March 29, 2024, 12:08 pm

Nghĩ về một cái "giả" trong xã hội


ĐINH XUÂN DŨNG


Gần đây, trong dư luận xã hội, trên các đài truyền hình, các báo, tạp chí và ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, đều bàn rất nhiều, rất quyết liệt về một vấn đề nóng, rất nóng, đó là những thứ hàng lậu, hàng giả đang ngày càng tràn lan trong xã hội. Đối với tôi, đã sống trên đời hơn 70 năm, chưa bao giờ cảm thấy bất an như hiện nay vì những cái giả đó.

Có lần, tôi đã tâm sự trong một cuộc họp lớn với câu hỏi: Có ai trong cuộc họp này cảm thấy không sợ khi ăn không? Ai cũng đồng tình, tỏ ra đều sợ cả. Như một nữ sinh viên còn rất trẻ đã rất vô tư trả lời phỏng vấn trên truyền hình rằng: “Ăn cũng chết, không ăn cũng chết, thế thì cứ ăn”. Hàng ngày, có lẽ đến hàng trăm, hàng nghìn quảng cáo về các loại thực phẩm chức năng cực kỳ hiệu nghiệm. Ai đó tin những lời quảng cáo đó sẽ cảm thấy, chỉ cần uống ít liều thực phẩm chức năng đó sẽ lành bệnh hoặc khỏe ngay. Thế nhưng, báo chí, truyền hình đã phát hiện rất nhiều cái gọi là thực phẩm chức năng là của giả, hàng giả đang rao bán tràn lan. Có lần, một người bạn nhờ tôi thăm dò xin việc làm cho vợ. Tôi hỏi: Cô ấy có bằng cấp gì? Anh bạn tôi cười ngất: Cần bằng gì, có ngay vì ở thành phố lớn này, mua bán bằng giả như mua bán rau vậy. Ít ngày sau, bằng đại học mang tên cô ấy đã xong, tôi được thông tin như vậy. Kể ra còn nhiều, vậy xin tóm lại, có quá nhiều cái lậu, cái giả ở nước ta hiện nay, mà trước kia, hầu như chưa có. Xin liệt kê hoàn toàn không đầy đủ: Thực phẩm, thức ăn giả, thuốc men giả, phân bón giả, hóa đơn giả, thống kê giả, bằng cấp giả, sản phẩm “khoa học” giả, rồi “hôn nhân giả”,… còn nhiều lắm!

Nhưng tôi bỗng nghĩ và giật mình khi nghĩ tới còn một cái giả chưa được đề cập, phanh phui, đó là ĐẠO ĐỨC GIẢ. Tất cả những cái giả trên đều do con người làm ra - nhà sản xuất, nhà kinh doanh - dịch vụ… nhưng, có lẽ, cả trực tiếp và gián tiếp, do những người quản lý, chỉ đạo, cầm quyền, thi hành công vụ… góp phần tạo ra các thứ giả đó. Một bộ máy đồ sộ, luôn phình ra của một số bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương, đã làm gì, trách nhiệm ra sao, có vì lợi ích xấu xa hay không? Và, sâu xa hơn, có kẻ đã trở thành vô cảm, trở thành đạo đức giả, chỉ nói trách nhiệm, nghĩa vụ ở đầu lưỡi! Họ nói giả, nói một đường, làm một nẻo, nói như vẹt, “chém gió” trong các hội nghị, nhưng làm ngược lại, có kẻ thông đồng, bảo kê, có kẻ “ngậm miệng ăn tiền”. Đích thị là đạo đức giả.

Trong một lần trao đổi với cán bộ báo cáo viên một tỉnh về đợt học tập đạo đức Bác Hồ. Anh nói, mời các đồng chí lãnh đạo nói cho hiệu quả hơn, nhưng khó quá. Nhiều người “lịch sự” không nhận lời vì quá bận. Anh bạn tôi tâm sự, sống không sạch, tay đã “nhúng chàm” làm sao rao giảng về đạo đức được. Một lần khác, khi vui chuyện nói về phê bình và tự phê bình trong Đảng, một cán bộ ở tỉnh nọ hài hước kể chuyện có thật: Buổi ấy phê bình, góp ý đối với một đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Cuộc họp im lặng, có phần căng thẳng. Đồng chí cán bộ chủ chốt vui vẻ, vô tư nói: “Các đồng chí cứ thẳng thắn góp ý cho tôi, nên nói khuyết điểm để tôi sửa chữa”. Sau một khoảng khắc ngừng, đồng chí hạ giọng nhẹ nhàng: “Tôi có trí nhớ rất tốt, nhớ dai lắm, các đồng chí không lo”. Thế là cuộc họp trở nên rôm rả với các lời ca ngợi cán bộ lãnh đạo của mình. Kẻ đạo đức giả tinh quái, đã khoác cho mình một diện mạo, một trang phục, những lời nói… lịch sự, trang trọng mà đầy ẩn ý.
Nghe xong câu chuyện, tôi buồn và để “lảng” nỗi lo đi, tôi lật những trang sách ra đọc, bỗng đọc được một bài thơ có tựa đề lạ: “Thư không gửi”. Tôi ngạc nhiên quá, tác giả bức thư - thơ đó là thầy của tôi cách đây hơn 50 năm, và sau này (từ 1966), tôi có vinh dự được là đồng nghiệp nhỏ của thầy ở Tổ bộ môn Lý luận văn học và Văn học Việt Nam hiện đại, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy là GS. NGND Hoàng Như Mai. Xin phép linh hồn thầy cho tôi chép ra đây 4 câu mà thầy không gửi, có lẽ, khi viết thầy đã trên dưới 80, 90 tuổi: 

Cái thực nhiều khi là cái mộng

Tầm thường là kẻ rất cao siêu

Kìa trông cái tốt đang hư hỏng

Cái xấu đang khoe vẻ mĩ miều

Những kẻ đạo đức giả luôn tỏ ra cao siêu, khoác trên người vẻ mĩ miều, như trải nghiệm của thầy qua những năm tháng sống đầy gian lao.

Thưa thầy, cuộc đấu tranh chống các loại hàng giả đang diễn ra, song còn nhiều khó khăn. Nhưng, có lẽ, không thể nào khác, phải bắt đầu cho cuộc đấu tranh kiên cường, nhọc nhằn chống loại hàng giả lớn hơn, nguy hiểm hơn, sâu hơn: đạo đức giả, để con người được sống với nhau trong sự trung thực, bình yên và trọn vẹn làm người.

Nguồn Văn nghệ số 50/2015


Có thể bạn quan tâm