April 20, 2024, 2:54 pm

Nghĩ về một kỷ lục buồn

 

Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vừa được công bố, trong số 867.937 thí sinh dự thi môn Ngữ văn, không chỉ không xuất hiện điểm tối đa ở môn thi này, mà ngược lại, đây còn là môn thi có chất lượng kém nhất, với 27,84% bài thi có điểm dưới trung bình, và cũng là môn thi có số lượng thí sinh bị liệt cao nhất, với 1.265 bài, chiếm 40% số điểm liệt trong toàn bộ 9 môn thi. Cao gấp 2,5 lần năm 2017 và gấp 1,6 lần năm 2018.

Cũng như từ nhiều năm trước, Ngữ văn là một trong những môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT quốc gia, và cũng là môn thi tự luận duy nhất trong các môn thi. Năm 2019, đa số thí sinh và giáo viên đều đánh giá đề văn không khó, nhưng kết quả thi lại cho thấy một thực tế trái ngược. Đặc biệt là kết quả “kỷ lục” về điểm liệt đã gây bất ngờ cho nhiều người.

Theo quy định, thí sinh bị điểm liệt là những em không làm câu nào trong đề hoặc chép lại nguyên đề bài rồi bỏ trống. Theo đánh giá của nhiều giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy và chấm thi môn học này, thì với đề thi năm nay, thí sinh đã học qua chương trình phổ thông hoàn toàn có thể dễ dàng đạt được 2 điểm. Thế nhưng thực tế lại không phải như thế. Vậy thì kết quả trên là do đâu?

Có ý kiến cho rằng những em bị điểm liệt là những em có sức học quá yếu, hoặc các em không muốn thi, cố tình không làm bài. Song qua phản ánh của những người tham gia chấm bài, thì “Thực tế trong quá trình chấm, có em viết nguyên trang nhưng vẫn không có điểm nào. Bởi đáp án của bộ rất rõ ràng, đúng câu, đúng ý mới chấm được…”. Như vậy có nghĩa là những thí sinh bị điểm liệt chính là những thí sinh không có kỹ năng làm bài. Nói theo ngôn ngữ của giáo viên thì đây là tình trạng học sinh “không có kỹ năng nhận diện thể thơ, không có kỹ năng thông hiểu nội dung của câu thơ, phân tích tác dụng của biện pháp tu từ…”

Như vậy vấn đề là ở chỗ cần phải nhìn nhận lại việc dạy, học văn ở bậc phổ thông lâu nay. Có một thực tế không thể phủ nhận là từ lâu đã có một hiện thực đang tồn tại ở rất nhiều trường phổ thông, là một bộ phận học sinh không thích học văn. Các em buộc phải học môn này chỉ vì nó được coi là môn bắt buộc để thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp.

Nhiều chuyên gia đánh giá, chương trình văn học ở bậc phổ thông, qua rất nhiều cải cách, đổi mới, vẫn nặng nề kiến thức hàn lâm, tính ứng dụng thực tiễn không cao, dẫn đến tình trạng học trò thường không có hứng thú với môn học này, việc cảm thụ các tác phẩm văn học trong nhà trường bị hạn chế. Nhiều tiết học, thầy cô dạy còn hời hợt, học trò thì học theo kiểu đối phó nên những tiết học tẻ nhạt cứ diễn ra một cách máy móc, khiên cưỡng. 

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy viết trên trang faceboock của mình câu chuyện nhà văn Nguyễn Đình Tú, trong một cuộc giao lưu với học sinh một trường THCS huyện Khoái Châu, Hưng Yên, khi mở màn bằng câu hỏi: Các cháu có thích học môn Văn không? thì hàng chục cái miệng đồng thanh: - Khô ô ô ô ô.... ông ạ! Hỏi tiếp: - Các cháu có biết quê ta có nhà văn Lê Lựu nổi tiếng với tiểu thuyết “Thời xa vắng” không? Thì lại vẫn: - Khô ô ô ô ô... ông ạ! Đến câu: - Thế các cháu có muốn trở thành nhà văn không? Vẫn lại: - Khô ô ô ô ô... ông ạ!

Sau một hồi kiên nhẫn trò chuyện, nhà văn nhận thấy, hóa ra học sinh không thích học môn Văn là do... bố mẹ muốn các cháu học cái gì dễ kiếm tiền, dễ xin việc. Nghĩa là thi vào các ngành khoa học tự nhiên. 

Một lý do nữa, theo các cháu, là học Văn “khô vãi”, nội dung toàn “những cái đâu đâu”, thầy cô giảng uể oải, “không phê”...

Câu chuyện của nhà văn Đỗ Tiến Thụy khiến người ta nhớ lại một dự đoán vô cùng bi đát của nhà văn, PGS. Ts Chu Văn Sơn, khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cách đây chưa lâu, khi ông còn sống: "Tôi bi quan nghĩ rồi sẽ đến một ngày môn văn cũng giống môn sử hiện nay. Có năm không thi tốt nghiệp môn sử, học sinh đã xé tài liệu hướng dẫn rải trắng sân trường. Tôi e ngại rằng bây giờ mà không bắt thi môn văn, có thể học sinh còn hò reo hơn thế".

Lý do của thảm trạng này, theo Chu Văn Sơn, đó là do sự lên ngôi của công nghệ giải trí, kéo theo công nghệ nghe nhìn, làm văn hóa nghe nhìn chiếm ưu thế, văn hóa đọc bị suy giảm, dẫn tới học sinh không thích học văn, mặc dù chưa bao giờ người dạy văn được trang bị nhiều kiến thức, phương pháp, được sự hỗ trợ bởi những phương tiện tối tân, đặc biệt là những phương tiện gắn liền với công nghệ thông tin như bây giờ….

Vì sao lại như vậy? Trả lời cho câu hỏi này, PGS. Ts Chu Văn Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận việc học sinh chán văn một phần cũng do tâm của người dạy văn so với trước đã khác nhiều. Ngoài một số ít giáo viên đứng lớp còn say mê, để được nói những điều tâm đắc, truyền lửa cho học sinh, thì giáo viên văn bây giờ đứng lớp với những lý do khác nhiều hơn…

*

Môn Văn bị “chán”, “không thèm học” dẫn đến một “kỷ lục” buồn như trong kết quả kỳ thi vừa rồi, còn có lý do xem ra rất khó phản biện. Ấy là khi lý giải rằng đất nước đang thời kỳ tiến lên Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, cần nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật hơn xã hội nhân văn, nên ngành Giáo dục mới định hình nên một chương trình mang tư tưởng coi nhẹ môn Văn và các môn khoa học xã hội một cách vô thức như thế. Nếu quả đúng như vậy thì sự lo ngại của những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và với tương lại của đất nước, của dân tộc không phải là không có lý do khi nhìn voài đời song tinh thần của thế hệ trẻ hôm nay, khi mà các cô cậu tú có thể ngồi vào máy tính bắn games chiu chíu, bấm smartphone nhoay nhoáy, nói tiếng Anh như gió nhưng không thể viết nổi một câu văn Việt đúng ngữ pháp, thiếu kỹ năng ứng xử văn hóa, không đủ từ ngữ để diễn đạt những tình huống giao tiếp thông thường… Và còn bao nhiêu những vấn đề đang được gọi chung bằng một từ, là “sự xuống cấp về đạo đức xã hội” đang diễn ra từng ngày từng giờ trong đời sống quanh ta, phải chăng đều từ một nền giáo dục “thiếu tính nhân văn” mà ra?

Nghĩ về một kỷ lục buồn, lại nhớ một ví von hết sức văn chương của một nhà văn từ cả chục năm về trước, rằng một quốc gia được ví như một cỗ xe, trong đó kinh tế là động cơ còn văn hóa là cái thắng (phanh). Một đất nước quá mải mê đuổi theo kinh tế mà không có văn hóa thì điều gì sẽ diễn ra chắc không khó hình dung. Đây cũng là điều mà Chiến lược văn hóa của Đảng đã từ lâu hết sức quan tâm

Nền văn học của mỗi quốc gia là biểu hiện rõ nét nhất bản sắc và chiều kích văn hóa của quốc gia đó. Môn Văn là cánh cửa, là con đường đi tới văn hóa. Một khi môn Văn bị xem nhẹ trong nhà trường phổ thông như hiện nay, thì mục tiêu xây dựng một xã hội an vui lành mạnh còn khó, nói gì đến một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc…

Văn nghệ

 


Có thể bạn quan tâm