April 19, 2024, 5:39 pm

Nghệ thuật và sự thăng hoa trên nền tảng trực tuyến

Không có quá nhiều liveshow như thông lệ, âm nhạc năm 2020 ghi dấu ấn của sự thay đổi trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Sự thay đổi đến từ thói quen thưởng thức âm nhạc, từ chính những ca sỹ và nhà sản xuất âm nhạc.

Sử dụng nền tảng trực tuyến như một phương thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm tạo ra những xu hướng âm nhạc chất lượng, riêng biệt, được xem là đích đến của âm nhạc năm 2021.

Cảnh trong phim Vợ chồng A Phủ

KHI “NGHE” VÀ “XEM” KHÔNG CÓ SỰ KHÁC BIỆT

Nếu như lâu nay, việc “xem” biểu diễn ca nhạc hay bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào, được cho là khâu quyết định, trong tiếp nhận thông điệp của mỗi cá nhân đối với loại hình nghệ thuật đó, thì giờ đây việc “xem” đã không còn chiếm vị trí “độc tôn” trong quá trình tiếp nhận mà thay vào đó là “nghe” và cảm nhận. Xu hướng mới này ra đời do sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid - 19 khiến cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải trí bị đình trệ, thậm chí tê liệt do những quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội. Để không bị gián đoạn trong phát triển kinh tế kéo theo một đời sống “nghèo nàn” về tinh thần, những sáng kiến nhằm thay đổi thói quen của người dân trên toàn thế giới đã lần lượt ra đời. Đầu tiên, phải kể đến việc sử dụng nền tảng trực tuyến trong phát triển, duy trì sự ổn định về kinh tế như:  Làm việc từ xa, dạy học online, bên cạnh giải pháp tình thế giảm số lượng nhân công trên các công trường, xí nghiệp. Sử dụng mạng trực tuyến muộn hơn có lẽ là lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, bởi rất khó để thay đổi thói quen “xem” thay cho “nghe”.

Ban đầu người ta thành lập dàn đồng ca- hát trên ban công, các ô cửa sổ của các tòa nhà, tự biểu diễn âm nhạc dưới hình thức livestream gây hiệu ứng mạnh mẽ. Những hoạt động này đã nhanh chóng trở thành gợi ý cho các dự án âm nhạc, nghệ thuật quy mô rộng hơn tìm đến với nền tảng trực tuyến. Thay vì biểu diễn, phục vụ hàng nghìn người nghe (xem), Ban tổ chức, nhạc sỹ, ca sỹ biểu diễn online; lĩnh vực mỹ thuật cũng sử dụng số hóa để tổ chức các cuộc triển lãm. Xu hướng đưa nghệ thuật chiếm lĩnh không gian mạng đang dần chứng tỏ, với sự xa lánh do không được tiếp xúc xã hội, âm nhạc, nghệ thuật cũng là một lực lượng vật chất, đó chính là năng lượng sống. Điều này cũng góp phần khẳng định, thói quen thưởng thức nghệ thuật của công chúng đã thay đổi. Và sự thay đổi này hoàn toàn phù hợp với điều kiện sống cũng như sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Vận động để không bị “cũ” hay rơi vào “quên lãng” chính là lựa chọn mới, thậm chí mang tính sống còn của những người làm nghệ thuật. Tiên phong trong việc đưa nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng lên nền tảng trực tuyến có lẽ phải kể đến nghệ sĩ cello Yo-Yo Ma (Nhật Bản). Ông đã phát trực tuyến loạt chương trình biểu diễn Songs of Comfort (Những bài ca an ủi) trên YouTube và mạng xã hội với các tổ khúc của Bach để tưởng niệm những người đã mất vì Covid-19. Và vào ngày 11/12/2020, ông đã phát hành Songs of Comfort and Hope (Những bài ca an ủi và hi vọng), một album được thu âm cùng nghệ sỹ piano Kathryn Stott. Quan điểm của Yo-Yo Ma là “mọi người cần nhau và cần cả âm nhạc”.

Song song với sự bùng nổ của nghệ thuật trên nền tảng trực tuyến của thế giới nói chung, đời sống nghệ thuật trong nước nói riêng cũng có những “cú vượt thoát” ngoạn mục. Những liveshow, hay những chương trình hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm... được thay thế dưới hình thức trực tuyến không những đảm bảo về chất lượng nghệ thuật cũng như hình ảnh mà còn được công chúng yêu nghệ thuật đánh giá cao.

XU HƯỚNG CỦA TƯƠNG LAI

Bằng lối đi riêng trên nền tảng chung, nghệ thuật đang khẳng định sự thích nghi với một đời sống xã hội mới, để có thể tiếp tục đi đường dài. Sự thích nghi ấy có một phần hỗ trợ đắc lực của nền tảng trực tuyến. Nếu như trước đây, việc tổ chức liveshow, nghệ sỹ phải tiêu tốn khoản kinh phí lên tới hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng, thì nay, với nền tảng trực tuyến, khoản kinh phí đó được tiết kiệm tối đa. Thậm chí, nếu ca sỹ chỉ thu âm bài hát và phát trên nền tảng trực tuyến YouTube thì kinh phí chỉ còn là chuyện nhỏ.

Đơn cử, ca sỹ trẻ Hoài Lâm hát và thu âm ca khúc ballad Hoa nở không màu với kinh phí 1.5 triệu đồng vẫn có thể lọt top MV nổi bật nhất năm của YouTube. Trước Hoa nở không màu có thể kể đến hàng loạt các single đơn lẻ và  album chất lượng từ các nghệ sỹ kì cựu lẫn các nghệ sỹ trẻ như: album Dreamee (Amee), 3 (Ngọt), EP Tâm trạng hơi tan chậm một chút (Bích Phương), Đi về nhàLối nhỏ của Đen Vâu. Và gần đây nhất là MV của Sơn Tùng M-TP Chúng ta của hiện tại... cho thấy Các liveshow, mini-show trực tuyến trở thành xu hướng tất yếu trong đời sống âm nhạc Việt Nam và thế giới.

Không nằm ngoài xu hướng chung, đời sống sân khấu trong nước cũng có những chuyển động đáng ghi nhận. Nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã mạnh dạn tổ chức các đêm diễn trực tuyến thông qua kênh YouTube “Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam” để xem trực tiếp các buổi dự thi của diễn viên tuồng, dân ca kịch và cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2020 tại Hà Nội và Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu Nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020 từ cuối tháng 10/2020. Đối với lĩnh vực Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, hoạt động trực tuyến cũng được đẩy mạnh nhằm kết nối giữa nghệ sỹ với công chúng yêu nghệ thuật. Bằng sự năng động và tận dụng tối đa nền tảng kỹ thuật số hiện có, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được coi là đơn vị tiên phong số hóa các tác phẩm, tư liệu và hiện vật, các cuộc triển lãm trực tuyến. Gần đây nhất có thể kể đến sự kiện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm trực tuyến chùm tác phẩm đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, nhiều tác phẩm đặc sắc thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do nhiều thế hệ nghệ sỹ sáng tác, khi đang trực tiếp có mặt trên chiến trường hay chứng kiến giây phút lịch sử đất nước hoàn toàn thống nhất đã được giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước như: Nắm đất miền Nam của Phạm Xuân Thi; Mẹ kháng chiến của Hoàng Trầm; Bên chiến hào Vĩnh Linh của Đào Đức; Đất này của tổ tiên ta của Nguyễn Vĩnh Nguyên; Trên chặng đường chiến dịch của Nguyễn Thanh Châu; Bộ đội vềTải đạn của Lê Thanh Trừ... được công chúng đón nhận và đánh giá cao, phản ánh qua số lượng người truy cập vào địa chỉ triển lãm. Cho thấy, Mỹ thuật và Nhiếp ảnh đã chính thức “nhập cuộc’ và vững vàng trên nền tảng số. Theo David Quiles Guilló, nhà sáng lập của “Wrong Biennale”, từng chia sẻ: “Bất cứ cái gì trực tuyến đều chỉ cần một cú nhấp chuột. Khả thể của nó là vô biên, sự hiện hữu được mở rộng tới vô hạn, và công nghệ càng phát triển, nghệ thuật cũng được tiến bước theo”. Từ những diễn biến mới nhất của đời sống nghệ thuật trong nước và quốc tế, đã chứng minh sự song hành giữa công nghệ và nghệ thuật trong sự tồn tại cùng phát triển, thậm chí trở thành cứu cánh trong mùa dịch Covid-19. Trong lĩnh vực Điện ảnh, mới đây được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục điện ảnh, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) cùng Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) Đài Truyền hình Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác, giới thiệu “Tuần phim Việt trên VTV Go”. Theo đó từ 18/11, 10 tác phẩm đặc sắc của Điện ảnh Việt Nam: Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Mẹ vắng nhà, Làng Vũ Đại ngày ấy, Bến không chồng, Thời xa vắng, Chuyện của Pao, Đừng đốt, Cánh đồng bất tận và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ lần lượt được trình chiếu phục vụ khán giả. Đây được xem là những động thái tích cực của các đơn vị quản lý trong phát hành dòng phim chính thống trên nền tảng trực tuyến.

Từ thực tế đời sống nghệ thuật cho thấy, mỗi lĩnh vực nghệ thuật đều đã tìm được cho mình những hướng đi riêng trong sự phát triển cả về nhân lực và vật lực. Bước đầu đã và đang cho kết quả khả quan. Và để đẩy mạnh các hoạt động nghệ thuật, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều cuộc họp bàn với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật để cùng xúc tiến cho giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0. Theo đó, đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, các nhà hát sẽ tập trung xây dựng tác phẩm để biểu diễn. Bộ sẽ hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ vào quảng bá tới đông đảo khán giả thông qua mô hình nhà hát online. Với lĩnh vực Điện ảnh, Mỹ thuật và Nhiếp ảnh cũng sẽ nhanh chóng số hóa tác phẩm để phục vụ việc công chiếu và triển lãm trên nền tảng số. Đây không chỉ là giải pháp trong thời gian dịch Covid-19, mà còn được coi như một hướng đi mới để tiếp cận các hoạt động biểu diễn và quảng bá nghệ thuật của Việt Nam ra thế giới. Chính vì vậy, năm 2020 nên được coi là “phép thử” đối với nghệ thuật Việt Nam, giúp chúng ta nhận biết, thích nghi và vững vàng hơn với xu hướng phát triển mạnh mẽ trên nền tảng số. Đã đến lúc những người hoạt động trong giới nghệ thuật có thể tạo nên xu hướng với những món ăn tinh thần chất lượng và riêng biệt. Và năm 2021 chính là cơ hội để người làm nghệ thuật nói riêng, đời sống nghệ thuật trong nước nói chung tạo nên những bứt phá mới.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021


Có thể bạn quan tâm