April 19, 2024, 4:28 pm

Ngôi trường mang tên người anh hùng

 

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2018-2019, chi bộ trường tiểu học Võ Thị Sáu huyện Đạ Tẻh được Huyện ủy khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chỉ thị số 10-CT/TW của Ban bí thư  về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” giai đoạn 2007-2018; Và thật “Phúc hữu trùng lai”, đúng dịp mười năm thực hiện chỉ thị số 40-2008/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phát động thi đua xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Chi bộ lại được Huyện ủy Đạ Tẻh khen thưởng là đơn vị tiên tiến trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm học 2017-2018.

Chi bộ trường tiểu học Võ Thị Sáu có 22 đảng viên trên tổng số 35 Cán bộ, Giáo viên, Nhân viên toàn trường, trong đó có 18 là đảng viên nữ. Điều làm tôi bất ngờ là đồng chí Bí thư chi bộ duyên dáng, xinh đẹp mang dáng vẻ của một nghệ sỹ hơn là người làm công tác chính trị, nhưng giữ chức vụ Hiệu trưởng: Đó là cô giáo Nguyễn Thị Sâm. Tôi hỏi: Trong mười năm qua, chi bộ lãnh đạo thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” như thế nào để có trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy và trò ra trò như hôm nay? Cô Sâm cho biết:

- Làm bí thư ở một chi bộ có đến 88,5% đảng viên trình độ Đại học và Cao đẳng, trong đó có nhiều anh chị lớn tuổi và tuổi nghề cao hơn… không đơn giản chút nào. Nhưng, nhờ coi trọng đoàn kết, nâng cao trách nhiệm của từng đảng viên cộng với sự gương mẫu của người đứng đầu, nên tạo được một tập thể gắn bó, đồng thuận cao trong mọi hoạt động của trường.

Thăm phòng truyền thống của trường, thấy tôi dừng lại hơi lâu khi đọc nội dung giấy khen do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện khen thưởng giải Nhất trong phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhân kỷ niệm 30 năm huyện Đạ Tẻh hình thành và phát triển, cô Sâm chia sẻ:

- Phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương. Nhà trường có 550 học sinh thì có đến 165 học sinh con em đồng bào dân tộc ít người, có 8 học sinh khuyết tật học hòa nhập. Vì vậy, năm nào cũng vậy, trước khi bước vào năm học mới, chi bộ lãnh đạo nhà trường tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về việc thực hiện các yêu cầu của phong trào thi đua nhằm: Làm cho.mỗi giáo viên có chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, ý thức tổ chức, kỷ luật. Mặt khác phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội một cách phù hợp và hiệu quả.

Để giúp tôi hiểu thêm, cô Hiệu trưởng, bí thư chi bộ nhà trường Nguyễn Thị Sâm chia sẻ về kết quả thực hiện các nội dung chủ yếu của phong trào:

- Trước hết về dạy và học hiệu quả: Trong xây dựng đội ngũ, trường là một trong ít trường dẫn đầu của huyện. Giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, biết khai thác tài nguyên trên mạng Internet phục vụ cho công tác dạy và học. mỗi năm có từ 500 đến 1600 tiết học ứng dụng công nghệ thông tin. 100% giáo viên có chứng chỉ A tin học, đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn cấp học. Cô Hiệu trưởng là cử nhân khoa học sư phạm. Kết quả, trong năm học 2017-2018, có 14/28 giáo viên (50%) xếp loại giỏi tay nghề giáo viên cuối năm. 13 giáo viên loại khá, chỉ có 01 giáo viên xếp loại trung bình. Từ năm học 2015-2016 trường áp dụng dạy – học theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) cho các lớp 2 và 3 đã đạt các yêu cầu và chỉ tiêu chung. Đặc biệt, nhà trường luôn dẫn đầu trong hội giảng, thi giáo viên giỏi các cấp. Giáo viên dạy giỏi cấp trường đạt từ 65% đến 96,7%. Giáo viên dạy giỏi cấp huyện đạt 52,4%

Học sinh được hướng dẫn cách tự học, cách tổ chức và tham gia các hoạt động làm việc theo nhóm, chủ động bày tỏ các quan điểm, hiểu biết trong bài học. Trong hai nhiệm kỳ của chi bộ gần đây (2012-2017), trường luôn huy động và duy trì sỹ số đạt 100%. Học sinh lên lớp thẳng đạt tỷ lệ 99,6%. Học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 100%. Về chất lượng mũi nhọn cũng đạt kết quả đáng mừng: Thi giải toán trên mạng, cấp trường 180/529 học sinh (34/%) cấp huyện 5,1% cấp tỉnh: 1,9%. Tiếng Anh trên mạng: cấp trường 33,5%, cấp huyện 7,3%, cấp tỉnh 1%. Đáng chú ý là trong 5 năm qua, cán bộ, giáo viên nhà trường đã viết được 108 giải pháp hữu ích góp phần đổi mới và cải tiến công tác dạy học ngày một hiệu quả cao hơn.

- Về cảnh quan và đều kiện cơ sở vật chất: Từ phong trào thi đua này, cảnh quan và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường được cải thiện nhanh chóng. Trường có khuôn viên gần 10.000m2., 20 phòng học, ba phòng hiệu bộ, hai phòng chức năng được kiên cố hóa, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy và học. Lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi học sinh. Hiện nay, khuôn viên trường được sắp xếp khoa học. Hàng chục cây xanh cổ thụ được phân bổ hợp lý giúp cho học sinh thỏa thích vui chơi dưới bóng mát. Những khoảng trống trước kia còn để cỏ mọc, nay được trồng phủ kín hoa với hàng trăm mét vuông.

- Về rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, những năm qua chi bộ lãnh đạo nhà trường  đạt được những kết quả đáng khích lệ. Học sinh được trang bị kiến thức cơ bản để ứng xử với những tình huống trong cuộc sống, kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm, kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Xây dựng nội quy cụ thể để học sinh thực hiện có kỹ năng ứng xử văn hóa, biết chung sống hòa bình, có ý thức phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội. Trường coi trọng các tiết đạo đức chính khóa và nâng cao chất lượng tiết đạo đức thực hành. Đặc biệt, để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh thì mỗi cán bộ, giáo viên phải luôn tự rèn luyện bản thân để thực sự trở thành “Tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” cho các em noi theo. Hàng năm 100% học sinh được đánh giá hạnh kiểm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo Thông tư 30 và 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện tốt các quy định về các hành vi học sinh không được làm.

- Về các hoạt động vui chơi tập thể: Nhà trường đầu tư mua sắm đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác đội. Liên đội thực hiện tốt việc “Đọc và làm theo báo đội”. Các hoạt động văn hóa, thể thao trong học sinh được tổ chức thường xuyên, theo định kỳ đã thực sự là sân chơi bổ ích, giúp học sinh định hướng, nâng cao thẩm mỹ và rèn luyện thân thể, góp phần cổ vũ niềm hứng thú, say mê để các em thêm tự hào về truyền thống cha ông và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đồng thời thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nhà trường vào các hoạt động giáo dục toàn diện cho sinh. Những thành tích mà học sinh đạt được thông qua các cuộc thi, các hội thao…đã minh chứng điều đó: Giải nhất cụm và hai giải A tiết mục vòng chung kết tại cuộc thi văn nghệ nhân kỷ niệm 30 năm Đạ Tẻh hình thành và phát triển. Tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện giành giải Nhất toàn đoàn và 22 giải bộ môn: Trong đó Cờ vua giành 20 giải, 05 giải Nhất, 07 giải Nhì và 08 giải Ba. Giải Nhất bóng đá và ném bóng. Giải A hội thi Earobic cấp huyện. Giải Ba môn bóng ném tại Đại hội thể dục thể thao tỉnh Lâm Đồng. Giải cờ vua trẻ cấp tỉnh giành ba giải đồng đội: một Nhất, một Nhì, một Ba, ba giải cá nhân: Một Nhất, một Nhì và một Ba. Có thể nói, với những hiệu quả rõ rệt và thiết thực, việc đẩy mạnh phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" tiếp tục được trường Tiểu học Võ Thị Sáu coi là một trong những giải pháp quan trọng, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho việc dạy của thầy và học của trò. Những kết quả ấy, trước hết là do: Coi trọng công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Xây dựng được khối đoàn kết nhằm thống nhất ý chí của tập thể chi bộ và hội đồng sư phạm nhà trường. Chăm lo chu đáo đời sống và thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Các năm học  từ 2012 đến 2018 chi bộ trường đều được Huyện ủy công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Những kết quả ấy là của tập thể chi bộ, hội đồng sư phạm nhưng nó gắn với trách nhiệm của người đứng đầu: Công tâm trong quản lý, gương mẫu trong công việc, tin tưởng vào đồng nghiệp, và tấm lòng yêu thương học sinh sâu thẳm… đó là cô giáo Hiệu trưởng, Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Sâm. Có người nói: Làm hiệu trưởng, lẽ ra phải sướng lắm, sao thấy cô Sâm vất vả. 6h30 giờ sáng có mặt ở trường, đến 17h tối mới về nhà. Không ngồi làm việc trong phòng là ra sân, nhặt từng mẩu rác, chăm từng nhành hoa… Nhưng với cô thì tất cả là dành cho ngôi trường và học sinh thân yêu của mình.

Những ngày cuối tháng 8 lịch sử này, không khí chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020 tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu thật sôi động. Những tiết mục văn nghệ mới đang được luyện tập. Những bồn hoa nhiều sắc màu được chăm sóc. Những chùm bóng bay được bơm căng chuẩn bị bay cao trong ngày khai giảng, tất cả đã sẵn sàng…

Chia tay cô Hiệu trưởng – Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Sâm, tôi nhớ mãi tâm sự như một lời hứa của cô: Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là sự vận dụng linh hoạt nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng chính là vì một môi trường sư phạm thân thiện cho công tác dạy và học. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa cho xứng với chiến công và sự hi sinh của người anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu mà nhà trường được vinh dự mang tên.

Nguồn Văn nghệ số 39/2019


Có thể bạn quan tâm