April 19, 2024, 1:28 am

Nghĩ về đạo đức và thịnh trị

                                                

       Ngày nay, không ít người cho rằng, đến thời nay còn nói đến “đức trị” thì quá lỗi thời! Có người còn gán cho “đức trị” là nguyên nhân làm cho xã hội trì trệ, tụt hậu... Thậm chí, nhiều người đã tuyệt đối hóa “pháp trị”.

       Công bằng mà nói, hệ thống pháp luật của chúng ta hiện giờ còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ… nhưng cũng đã khá đầy đủ hơn trước rất nhiều. Chúng ta đang trên đường xây dựng nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật của chúng ta ngày càng tiến gần hơn hệ thống pháp luật tiên tiến của thế giới hội nhập và phát triển. Một phần nhờ hệ thống pháp luật ấy mà kinh tế đã đạt được những thành tựu to lớn, đặc biệt trong xóa đói, giảm nghèo mà cộng đồng quốc tế thừa nhận là một kỳ tích của Việt Nam thời đổi mới.

         Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại là xã hội lại mong muốn “kinh tế như hôm nay, văn hóa đạo đức như ngày xưa”. Bởi vì kinh tế của chúng ta ngày nay tuy chưa bằng một số quốc gia trong khu vực, nhưng cũng đủ đầy gấp bội ngày xưa. Tiếc rằng, đạo đức xã hội lại đang bị băng hoại đến mức phải báo động. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thành phần được coi là tiên phong, là “dẫn dắt xã hội” lại tha hóa về đạo đức, lối sống, lại buông thả, suy đồi đến mức “chưa bao giờ như thế”! Ông Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, anh hùng trong truy bắt tội phạm lại phạm tội! Ông Cục trưởng cục phòng chống tội phạm công nghệ cao lại phạm tội về công nghệ cao bạc tỷ! Rồi gần đây nhất là câu chuyện phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng của Bộ Xây dựng đi “vi hành” với cương vị trưởng đoàn thanh tra lại đòi cơ sở chung chi hàng chục tỷ đồng... Như vậy, những người hiểu về pháp luật hơn ai hết chắc gì đã không phạm luật? Và câu chuyện đặt ra không phải là thiếu luật pháp mà là thiếu đạo đức!

        Ngoài xã hội, những hiện tượng phi nhân tính như cha giết con, con giết mẹ, bạn giết bạn… rồi phi đạo đức như hiếp dâm trẻ em mới vài năm tuổi, thậm chí cha hiếp dâm cả con đẻ của mình. Thật không còn lời nào diễn tả ngoài việc “kêu trời” về cái hành vi vô luân thường, đạo lý ấy. Cái gì đã đẩy con người trong xã hội đến những hành vi đồi bại tột cùng như thế? Có hàng ngàn lẻ một nguyên nhân nếu cứ nhìn nhận theo từng sự việc đơn lẻ! Nhìn sâu rộng hơn, có thể  thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của “bộ phận không nhỏ” và sự suy đồi nghiêm trọng của đạo đức xã hội nói chung đều bắt nguồn từ sự xuống cấp của văn hóa làm người. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng cần phải quan tâm đầu tư cho văn hóa. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng nhận định đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa thì nhận định như vậy là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng nếu nói rằng Đảng, Nhà nước ta không quan tâm đến văn hóa thì cũng không đúng. Bằng chứng là: Ngay khi chưa có chính quyền trong tay, Đảng ta đã có Đề cương văn hóa từ năm 1943, xác định rõ vị trí vai trò của văn hóa. Khi cách mạng thành công, Đảng tiến hành 3 cuộc cách mạng thì một trong ba cuộc ấy là cách mạng tư tưởng văn hóa. Bác Hồ dạy: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Các văn kiện, nghị quyết của Đảng những năm gần đây đều khẳng định “Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” và “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội” v.v… Trên thực tế, văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã được đầu tư khá hơn trước rất nhiều! Hàng ngàn di sản được trùng tu, tôn tạo, được xếp hạng cấp quốc gia, được thế giới công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Hàng vạn nhà văn hóa được xây dựng ở các thôn làng...

     Vậy vì sao lại phải ước mong “văn hóa như ngày xưa”? Vấn đề có cội nguồn từ nhận thức, từ tư duy và thực hành duy ý chí từ thời bao cấp, đến việc phát triển văn hóa theo “phong trào” và “đàn ca hát múa” theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa” thời kinh tế thị trường, mà lãng quên cái cốt lõi là văn hóa đạo đức, văn hóa làm người. Thời bao cấp chúng ta phủ nhận một cách duy ý chí những giá trị truyền thống mà chưa xây dựng được giá trị mới. Nhiều nơi đập đình, phá chùa mà chưa xây được nhà văn hóa. Nay có xây được nhưng đa phần hoạt động còn thua xa đình chùa ngày xưa. Về con người và các mối quan hệ của con người, chúng ta không thể theo cái “tam cương, ngũ thường”, “tam tòng, tứ đức”... cổ hủ, nhưng chúng ta lại chưa xây dựng được hệ giá trị chuẩn mực cho con người mới là gì? Nó được thể hiện và điều chỉnh như thế nào trong đời sống xã hội? Chính khoảng trống về hệ giá trị chuẩn mực làm người làm cho người ta chơi vơi, thậm chí mất phương hướng… Để rồi đến khi gặp “ma lực của đồng tiền” trong kinh tế thị trường thì nhiều người đã “tẩu hỏa nhập ma” mà làm những điều phi nhân tính, phi đạo đức xã hội! Khoảng trống về hệ giá trị chuẩn mực làm người chính là khoảng trống về giá trị đạo đức xã hội. Khoảng trống ấy làm con người thiếu tự tin, chới với trong chính môi trường sống của xã hội mà mình là thành viên trong đó. Cái tốt không có chỗ đứng đủ mạnh để lấn át cái xấu, cái thiện không cảm hóa được cái ác, cái đẹp không làm cái xấu phải mờ nhạt; ngược lại cái ác đang đè nén cái thiện, cái tốt đang bị cái xấu lấn át và cái đẹp đang bị cái xấu che lấp. Hoàn cảnh ấy là mảnh đất màu mỡ cho những điều đau lòng đang diễn ra trước mắt chúng ta hôm nay.

        Vậy phải bắt đầu từ đâu? Có lẽ phải bắt đầu từ việc xây dựng con người. Trong Báo cáo chính trị nhiều kỳ Đại hội của Đảng gần đây, vấn đề xây dựng con người luôn được đặt lên hàng đầu. Trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XII vấn đề xây dựng con người được chỉ rõ như sau: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển.  Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật...”. Vấn đề được đề cập rất sáng tỏ. Tiếc rằng, cho đến nay việc đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam vẫn chưa được công bố chính thức. Cách nhìn nhận con người Việt Nam vẫn giữ theo lối tư duy cũ, nghĩa là không theo lẽ tự nhiên “nhân vô thập toàn” và cũng không tuân thủ phép biện chứng “mọi sự vật, sự việc vận động không ngừng trong một thế giới vận động không ngừng”. Nếu cứ theo khuôn mẫu tư duy cũ như vậy khó có thể xây dựng được hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay. Có một sự thực rất khắc nghiệt là cuộc sống không chờ các nhà văn hóa xây dựng chuẩn mực cho con người, nó cứ vận hành theo quy luật của nó, và văn hóa làm người, văn hóa đạo đức hiện nay vẫn cứ trong tình trạng đáng báo động...

    Như vậy, có thể phải quay lại vấn đề đức trị hay pháp trị với cách tiếp cận hài hòa hơn, linh hoạt hơn. Thượng tôn pháp luật là tất yếu của một xã hội hiện đại, tiến bộ. Tuy nhiên, nền tảng đạo đức xã hội phải được coi trọng trên cơ sở đạo làm người được đề cao. Con người dù ở cương vị nào cũng phải tu dưỡng, rèn luyện để có phẩm chất tốt đẹp. Ở địa vị càng cao càng cần tu dưỡng nghiêm cẩn. Người xưa dạy: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”! Nguyên Phi Ỷ Lan khi được vua Lý Thánh tông hỏi về phép trị quốc, đã thưa: “Quyền lực danh vọng làm thay đổi con người. Tự mình tu dưỡng để giáo hóa dân thì sâu sắc hơn mệnh lệnh. Dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật”. Bác Hồ cũng dạy rằng: “Muốn hướng dẫn nhân dân mình thì cán bộ, đảng viên phải làm mực thước trước cho người khác làm theo. Nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương đạo đức”. Bác còn nghiêm khắc yêu cầu: “Không cho phép những kẻ đạo đức giả vẫn đi dạy dỗ người khác về đạo đức!”. Rõ ràng, đức trị phải được hiểu trước hết và trên hết là nêu gương sáng của người trên, người đứng đầu, người đi trước. Cũng như văn hóa trong một gia đình, ông bà, cha mẹ phải nêu gương tốt cho con cháu noi theo. Đảng lãnh đạo toàn xã hội, Đảng phải nêu gương sáng cho toàn xã hội. Quy định 08 QĐ/TW Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương chỉ rõ: “Không ngừng học tập tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm , chính, chí công, vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”. Quy định còn yêu cầu rất cụ thể đối với Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương phải nghiên khắc với bản thân, và kiên quyết chống “Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền,chạy phiếu bàu, chạy phiếu tín nhiệm”.

        Rõ ràng mọi vấn đề đều xoay quanh hai chữ ĐẠO ĐỨC! Người xưa tôn thờ chữ ĐỨC, quan niệm ĐỨC LÀ CÁI GỐC (Đức thủy phát). Trong tiến trình lịch sử, thời thịnh trị bao giờ cũng coi trọng đạo đức, coi trọng văn hóa làm người, lấy văn trị, giáo hóa làm nền tảng của sự tồn tại và phát triển. Đảng lấy việc nêu gương, tu dưỡng chính là đề cao đạo đức vậy! Làm tốt chủ trương này chúng ta sẽ có nhiều cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, ngõ hầu xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh.

Nguồn Văn nghệ số 27/2019


Có thể bạn quan tâm