April 19, 2024, 11:38 pm

Ngọc trong đá

Trường Viết văn Nguyễn Du trong hơn chục năm tồn tại đầu tiên, thành tựu hơn cả, ngoài khóa Một hùng hậu hẳn là khóa Bốn. Đây là khóa mà hầu hết học viên sau ngày ra trường đã tiếp tục trưởng thành lên trong văn nghiệp, trở thành hội viên Hội Nhà văn, và nhiều người đến nay đã được văn giới và dư luận độc giả đánh giá là tác giả tiêu biểu của văn học đương đại.

 Và cả ngay trong thời gian đang theo học, 1989-1992, học viên khóa Bốn đã có những sáng tác làm rạng danh Trường. Thơ thì Nguyễn Lương Ngọc, Dương Thuấn, văn xuôi thì Bước qua lời nguyền, một tác phẩm rạch giời vang dội văn học thời kỳ Đổi Mới, của chàng học viên Tạ Duy Anh. Cũng vậy, Bức thư gửi Mẹ Âu Cơ đạt Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội khi nhà văn Y Ban đang học viên năm đầu. Và nhà văn Cao Duy Sơn, anh hoàn thành bản thảo tiểu thuyết đầu tay vào cuối khóa học. Trong cùng năm, cuốn ấy, Người lang thang được Hội đồng Văn học các Dân tộc Miền núi trao Giải A.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng bắt tay vào tiểu thuyết từ đang giữa chừng khóa Bốn và khi mà còn lâu anh mới tới tuổi ba mươi. Nhưng liền mấy năm cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh lặng tiếng. Như là bản thân tôi, mặc dù quen biết tác giả từ lâu trước đấy, mà không biết về sự ra đời của Bả Giời, lâu sau vẫn chưa biết, cả chưa nghe đến tên tác phẩm chứ nói gì được đọc. Mãi tới năm 1993.

Tôi rất nhớ ngày đó và rất nhớ bậc tiền bối đã cho tôi hay về cuốn tiểu thuyết ấy: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Ngày đó tôi được Nhà văn đưa đi thăm thú khắp nơi sông nước Miền Tây quê hương ông. Là cây bút vừa mới, lại đi cùng nhà văn nổi tiếng của đất nước, đến đâu tôi cũng được tiếp đón thân tình, mời giao lưu, mời nói chuyện. Tuổi mới tứ tuần hẳn là tôi đã phát biểu rất hăng, đã luận bàn này nọ rất bốc. Chiều đấy, ở Mỹ Tho, kết thúc chuyến du ngoạn, thầy trò ngồi cà phê bên bờ sông Tiền, Nhà văn khuyên tôi là nên từ tốn giữ lấy chừng mực. Tuy nhiên, đó là về sau, về sau tôi mới thầm nhận biết ra sự khuyên nhủ ấy chứ kỳ thực khi đấy Nhà văn chẳng có khuyên nhủ gì hết, mà ông cũng chẳng hề nói đến tôi với những viết lách của tôi, ông nói về một người viết khác, một tác phẩm khác. Nguyễn Bình Phương: Bả Giời.

Nhà văn đưa tôi cuốn sách ấy, còn mới, giấy rất xấu, bìa tối om, bảo đây là một trong hai cuốn ông vừa mua, của cùng một tác giả. Một cuốn ông chưa kịp đọc, còn cuốn này, đọc dứt, muốn tôi cũng được đọc ngay liền.

Bấy tới nay ba chục năm tôi vẫn thầm lưu giữ trong lòng những điều Nhà văn nói chiều hôm đó. Ông chẳng nói gì nhiều đâu, song rất hay, giản dị, mộc mạc, khen chê thẳng tưng mà sâu xa và đầy xúc cảm, khiến tôi kinh ngạc. Kinh ngạc và bối rối, lại cũng hồ nghi, chẳng dám tin, khi đó tôi có ý cãi, nói là đánh giá cao nhường đấy khác nào cho rằng cuốn này là “đỉnh “của những tiểu thuyết hiện thời? Nhà văn bảo là nếu có cho rằng như vậy cũng không chút gì là thái quá.

Nỗi ngạc nhiên ấy ngày đó khi nghe ông nhà văn bậc thầy của thời chúng tôi luận về Bả Giời luôn trở lại với tôi sau mỗi lần được đọc một tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Thật lạ. Làm thế nào nhỉ, bằng vào chỉ một tác phẩm, lại là đầu tay, mà Nhà văn đã nhận thấu ra được một chân tài - “chân tài”, ông dùng từ đó - chân tài với tầm cỡ viết Những đứa trẻ chết già, viết Người đi vắng, viết Thoạt kỳ thủy, viết Ngồi… nhất là Mình và Họ, Kể xong rồi đi, và đặc biệt giờ đây, Một ví dụ xoàng. Không biết ba mươi năm trước bản thân nhà văn Nguyễn Bình Phương đã ý tưởng gì những cuốn đấy chưa, nhưng ngẫm những điều nhà văn Nguyễn Quang Sáng chiều hôm ấy bàn về Bả Giời tôi thấy là chừng như khi đó ông đã có niềm tin rằng tác giả của nó ắt sẽ làm nên những tác phẩm như vậy.

Hồi đấy được tiếp xúc nhiều với Nhà văn, tôi cảm nhận ông là một nhà văn còn nguyên tâm tính chiến binh, cởi mở, phóng khoáng và rất đỗi rộng lòng; tuy nhiên, sự đồng cảm và trọng thị đặc biệt mà ông dành cho Bả Giời cùng tác giả Nguyễn Bình Phương, một thời gian dài sau đấy vẫn là điều khó hiểu đối với tôi. Tôi thấy hai ông nhà văn này quá khác nhau. Cả về nội dung, cả về văn phong, Bả Giời có gì gần với Ông Năm Hạng, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch, Chiếc áo thằng hình rơm? Ngay như Mùa gió chướng một tiểu thuyết chiến trường xuất bản sau chiến tranh được viết thật là trữ tình lãng mạn, tôi cũng thấy hoàn toàn xa cách với văn bút hư ảo lang thang trôi dạt rất đỗi cá biệt của Nguyễn Bình Phương thể hiện ngay từ ở Bả Giời Vào cõi.

Cho tới ngày nọ, năm 1999, trong hiệu sách cũ phố Bà Triệu tôi bất ngờ gặp một tiểu thuyết đã “phủ bụi” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Phủ bụi, đúng thực như thế, sách đã xưa lắm rồi, 1963: Đất lửa. Quả là không thể ngờ. Bấy giờ, tuổi đã chớm 50, biết đọc sách văn học kể cũng đã vài mươi năm, vậy mà không biết văn học Việt Nam có cuốn này. Một tiểu thuyết như thế này, mà chưa đọc. Tuy nhiên, khiếm khuyết đó của tôi trong sự đọc cũng một phần do vì qua suốt bấy nhiêu năm, kể cả từ Đổi Mới, tại mọi hiệu sách quốc doanh ở Hà Nội làm gì có cuốn Đất lửa nên làm sao mà biết mà đọc. Vả lại ngay bản thân ông, nhà văn tác giả, tôi cũng chưa một lần nghe ông nói nhắc tới cuốn tiểu thuyết ấy.

Khác với phần nhiều các tác phẩm cùng đề tài chiến tranh cách mạng, tiểu thuyết Đất lửa đậm tính bi kịch. Về nghệ thuật viết cũng vậy, Đất lửa thật khác thường. Mạch truyện không tuyến tính, nhịp thời gian của tác phẩm không xuôi dòng chảy thông thường. Thể hiện một giai đoạn rất đặc biệt, phức tạp và kỳ lạ của Nam Bộ kháng chiến nhưng thời gian tác phẩm qui vào chỉ trong một ngày đêm. Cách tác giả dẫn truyện không thuần bằng vào kể và miêu tả các sự kiện mà thiên về diễn biến nội tâm. Các nhân vật cũng không theo truyền thống. Là tác phẩm viết về cuộc Kháng chiến song nhiều nhân vật, kể cả nhân vật chính, không phải là chiến sĩ cách mạng.

 Một tác phẩm hay đến thế, thương đau và dữ dội đến thế, tại thời điểm được công bố chắc hẳn đã thành một hiện tượng của văn học. Nhưng có lẽ không chỉ đối với văn đàn miền Bắc hồi những năm đầu thập niên 1960 trước chiến tranh, mà có thể cho tới tận bây giờ với nền tiểu thuyết của đương thời chúng ta hôm nay Đất lửa cũng vẫn là một “hiện tượng”, theo nghĩa là riêng biệt, là khác thường, cả về nội dung lẫn nghệ thuật viết.

 Sau nhiều năm, tôi đọc lại Bả giời. Giở ra đọc lại từng trang, tôi như là đọc dưới sự hướng đạo của tác giả Đất lửa. Chẳng phải nhờ vậy đọc thấy Bả giời hay hơn khi đọc lần đầu, nhưng như thế tôi phần nào cảm được ra hơn vì sao ngày đó nhà văn lão thành Nguyễn Quang Sáng đánh giá cao đến vậy tiểu thuyết của một nhà văn trẻ chẳng những chưa tên tuổi trên văn đàn mà lại còn viết với một phong cách như thể là mong ẩn đi tác phẩm của mình, lánh mình khỏi trào lưu.

Ngày đó, qua gần chục năm Đổi Mới, sáng tác văn học rộng đường hơn hẳn những thời trước đấy. Nhiều sự cấm kỵ hoặc được chính thức dỡ bỏ, hoặc hòa vào sự đổi thay của cả nước mà giảm dần hiệu lực. Cửa mở, văn chương nở rộ. Các nhà xuất bản, các tòa báo và tạp chí văn học chắc là chưa từng khi nào nhận được nhiều bản thảo đủ các thể loại cho bằng dạo đấy. Tuy nhiên, nở rộ, mà vẫn chưa thật cởi mở, vẫn thiếu đi sự đa dạng. Không tính những loạt ấn phẩm văn hóa thị trường viết lách tầm phào, hầu hết các tác phẩm văn xuôi ra đời trong mấy năm ấy vẫn căn bản viết theo cung cách hành văn truyền thống, là văn hiện thực. Không thật giống với văn hiện thực hồi khởi phát thời Đổi Mới nhưng cũng không khác, cho nên có lẽ có thể coi là một sự tiếp bước. Tiếp bước Tướng về hưu, tiếp bước Không có vua, tiếp bước Miền hoang tưởng, Ngõ lỗ thủng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Những mảnh đời đen trắng… Tiếp bước dĩ nhiên cũng có ý nghĩa tích cực, là duy trì và phát huy thế mạnh truyền thống, nhưng dần dà lâu ngày thì lại thành ra là một sự kéo dài thái quá.

Bàn về sự kém đa dạng và chỉ cứ mãi hoài dừng ở tầm mức “vầy vậy tàm tạm” của văn xuôi mấy năm ấy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho rằng đấy là bởi vì chúng ta, người viết lẫn người đọc, chậm thoát khỏi cách viết và cách đọc càng ngày càng nặng tính “nệ thực”. Tiếng rằng sát sao với thực tiễn kỳ tình xu hướng sáng tác mà ông gọi là kiểu “mắt thấy tai nghe” chỉ làm cho lỗi thời, thậm chí xuống cấp dòng văn học hiện thực, nhất là vô hình trung góp phần hình thành nên một thứ thị hiếu thẩm mỹ tuy giản đơn nhưng lại có sức mạnh một chiều lấn át. Số ít tác phẩm viết lạc ra ngoài xu hướng này (ông lấy ví dụ là tiểu thuyết Đi về nơi hoang dã của nhà văn Nhật Tuấn) mặc dù không bị cấm cản vẫn khó lòng tiếp cận được với phần đông độc giả do vấp phải rào cản vô hình của cái áp lực thẩm mỹ đó.

Hồi đó, là Phó chủ tịch Hội Nhà văn, song tuổi đã sáu mươi hơn, để được thư thái sống và viết, Nhà văn ít dự vào thế sự văn bút, dẫu vậy ông vẫn để thì giờ đọc được nhiều tác phẩm của chúng tôi, giới viết văn thời “hậu Đổi mới”. Nhưng mà không thấy ông viết bài hay là đăng đàn hội nghị hội thảo bình phẩm đánh giá chê khen một cuốn nào. Phần vì chẳng phải kiểu nhà văn ưa cao đàm khoát luận, phần vì có lẽ ông đã chẳng đọc thấy điều gì đáng nói. Tuy nhiên, không hẳn là hoàn toàn làm thinh miễn bình luận, đôi khi, giữa vài ba người, ông cũng nói ra nhận xét của mình. “Mấy anh”, ông gọi tổng quát thế chúng tôi, rốt rồi mấy anh lại luận đề, lại minh họa, không y chang thời bao cấp, nhưng suy cho cùng cũng vậy thôi, là văn nghệ minh họa… Văn mấy anh chữ nghĩa đâu không thấy chỉ thấy toàn những lời lẽ lý sự… Văn của mấy anh không chỉ muốn đua với báo chí mà còn cả với ống kính nhiếp ảnh…

 Nhưng mặc dù nhận xét như thế, phàn nàn, chê trách, Nhà văn không hề có thái độ bề trên, không hề cái cung cách cây đa cây đề luôn chỉ cứ một bề chê bôi bài bác. Qua những lần trò chuyện cùng ông, tôi thấy như vậy. Tôi hình dung ở ông một độc giả nghiêm khắc mà chí tình. Thấu hiểu vả cả cảm thông nữa với thực lực của văn chương buổi đương thời, không trông đợi gì nhiều nhưng người độc giả này vẫn ráng, nhẫn nại cưỡng lại sự oải, mong và tin rằng rồi ra sẽ có lúc đọc được thấy những sự bất ngờ.

Và một trong những bất ngờ đó, mà rốt rồi ông cũng gặp, tôi nghĩ, là Bả giời.

 “Xã Linh Sơn như một cục bướu của huyện. Vùng đất này nép dưới chân núi Hột để tránh dòng sông Cái trước mặt. Muốn vào xã theo hướng thành phố, phải qua một con đê đắp toàn bằng đá hộc.

 Đang là cuối thu.

 Năm nay thời tiết biến đổi đến lạ kì. Nếu không có những bụi cây tróc lá, hẳn sẽ phải coi đấy là hè. Tháng Chín rồi mà vẫn nóng. Nóng như ngày tận thế. Đất Linh Sơn lại nhiều đá. Cái xã nhỏ nhoi này đụng một bước là đá. Ăn trên đá, ngủ trên đá, trồng trọt cũng trên đá. Đá tràn ra tận mép sông.

 Tượng xốc lại chiếc ba lô và tấm bảng vẽ. Mồ hôi bết loang lổ trên lưng áo sơ mi xanh. Nắng xối từ đỉnh trời xuống, hơi đá bốc lên hầm hập. Đôi dép nhựa Hải Phòng nhão ra dưới bàn chân đỏ quạch bụi của anh. Hai bên đường, những ô ruộng nửa xanh, nửa vàng trông ủ rũ và tàn tạ. Nhà thưa thớt. Một con chó lù đù lê qua mặt đường, lưỡi nó thè lè như cánh hoa dâm bụt. Mấy chiếc lò vôi nằm rải rác, lở loét, phả lên trời những sợi khói mỏng nhẹ.

Đến một cây khá to, Tượng vứt ba lô xuống và ngả cả thân mình vào bóng râm. Anh lật chiếc mũ bò xoa lên mặt. Mặt đường bốc những luồng khí run run như hồn đá.

 

  ***

 Ngày mai bác làm gì?

 Xới cỏ.

 Ngày mai anh làm gì?

 Đi bán nốt chỗ rau cải. Nó sắp

già hết rồi.

 Ngày mai em làm gì?

 Em phải lên vách đá lấy củi. Sắp mùa đông, củi khan lắm. Bố em bảo thế.

 Còn mày?

 Tao phải tìm thằng nào đập què chó nhà tao, nện cho nó một trận. Mẹ kiếp!

 Đấy là cuộc sống… ”

 Đấy là những dòng mở ra Bả giời. Chỉ mới đến đấy, từng bấy dòng, người đọc đã nhập mình vào cuộc sống trong cuốn tiểu thuyết, hoặc có thể nói, bước được vào trong “cõi “của nó, trời – đất – nhân gian - con người tác phẩm. Và, cũng là chỉ qua từng bấy dòng độc giả đã có thể cảm nhận được tầm văn bút của tác giả.

Kinh nghiệm cho thấy một tiểu thuyết hay thì hay ngay từ đầu, và xoàng cũng vậy, xoàng ngay từ đầu; nói cách khác, ngay ở trang đầu, thậm chí dòng đầu, tác phẩm đã tự nói lên rằng nó có đáng để độc giả đọc tiếp hay không. Có thể hãn hữu cũng có trường hợp tác phẩm khởi đầu đậm nhưng về cuối lại nhạt, song không thể có chuyện một tác phẩm đáng đọc mà chưa gì độc giả đã gặp phải, cho dù chỉ là một vài, thứ mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng gọi là “chữ nghĩa vỏ trấu”.

Lần hồi nhớ lại buổi chiều xưa năm 1993, ở Mỹ Tho, nghe Nhà văn bàn về Bả giời, tôi mường tượng cảm xúc của ông lúc vừa khi ông đọc dứt cuốn tiểu thuyết. Mừng vui thì dĩ nhiên, nhưng chắc là hơn thế nhiều. Có lẽ có thể ví như niềm vui của người thợ ngọc, mặc dù rằng cơ may hiếm hoi tìm thấy ngọc trong đá hẳn là còn cao gấp nhiều lần cái duyên bất ngờ gặp được giữa ngút ngàn biển cả văn chương tác phẩm của một chân tài văn học còn vô danh.

 Tôi chắc là ngày đó ở hiệu sách nhà văn Nguyễn Quang Sáng lựa cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương là bởi cái tên là lạ, Bả giời, chứ nào có gì báo trước rằng tác phẩm này sẽ vượt qua được cái ngưỡng “vầy vậy tàm tạm” của văn xuôi thời kỳ ấy. Nhưng mà dòng nối dòng, trang tiếp trang, dưới ngọn đèn khuya, tôi hình dung thế, vị độc giả già, nhà văn tác giả của tiểu thuyết Đất lửa, chú mục cho tới tận cùng cái cõi “chẳng bao giờ đến được”, “mơ hồ và xa xăm” của nhà văn trẻ vô danh; và mặc dù thường khi rất tránh những sự đàm luận văn chương mà hôm đó, đọc dứt Bả giời, như chẳng thể nén lòng Nhà văn thấy cần phải nói ngay ra lời cảm nghĩ của mình với tôi, là một người viết văn ngay lúc đấy đang ở gần ông nhất.

Là một trong những tên tuổi hàng đầu của dòng văn học Hiện thực Cách mạng, cuộc đời và văn nghiệp gắn bó với hai cuộc Kháng chiến, nhà văn Nguyễn Quang Sáng dĩ nhiên không phải người hình thức chủ nghĩa, không là một ông “vị nghệ thuật”, vậy nhưng, lại cũng không hẳn là ông tuyệt đối không như thế, tôi nghĩ vậy, chí ít là khi ông ở vị thế người đọc. Nghiệm từ những nhận xét của ông dành cho các sáng tác của bản thân tôi, tôi thấy ông là một độc giả hết sức khắt khe với câu chữ, với bút pháp, với nói chung nghệ thuật viết. Thói viết lách búa xua cẩu thả thì khỏi kể, ông không để mắt, ông ngán ngẩm nhất lối hành văn kể lể, nhiều lời mà cạn nghĩa, từ ngữ hời hợt, ý tứ sáo mòn, lấy màu mè bù nhạt nhẽo. Ông ghét thói mạo xưng cách tân để nhằm bao biện cho sự non yếu về vốn từ và tắc trách về văn phạm. Ông gay gắt chê trách sự lạm dụng từ Hán Việt là loại lỗi mà lứa viết văn chúng tôi thường xuyên phạm phải. Ông đặc biệt không ưa những câu văn đoạn văn chúng tôi viết pha nặng giọng của truyền thông và của hành chánh sự vụ.

Ông cũng rất dị ứng với cung cách bình văn mà ông gọi là kiểu “thầy cãi” do kiểu này quá thiên về đo đếm liều lượng phần trăm của sự đúng sự sai, sự phải sự trái, của sự có thật hay không có thật trong tác phẩm, và nhất là luôn hô hào đòi hỏi văn thơ phải cập nhật thế cuộc, phải đua ganh với báo chí về tính thời sự và tính tranh đấu. Những từ và cụm từ mạnh hoặc cực mạnh kiểu như: can đảm, thẳng thừng, không khoan nhượng… đã lột tả, đã phơi bày, đã vạch trần… mà hồi đó chúng tôi thường dùng để ca ngợi những tác phẩm văn học được xem là có giá trị thực tiễn cao, bám sát đời sống và cập nhật hiện trạng, lại thường khi khiến ông khó chịu lây sang các tác phẩm ấy.

Thế nên có thể nói, khi đọc, nhà văn Nguyễn Quang Sáng để tâm tới “văn” của tác phẩm nhiều hơn để ý đến “chuyện” của nó. Điều này căn bản cắt nghĩa cho tôi hiểu vì sao luôn đắn đo cẩn trọng trong sự đánh giá tác giả tác phẩm mà ngày đó không hề e rằng mình hấp tấp ông đã tin tưởng chắc chắn đến vậy văn tài của Nguyễn Bình Phương, mặc dù văn tài ấy chỉ mới thể hiện ở một tác phẩm, lại là một tác phẩm “chẳng giống ai”, rất khó có được độc giả, nhất là vào những năm ấy, giữa xu hướng của nói chung thời ấy người ta nhìn nhận văn chương. Cả tới tận bây giờ không ít độc giả bạn tôi vẫn chưa biết đến Bả giời, hoặc biết mà không đọc.

Nhưng nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một người đọc khác thường nên ông ưa những nhà văn khác thường. Bằng vào tầm thẩm định uyên thâm cùng kinh nghiệm văn bút từng trải, đọc Bả giời, ông lập tức nhận ra trước nhất là sự kỳ lạ “chẳng giống ai” của văn phong Nguyễn Bình Phương, mà không phải là cái kiểu cố tình chẳng giống ai một cách hữu ý như vẫn thường thấy; đây là sự khác thường, sự riêng biệt tự thân như là bẩm sinh trời phú vậy, một phẩm chất mà theo ông là vô cùng quí hiếm trong văn xuôi. Và hơn thế, quan trọng hơn thế, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã thấy ra, đã thấu cảm được trong Bả giời một văn tài mà nội lực và tầm cỡ vượt xa ra khỏi khuôn khổ và tầm mức của chính bản thân cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy. Bởi vậy ông mới nói rằng Bả giời là trời cho, là một sự xuất thần, nhưng ở nhà văn đặc biệt này sự xuất thần trời cho sẽ không chỉ duy nhất một lần này.

Theo như tôi thấy thì việc ngày đó nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhận ra Nguyễn Bình Phương không giống như việc một nhà văn lão làng “phát hiện” ra được một tài năng trẻ trong văn giới hậu sinh, mà đây là một sự “nhận ra nhau”. Nhà văn tác giả Đất lửa sau đằng đẵng ba chục năm trời, từ 1963 tới 1993, đã bất ngờ tìm gặp được nhà văn mà ông vẫn bấy lâu chờ đợi.

Vào cõi Tôi không biết là trong những năm sau đấy nhà văn Nguyễn Quang Sáng có lần nào gặp gỡ trực tiếp nhà văn Nguyễn Bình Phương hay không, song tôi dám chắc rằng ông đã luôn chú tâm dõi theo sát sao từng cuốn tiểu thuyết một trên những chặng đường sáng tác của anh. Năm cuốn của chặng đầu tiên sau Bả giời và thì hẳn là ông đã đọc, và có thể là cả Mình và Họ, cuốn đầu của chặng tiếp theo, ông cũng đã kịp. Tôi có thể hình ông đã vui mừng đến thế nào khi đón nhận từng cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn này. Hẳn nhiên là ông rất hài lòng bởi đã tiên đoán chính xác và đã tin tưởng không lầm lẫn về một tài năng.

Ba chục năm mười cuốn tiểu thuyết, quả thật đáng nể, tuy nhiên ở ta ở Tây có không ít nhà văn viết được nhiều như vậy hoặc hơn vậy, song mười cuốn, cuốn nào cũng hay, càng viết càng hay, thì thật sự là đặc biệt hiếm thấy. Và đấy cũng là chính là ưu điểm nổi trội hàng đầu của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Mười cuốn tiểu thuyết cuốn nào cũng một cõi riêng, vị thế riêng, gần như là độc lập với nhau vậy, đúng như là nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng dự đoán: sự xuất thần trời phú rồi sẽ còn đến với nhà văn đặc biệt này không chỉ duy nhất một lần.

 Không như Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến không chúc nhà văn tác giả của Tướng về hưu thuận buồm xuôi gió, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho rằng con đường phía trước của nhà văn tác giả Bả giời dù sẽ gặp nhiều khó khăn trắc trở do đơn độc vì quá khác biệt trong cách viết, nhưng sẽ không đến nỗi chông gai hiểm nghèo như văn nghiệp của thời ông. Và chân tài văn học này, ông dự đoán vậy, rồi sẽ làm nên chuyện lớn cho đời văn của mình và cho văn học nước nhà.

Nguồn Văn nghệ số 31/2022


Có thể bạn quan tâm