April 19, 2024, 10:54 am

Ngoại trưởng Mỹ họp trực tuyến với ASEAN

Kể từ ngày 2/8/2021, khối Đông Nam Á (ASEAN) chính thức khai mạc Hội Nghị Ngoại Trưởng thường niên lần thứ 54 (AMM-54) và các hội nghị với các đối tác trong đó có Hoa Kỳ, dự trù kéo dài đến ngày 6/8. Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ tham gia các cuộc họp trực tuyến trong 5 ngày liên tiếp ấy. Đây là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Mỹ họp trực tuyến 5 ngày liên tiếp với ASEAN

 

Khu vực năng động nhất thế giới

Với số dân 650 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5% và đạt mức gần 3.000 tỷ đô la, dân số trẻ và đam mê công nghệ, mười quốc gia ASEAN hiện là một trong những khu vực năng động nhất của thế giới. Trong 44 năm qua, Hoa Kỳ và ASEAN đã hợp tác cùng nhau nhằm tăng cường hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và ASEAN đã bắt đầu từ năm 1977 và đã được nâng cấp lên đối tác chiến lược vào năm 2015. Chúng ta thấy sự tương đồng giữa những nguyên tắc được nêu trong “Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (AOIT), đó là tính bao trùm, tính cởi mở, một khu vực dựa trên pháp quyền, quản trị tốt, và tôn trọng luật pháp quốc tế. Quan điểm này phù hợp với tầm nhìn của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), cũng như cách tiếp cận khu vực của các đồng minh, đối tác và bạn bè của Mỹ.

Theo hãng tin Reuters, nhân dịp Hội nghị AMM-54, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có những cuộc họp trực tuyến “mỗi ngày” cùng các đối tác Đông Nam Á, một quyết định nhằm chứng minh rằng khu vực này là ưu tiên của Mỹ. Reuters trích dẫn một quan chức cao cấp tại bộ Ngoại Giao Mỹ xác định rằng ông Blinken sẽ tham gia các cuộc họp trực tuyến trong 5 ngày liên tiếp, bao gồm các buổi làm việc cùng 10 ngoại trưởng trong khối ASEAN cũng như của một số quốc gia khác. Quan chức này còn nói rõ thêm là ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ họp với đại diện các quốc gia thuộc vùng hạ lưu sông Mêkông như Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội Nghị AMM-54, ngoài các cuộc họp của nội bộ 10 nước trong khối, còn có một loạt hội nghị giữa ASEAN và các đối tác, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho đến Nga, Mỹ, Ấn Độ và hai nước ở Châu Đại Dương là Úc và New Zealand. Một hội nghị quan trọng khác là Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN (ARF) cũng sẽ diễn ra trong thời gian này. Đối với quan chức Mỹ, các hoạt động của ông Blinken là bằng chứng rõ rệt về quyết tâm can dự vào khu vực của Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, đặc biệt là dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, các quan chức hàng đầu của Mỹ không thường xuyên tham gia những cuộc họp của ASEAN và thường cử cấp dưới tới làm việc tại các cuộc họp thượng đỉnh của khu vực.

Với chính quyền của tổng thống Biden, Đông Nam Á như đang nổi lên thành một ưu tiên với một loạt những chuyến thăm gần đây của các lãnh đạo cao cấp. Mói đây nhất, thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman đã ghé thăm Indonesia, Campuchia và Thái Lan trong tháng 5 và tháng 6, tiếp đến là vòng công du ba nước Singapore, Việt Nam và Philippines trong tuần vừa qua của bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin. Đỉnh cao của xu thế này, theo kế hoach, là vào tháng 8 này, sẽ co chuyến thăm Singapore và Việt Nam của phó tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 trong khu vực, chương trình này tạm hoãn.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken    Ảnh Internet

Mỹ là đối tác tin cậy của ASEAN

Trong bài phát biểu hôm qua 27/07/2021 tại Singapore, chặng đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các đối tác tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Phát biểu tại một hội nghị do Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược ở Singapore (IISS) bảo trợ, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tuyên bố: “Các đối tác chiến lược của chúng ta có thể đưa chúng ta đến gần hơn dự án về một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), một trật tự khu vực ổn định hơn, vững chắc hơn, mà trong đó các quốc gia giải quyết tranh chấp một cách thân thiện và tôn trọng mọi quyền của công dân”.  Ồng Austin khẳng định Hoa Kỳ vẫn là một đối tác đáng tin cậy của các nước Đông Nam Á.

Theo hãng tin AFP, trong bài phát biểu này, lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng tuyên bố những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở phần lớn Biển Đông là “không có cơ sở về mặt pháp lý quốc tế”. Bộ trưởng Austin đã chỉ trích những hành động của Bắc Kinh tại những vùng biển tranh chấp, nơi mà Trung Quốc có những yêu sách chủ quyền chồng lấn với một số nước Đông Nam Á. Bộ trưởng Austin tuyên bố Mỹ “sẽ không nao núng” khi các lợi ích của mình bị đe dọa, nhưng ông nhấn mạnh Washington không muốn gây xung đột với Bắc Kinh, mà sẽ cố duy trì một mối quan hệ “ổn định và mang tính xây dựng” với Trung Quốc.

Chính sách ngoại giao của Tổng thống Joe Biden đặt trọng tâm vào châu Á. Theo các nhà phân tích, trong những tháng tới đây, có thể sẽ có thêm nhiều nỗ lực ngoại giao của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á. Các nỗ lực trên nhằm để các nước Đông Nam Á thấy rằng “Mỹ vẫn xem khu vực này là rất quan trọng và Washington sẽ không để yên cho Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tại đây”.

Trong bài phát biểu tại Viện IISS ngày 27/7, Bộ trưởng Austin cho biết ông cam kết theo đuổi mối quan hệ “mang tính xây dựng, ổn định” với Trung Quốc, bao gồm cả việc liên lạc mạnh mẽ hơn với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết khu vực Biển Đông là “không có cơ sở luật pháp quốc tế”, “gây tổn hại đến chủ quyền của các quốc gia trong khu vực”. Ông Austin nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng thông qua những nỗ lực tập thể, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ lại vượt lên các thách thức. Và nước Mỹ sẽ ở ngay bên cạnh các bạn, đúng như những gì mà một người bạn cũ nên làm”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông tin sự thành công của các quốc gia ở Đông Nam Á phụ thuộc vào “các nguyên tắc chung”, bao gồm “cam kết sâu sắc về tính minh bạch” và “ủng hộ tuyệt đối tự do trên biển”.

Ông Austin khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia ven biển trong khu vực để duy trì các quyền của họ theo luật pháp quốc tế; cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo hiệp ước quốc phòng mà Mỹ đã có với Nhật Bản và Philippines. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nhắc lại lập trường của Tổng thống Biden rằng Mỹ không tìm kiếm mối quan hệ đối đầu gay gắt với Trung Quốc, nhưng “sẽ không nao núng khi lợi ích của mình bị đe dọa”.

Chuyến thăm đầu tiên của một trong những thành viên cấp cao trong nội các chính quyền Biden có ý nghĩa quan trọng vì ngày càng có nhiều lãnh đạo Đông Nam Á cho rằng khu vực này, dù là điểm nóng về cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc và sự hiếu chiến của Trung Quốc, đã và đang bị các chính quyền Mỹ phớt lờ. Hơn nữa, vẫn còn tồn tại những nghi ngờ không dứt ở Đông Nam Á nếu Mỹ thực sự nghiêm túc và xác định rõ ràng “vai trò trung tâm của ASEAN” trong chính sách Ấn Độ Dương Thái Bình Dương của mình. Điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa đối với lực đẩy mà chính quyền Biden đề ra cho Nhóm Bộ Tứ, cấu trúc mà nhiều người nhìn nhận như một cơ chế đủ sức thế chỗ “vị trí trung tâm của ASEAN” và sự thống trị của ASEAN trong cấu trúc khu vực tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Tìm kiếm chiến lược chung

Nếu Đại Tây Dương từng là trung tâm của thế kỷ 20 và hai cuộc đại chiến thế giới, thì Ấn Độ-Thái Bình Dương đóng vai trò hàng đầu trong thế kỷ 21. Khái niệm này không mang tính địa lý – có nhiều định nghĩa khác nhau về phạm vi khu vực từ Ấn Độ đến Djibouti – nhưng về địa chính trị. Ấn Độ-Thái Bình Dương, thành trì đối phó Trung Quốc. Ấn Độ-Thái Bình Dương đã thay thế cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong những năm 2010, với ba sự thay đổi. Đó là cán cân dân số và kinh tế đã nghiêng sang một khu vực chiếm 60% dân số, 40% sản xuất và 30% thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó là một Trung Quốc phát triển vượt bậc, hướng tới mục tiêu thống trị thế giới vào khoảng năm 2049, còn phương Tây đã yếu đi cần phải phối hợp với Ấn Độ và Nhật Bản để ngăn chận Bắc Kinh.

Trên thực tế, chính Tập Cận Bình đã khiến phải sinh ra khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương. Từ khi “lên ngôi” tháng 11/2012, ông ta thúc đẩy sùng bái lãnh tụ, ý thức hệ mao-ít, muốn trị vì trọn đời, bành trướng khắp mọi nơi để áp đặt sự thống trị của Trung Quốc – như đã nhắc đến nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản vừa qua. Chính sách này đi kèm theo sức mạnh quân sự đáng ngại, với việc siết  chặt bàn tay sắt ở Hồng Kông bất chấp các cam kết lúc được trao trả, và xây dựng một “Vạn lý Trường thành” trên Biển Đông, đe dọa Đài Loan, tấn công Ấn Độ ở Ladakh. Bắc Kinh cũng lập ra khu vực tự do mậu dịch rộng lớn giúp xuất khẩu các tiêu chí và công nghệ Trung Quốc. Kèm theo đó là một mạng lưới hạ tầng quan trọng với việc chiếm lĩnh, thậm chí kiểm soát các cơ sở này, thông qua bẫy nợ với các nước như Cam Bốt, Sri Lanka, Montenegro, nhằm bao vây phương Tây.

Trung Quốc trong thời Tập Cận Bình là mối đe dọa mang tính hệ thống vì đang đóng vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị kỹ nghệ và ngấp nghé ngoi lên trong các công nghệ hàng đầu: kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, y sinh học. Bắc Kinh là nguyên nhân của cuộc chiến tranh lạnh mới trong đó sân khấu không còn là châu Âu mà là Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi tập trung nguồn lực tăng trưởng cùng với nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, tấn công tin học, Hồi giáo cực đoan, biến đổi khí hậu.

Vì những lẽ trên, Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương là ưu tiên của các đại cường, và từ năm 2019 là nơi hoạt động chính của lực lượng Mỹ trước khi trở thành trung tâm chiến lược của Biden: Tái cam kết với các đồng minh châu Á và thực dụng với Nga để tách khỏi ảnh hưởng Trung Quốc. Theo giới quan sát, sự quay lại của Hoa Kỳ hiện nay được Nhật Bản và Ấn Độ hỗ trợ tích cực. Với dân số sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2027 và tiềm năng kinh tế, Ấn Độ có vai trò quan trọng trong việc ngăn chận Trung Quốc. Dù muốn độc lập với phương Tây, nhưng bị Bắc Kinh bao vây bằng Con đường tơ lụa mới và tấn công ở Himalaya, thủ tướng Narendra Modi đã quyết định xích lại gần Washington. Từ nay, Ấn Độ là bên tham gia Đối thoại an ninh của Bộ Tứ (Quad) và các hoạt động tự do hàng hải./.


Có thể bạn quan tâm