March 29, 2024, 10:55 pm

Nghĩ vụn quanh một cuốn sách

                                                   

        Cảm nhận đầu tiên của tôi là cảm phục kiến văn, kiến thức, sự thẩm thấu, cảm thụ văn bản, cảm phục “sức đọc” của tác giả. Quan trọng hơn, tác giả đã “tiêu hoá” và trở thành “dưỡng chất” của riêng mình. Hình thành một thế giới quan, một quan niệm mỹ học riêng. Rồi từ sở đắc ấy, anh soi rọi lại những tác giả, tác phẩm, những vấn đề mà anh quan tâm khảo cứu. Có thể thoả đáng hay chưa. Nhưng rõ ràng có một dấu ấn, một phong cách của riêng mình. Đó là điều khó, nhất là trong lĩnh vực lý luận, phê bình.

        Bàn về truyện ngắn, dù say mê, nhưng tôi cũng khá mơ hồ, lúng túng với việc định danh, định nghĩa hay những quan niệm về thể loại này. Rồi đọc anh, chợt nhận ra và đồng cảm với nhận xét tinh tế của tác giả: “… kỷ niệm gắn với đoạn đời, thân phận… làm lay động tâm hồn con người. Chính vì thế, có người nói truyện ngắn đôi khi còn thơ hơn cả thơ…”. (Chất Thơ Trong Những Đứa Trẻ. Tr.13-14). Viết về Lỗ Tấn, tác giả cũng có những xác quyết đầy tự tin: “Truyện ngắn không phải là tiểu thuyết hoặc truyện vừa được tỉnh lược. Truyện ngắn là truyện ngắn”. (Một Số Kiểu Chi Tiết Trong Truyện Ngắn Lỗ Tấn. Tr.30).

        Tác giả cho rằng truyện ngắn Lỗ Tấn hay vì đã tạo ra được những chi tiết hay. Rồi kỳ khu nghiên cứu, phân loại đưa ra 3 kiểu chi tiết: chi tiết tình thế, chi tiết khoảng lặng và chi tiết ám ảnh. Trong mỗi kiểu chi tiết, tác giả đều dẫn ra những truyện để dẫn chứng, minh hoạ. Thú thật, tôi đọc Lỗ Tấn không nhiều. Và những truyện tác giả dẫn chứng, cũng có cái chưa đọc. Nhưng không hiểu sao, lại bị thuyết phục hoàn toàn. Có lẽ vì kẻ này cũng luôn khổ sở và vô cùng hiểu cái giá trị ghê gớm của chi tiết khi xây dựng truyện ngắn, nên dễ đồng cảm. Phần nữa, do tác giả đã trình bày vấn đề một cách hết sức minh bạch, khúc chiết và công phu. Lại nghĩ, để có được lập luận ấy, hẳn tác giả đã đọc trọn vẹn tác phẩm Lỗ Tấn, và nhiều người khác, ngoài Lỗ Tấn.

          Kiến văn kiến thức bên cạnh sự am hiểu lịch sử văn học, nên khi soi rọi vào một tác giả, tác phẩm, anh có những liên tưởng, so sánh rất tinh tế, rất riêng và độc đáo. Về Nguyễn Huy Thiệp, anh viết: “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có con người cá thể, cá nhân. Khi Nguyễn Trãi gặp Thị Lộ, con người cũ trong ông chết đi. “con người cũ”. “chết” có gì đó giống cách nói quyết liệt của Nguyễn Tuân ở thế kỷ trước khi nhà văn này sửa lại tác phẩm Chùa Đàn”. (Truyện Ngắn Về Đề Tài Lịch Sử Của Nguyễn Huy Thiệp… Tr.94) Không đọc kỹ Nguyễn Tuân, không hiểu rõ bối cảnh văn học sau cách mạng 45, làm sao có thể nhận định được như thế.

          Trong bài Họ Vẫn Chưa Về, Một Cuốn Tiểu Thuyết Lạ. có những điều liên quan đến trào lưu “Hậu hiện đại”, tôi lại đồng cảm với những suy tư của tác giả, khi anh viết: “Một lần nữa xin đặt lại vấn đề: có phải nhà văn Việt Nam nào cũng đọc, học lý thuyết phương tây rồi mới sáng tác? Không! Giao lưu văn hoá rộng hơn giao lưu văn học. Cùng một thời đại, con người ở những phương trời khác nhau, có thể có chung một hệ hình suy nghĩ. Khi anh sở hữu một vốn liếng chất liệu đời sống, những sự kiện, vấn đề là anh sẽ kể lại theo cách nào và để làm gì. Với lý do và ý nghĩa này, hậu hiện đại không chỉ là sản phẩm độc quyền của phương tây, dù phương tây đã có công sinh thành ra nó”. (Tr.112).

           Tương tự, những điều mang tính phát hiện và suy tư mang tính khái quát như thế, đều bàng bạc trong nhiều bài của cuốn sách.

          Có những điều, tôi nghĩ chỉ là những suy nghĩ chủ quan của riêng mình. Khi đọc cuốn sách, trở nên xác quyết hơn. Chẳng hạn bàn về phương pháp hay cách tiếp cận để hiểu về Nguyễn Du: “Sẽ vô cùng thiếu sót nếu chỉ từ truyện Kiều mà lại có tham vọng nhìn vào tâm tưởng Nguyễn Du. Truyện Kiều mới chỉ là một nữa chân dung tâm hồn Nguyễn Du. Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng ta sẽ có điều kiện nhìn ra một vài góc khuất còn lại trong tâm hồn ông.” (Bạc Đầu Nghe Tiếng Thời Gian Đi. Tr.62). Rất chính xác. Riêng tôi còn hơn thế nữa. Không phải Truyện Kiều, mà chính thơ chữ Hán và Văn Chiêu Hồn mới bộc lộ một tâm hồn mênh mông, sâu thẳm, khắc khoải và u uẩn của Nguyễn Du.

           Cũng trong bài, bàn về đề tài “ca nữ”, khi so sánh Long Thành Cầm Giả Ca của Nguyễn Du với Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, tác giả đã “giả vờ” băn khoăn thắc mắc: “Có một điều lạ, là phương Đông, nơi ngự trị của Nho giáo và một số thiết chế đạo đức nghiệt ngã, lại là nơi ra đời những áng thơ tuyệt vời về người ca nữ”. (Tr.68). Thật ra với sự uyên bác và mẫn cảm, tác giả đã thừa hiểu căn nguyên. Nhưng thú vị ở chỗ: có những nghịch lý hiển nhiên như thế, mà có mấy ai nhận ra, để “lấy làm lạ” như anh.

          Cũng Nguyễn Du, tác giả đặt một câu hỏi rất đúng với thuộc tính Nguyễn Du: “Nguyễn Du có cảm tình đặc biệt với phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ tài hoa, bất hạnh. Vì sao?”. Rồi tự trả lời, cũng đúng nốt: “Vì sống trong xã hội phong kiến với những lệ luật của nó, phụ nữ dường như không tự bảo vệ được mình, vì họ không có một tấc khí giới nào (cả vật chất lẫn tinh thần). Những người phụ nữ tài hoa tưởng được mọi người ngưỡng vọng, thì thực tế lại càng dễ bị lợi dụng, bị vấy bẩn, bị chà đạp bấy nhiêu”. (Tr.68).

            Có bài khiến ta hiểu thêm về tác giả. Bài Từ Nam Quốc Sơn Hà Nghĩ Về Tính Hai Mặt Của Đời Sống cho thấy điều đó. Nhất là phần phụ lục tác giả thêm vào cuối bài viết. Gồm những comment, phản biện của độc giả và những phản hồi của tác giả, được đưa vào để minh hoạ cho luận điểm của mình. Cái phụ lục còn dài hơn bài viết chính. Qua đó càng cho ta thấy một điều: văn chương, học thuật là mịt mùng, là khôn cùng, không bờ bến.

          Cũng là người sáng tác, Đặng Ngọc Hùng có cách hành văn, vận dụng ngôn từ của sáng tác để cố gắng tiếp cận, để đến gần nhất, sát nhất có thể, những vấn đề vốn mịt mờ, trừu tượng, mênh mông và rối rắm của văn nghệ và tư tưởng. Thêm vào đó là một tư duy, một phương pháp luận của người nghiên cứu khoa học, cũng góp phần giúp anh lý giải vấn đề. Điều ấy thể hiện trong bài Bùi Giáng Độc Hành Nghịch Chữ Trong Dịch Thuật, tác giả đã góp thêm một khía cạnh mới trong việc tìm hiểu, lý giải về một cốt cách kỳ dị và phức tạp của Bùi Giáng. Đây cũng là một bài viết lạ về Bùi Giáng.

*

          Vậy trong cuốn sách, còn điều gì tôi chưa thoả mãn?

           Đọc bài Phan Thiết Có Anh Tôi, Sự Hoà Kết Giữa Sử Thi Và Trữ Tình một lần nữa cho thấy tác giả biết dùng lối văn sáng tác “rất khéo”  vào phân tích phê bình, để cố “ép” bài bài thơ vào cái “rọ” mỹ cảm của mình. Tác giả cho rằng bài thơ hay. Hoàn toàn đúng. Thậm chí rất hay. Anh cho là nó trữ tình. Tôi đồng ý. Anh cho là nó lãng mạn. Đồng ý luôn. Nhưng khi anh bảo nó có chất sử thi thì tôi thấy gờn gợn. Mặc dù tác giả đã cẩn thận lý giải: “từ sử thi đặt trong ngoặc kép mà tôi dùng trong bài viết này là một thuật ngữ mà giới nghiên cứu văn học nước ta dùng để trỏ một trong những đặc điểm cơ bản của văn học cách mạng…”. Tôi hoang mang. Lẽ nào có một khái niệm sử thi “riêng” cho “giới nghiên cứu văn học nước ta” dùng. Vậy loại sử thi mà văn học ở nước ngoài dùng, nó khác nhau ra sao?

        Tôi bỗng nhớ đến bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Nếu xét nó vào hệ quy chiếu của văn học cách mạng, nó cũng xứng đáng được gán tính sử thi. Mà điều này tôi chưa nghe ai nói.

         Trong một bài viết về Albert Camus (bài Albert Camus Kẻ Nổi Loạn Trong Triết Học) tác giả có một nhận xét khá thú vị, vì nó gợi mở nhiều vấn đề. Mặc dù tôi không nghĩ như vậy. Đó là nhận xét: “Camus sở hữu một vốn liếng triết học thiếu hệ thống”. Điều này có vẻ đúng, nếu chỉ nhìn vào trước tác của Camus: không có những tác phẩm nghiên cứu hay chuyên luận thuần lý nào về lĩnh vực triết học, theo kiểu những chuyên luận của Nietzsche, Heidegger hay Satre. Camus là nhà văn, là tiểu thuyết gia, là nghệ sĩ và tư tưởng triết học của ông đã nhập thế, hoá thân vào tác phẩm văn học, vào nhân vật, vào cảnh huống và dòng đời hiện sinh. Tư tưởng triết học của ông, qua phương tiện nghệ thuật, qua thủ pháp văn học đã thành đầy rẫy những tối tăm, rời rạc, những nghịch lý và phi lý, thì làm gì có hệ thống.

        Tôi nghĩ, các hệ thống triết học đều sinh ra từ thực tại, từ cuộc đời, chứ không phải ngược lại. Để rồi quay lại khảo sát lý giải thực tại, cuộc đời. Tương tự, trong nghệ thuật, những trào lưu, khuynh hướng, trường phái, chủ nghĩa .v.v…chỉ được đặc tên, định danh, phân loại… sau một thời gian, sau một quá trình xuất hiện của một nền nghệ thuật. Và đó là công việc của những lý thuyết gia, không phải của người nghệ sĩ sáng tạo.

          Camus cũng vậy, không thấy một tuyên ngôn, lập thuyết nào về chủ nghĩa Nhân Văn (humanism) hay chủ nghĩa Hiện Sinh (existentialism). Vì ông không thích. Thì chính tác giả cũng đã nhận định: “Ông cũng khó được xếp loại vào nhóm các nhà hiện sinh chủ nghĩa. Một danh xưng mà cả ông và Heidegger đều phản đối” (Tr.129). Nhưng qua tác phẩm, ông là một nhà nhân văn chủ nghĩa sâu sắc nhất, một nhà hiện sinh dữ dội nhất.

          Trường hợp Camus cũng giống như Dostoievski, khi viết không bận tâm mình thuộc về một khả thể nào. Để rồi sau này người ta đã “tặng” cho ông hàng chục cái “nhà”.

          Trong sách, ở vài bài, vài chỗ, tác giả dùng những cụm từ tôi không thích lắm. Ví như “cuộc kháng chiến thần thánh” hay “cuộc cách mạng tháng tám long trời lở đất”…tôi không bảo là sai. Nhưng tôi nghĩ viết lý luận phê bình là một công việc khoa học. Tự thân những vấn đề được trình bày sẽ thuyết phục người đọc, nếu tác giả có bản lĩnh, có tâm và có tầm. Không cần thiết và không nên dùng những từ mang tính “dẫn dắt” hay “định hướng” để củng cố luận điểm của mình.

          Tuy nhiên, những điều không thích vụn vặt của tôi, chỉ là chuyện nhỏ so với cái “được” mà cuốn sách mang lại. Và chính những điều chưa thoả đáng, những bất đồng lại gây hứng thú, gợi mở cho người đọc cùng suy tư vào những vấn đề của tác giả. Ngoài ra, sách đã cung cấp nhiều thông tin, nhiều tư liệu về các tác giả đương đại, rất mới, mà tôi chưa có dịp đọc.

           Nhiều bài trong sách công phu, mang tầm vóc một luận án nho nhỏ. Nên chăng xếp nó vào thể loại Tiểu Luận Phê Bình thì sát hơn là Biên Khảo. Tôi đặc biệt cảm động và thích bài Bạc Đầu Nghe Tiếng Thời Gian Đi. Nó cho thấy sự tinh tế và tài hoa của tác giả.

           Đây là một cuốn sách hay và hiếm, thú vị và hữu ích. Một cuốn sách đáng đọc.

                                                                                                                   

Nguồn Văn nghệ số 13/2019

     

                    


Có thể bạn quan tâm