April 24, 2024, 3:46 pm

Ngọn gió chia mùa

 

Từ độ tháng 11 gió ngược từ sông Tiền, sông Hậu hất vào tràn lộng miền Tây mang theo những cơn thủy triều luồn sâu vào sông lớn, rạch nhỏ, người ta gọi đó là gió Chướng. Mà gió “chướng” thiệt, đang trên cao hồn nhiên sà xuống, đang thổi xuôi vô cớ lộn ngược lại. Chướng đến thì mùa mưa cũng vừa dứt, gọi nắng lên, lúa bắt đầu ngậm sữa, ngọn cong mềm nhẹ chạm vào mặt nước. Chướng chia đôi năm, gọi tên “quê em hai mùa mưa nắng”. Người miền Tây tha hương mùa chướng sẽ là mùa thương quê nhớ đất nhất. Nhớ dòng trôi nặng đỏ phù sa, ngọn nước chia làm đôi ngả, bông so đũa kết chùm xôn xao nở, đậu rồng thả trái dày giàn, lau sậy trổ cờ bối rối và lục bình tím ngát cả dòng sông.

Nhà tôi bên bến phà Ông Muộn, mỗi khi chướng về, buổi chiều nghe lạnh cả bến sông, tôi hay ngồi tựa lan can, nghe tiếng hát của chị Ly từ bên sông theo gió mang sang, chị thả vọng kim lang bài ca cổ Giọt men tình nghe tê tái, giọng chị trầm buồn, đôi chút lạnh lẽo, xa xót: “Mưa buồn bên ngoài đang rơi// hay nỗi đau âm thầm chưa vơi”. Chồng chị đi Bình Dương làm ăn mấy năm không về, chị ôm con đi tìm, mới hay anh có vợ bé, chị không bắt ghen, chỉ khóc hỏi: “Anh bỏ mẹ con em thiệt sao?”, người đàn ông tuyệt tình đó biểu chị về đi, sống với chị, anh chỉ thấy khổ chớ không hạnh phúc gì. Nghe tới đó, chị chết trân nhìn chồng, không níu kéo nữa, chị với con về lại Cà Mau. “Người ta hết thương mình, thì còn gì đâu để nói” chị cười dài trong nước mắt. Chừng hai năm sau, anh về bến phà tìm chị, lúc đó anh bị suy thận nặng và tiểu đường không còn phương cứu chữa, chị mở rộng cửa nhà đón anh về chăm sóc, làm đủ mọi chuyện nặng nhọc lấy tiền chữa bệnh cho anh. Nhưng rồi chưa kịp nói lời thương chị, chưa kịp sửa lại tấm tôn lợp nhà, anh đi, cũng vào mùa chướng. Người bên bến sông nói lời cay đắng: “Khi khỏe trăng gió với người, khi tàn sức lại mang gánh nặng về cho vợ”. Chị nói nhẹ như không: “Đừng trách ảnh nữa, còn thương, nên ảnh sao tui cũng chịu mà…”. Chị đẹp kiểu mặn mòi của đờn bà châu thổ, lại có giọng ca sầu nữ… đờn ông mê chị xếp hàng, chị không chịu ai, ở vậy hoài nuôi con.

Tôi có một xưởng nhỏ cũng bên phà Ông Muộn, mua cá tôm của bà con quanh vùng về chế biến thành khô bán khắp nơi. Bồng và chị Ly phụ giúp tôi mọi chuyện trong xưởng, tới nay cũng 7 mùa chướng về. Sớm mai, Bồng giăng lưới, nắng chưa kịp lên, lưới đã trĩu nặng cá phi, cá đối, thêm mấy con tôm thẻ lớn mắc lưới. Bồng gỡ lưới bên đám cỏ nước mặn mọc luyênh loang, tóc dài cô búi cao, lộ cổ trắng ngần, gương mặt nhỏ nhắn có chiếc mũi hình giọt nước và đôi mắt ướt rượt thẳm sâu như mùa nước đầy. Cá mùa chướng béo, rau cỏ mùa chướng lên xanh mướt mát. Tán bần là đà ngả tán xuống mặt sông, Bồng với tay hái vài trái chín, thêm chút tần dầy lá, rau quế và ít trái ớt hiểm nêm canh. Muống mọc dọc đường ra kinh, gặp mấy đám mưa cuối mùa vươn lên non nhớt, chưa kịp bẻ, ngọn đã té vào tay. Cá Bồng để kho trái giác, đám ba khía bắt hồi đêm nấu canh chua trái bần. Người trong đồng không ăn sáng mà ăn cơm lửng trưa và ngang chiều. Hừng sáng người đi đổ lú, người vịt gà, rau cỏ hoặc ra tiệm đầu kênh mua mấy món đồ, người lo cơm nước… chừng 9-10 giờ dọn mâm ăn rồi làm công chuyện tiếp. Tô canh ba khía đỏ au, thơm ngát lan khắp gian bếp rộng, gắp miếng ba khía xé chấm muối ớt, thịt ba khía ngọt thấm với bần chua, ớt khe khẽ cay, vị ngon đọng nơi đầu lưỡi nhắc bữa sau nấu thêm lần nữa. Ở quê không câu nệ bữa ăn phải có ba món: canh, mặn và xào mà có gì ăn nấy, có bữa chỉ có ơ cá kho, bẻ thêm mớ cải trời, tần ô, lá lụa, lá cách, bông súng chấm kèm là đủ ngon cả buổi.

Người ở miệt xa, nếu có về Cà Mau chọn mùa chướng mà về, lúc đó mưa không còn làm khổ các cung đường vào vùng nước ngọt U Minh hay xuống miền nước mặn Năm Căn, Ngọc Hiển, nắng cũng không còn nồng nhiệt bắt vào da người, gió vuốt mềm ngọt mang hơi lành lạnh. Tôm cá dưới sông đương mùa béo nhất, cây lá trong vườn trổ lá lụa mướt mát. Cung đường về cả hai phía nước mặn, nước ngọt Cà Mau so đũa nở trắng muốt, xen kẽ sắc vàng mơ của bông điên điển.

Người vùng gió chướng, nghe gió chạm vào da là biết chướng non hay chướng già. Chướng non nhè nhẹ, mơn man tạm biệt những cơn mưa nối ngày tầm tã. Rồi đuôi gió lạnh dần về chiều, kéo bạc màu lau sậy, lồng lộng cả khung trời, lúc này chướng đã ngả già, người miền Tây chờ tết đến.

Bữa bạn về thăm, mời bạn về phà Ông Muộn ăn bữa cơm đồng. Cơm mắm kho chấm bông lục bình tím thẫm, tép ram mặn, canh chua bông điên điển... Bạn ăn ngon rồi buột miệng: “Bao nhiêu năm chạy theo nhịp lăn của thành phố, đến thở cũng không thong thả nữa, giờ ăn bữa cơm mới thấy lâu lắm tui mới được cảm giác ăn ngon đến vậy”. Bạn cười buồn hiu, vẫn đẹp như hồi con gái dầu khóe mắt đã xếp vài nếp nhăn, rãnh cười in sâu năm tháng.

Đêm nằm ngủ nghe tiếng sóng va dưới sàn, vài mảnh đổ vỡ từ bờ òa xuống, tiếng ca của chị Ly quấn lấy chướng cuốn tận giường nằm. Bạn rơi nước mắt: “Tui đã bỏ đất này để đi kiếm hạnh phúc xa xôi gần nửa đời chỉ thấy rỗng không cái điều mình đã từng ao ước…”. Tôi trở mình ôm ngang lưng bạn, kể bạn nghe ở sông tôi nhớ phố núi Lâm Đồng, nơi mẹ con tôi từng sống… khôn cùng,  kí ức chen nhau tràn qua miền nhớ không nguôi. Bạn ngủ, tiếng ca của Ly vẫn còn thức…

Hừng đông bạn dậy sớm đổ lú cùng Bồng rồi xà vào gian bếp ngồi coi tôi đốt nắm lá dừa nhóm củi nấu cơm, nói cổ ra hè chơi chớ ngồi đây hứng khói cay mắt, cổ thả nhẹ: “Tới khói tui còn thèm…”.  Lửng trưa đưa bạn qua phà Ông Muộn đi xuống Ngọc Hiển, Đất Mũi. Sông rộng, nước đầy lấp loáng chao nghiêng, tóc bạn bối rối xô lệch…

Đường về Đất Mũi thăm thẳm xa, đước quây tròn từng ụ rồi xếp thẳng hàng nối nhau típ tắp, đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó, Cao Bằng đến Đất Mũi nối liền đất nước, Đất Mũi không còn là một ốc đảo cô đơn nữa. Xe chạy trên đường xuyên rừng, bạn mở rộng cửa, đón gió từ những tán rừng xuyên qua kẽ lá lùa khắp xe, hương phù sa dậy lên gần gũi, xa xa những ngôi nhà “cao cẳng” hiện lên. Vẻ vắng lặng thâm trầm của vùng đất thiêng hiện diện trong từng tấc đất, nơi đây đất lựa người mà sống, không yêu đất không sống nổi ở nơi xa xôi vắng. Người Đất Mũi khi sinh ra mắt đã nhìn về phía biển, yêu đất này như máu thịt của mình. Cung đường mới mở ra ánh nhìn nhiều hướng, về con đường mới nối dài lên các phố thị như hướng về tương lai.

Chạm vào nắm đất cuối cùng của tổ quốc, bạn cẩn trọng lấy một ít đất bỏ vào hũ thủy tinh nhỏ, phù sa vẫn đắp bồi vươn mãi, rừng vẫn chắn sóng cho đất lấn biển sinh sôi: “Sự sống đang đang chuyển động trong từng hạt cát mà mình ôm nỗi buồn bé xíu mà chi”. Tuổi đã ngang chiều, đi qua những mối tình đổ vỡ, bạn chỉ còn giữ lại cho mình những ánh hoàng hôn rưng rức.

Ngủ lại một đêm cùng Đất Mũi, rồi về nhà trên bến sông, mấy cây mai trong vườn ai xúi mà nở sớm, giọt sương đêm qua còn ngủ quên trên lá mà Bồng đã lui cui trong bếp cùng tiếng củi khô lách tách. Nắng mai bữa đó mau tràn rực rỡ, xịa tôm khô phơi trên giàn bắt nắng đỏ au. Mấy ghe hàng lảnh lót rao vọng tiếng hai bên bờ: “Ơ ai thịt, rau, cá, khổ qua, bí đao, bầu, mướp hôn….”. Còn vơi tháng nữa là tết, rủ bạn ở lại bạn nói để bạn trở lên thành phố sắp xếp lại vụn vặt đời mình, bạn đã tìm sẵn đường về…

Chướng lồng lộng qua sông đợi tết rồi chở vào lòng người ở xa hay ở gần niềm nhung nhớ mênh mang, thổi vào khoảng trống thong dong không biết xếp gì vô đó. Tôi ngồi cùng bạn trên sàn nhìn bông sậy ngả nâu, bông lau trắng muốt, bóng con thuyền xuôi ngược, Bồng phơi tóc nắng trưa, giọng chị Ly đương không dịu dàng, tinh khôi như chưa nếm trải bao đắng cay số phận, chưa từng chứng kiến bao dâu bể cuộc đời.

Nguyễn Thị Việt Hà


Có thể bạn quan tâm