April 18, 2024, 4:35 pm

Nghĩ về “con người bản thể” và hệ giá trị xã hội hiện nay

Cụ Ðào Duy Anh viết Việt Nam văn hóa sử cương từ năm 1938, khi trong xã hội đang diễn ra một cuộc đấu tranh về nhận thức nên lựa chọn những giá trị nào để phát triển.

Cái nhìn mang ý nghĩa phương pháp nhận thức ở đây là vừa phải xem lại mình có gì khả dĩ trong bối cảnh mới và học ở người những gì cần học trong cuộc đấu tranh để tồn tại và phát triển. Cụ cho rằng: nhận thức ra và thực hiện tốt điều này là vì vấn đề tồn vong của dân tộc chứ không chỉ còn là vấn đề khoa học hay của cá nhân ai. Bài học ấy cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, bởi thế giới ngày nay đã mở rộng các giới hạn đến mức thành “thế giới phẳng” và công dân của mỗi quốc gia đang có hướng phấn đầu trở thành công dân toàn cầu. Ðành rằng, quốc gia nào cũng có lựa chọn riêng của mình nhưng “sân chơi chung” cũng đòi hỏi những nguyên tắc mà nếu mình không muốn bị bỏ lại phía sau thì cần phải chủ động tham gia vào quá trình ấy. Vấn đề lựa chọn và xây dựng hệ giá trị là đòi hỏi của phát triển.

 

Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương ở Đền Hùng kéo dài từ mùng 8/3  đến hết mùng 10/3 Âm lịch, được chia thành hai phần gồm phần lễ và phần hội. Ảnh Internet

Đất nước chúng ta bắt đầu thực hiện Đổi mới từ những năm 80 của thế kỷ trước. Thực ra, từ những năm trước đó trong tâm thế xã hội, nhu cầu đổi mới hệ giá trị xã hội đã được đặt ra. Trong thực tiễn cũng vậy, nhưng lúc đó cả xã hội vẫn đang vận hành theo nếp cũ, tức là theo những tiêu chuẩn của hệ giá trị cũ, giờ đã tỏ ra bất cập nhưng chưa biết thay đổi thế nào cho phù hợp. Sự đổi mới của nhận thức những năm 80 của thế kỷ trước tạo ra những tiền đề quan trọng cho sự đổi mới và hội nhập ngày nay. Nhưng ngày nay, dường như chúng ta lại cần phải đặt ra một yêu cầu nữa của nhận thức đổi mới, bởi ở giai đoạn này, cả động lực lẫn nội dung của sự đổi mới bắt đầu từ hơn 30 năm trước lại đòi hỏi phải nhận thức tiếp, đổi mới nữa.Đổi mới trước hết từ nhận thức

Về bản chất, những điều chỉnh, bổ sung, đổi mới, thậm chí phủ định cái này, xây dựng cái kia… là một quá trình liên tục diễn ra, là đòi hỏi của cuộc sống. Không ít những giá trị của ngày hôm nay đã mang trong nó những mầm mống phải thay đổi từ khi nó đang còn tồn tại, nhưng lại được điều chỉnh và duy trì chỉ do sự bảo trợ của những tổ chức có vai trò quyết định sự tiến về phía này hay phía kia của lịch sử. 

Xưa nay, trước mỗi thử thách mang tính chất quyết định cho đường hướng phát triển của cộng đồng, những người có vai trò và ảnh hưởng quan trọng tới vận mệnh của cộng đồng thường phải đứng trước một lựa chọn nghiệt ngã: Nhận thức về môi trường xung quanh và chính mình để lựa chọn sự thay đổi mà điểm xuất phát quyết định sự thành bại lại là nhận thức lại chính mình. Khi Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, ông đứng ở vị thế của một người nhìn về tương lai, cho dù cũng chỉ từ lợi ích của triều đại mình, để lo cho “nghiệp đế vương muôn đời”. Cái nhìn mang tính mở đường cho vị thế của một kinh đô thời ấy là một quyết định sáng suốt cho dù ông chưa hề biết đến khái niệm này. Nguyễn Trãi lựa chọn tư tưởng nhân nghĩa làm nền tảng cho sự phát triển của Đại Việt mà xương sống của tư tưởng nhân nghĩa là trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngươc, có nhân, có trí, có anh hùng. Trần Hưng Đạo nói cái gốc của kế sách giữ nước là khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc. Còn Hồ Chí Minh nói rõ hơn về vai trò của văn hóa, coi văn hóa mới có ý nghĩa mở đường cho phát triển, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc… Những tư tưởng lớn ấy tuy chưa nói gì đến hai chữ “giá trị” hoặc “hệ giá trị”, nhưng từ gốc rễ, đó là những định hướng cho sự phát triển, là những giá trị mang tính chất phổ quát, đúng hướng đối với một đất nước, mà ngày nay khi suy nghĩ một cách nghiêm túc về những điều đó, chúng ta sẽ nhận thức ra những bài học trong việc nhận đường về những giá trị nào cần thiết cho sự phát triển tiếp theo của đất nước trong một giai đoạn có nhiều biến đổi về giá trị ở phạm vi toàn cầu như hiện nay.

Con người và hệ giá trị xã hội

Hệ giá trị xã hội do con người sáng tạo ra, nhưng không phải ở thời nào những giá trị được xây dựng cũng tương ứng với sự phát triển của xã hội và hạnh phúc của con người. Thể chế có nhu cầu xây dựng hệ giá trị của thể chế và đời sống tự bản thân nó cũng tạo ra những giá trị không phải bao giờ cũng trùng với giá trị được thể chế ấy tạo ra. Những giá trị ấy có sự giao thoa với nhau, có khi là một, có khi có những vênh lệch, thậm chí trái ngược. Bởi thế mà V. Lenin đã nói có hai nền văn hóa cũng tồn tại trong một nền văn hóa của mỗi dân tộc là vì vậy.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà từ thời cổ đại đến giờ câu hỏi “con người - anh là ai?” lại luôn là câu hỏi lớn, không dễ trả lời. Bởi lẽ giản đơn, khi xác định đúng vấn đề con người, xã hội sẽ định hình được sự phát triển và như chúng ta hay nói, phát triển có bền vững hay không, phụ thuộc vào chỗ xã hội ấy có tạo cho con người được phát triển đúng như những yêu cầu thời đại cần đến nó hay không? Xã hội tư sản phát triển mạnh như vậy vì từ khi mới manh nha nó đã tin vào năng lực cá nhân của con người khi được cởi bỏ những xiềng xích của phong kiến Trung cổ. Tự do, bình đẳng, bác ái mà cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 nêu ra như mục tiêu được coi là tư tưởng cách mạng vĩ đại nhất cho đến bấy giờ. M.Gorki nói đến CON NGƯỜI viết hoa, con người được coi trọng, con người làm chủ, con người tiến bộ trong thể chế XHCN ở quê hương ông. Tư tưởng này sau mấy chục năm đã sụp đổ, do không có cơ sở thực tiễn để tồn tại, mặc dù cả thể chế đã dồn sức để chăm lo và xây dựng cho nó trở thành biểu tượng cho con người được phát triển toàn diện nhất. Nó sụp đổ vì nhiều lý do, trong đó có một lý do quan trọng là một thời gian khá dài, do những yêu cầu của thể chế mà xã hội và giới nghiên cứu hiểu chưa đầy đủ và xác định chưa đúng vai trò của con người bản thể trong cộng đồng. Trong khoảng mấy thập niên đó, người ta đã xây dựng nên rất nhiều lý thuyết về giá trị mang tính nhân văn rất cao, mang ý nghĩa tiến bộ cho con người nhưng những lý thuyết về giá trị ấy không làm cho con người thực tiễn trở nên hoàn thiện hơn.

Vì sao lại có hiện tượng trên đây? Ở một số nước tư bản phương Tây hay Bắc Âu, người ta cũng xây dựng những giá trị cho đất nước của họ. Tất nhiên, các quốc gia ấy có những hệ giá trị riêng để phát triển nhưng qua khảo sát chưa đầy đủ của chúng tôi, những nguyên tắc về phát triển văn hóa và con người ở các quốc gia ấy có những điểm chung. Ở các nước ấy, dù tính chất thể chế có khác nhau nhưng những giá trị cốt lõi của con người luôn được tôn trọng. Luật pháp và những hệ quy chiếu giá trị khác liên quan đến con người như giáo dục, y tế, quan hệ cộng đồng, an sinh xã hội… đều được xác định xung quanh tư tưởng chủ đạo là lấy con người làm trung tâm để phục vụ, lấy quyền con người, tự do và dân chủ của cá nhân và cộng đồng làm nền tảng cho sự phát triển. Đó là những khác biệt tạo nên giá trị ở họ. Từ nhà chính trị, doanh nhân… cho đến công dân bình thường, giá trị của họ được xác định ở chỗ công dân ấy có phải là một công dân được pháp luật thừa nhận và họ tuân thủ pháp luật thế nào, họ góp được gì cho xã hội ấy phát triển. Mọi lựa chọn khác thuộc về hoạt động tinh thần như xu hướng chính trị hay tôn giáo là quyền tự do của cá nhân. Xã hội chỉ giải quyết các quan hệ công dân theo pháp luật.

Thước đo của “Hệ giá trị…”

Lịch sử nhân loại có nhiều mô hình của sự phát triển. Một giá trị có thể mang ý nghĩa tiến bộ với đất nước, dân tộc này nhưng lại không giữ được giá trị ấy ở một địa bàn khác, với dân tộc khác. Sự thích ứng và hiệu quả là thước đo để đánh giá vai trò của các mô hình - trong đó có các giá trị trong thực tiễn.

Với văn nghệ cũng vậy. Rất nhiều năm ở nước ta giá trị của văn nghệ được gắn với vai trò thực hiện những sứ mệnh vì đất nước và con người, ở một yêu cầu quan trọng nhất là nó làm được gì trong việc tập hợp con người để chiến đấu giành độc lập dân tộc? Tiêu chí chân, thiện, mỹ của văn nghệ được đề cao, nhưng được khai thác và lý giải gắn với nhiệm vụ trên đây. Về bản chất thì chân, thiện, mỹ là một khái niệm không nhất thành bất biến, nhưng ba tiêu chí này mang ý nghĩa phổ quát nhất mà mọi nền văn nghệ cần hướng tới. Một thời ở ta, cũng vẫn là những nội dung gắn với con người, hiện thực, cái đẹp… nhưng nó lại được đóng đinh vào những nhiệm vụ chính trị mà cả nước đang phải dồn toàn lực cho nó, không cho phép ai đứng ngoài cuộc. Đó là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng là sứ mệnh của văn nghệ trong hoàn cảnh chiến tranh. Điều kiện ngặt nghèo của lịch sử như vậy, dễ được đồng tình, nhưng ở những hoàn cảnh khác, chúng ta vẫn bị quán tính của cách nhìn vốn là của một giai đoạn lịch sử đặc biệt này chi phối, dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Cho đến nay, con người bản thể không được coi trọng, “con người chính trị” được đề cao, kèm theo đó là một hệ thống những tiêu chí về hệ giá trị theo tiêu chí “chính thống”, trái với tiêu chí ấy sẽ bị phê phán, thậm chí bị xử lý (!)

Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng xuống cấp về đạo đức trong xã hội hiện nay là do chúng ta đã xây dựng một hệ thống giá trị thiếu toàn diện, không phù hợp với đời sống và điều hành hệ thống ấy theo những nguyên tắc quản trị đã lỗi thời, đề cao vận động, thuyết phục chứ không theo nguyên tắc pháp trị. Đó là chưa nói đến tính hoàn thiện của luật pháp cũng còn có những khiếm khuyết. Cốt lõi của vấn đề là chúng ta đề cao đến mức tuyệt đối hóa “con người chính trị”. Gắn với điều đó là đề ra những tiêu chí chính trị không sát thực tế, ví như bổ nhiệm cán bộ vào bộ máy quản trị nhất thiết phải có bằng Lý luận Chính trị cao cấp, trong khi bằng cấp này không có nhiều ý nghĩa để hoạt động nghề nghiệp, chuyên môn; hoặc người có bằng cấp ở lĩnh vực này nhưng lại làm việc ở lĩnh vực khác. Từ chỗ đề cao tiêu chuẩn chính trị nên Nhà nước đã bổ nhiệm nhiều cán bộ các cấp không đủ năng lực chuyên môn, thiếu phẩm chất, kém năng lực nhận thức và xử lý tình huống… Rõ ràng nội dung giá trị ở đây đã không đúng với tiêu chí giá trị thực của bản thân nó, không phù hợp với yêu cầu của công việc nên không thể là cơ sở đảm bảo cho người được giao trọng trách có thể hoàn thành chức trách của mình. Đó là nguyên nhân của tình trạng bổ nhiệm sai, ngồi không đúng chỗ, buộc bộ máy phải sửa sai vừa tốn kém, vừa làm giảm uy tín của tổ chức chính trị, gây mất lòng tin của nhân dân.

Cần tháo gỡ “điểm nghẽn”

Nhà nước ta đang vận hành xã hội theo phương thức nhất nguyên về tư tưởng, nhất nguyên về thể chế và đa nguyên về kinh tế. Sự “kết hợp” ấy được coi như bình thường và thực tiễn cho thấy sự “kết hợp” ấy có những mặt tích cực để phát triển xã hội mấy chục năm qua. Nhưng về nguyên lý, sự “kết hợp” ấy khó tạo ra những bước đột phá bởi sự không đồng bộ của những hệ thống đó. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Marx, nền tảng tư tưởng được hình thành và phát triển trên cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Hiện nay chúng ta đã thừa nhận kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa), nghĩa là nền kinh tế nhiều thành phần và thừa nhận trong quan hệ giữa người với người có cả bóc lột, làm thuê, có quan hệ chủ - tớ và những điều này được pháp luật bảo hộ. Trên nền tảng xã hội này, hiển nhiên sẽ có những con người tương ứng với các thành phần kinh tế ấy, sẽ có những tư tưởng nảy sinh trên nền tảng kinh tế -xã hội ấy. Như vậy sự nhất nguyên về tư tưởng đã có những yếu tố không tương thích với nền tảng xã hội và xã hội luôn phải xử lý sự bất tương thích ấy.

Tính nhân văn cao nhất của chủ nghĩa Marx-Lenin về con người là xóa bỏ áp bức, bóc lột, làm cho con người phát triển tự do. Đó là điều nhân loại luôn đề cao và hướng tới. Điều này cũng giống với các quan niệm tiến bộ khác ngoài macxit về con người, nhưng trong thực tế chúng ta coi trọng việc quản lý con người, cả tư tưởng lẫn hành vi hơn là tạo ra những tiền đề để cho con người tự do phát triển. Đây không phải là điều không thể nhận thức được mà chính là do chúng ta muốn lựa chọn một cách ứng xử khác với con người, chọn một kiểu quản lý, điều hành con người trong những nguyên tắc làm hạn chế năng lực tư duy và khát vọng sáng tạo ở họ, làm mất đi sự hấp dẫn vốn có của sự đa dạng ở mỗi cá nhân, trong khi mỗi cá nhân là một thế giới.

Bất kỳ xã hội nào muốn phát triển hài hòa, bền vững thì phải chọn những điều kiện tốt nhất, cả vật chất và tinh thần, để con người được sống trong môi trường dân chủ, tôn trọng quyền con người và tự do cá nhân ở họ. Vì chỉ có như vậy mới kích thích được sự cạnh tranh trong sáng tạo ở mọi lĩnh vực. Đây là “điểm nghẽn” khi xây dựng các tiêu chí giá trị, vì ở quan hệ nào cũng đụng tới vấn đề con người, trong khi điểm mấu chốt nhất của con người chưa được giải quyết. Về nguyên tắc khi xây dựng các tiêu chí, không thể bỏ qua cái đặc thù nhưng lại cũng phải tôn trọng những yếu tố mang ý nghĩa nền tảng, phổ quát thuộc về nhân loại mà thế giới đang thừa nhận. Chúng ta hoàn toàn có thể chọn mô hình thể chế theo hình thức nhất nguyên - nhiều nước phương Tây và phương Đông đã chọn thế - nhưng cần chấp nhận cho phát triển văn hóa, xây dựng con người theo hướng đa nguyên. Bởi vì chỉ như thế mới làm cho con người được sống trong môi trường dân chủ, được tự do hành xử trong khuôn khổ luật pháp. Điều đó phải trở thành nguyên lý gốc, là nền tảng của các tiêu chí giá trị. Một khi quan điểm về văn hóa và con người đạt tới tầm khoa học và khai phóng, thì sẽ là tiền đề cho những bước phát triển mạnh mẽ của xã hội. Đây là vấn đề của nhận thức ở tầm vĩ mô nhưng nó giữ vai trò quyết định cho sự phát triển của một đất nước. 

_______

(*) PGS, TS Văn học

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2021


Có thể bạn quan tâm