ dân tộc ít người. Nhiều ngôn ngữ đã được đầu tư xây dựng chữ viết, xây dựng các bộ từ điển, các bộ giáo trình học tiếng; nhiều trường học dạy song song chữ dân tộc và chữ Quốc ngữ, học sinh theo học các trường này được hỗ trợ học bổng. Các công chức nhà nước, sỹ quan thuộc lực lượng vũ trang công tác tại vùng dân tộc thiểu số được khuyến khích học tiếng dân tộc thiểu số như một sinh ngữ căn bản. Các Đài truyền hình, phát thanh trung ương và địa phương đều có kênh, chương trình phát sóng chuyên biệt sử dụng tiếng dân tộc như Khmer, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Chăm, Mông, Thái, Xê Đăng, Tày, Hà Nhì, Hrê, Cà Tu...

Bên cạnh đó, các phong tục truyền thống mang đậm văn hóa dân tộc cũng được đề cao cùng với sự phục hồi các sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng, văn hóa, thể thao… Các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới được dịch song ngữ sang một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số và được in ấn nhằm mục đích truyền bá văn hóa bản địa và đồng thời các từ điển đối chiếu song ngữ. Điều đó đã từng bước nâng cao trình độ ngôn ngữ mẹ đẻ cho đồng bào các dân tộc và nhận thức của bà con trong việc bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những hoạt động kể trên bước đầu đã mang lại điều kiện tồn tại cho một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số, từng bước đào tạo và  ứng dụng ngôn ngữ ấy trong đời sống thường ngày của đồng bào, đem lại sức sống nội tại cho tiếng nói và chữ viết.

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó có dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số mà ngôn ngữ cũng là một mục tiêu quan trọng. Làm được điều đó, nghĩa là chúng ta đã và đang bảo vệ một tài nguyên quý giá, khai thác một bảo tàng sống, một nguồn du lịch đặc sắc để phát triển kinh tế, xã hội và khẳng định chủ quyền của đất nước.

Nhà thơ Phạm Vân Anh

Nguồn Văn nghệ số 50/2022

 

Có thể bạn quan tâm