April 25, 2024, 7:22 am

Ngó sen âm thầm dưới đáy hồ

 

          Làng quê anh hao hao làng quê tôi. Đấy là ngôi làng cổ, một thời trù phú, cách trung tâm thủ đô chừng hơn hai mươi cây số. Con đường làng lát gạch nghiêng, nay đã nham nhở. Những mái ngói thâm rêu. Đây đó, đã nhô lên nhà cao tầng, mái bằng mái nhọn. Đình làng, chùa làng ngày trước, chỉ còn dấu tích nền móng. Sau này, người ta xây đình mới, chùa mới chồng lên nền móng cũ. Đương nhiên, cái vẻ đẹp lộng lẫy, vàng son một thuở không còn.

           Ấn tượng tuổi thơ, làng rất nhiều ao chuôm. Mà ngày ấy, ao chuôm nào cũng trồng sen. Mùa hạ, sen thơm ngát làng ngát xóm. Trẻ chăn trâu rất thú vị tắm nước ao sen làng. Cái vị hương thanh tao và ân tình. Ấy rồi làng xóm đua nhau san lấp ao chuôm, khi đất đai lên giá. Những đầm sen thu hẹp. Kỷ niệm tuổi thơ như bị xua đuổi. Sen thành nỗi nhớ ám ảnh trong những vần thơ sau này của Tô Thi Vân.

          Tô Thi Vân kể rằng, tuổi thơ của anh lầm lũi và chìm khuất trong bóng tre làng. Bố mẹ anh sinh nhiều đận, nhưng chỉ nuôi dưỡng được anh và người em gái.  Sự cô quạnh thấm thía từ tuổi chăn trâu cắt cỏ. Ngày ấy, anh chơi với bạn nữ của làng, nhiều hơn bạn nam. Những cô bé làng cũng lam lũ, tất tưởi. Những buổi chơi đánh khăng, đánh đáo, như ít hơn những buổi đi cắt rạ, tát vét, đặt vó tôm. Cái làng quê trù phú mà buồn. Người dân làng quê bao đời một nắng hai sương, lấy cần cù, chăm chỉ để đổi lấy bát cơm manh áo. Cậu bé Tạ Văn Thiệu ngày ấy, từng theo bạn bè đi bắt cá hôi, mỗi đận người làng tát ao tát chuôm. Những con tôm con tép nhảy tanh tách trong đôi bàn tay nhiều vết xước bởi mò cua bắt ốc. Tuổi thơ, đã có lần trời tối nhọ mặt, bố mẹ vẫn chưa thấy cậu bé dong trâu về chuồng. Sốt ruột, đốt đuốc ra đồng tìm con. Thì vẫn thấy cậu con trai cùng người bạn thì thòm tát nước hôi cá. Con trâu thả dong, ăn cỏ đồng làng bên, người bố anh phải đi chuộc về.

           Tuổi thơ chân đất, lầm lũi hằn sâu vào nỗi nhớ. Để sau này, khi thành nhà thơ, Tô Thi Vân, viết những câu thơ về quê, như một vệt xiết không dễ phai mờ.

           Có phải những đầm sen, những bông sen ở chuôm ao làng đã hằn sâu trong tâm trí, mà những vần thơ về sen của Tô Thi Vân cứ da diết lạ lùng.

                   Tháng mười cữ rét độc

                    đầm sen, tôi ngờ không còn sen

                    không còn ngờ... tôi đã đến lặng im

                    run rảy sóng mặt đầm răn gió miết.

         Rõ là tháng mười, mùa sen đã muộn. Để nỗi nhớ thêm bồn chồn.

                    Đầm sen không còn sen

                    sương loang chờm nước lạnh

                    thi thoảng tăm

                    bùn nở... hay nước nở.

        Phải là người gắn bó và quan sát rất tinh, mới thấy mặt hồ tháng mười phẳng lặng thi thoảng sủi tăm. Quan sát đã khó, nhưng phẩm chất thi sỹ cao hơn, phát lộ hơn, sau hiện tượng ấy, là lòng tin sự sống âm thầm và bền chặt của ngó sen nằm dưới đáy hồ.

                   Phải đào thêm ba thép mai nữa

                   chạm đáy...

                   ngó sen ngần lặng câm

                   còn thở!

                                               (Sen)

           Lòng tin bao giờ cũng khó khăn. Lòng tin vào sự sống vốn âm thầm càng khó. Dưới ba thép mai đáy hồ, ngó sen ngần vẫn âm thầm tồn tại. Để mùa sau, lại bung lên những búp, lá, nụ, hoa... như sự sống bất diệt Trong đầm.../ Trong đầm.../ trong đầm...

          Ở bài thơ khác, viết về sen, bài Những bông sen trong đêm, Tô Thi Vân lại thêm một lần thổn thức:

                   Hương sen thơm

                    ngọt ngào thanh khiết

                    sương buông

                    dường như sương đang làm hạt

                    dường như dưới đáy ao nơi ngó sen trắng ngần yên bình tọa lạc

                    có nỗi âm thầm xót xa

        Lại một lần nữa, nhà thơ nhắc đến ngó sen trắng ngần chìm khuất dưới đáy ao, đầy trắc ẩn. Sự sống, muôn đời lặng lẽ. Âm thầm hy sinh. Chịu đựng. Cảm xúc ở đây như nức nở thăng hoa.

                    Những bông sen trong đêm ngơ ngác sao trời

                    những mặt hoa im lặng mặt người

                    lăn từng giọt buồn rơi.

          Lòng nhân ái bao giờ cũng được trân trọng.

                     Xin bao dung

                     xin hóa giải một lời

                     xin thể tất những thời...

         Để:

                     Những bông sen cúi đầu thành kính

                     những môi hoa run rẩy

                     thốt lời...

     Trong một lần nhớ mẹ, Tô Thi Vân lại viết:

                    ... con lại tìm đến đầm sen

                    sen tháng bảy - sen cuối mùa, mẹ ạ.

       Sao sen trong thơ Tô Thi Vân không là sen đang mãn khai? mà thường là sen cuối mùa?

                  Buồn tẻ nào hơn đầm sen đã tàn

                  những lọng xanh, những búp hồng... giờ dúm dó, co ro xiêu vẹo

                  nước lạnh, gió run

                  từng đám sen, từng đám sen dạt vào nhau gày gùa khô héo

                                                                                        (Mùa thủy tinh)

       Nhớ mẹ, anh lại liên tưởng về sen.

                   Mẹ đã xa mười ba mùa sen

                   mười ba mùa sen mà con héo hắt

        Để rồi anh thưa với mẹ:

                   Mẹ ơi! Có những cái ao không còn sen nữa

                   chiều lả ngọn nồm nam sấp ngửa

       Làng quê đã thay đổi. Xã hội đã thay đổi. Cái làng Tê Quả của anh vốn bình yên một thuở, nay đã “ngang dọc lô nhô mái nhọn mái bằng”. Một xã hội đổi thay, cái mới phá vỡ cái cũ. Để rồi anh côi cút nhận ra sự lẻ loi của mình, mong thơm thảo biến thành “một bông sen bé nhỏ, dịu dàng” luôn “hướng về nơi có mẹ”.

       Ở bài thơ Sen của anh, sen lại ánh lên vẻ đẹp cô liêu thủy mạc. Lại một bức tranh sen cuối mùa.

                    Những cuống sen khẳng khiu chĩa lên trời...

                    những dấu chấm than

                    nghiên mực lạnh - mặt hồ bất động.

      Sao những phiến lá sen xanh như những lọng xanh, sao những đóa sen hồng nở tràn hồ, như những búp lửa bập bùng trên sóng nước, không thấy trong thơ anh? Sao anh vội tiên cảm “Rồi... sẽ không còn một cuống sen nào nữa/ Mặt đầm nghiêng hằn những vết nhăn”. Để rồi, anh “Buông một tiếng buồn không thấu nỗi cô đơn”. Như một lý trí cố gắng “Này em, chúng mình cũng là một loài sen/ Thơm bốn mùa thầm lặng”. Vững niềm tin như thế, nhưng người đọc vẫn dễ nhận ra cái cảm giác muộn mằn, luôn ẩn hiện trong thơ Tô Thi Vân.

           Bài thơ Gọi sen, chỉ có bốn câu, nhưng rõ là tiếng kêu tuyệt vọng của nhà thơ:

                    Vừa nhú biếc đầm sen (sự sống trỗi dậy)

                    Giờ đã đen núi đất (thực tế của các cuộc san nấp hồ ao)

                     Quái lạ...là sự thật (mà đó là sự thật, cho dù tác giả bất ngờ)

                     Ới làng ơi! Sen... s...e...n (một tiếng kêu tuyệt vọng).

        Rõ ràng, cuộc sống có sự chuyển động to lớn, nhanh hơn hẳn ý nghĩ của con người. Vì thế, cái cảm giác muộn mằn, nuối tiếc, như một vết xước luôn hằn lên thơ Tô Thi Vân.

*

Một đời gắn bó với đồng đất, dẫu có đi thoát ly đâu đó, thì hồn cốt Tô Thi Vân vẫn nặng lòng với bờ tre, ao chuôm và những mùa rơm rạ. Cái ngó sen trắng ngần âm thầm dưới đáy ao, đáy hồ, mấy ai nhìn thấy? Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại và nó vẫn cựa mình, rạo rực chờ đợi một mùa sen mới.

            Một đời cố gắng, một đời chắt bóp. Những con chữ như những ngó sen trắng ngần ẩn khuất. Những tập thơ Mùa thủy tinh, Chi chi chành chành gần đây của Tô Thi Vân được anh em quý trọng hơn, vì nó chứa chất nhiều nỗi niềm tự sự của một đời người cầm bút.

            Sáu mươi tuổi, anh cố gắng tu tạo ngôi nhà ngói trên nền đất của ông cha. Anh nói rằng, việc đổi hẳn hướng nhà, từ hướng tây - nam cũ, xoay sang hướng tây - bắc mới, như muốn mở ra sự thoáng đãng, hanh thông cho con cháu. Trong gian thờ giữa nhà, hai chiếc câu đầu - dấu tích của ngôi nhà cũ ông cha để lại, anh vẫn muốn lưu giữ, như lưu giữ hồn cốt ông cha của mình.

           Ngoài sân, trồng nhiều cây. Có cả cây hoa trà, hoa mộc, hoa mẫu đơn. Vẫn còn mấy chiếc chum, dấu tích một thời căn cơ tương cà mắm muối. Có một vài khóm cúc. Khóm hoa cúc như nỗi nhớ day dưa. Hoa lại vàng tháng chạp.

               Mình hay cúc muộn

               Thời qua lỡ làng.

           Cuộc sống làng quê cũng đổi thay quá nhanh. Sao cái tâm thế luôn bị muộn màng, cứ ám ảnh anh. Người dân trong làng đã đua nhau dỡ những mái nhà ngói nâu rêu, để xây, để cơi nới mái bằng mái nhọn. Cái đầm sen cuối cùng của tuổi thơ anh bị san lấp. Sao anh vẫn hi vọng những ngó sen trắng ngần dưới đáy hồ, lại cho một mùa sen tưng bừng, tươi tốt? Vẫn một tâm hồn đa cảm. Anh thưa mẹ “Làng đã hao hao như phố huyện”. Nào có phải riêng làng quê Tê Quả của anh đang biến đổi vậy. Đâu đâu, cũng thấy làng như phố. Một thực tế, chả biết vui hay buồn. Nhưng nó cứ ám ảnh, cứ nhoi nhói e ngại “Nhà mình mẹ có phải tìm lâu”?

             May mắn cho anh, cánh đồng làng anh vẫn còn con đường đất, rờn cỏ mật, cỏ gà. Khi chiều tối, làng xóm khoác lên bộ mặt náo loạn của đời sống mới “Đây hiệu xăm môi, kia sửa móng/ Xập xình nhạc loạn cuốn về đâu”, nhà thơ như tự thấy xa lạ, lạc lõng với chính mình. Những lúc tha thẩn ra con đường đất mướt cỏ gà,  cỏ mật ngát hương bên cánh đồng đầu làng, tâm hồn anh như được trở về sự thư thái, bình yên vốn muôn thuở của làng quê tuổi thơ. Những cảm xúc thơ ca lại ùa về. Cả một vòm trời chi chít trăng sao. Một thế giới vời cao, bát ngát như thế giới tuổi thơ của anh. Trên dòng sông Ngân, những ngôi sao, như cặp mắt những chú vịt đang bơi lội trên ao làng. Anh nhận ra chòm sao thất tinh như người đang tát nước gầu sòng bên ruộng lúa.

             Nhưng tôi ái ngại. Mai kia, làn sóng công nghiệp ùa về làng, nó ào ạt tấn công tất cả. Một thế giới thiên nhiên lung linh, huyền diệu của làng xóm không còn nữa. Khi ấy, tâm hồn thi ca biết trú ngụ nơi nao? Những ngó sen trắng ngần dưới ba thép đất đáy hồ, có còn âm thầm báo hiệu những mùa sen tưng bừng nữa không?

Nguồn Văn nghệ số 24/2019


Có thể bạn quan tâm