April 20, 2024, 4:17 am

Ngôn ngữ của ánh sáng

 

Trong một lần về Thanh, người bạn làm đại diện báo Thanh niên giới thiệu ông với tôi - Ông là nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Đàm!
Trong lúc trà dư tửu hậu, nói biết là để biết thế thôi, chứ ông về tuổi tác thuộc hàng bề trên tôi “cả sải”. Ông say mê nghề ảnh, tôi mải nghiệp văn chương, hai số phận đã được sắp đặt rành rẽ, riêng biệt, như hai cánh lục bình lãng du, xuôi ngược, lênh đênh theo con nước đời người. Bằng chứng là tôi có số điện thoại của ông, cũng thường hay về Thanh Hóa đàn đúm bạn bè, thế mà cả chục năm rồi còn gì!

Tôi đọc ông qua bài viết của nhà văn Thy Lan: “Những khoảng khắc trong “HỒN ĐẤT-TÌNH NGƯỜI” của Trần Đàm”. Tính tò mò kích thích tôi hình dung qua lời bình từng tấm hình ông chụp, vượt qua trí tưởng tượng tìm về thế giới bản ngã riêng ông một người chưa thân nhưng không lạ.

Trở ngại của hình dung là sự bay bổng. Tôi quyết định phải “tìm cớ” gặp lại ông, đặng mục sở thị hiện thực có phải thế hay hơn thế về một con người ảnh và tìm kiếm sự thoát ly cảm xúc của những lời bình. Ông vẫn trẻ trung, nhanh nhẹn, pha chút hài hước như ngày đầu tôi gặp. Không chút hoa mỹ, xa cách, không giới hạn tuổi tác. Ông cẩn thận trong ăn uống nhưng khá cởi mở, thoải mái trong giao tiếp thành thử câu chuyện cứ cuốn tôi đi như “bè mảng cá lồng Nghi Sơn” của ông vậy.

 NÉT ĐẸP XỨ THANH có lẽ là một tuyển tập sách ảnh chọn lọc về một đời ảnh của một con người như ông. Cứ rảnh rỗi là tôi lại lật mở, lặng ngắm, buông mình chìm vào thứ ánh sáng mà ông “chộp” được bằng những xúc cảm dâng trào. Rồi ông mời tôi xem cuộc triển lãm ảnh của ông về làng nghề do Hội văn học nghệ thuật Thanh Hóa phối hợp với Sở Công thương và Hội làng nghề tổ chức, chủ động tạo sự thoải mái gần gũi cho tôi thoát bỏ những rào cản vô hình.

Ngôn ngữ của nhiếp ảnh là ánh sáng. Thứ ánh sáng mà mỗi bức ảnh Trần Đàm cố gắng mang đến cho người xem là sự sống động của một không gian tươi tắn; một chút chênh vênh, nôn nao cận kề của sự bay bổng. Ông xoay xở ở từng mỗi góc chụp, kích thích tương phản, kiên nhẫn lắng lọc, cố gắng phát lộ nét quyến rũ kỳ bí, thầm kín của ánh sáng mà không nhất thiết phải chiếu rọi, sắp đặt - Được nắng; Nụ cười biển cả,… là những ví dụ về sự cố gắng theo chiều hướng đó. Nếu ở bức Được nắng người xem tận hưởng sự biến hóa khôn lường của thứ ánh sáng huyền hoặc đặng mở rộng hồn mình thì Nụ cười biển cả lại là sự hào sảng, mênh mông, một thế giới ảo mờ tít tắp… thiên nhiên, con người như nhập lại để lộ khí sắc vời vợi, tan chảy, rồi từ từ chìm dần trong sự cả tin của biển trời.

Ảnh của Trần Đàm chân thật, ấm áp, mang hơi thở của một góc chụp mà ở đó năng lượng ánh sáng đợi được giải phóng. Ông kiên nhẫn đón chờ hoặc bằng sự nhạy cảm mau lẹ của “một con sóc”, ống kính ông nín lặng tìm nguồn cho một cảm xúc lãng mạn tuôn chảy. Tấm Nghệ nhân xã Hoàng Đạt gợi một nét vẽ trong khoảnh khắc ánh sáng tràn qua khe hẹp mà ở đó gương mặt nghệ nhân được phát lộ với vô vàn những tối sáng tương tác một cách kỳ ảo.

Nghệ thuật của nhiếp ảnh là nghệ thuật sử dụng ánh sáng. Người nghệ sỹ nhiếp ảnh vừa như là một nghệ sỹ nuôi dạy thú xiếc, thấu hiểu được “tâm tính” của ánh sáng, vừa như một thi sỹ bay bổng trong sử dụng ngôn từ để gợi mở nâng tầm tác phẩm của mình. Chân thật, đó là điều cốt tử của của mỗi tác phẩm ảnh, nhưng không có nghĩa là 1+1=2. Một tấm ảnh đạt đến độ chân thực một cách toàn mỹ thì người nghệ sỹ cũng mới thành công được một nửa trong hành trình đi đến nghệ thuật của cái đẹp. Về điểm này, ảnh Trần Đàm còn hạn chế. Nếu ông rất thành công trong vai trò một nghệ sỹ “nuôi - dưỡng” ánh sáng, thì ông lại đuối trong vai trò một thi sỹ. Hầu hết những lời chú dẫn “quá thật” đến mức “không có lại hay hơn”, làm hỏng tính tương tác, kết nối, mất đi sự khơi gợi liên tưởng hay nói cách khác là không bắt kịp với những gì mà mỗi tấm ảnh của ông mang đến. Ví dụ: Ruộng bậc thang ở Mường lát, Phơi cá, Hoa súng bên đền thờ Lê Lai, Sợi tơ vàng để dệt lụa Hồng Đô - Thiệu Đô, Thanh Hóa… đó là những bức ảnh đẹp, huyền ảo, đầy sức gợi. Nhưng rất tiếc lời chú dẫn lại rất cục mịch, ngơ ngác (Ruộng bậc thang ở Mường lát, Phơi cá, Hoa súng bên đền thờ Lê Lai, Sợi tơ vàng để dệt lụa Hồng Đô - Thiệu Đô, Thanh Hóa - Nhìn ảnh ai chả biết) làm người xem hụt hẫng, cụt hứng, vô tình thiêu rụi cảm xúc khi thiếu đi sự liên tưởng – hành trang để đi đến tận cùng của cái đẹp.

 Đạt được mãn nhãn của người xem, đòi hỏi người cầm máy phải biết chọn góc chụp, cài đặt vật mẫu trong một tổng thể ý đồ nghệ thuật bất luận anh cần gì là ảnh thông tấn, hay ảnh có tính chất hàn lâm. Trong phần ảnh chân dung, ngoài vẻ đẹp tương tác giữa ánh sáng và vật mẫu, giữa ánh sáng và “ phản ánh sáng” Trần Đàm đã đưa người xem đi xa hơn chạm đến được với “sự khác thường”, đó là giá trị của Chân - Thiện - Mỹ. Các tấm ảnh:  Thời gian, Thiên thần của mẹ, Dấu xưa, Rồng xanh trên đồng cói,…gợi mở theo chiều hướng đó.

Phải thừa nhận, ảnh của Trần Đàm có góc chụp mà ở đó bề dày kinh nghiệm, lòng say mê, sự tinh tế là môi trường cho ánh sáng giao thoa và tương tác. Tận hưởng ánh sáng tự nhiên như vẽ trên mỗi bức ảnh của ông, tôi phải thốt lên:

- Ôi, Thanh Hóa của tôi sao mà đẹp thế!

Xin cảm ơn ông, đã cho tôi biết nhiều hơn những gì tôi biết về một miền quê Thanh tươi đẹp – nơi chôn rau cắt rốn của tôi, ở đó có cha mẹ tôi, anh em tôi, họ hàng nội ngoại tôi, có mồ mả tổ tiên, có bà con hàng xóm, những bạn bè quen và sắp quen,… và cả những người nghệ sỹ tài hoa, chân thực như ông, hiển hiện trên mỗi bức ảnh làm say đắm lòng tôi, đáu đáu trong tôi suốt những tháng năm phiêu bạt.

Nguồn Văn nghệ số 41/2018


Có thể bạn quan tâm