April 19, 2024, 1:18 am

Nghĩ về trường hợp nhà văn Vũ Cao Phan

Tôi biết đến nhà văn Vũ Cao Phan bắt đầu bằng truyện ngắn Ngày cuối cùng của chiến tranh, truyện ngắn này được trao Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam.

Sau gần 30 năm đọc lại truyện ngắn này, tôi vẫn mang một cảm xúc kỳ lạ với suy nghĩ rằng; nếu không có nhà văn mà cụ thể nếu không có nhà văn Vũ Cao Phan, tôi sẽ không được biết đến một câu chuyện nhân văn đến buốt lòng và thổn thức như vậy về chiến tranh và những người lin hs. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến tranh kết thúc.  Nhưng chỉ khi những người lính tham dự cuộc chiến tranh ấy đã đi tới câu chuyện trong Ngày cuối cùng của chiến tranh thi cuộc chiến tranh thực sự mới chấm dứt. Bởi chỉ khi người lính chạm vào cái cốt lõi của lòng nhân ái thì hòa bình mới thực sự hiện ra. Với tư tưởng ấy, nhà văn Vũ Cao Phan đã ở vào vị trí một nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam đương đại.

Nhà văn Vũ Cao Phan viết truyện ngắn này năm 1995, nhưng đến lúc này truyện ngắn ấy không bị thời gian biến nó thành một sản phẩm của quá khứ hay là một sản phẩm của một thời. Truyện ngắn ấy như được viết hôm qua và nó có thể được viết như thế trong tương lai. Tôi nói vậy bởi truyện ngắn này đạt được hai điều quan trọng cho một tác phẩm văn học để làm nên sức sống với thời gian: một là thi pháp và ngôn ngữ của tác phẩm, hai là tính tư tưởng của tác phẩm. Ngày cuối cùng của chiến tranh đã chạm tới cả hai yếu tố quan trọng nhất cho một tác phẩm văn học. Rồi sau này tôi đọc các truyện ngắn khác của ông như Chuyện ở vùng giáp gianh, Hai mươi năm sau, Liên, Một chuyện tình yêu

Nhà văn Vũ Cao Phan không viết nhiều, nhưng mỗi truyện ngắn của ông đều tạo ra một vùng nghệ thuật của ông. Một cách kể dung dị, trầm tĩnh, chính xác và hàm chứa tính tư tưởng cao của mỗi truyện. Và bất cứ truyện ngắn nào với bất cứ tình huống nào trong cuộc đời, ông đều đưa bạn đọc tới bến bờ của ông. Đấy là bến bờ mà bản chất của văn chương phải chạm tới. Nếu không, nó mãi mãi chỉ là một người kể chuyện thông thường và mọi văn bản của nó ở bất cứ hình thức nào cũng không phải là một văn bản nghệ thuật.

Bên cạnh truyện ngắn, nhà văn Vũ Cao Phan viết một số thể loại khác như truyện ký, ký, đoản luận. Với một kiến văn sâu sắc, với một tầm nhìn chiến lược, với một thái độ trung thực, với một trái tim nồng hậu và từng trải, ông đã dẫn chúng ta vào một thế giới sống động của ông và mở ra những ô cửa cho người đọc tiếp nhận những gì mà họ chưa nhận ra trước đó. Ông cho người đọc đi vào nhiều vùng đất trên thế giới mà ông đã tới, đã quan sát và suy tưởng. Ở đó, ông phát hiện ra những vẻ đẹp của văn hóa, những vấn đề của xã hội, những yếu tố của thời đại chứa đựng những cơ hội và thách thức của con người. Ông làm hiện ra những vẻ đẹp ẩn kín trong tâm hồn những nhân vật tên tuổi. Và đặc biệt là cái nhìn của ông về lịch sử, văn hóa con người Việt Nam cùng những vấn đề đang hiển hiện trong đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Nhà văn Vũ Cao Phan là người có khả năng phát hiện ra những vấn đề có tính thời đại và chiến lược từ những hiện tượng và hiện thực trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, ngoại giao Việt Nam. Và những phát hiện ấy được ông tự nguyện đối mặt một cách dũng cảm, lý giải một cách khoa học, trung thực và đầy đủ lương tâm. Bởi thế mà người đọc luôn bị cuốn vào những trang viết mang nặng tính luận đề của ông và được thỏa mãn bởi cách khai mở và dẫn dắt trong hệ thống tư duy và ngôn ngữ của ông.

Tôi biết ông từ mấy chục năm trước và luôn thấy ông đi trong cuộc đời này một cách lặng lẽ. Đấy là sự lặng lẽ của những dồn nén cảm xúc, dồn nén những quan sát, dồn nén những trăn trở và suy ngẫm để bùng nổ những cách nhìn và thái độ của ông về cuộc đời này và ông luôn đi tới tận cùng bản chất của mọi vấn đề như trong truyện ngắn Ngày cuối cùng của chiến tranh để kết thúc chiến tranh.

Nguồn Văn nghệ số 42/2022


Có thể bạn quan tâm