April 18, 2024, 6:39 pm

Ngòi bút lá tre

Khuya nay, cô giáo dạy hồi thời tiểu học ở tận bên Mỹ gửi qua mạng xã hội facebook cho tôi một trang viết cũ bằng mực tím trên tờ giấy học trò, chữ cô đều, mềm mại, thể hiện nữ tính. Tôi download trang viết xuống laptop, đọc và nhìn hoài, càng nhìn càng thích. Có gì đó chợt trào về làm tôi xúc động bởi tôi vừa nhận ra nét chữ này được viết bằng ngòi bút bằng sắt, thon dài giống chiếc lá tre. Chợt tôi nhớ đến cây bút và bình mực tím đầu tiên mà tôi có được trong đời học trò của mình. Bây giờ, đã thành người viết văn tức chọn cái nghiệp viết làm lẽ sống của mình, vẫn biết viết gì mới là quan trọng chứ không phải viết bằng gì nhưng quả thật cái ngòi bút lá tre của thời thơ ấu ấy đã như một dấu ấn thật ý nghĩa của riêng tôi.

Ngày trước, khi lên lớp tư (lớp 2 bây giờ), đồ lề của học trò, ngoài sách, vở, thước, chì, gôm phải có bình mực, giấy chậm và cây bút chấm mực. Bình mực là loại bình không đổ bằng nhựa hoặc thủy tinh, có một ống hình phễu bên trong, chấm mực từ trên miệng bình xuống thì được nhưng lỡ khi bị ngã hoặc dốc ngược thì mực không bị đổ ra ngoài. Nắp bình mực có một vòng nhựa nhỏ để móc ngón tay vào mang bình mực đi học. Các chị lớp trên còn khéo léo cắt giấy thành hình cái giỏ và bỏ bình mực nhựa không đổ ấy vào, xách đi toòng teng rất đẹp. Giấy chậm hay còn gọi là giấy thấm, loại giấy mềm hút ẩm mạnh, thường có màu hồng nhạt, học trò gấp tư hoặc gấp hai tờ giấy chậm lại, mỗi khi viết xong một hàng hoặc một đoạn thì dùng tờ giấy chậm thật nhẹ, khéo léo để chữ khô nhanh mà không bị nhòe. Và cây bút lá tre hoặc lá bầu, cán bằng gỗ sơn hai màu, đầu có lỗ cắm tròn và một lõi nhỏ giữ ngòi cho chặt. Ngòi bút có một kẽ trống nhỏ hình dấu chấm than để giữ mực, đầu ngòi bút mềm mại để khi viết ấn mạnh thì nét đậm, nhẹ tay thì cho nét thanh.

Khi lãnh phần thưởng cuối năm học lớp năm, tôi đã có được đầy đủ những thứ ấy nhưng rồi ngôi nhà tranh của gia đình tôi đột ngột bị cháy và gói phần thưởng vừa được má khui để trang trọng trên một góc bàn thờ cũng thành tro bụi. Trẻ con không có được những quan tâm như người lớn, trong thế giới của một đứa bé bảy tuổi là tôi lúc ấy có lẽ trong trận cháy ấy thứ mất mát lớn nhất của tôi là gói phần thưởng được bọc giấy kiếng và cái bảng Danh dự có chữ ký của thầy Hiệu trưởng. Bao nhiêu thứ đồ đạc, bàn ghế, quần áo trong nhà tôi không quan tâm, tôi chỉ gào khóc đòi má cái gói phần thưởng ấy. Trong vùng ký ức vốn được ghi nhận sâu đậm từ rất sớm của tôi, ngoài mấy bộ quần áo của bọn trẻ chúng tôi, gia đình tôi khi ấy có thể nói là mất sạch, trắng tay. Thật sự là lúc đó má con tôi rơi vào bần cùng, không  thể có một cảnh bần cùng nào hơn được nữa. Tôi nhớ má đi xin ở đâu đó về cho tôi ngòi bút lá tre rồi ngồi vót cái cán tre, xong, quấn sợi dây thun giữ chặt ngòi viết. Má tìm trong đống tro một bình mực bằng thủy tinh của anh tôi rồi bỏ mấy viên mực và nước vào khuấy, tôi giãy nãy không chịu vì bình mực nặng quá lại không có cái vòng trên nắp, má tôi phải tìm sợi dây buộc quanh miệng và thắt cái vòng bên trên. Khi dỗ được tôi không còn khóc nữa thì tới phiên má khóc, mới đầu hai vai má rung giật từng hồi, nước mắt lăn dài, ràn rụa trên má. Sau đó, má tôi chạy nhanh ra gốc khế sau nhà và úp mặt vào cây mà khóc òa lên, rồi vừa khóc vừa đập đầu vào cây, tóc tai rã rượi.

Năm tôi vào học lớp tư, cô giáo Nguyễn Thị Kim Hơn dạy, cô rất thương tôi và chọn tôi làm lớp trưởng nhưng cô luôn không bằng lòng vì ba ngón tay kẹp bút của tôi lúc nào cũng lấm lem mực tím. Trong những lúc kiểm tra vệ sinh cô cứ nhìn mấy ngón tay mực tím của tôi mà lắc đầu, có lúc tôi còn bị cây thước bản trên tay cô nhịp trúng đau điếng. Một hôm tôi ngạc nhiên thấy cô vừa vô lớp đã đi thẳng đến chỗ tôi và đưa cho tôi cây viết lá tre cán gỗ sơn hai màu vàng cam thật đẹp. Cô nhìn tôi trìu mến và nói khẽ “Cô cho em!” rồi quay nhanh lên bục giảng bài. Chỉ đơn giản là cô giáo cho đứa học trò nghèo cây viết vậy mà chuyện đó đã làm cho tôi ngân ngấn nước mắt, cho tới tận giờ này, nửa thế kỷ trôi qua rồi, mỗi khi được gợi nhớ lại cây bút lá tre hai mắt tôi vẫn cứ như bị bụi rơi vào.

Từ ngày có cây bút mới, tập vở và mấy ngón tay cầm bút của tôi sạch sẽ hẳn ra, mỗi nét đậm nét thanh tôi viết ra trên những trang giấy kẻ ô ấy dường như có chứa trong đó cả sự cố gắng và biết ơn của một đứa trẻ con nhà nghèo. Tôi quý cây viết lá tre kia như một báu vật. Ngày đó, mỗi khi viết tôi hay có tật bặm môi, phải viết xong một chữ thì môi tôi mới mở ra được, cái tật này thật ra tôi không nhớ lắm, chỉ nghe má kể lại khi tôi đã học cấp 2.

Kể ra cũng thật lạ về cái trí nhớ khốn khổ của tôi, những chuyện từ đời nảo đời nào sao cứ như in trong đầu và chuyện cây viết lá tre cũng không là ngoại lệ. Đã nửa thế kỷ trôi qua rồi, chẳng biết cô giáo giờ ở đâu?! Cô ơi! Em xin gửi đến cô lời cảm ơn muộn màng vì lúc đó thằng bé ngố rừng kia chỉ biết ngồi trân ra đó và ngân ngấn nước mắt mà không nói nổi một tiếng nào.


Nguồn Văn nghệ số 46/2018


Có thể bạn quan tâm