March 29, 2024, 10:43 pm

Ngôi nhà cũ

Tôi ngủ lại lần cuối trong ngôi nhà cũ. Đêm nay. Ngày mai ngôi nhà sẽ bị dỡ đi. Không còn gì che chở, một nền đỡ, một mái che, những kỷ niệm của tuổi thơ tôi có lẽ sẽ chỉ còn biết bấu víu vào trí nhớ.

     Tuy thế, tôi cũng biết rằng, những bấu víu ấy rồi cũng lại rời rã, tan biến bởi thời gian thôi. Như bao nhiêu những thay đổi.

     Nhớ khi còn bé, những lúc thư nhàn ngồi uống rượu một mình trên cái sập gụ kê ở gian giữa, có tôi chầu hẫu ở bên, cha tôi thường chỉ tay lên phía thượng lương mà bảo:

     - Kia là lá cây vạn tuế. Loài cây ấy sống muôn đời con ạ!

     Nghếch mặt lên theo hướng cha tôi chỉ, tôi thấy ở mỗi đầu câu đầu có cái gì như tàu dừa thu nhỏ, xòe những tia lá ra hai bên mặt con nghê gỗ. Ba gian nhà chính, hai cái câu đầu nguyên gian giữa và hai nửa cái ngậm vào hai gian chái, vị chi mười hai lá cả thảy. Lá cây vạn tuế, một vạn năm mới rụng xuống ư?

     Cha tôi nói: ngày xưa khi làm ngôi nhà này, cụ tổ nhà tôi phải cất công sang tận bên Đoài, trèo núi Ba Vì xin đức thánh Tản một nắm lá cây vạn tuế ở đền Trung, đem về cài vào câu đầu nhà làm vật phúc trạch. Và lá ấy còn lại đến nay.

     Nhấp một ngụm rượu rót ra từ cái be men sứ trắng vuốt đồng vẽ hoa cúc xanh, cha tôi nói:

    -  Phúc nhà mình còn lớn lắm nên cơ nghiệp này còn giữ được đến giờ con ạ. Sau này, các con đừng có phá đi.

     Theo lời cha tôi kể: Ngôi nhà, có lần đã phải đem gán nợ. Mãi sau mới chuộc lại được. Các cụ nhà tôi, truyền đời đều cơ chí làm ăn. Duy có cụ năm đời, chẳng hiểu sao tính tình phóng đãng, tiêu tán sản nghiệp bởi thói phong lưu ngày dong ngựa hồng câu, đêm cô đầu bài bạc. Thuở ấy có nhà Chánh Bạo kình địch với nhà tôi, lập tâm hãm hại cụ tôi bằng ngón xóc đĩa già tay bợm bịp. Có lần sáng ngày ra, cụ bà dẫn người đi làm, đến ruộng nhà mình đã thấy người nhà Chánh Bạo đang làm ở đó. Hỏi ra mới biết: đêm qua cụ ông thua bạc đã gán mảnh ruộng này cho Chánh Bạo. Không nói một lời, cụ bà quay về xúc ngay bạc nén ra chuộc tại ruộng. Song rồi mãi thế, đến núi bạc cũng hết. Cuối cùng cụ tôi phải ngậm ngùi gán đến cả nhà rồi trắng tay dắt vợ con ra ở ngoài chệ lũy. Uất ức, cụ sinh bệnh mà chết. Trước lúc lâm chung, cụ chỉ trăng trối một điều: Phải làm sao chuộc lại đất nhà hương hỏa, không để rơi vào tay con cháu nhà Chánh Bạo.

    Theo lời di huấn, cụ tôi ra sức làm ăn. Chồng làm ruộng, vợ buôn vải. Cụ ông làm đến nỗi giữa trưa đập đất trên đồng, vồ đập nhanh quá, bụi bốc lên dày đặc, cách vài chân ruộng trông không rõ người. Tậu được ruộng, thuê người làm, sau lại xoay sang thuốc Nam thuốc Bắc miền xuôi, buôn trâu bán bè mạn ngược. Gặp thời gặp vận, mấy năm sau trở nên khá giả, cụ đem tiền xin chuộc lại ngôi nhà cũ. Nhà Chánh Bạo cho ngay. Cũng bởi từ ngày đến ở ngôi nhà đó, nhà Chánh Bạo cứ lục đục hết chuyện nọ đến chuyện kia. Xem bói, thầy bói bảo phải trả lại nhà cho chủ cũ mới yên. Thế là từ đó, ngôi nhà lại về với chủ cũ. Nghe nói khi ăn mừng, cụ ngả hẳn con bò mời dân làng đánh chén.

     Những chuyện đó, tôi chẳng hiểu gì, chỉ ngẩn ra nghe. Như chuyện cổ tích vậy.

*

     Nhà tôi là một trong số những ngôi nhà cổ nhất của cái làng Chu Sa dân to xã lớn, khét tiếng buôn bán này. Tuổi của nó đã trăm năm có lẻ. Toàn gỗ đinh. Lối đại khoa, năm gian hai dĩ. Ngõa kén thợ Nủa. Mộc kén thợ Chàng Liễu. Ròng rã năm rưỡi giời mới xong.

     Nghe đồn khi làm xong được ít lâu, một hôm có người, nom tướng mạo lạ lắm, thấy ngôi nhà mới làm rẽ vào chơi. Trong câu chuyện, người đó hỏi:

      - Nhà này toàn bằng gỗ đinh à?

Chưa hiểu ý tứ gì, cụ tôi hãnh diện đáp:

      - Vâng, toàn gỗ đinh cả.

     Người đó cười nhạt không nói gì. Uống đúng một chén trà và chỉ bằng một hớp, người đó đứng lên chào chủ nhà rồi phất tay áo mà đi. Được một lát, nghĩ thế nào cụ tôi chạy ra thì đã không thấy đâu nữa. Từ ấy, cụ tôi đâm ra bần thần, bất an, hay cáu kỉnh vô cớ. Cho đến một hôm đi đâu về, thấy có người ngã cảm, tuổi trạc năm mươi, không quen mặt ở vùng này, cụ tôi vực về chạy chữa thuốc thang, lưu lại hàng tháng trời trong nhà cho đến khi khỏe hẳn. Một hôm bình tâm ngồi đàm đạo với gia chủ, người đó nói:

     - Vì cụ là người tử tế, phúc đức, tôi sẽ giúp cụ chữa lại dương trạch ngôi nhà  này, chuyển sang thế đa đinh, phúc lộc dồi dào, đông đàn dài lũ.

     Chữa nhà, chuyển từ thế độc đinh sang thế đa đinh như thế nào, cũng không ai biết. Chỉ thấy từ đó trở đi, cụ tôi trở nên vui vẻ lắm. Quả là từ ấy, dòng dõi nhà tôi cũng lắm con trai thật. Ít nhất như đến đời chúng tôi cũng có tới hai anh em trai.

*

     Nhà tôi, to và rộng lắm. Trông như thể ngôi đình nhỏ. Ngói lợp vẩy cá phủ đầy rêu, vút lên những bờ nóc, quả dành xám xịt bởi dãi dầu mưa nắng. Lòng nhà thênh thang, từ cửa nhìn vào cơ hồ không thấu hậu. Đã tối, lại thêm hàng cánh dại chạy suốt hàng hiên nên trong nhà càng tối hơn. Thường cứ phải để đèn cả ban ngày. Nhà rộng, mái lại dày nên trong nhà rất mát. Mùa đông lại ấm, kín gió. Phần cũng do nhà làm theo hướng Đông Nam.

    Gian giữa, bên trong nhà là ban thờ lớn với những là sơn son thiếp vàng, nghi môn long phi phượng vũ, đồ ngũ sự, long ngai, quả son, mâm bồng. Rồi là hoành phi, câu đối cột cái, cột quân… đủ cả cho một không gian thâm nghiêm, huyền bí thường ngày, không kể đến những khi giỗ chạp khói hương, cúng tế. Hai gian bên có tràng kỷ, ghế kinh. Nhưng cái sập chân quỳ dạ cá gian giữa kê sát ban thờ mới đồ sộ: gỗ gụ mật, tháo lắp bằng tay, chạm khắc cầu kỳ. Nghe nói phải thửa từ kíp thợ vùng Sơn Nam Thượng cứ sau rằm tháng Giêng lại khăn gói đồ nghề múa chàng múa đục khắp thiên hạ “sáng mài cưa, trưa mài đục, tối giục cơm”, chất lượng sản phẩm hoàn toàn tùy theo thái độ gia chủ đối với kíp thợ ra sao.

     Chả bao giờ tôi dám ngủ một mình trên cái sập ấy, mặc dù mùa hè nằm trên đó mát lắm. Hồi nhỏ, có lần ngủ quên buổi chiều, chợt thức dậy thấy trong nhà vắng vẻ, nhìn lên ban thờ, tôi khiếp sợ khóc thét lên làm cả nhà tưởng có chuyện gì. Từ ấy trở đi, chỉ khi có người tôi mới dám trèo lên đó.

      Nhà rộng, thềm nhà cũng rộng, lát toàn một thứ gạch vuông đã lên nước nâu bóng. Song chả hiểu sao viên nào cũng bị rạn, như có ai lấy vồ đập xuống một lượt, trong nhà ngoài sân cũng thế. Khi nhà có việc nguyên cái thềm cũng đủ xếp được cả chục mâm ăn. Phía trên, dưới mái tàu thấp lè tè chạy dọc theo đường giọt gianh là những nửa thân cau bạc phếch nối với nhau làm máng hứng nước mưa, rót xuống cái bể to cạnh bức cánh phong bên phải có vòm đá cong nguyên khối làm nắp đậy. Chao ôi là bể nước mưa, sao mà ngọt ngào đến thế! Cho đến giờ tôi vẫn giữ thói quen, mỗi khi về đến nhà bao giờ cũng chạy ra đó trước tiên, vục lên một gáo uống ừng ực. Nước mưa trong bể mát lạnh đến tỉnh cả người.

     Trong ngôi nhà này, tôi từng đã có những ngày đầm ấm xiết bao. Không còn dư dả gì nhưng là một gia cảnh yên hòa. Ông bà như thân cây lớn, con cháu như cành như lá, như quả như hoa. Đến giờ tôi còn nhớ như in hình ảnh ông nội mình: tóc râu trắng như cước, đi, bao giờ cũng ngẩng cao đầu, ngồi, bao giờ cũng khoanh hai chân, bằng bặn, vững chãi. Sau mẹ tôi, có khi dậy từ một, hai giờ sáng đi chợ xa, gánh vã hàng sang tận bên Phùng, bên Nhổn, là ông nội, dậy đun nước pha trà uống sớm mai, độc ngâm mấy câu thơ cổ. Ông lắm bạn song bạn ông thường ở xa, mỗi khi đến thường ở lại vài ngày. Những khi ấy ông vui lắm. Các cụ ngồi với nhau uống rượu ngâm thơ, có tôi ở bên hầu điếu đóm. Thấy tôi ngoan ngoãn chịu khó, hay hóng chuyện người lớn, có lần một cụ, đâu mãi trên Hoàng Xá Thượng nói với ông nội:

     - Thằng bé này, thái dương lồi ra thế, lại hậu chẩm dày dặn. Thần đồng ứng mục, không ứng khẩu. Phải đi xa phúc khí mới thuận.

      Và tôi ngẫm đến nay cũng đúng như thế thật. Từng đã qua bao những vui buồn cay đắng trên những nẻo đường. Bao đêm lỡ tàu xe, lang thang vạ vật, bao lần nhà tập thể mưa dột nửa đêm, tôi thường nhớ đến ngôi nhà thân yêu của mình. Ngôi nhà luôn đón đợi tôi về, ôm tôi vào lòng. Dưới mái bình yên, lòng tôi lại tung tăng như trẻ nhỏ.

      Nhưng đấy là chuyện của ngày trước.

*

      Hôm rồi, anh cả gọi vợ chồng tôi về, bàn chuyện chia hương hỏa chuẩn bị làm nhà mới bê tông cốt thép lối thị thành. Bao nhiêu nhà ở cái làng này đã làm thế, tiện nghi, hiện đại. Họp gia đình, anh bảo:

      - Vẫn biết là hướng chú thím sẽ ở ngoài đó, đất này để chúng tôi ở cả, nhưng vẫn phải gọi chú thím về để bàn bạc cho thống nhất. Khi nào chú thím làm nhà riêng chúng tôi sẽ có trách nhiệm. Còn ngôi nhà này, theo di chúc của bố, tôi là trưởng sẽ được hưởng. Dự định của chúng tôi là sẽ thay đổi nó đi vì đã cũ quá rồi. Giá như còn ở được thì cũng chẳng tội gì.

       Quả đúng vậy. Đối mặt với nắng mưa, dãi dầu hàng thế kỉ, ngồi nhà từ mấy đời ông cha tôi để lại trông đã tàn tạ đi nhiều lắm, ngay những lá vạn tuế cũng đã xác xơ rơi rụng ít nhiều. Phàm nhà ngói mũi chồng âm, ít nhất mươi năm cũng phải thay đảo một lần. Nhưng đến đời ông nội và cha tôi, gia cảnh sa sút không còn được như xưa. Ngói lợp, giống đất nung, cứng mấy cũng chỉ một thời, làm sao dạn dày được mãi với nắng với mưa.“Nắng mưa là cưa giời”. Cha tôi đã bảo thế.

       Lâu không thay đảo, nhiều chỗ ngói đã xô, vỡ. Đến cả ngói âm cũng mủn khuyết, lác đác vỡ thành hai nửa hình chữ thọ triện, Nước mưa theo những chỗ ấy cứ thấm dần, dẫn đường cho ải mục, tàn tạ luồn sâu vào từng thớ gỗ. Gỗ đinh đấy, song đã là cưa giời thì tứ thiết nào mà chịu nổi.

     Dưới kia, đứa cháu con anh cả mới tập ngồi đang lấy tay nhúp mãi mấy đốm nắng tròn xoe trên nền gạch chiếu xuống từ những kẽ hở trên mái: nó tưởng là những quả trứng. Trên nóc nhà, hai quả dành lớn ở hai đầu đốc thì một bên đã gẫy gập, long lở. Những nửa thân sau làm máng hứng nước mưa cũng đã khuyết mất vài đoạn. Lâu ngày bể cũng cạn nước mưa.

     Thay ngôi nhà này là phải lắm rồi. Quá khứ, có những cái muốn giữ cũng nào có được. Vàng son của một thời, qua bao biến dộng còn trôi dạt được đến đây đã là may phúc lắm. Biết thế nhưng sao lòng tôi vẫn cứ thấy đau đau.

     Vậy là mai dỡ nhà!

     Từ sáng, con bé cháu đầu con anh cả cứ hỏi mãi:

- Mai dỡ nhà hả bố?

Bố nó bảo:

- Ừ mai dỡ nhà!

Chạy đi chơi một lúc, nó lại hỏi:

- Mai dỡ nhà hả chú?

Tôi cũng đáp theo:

- Ừ mai dỡ nhà!

*

        Thật khó ngủ, cái đêm cuối cùng trong ngôi nhà cũ. Hai chú cháu tôi trải chiếu nằm ngay gian giữa. Năm gian nhà rộng, trống vắng âm thầm như đang trong  giấc ngủ mệt nhọc. Hỡi ôi, ngôi nhà, nó như người bõ già trung thành tận tụy của gia đình mấy đời nhà tôi nay chỉ còn chút lực tàn trong cái đêm hấp hối. Nhìn ra, mái tàu ngoài kia trông càng võng xuống như dáng người gánh quá sức, chỉ còn những đầu bẩy hiên ốp chữ thọ triện là vẫn ngẩng cao đầu. Cánh dại ngoài thềm cùng những cánh cửa song tiện nặng trịch có đánh số chữ nho từ một đến mười hai trong vòng tròn đĩa bằng son cổ cũng đã dỡ đi hết, còn trơ ba cái khung bức bàn trống hoác, mặc cho gió lạnh tiết cuối thu được thể sục sạo tận hai chái buồng trong.

      Ngoài kia trăng muộn đã lên. Ánh trăng bao la trên sân gạch rộng. Đêm sáng lộng các khung cửa lớn hình vuông nhưng trong nhà vẫn tối om, trừ những lỗ thủng trên mái như những mảnh gương lỗ chỗ dị dạng. Đắp thêm cái chăn đơn cho đứa cháu đang ngủ say, tôi ngồi dậy khêu lên ngọn đèn dầu đặt trên tấm bạo khung soi bức thủng vách thuận. Bức thùng vách thuận, ghép bằng ván gỗ vẫn còn những hình ảnh tôi vẽ những con chiến mã khi xưa. Thuở bé, tôi mê ngựa lắm. Với trí tưởng tượng của tuổi thơ, những con chiến mã mới kiêu dũng làm sao! Chúng cất vó tung bay làm áo choàng của những Triệu Tử Long, Quan Vân Trường, Tiết Đinh San bay phần phật. Cái then dọc cài cửa bức bàn gian tả kia ngày nào đã níu ống quần tôi, làm tôi ngã dập mặt xuống nền nhà, giờ vẫn còn vêt sẹo nhỏ trên trán, chếch chỗ thái dương. Còn cây cột cái tiền đình phía trái, bạc phếch dưới ánh đèn nổi lên những vạch bôi trắng khi xưa tôi đánh dấu chiều cao mỗi lần năm mới đến. Khoảng cách giữa các vạch sau càng lên cao càng ngắn hơn vạch trước. Cũng cây cột này, tôi đã từng bị cha tôi trói vào đó đánh đòn. Cha tôi thường không bao giờ đánh con. Chỉ duy nhất có một lần, hồi tôi mới lên bảy tám tuổi gì đó, bị hai anh em thằng Tèo đánh – cùng tuổi với tôi nhưng chúng khỏe lắm! Không làm thế nào được, vừa khóc tôi vừa chửi:

- Đồ con nhà khố rách áo ôm.

     Chỉ vì câu chửi đó mà cha tôi đã nổi giận trói nghiến tôi vào cột. Lần ấy sao mà dữ đòn đến thế: lằn con chạch dọc ngang, gãy cả hai cái phất trần. Chao ôi, ước gì bây giờ tôi lại được cha trói vào cột nhà mà đánh đòn như ngày ấy.

     Từ ngày mai, đối với quê hương tôi sẽ chỉ còn như khách lạ. Trước đây mỗi khi về, là về nhà mình. Giờ tôi sẽ chỉ còn là khách, một người khách ghé thăm trong chốc lát. Đất vẫn là đất cũ nhưng nhà mới sẽ là của anh chị tôi, tôi đâu có quyền gì trong ấy nữa. Cổ nhân xưa hay nói cái niềm nỗi tha hương, lữ thứ, thì là đây chứ còn đâu: tôi, đêm nay, ngay chính nơi này.

     Tựa lưng vào cây cột, tôi ngồi bó gối nghĩ ngợi miên man. Trong nhà âm u, vắng lặng, chẳng còn tiếng lũ chuột chí chóe như mọi bận. Hình như chúng biết, đã bỏ đi cả rồi. Ngoài trùng khơi, tàu sắp đắm thì lũ chuột cũng thế. Ừ, mà chẳng lẽ tôi lại là thuyền trưởng, người cuối cùng trên con tàu đắm này sao?

     Ngoài thềm, ánh trăng hắt xuống từ mái tàu tràn vào bốn năm hàng gạch lúc trước giờ đã dịch dần ra rồi tụt hẫng xuống sân. Một trận gió nổi lên thổi thốc vào nhà. Ngọn đèn dầu chao đảo cơ hồ muốn tắt. Bóng hàng cột bắt đầu chập chờn nhảy múa. Có tiếng rơi khô khốc của một viên ngói vỡ. Rùng mình, tôi đứng bật dậy. Nhưng không, cây cột cái vẫn đó sau lưng. Và kia giấc ngủ trẻ thơ của đứa cháu. Thở ra, tôi dần bình tâm lại.

     Ngoài sân gạch bao la gió lẫn ánh trăng vẫn phấp phới. Trên vòm nhãn sẫm đen, những chiếc lá bỗng ngời nên như tráng bạc lấp lánh, lấp lánh…

*

      Sáng hôm sau, bị đánh thức bởi tiếng ồn ào, ở nhà quê khi có việc thường anh em họ hàng đến giúp từ rất sớm, tôi nhỏm người dụi mắt. Đứa cháu không biết đã dậy từ lúc nào, đang túm tụm chỉ chỏ huyên náo cùng lũ trẻ ngoài sân. Cứ nhà đông người là trẻ con thích lắm.

     Vì lí do phải đi công tác, tôi không thể ở lại. Thôi thế cũng là may, tôi sẽ không phải chứng kiến giờ phút mủi lòng.

     Về sau tôi được biết, khi dỡ ngôi nhà, vợ chồng anh chị tôi chắc sẽ tìm được của cải các cụ cất giấu từ trước, nghe đâu có một cái ấm tay bằng vàng rất to và một cái xà tích bằng bạc, chôn ở điểm rơi của một trong những cái mặt nghê. Nhưng chả thấy gì, chỉ có những đồng tiền lỗ vuông bằng đồng đã rỉ xanh. Đào khắp nền nhà chỗ nào cũng có. Được hẳn một thúng nhỡ. Còn những lá cây vạn tuế, anh cả tôi vừa đụng đến, nó đã rụng xuống lả tả.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2018

 

 


Có thể bạn quan tâm