March 28, 2024, 8:53 pm

Nghệ thuật truyền thống và những giá trị văn hoá bất biến

 

Tháng 8/2016, dự án Đưa những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao vào biểu diễn tại Nhà nhà Lớn Hà Nội của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch chính thức được khởi động. Tại thời điểm đó, không chỉ những người hoạt động trong nghề, cơ quan quản lý tràn trề hy vọng sẽ có một bước chuyển mới trong hoạt động nghệ thuật truyền thống nói chung mà còn nâng tầm giá trị từng loại hình nghệ thuật trong lòng khán giả nói riêng. Thế nhưng, ba năm đã trôi qua, những giá trị mới của nghệ thuật truyền thống vẫn chưa được xác lập. Ngược lại, sự khốn khó, thậm chí mất dần bản sắc đang xảy đến với không ít loại hình nghệ thuật, khiến người ta không khỏi lo ngại về sự mai một những giá trị văn hoá vốn làm nên hồn cốt dân tộc Việt …

Biểu diễn hát xẩm trong một phiên chợ Xuân. Ảnh: Bá Linh . Nguồn Internet

SỐNG LẠI NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG

… Nhìn vào đời sống nghệ thuật hiện nay không khó để nhận thấy, nghệ thuật dân tộc đang bị tác động rất lớn bởi cơ chế thị trường. Nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền đang mờ dần bản sắc, thưa vắng người nghe, người xem. Trước sự khó khăn của nghệ thuật truyền thống, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng đề án Đưa những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao vào biểu diễn tại Nhà nhà lớn Hà Nội nhằm tiếp tục phát triển những loại hình nghệ thuật vốn được công chúng yêu mến và tự hào như những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Ngay tại thời điểm triển khai dự án, tháng 8/2016 truyền thông khi ấy đã đồng loạt cho rằng, hành động “tiếp lửa” cho nghệ thuật truyền thống của Bộ chủ quản rất đáng trân trọng và cần được duy trì với những lớp lang, bài bản cụ thể để không chỉ sống lại các loại hình nghệ thuật truyền thống mà còn khẳng định giá trị nghệ thuật truyền thống trong lòng công chúng thế hệ mới.

Và quả thực, chuyển động của dự án thời kỳ đầu đã không phụ sự kỳ vọng của cơ quan quản lý, giới hoạt động nghệ thuật và công chúng yêu nghệ thuật. Bỏ qua những ồn ào về giá vé hay những quy định mang tính chất cơ học của Nhà hát như: vở diễn phải thuộc hàng kinh điển, đoạt huy chương tại các hội diễn, mang dấu ấn thời đại… thì lượng người xem đến Nhà hát Lớn khá đông đã làm ấm lòng những người làm nghệ thuật. Và họ đã nuôi hy vọng Nhà hát Lớn có thể sáng đèn quanh năm vì không sợ thiếu vở diễn khi cả nước có đến 130 đơn vị nghệ thuật công lập, và hàng trăm đơn vị ngoài công lập. Thế nhưng, sự kỳ vọng đã không thể kéo dài. Những vướng mắc trong quản lý, những khó khăn mang yếu tố đặc thù của ngành và bài toán kinh tế đã khiến cho Nhà hát Lớn không thể sáng đèn…

 

HÀNH TRÌNH TIẾP LỬA

Trước dự án của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, tại Hà Nội, giới nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật truyền thống đã lập ra nhiều câu lạc bộ gắn với các loại hình nghệ thuật như: Câu lạc bộ Ca trù, Quan họ và chương trình biểu diễn nghệ thuật Hát xẩm từ hè đường lên sân khấu… Tại các tỉnh thành phía Nam thì có các hoạt động của Nhà hát sân khấu nhỏ 5B, nhà hát Phú Nhuận… luôn kiên trì, tiếp sức cho những vở diễn nghệ thuật truyền thống. Cùng với đó là những dự án đưa sân khấu vào học đường nhằm mở rộng biên độ cho nghệ thuật truyền thống như dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương”, “ Tinh hoa nhạc Việt”…

Tuy nhiên, theo NSND Triệu Trung Kiên, tình hình sân khấu nói chung, đang ở đỉnh điểm của khó khăn. Nếu hình dung sự thăng trầm của sân khấu giống đồ thị hình Sin thì hiện nay, nó đang ở giai đoạn tiệm cận đáy.  Trong khó khăn, các cụ nhà ta nói cái khó ló cái khôn. Lực lượng nghệ sĩ vẫn còn rất hùng hậu và rất yêu nghề, những người tâm huyết với nghề đương nhiên sẽ làm mọi cách, vận dụng mọi yếu tố và tài năng của mình để vùng vẫy ra khỏi giai đoạn khó khăn này. Khó khăn là cản trở nhưng đồng thời là cơ hội cho các nghệ sĩ có được sự sáng tạo, có quyết tâm, có lòng yêu nghề.

Đứng ở góc độ hẹp hơn, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trăn trở, ông không mong muốn nghệ thuật truyền thống trở thành đại chúng, nhưng để nghệ thuật sống được trong lòng người yêu nghệ thuật thì rõ ràng phải có đột phá từ khâu đào tạo đạo diễn. Theo ông, Nghề đạo diễn đã khó, nhưng đạo diễn của sân khấu truyền thống còn khó hơn. Hiện nay, vấn đề đào tạo của chúng ta cũng cần nhìn nhận nghiêm túc.... 

Để “cứu” nghệ thuật truyền thống, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã có hình thức đổi mới đào tạo. Theo tinh thần dự án đào tạo thí điểm diễn viên của 4 nhà hát (Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), không chỉ tham gia công tác tuyển sinh, những nhà hát này còn phối hợp với các trường nghệ thuật tham gia giảng dạy, đào tạo. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 41/2014/QĐ-TTG về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật và có hiệu lực thi hành từ ngày 9/9/2014. Đi cùng với đó là sự quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống trước sức ép của các loại hình giải trí khác.

Song, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Đừng bảo tồn âm nhạc truyền thống theo tư duy dự án, mà đổi lại, chúng ta phải có một chiến lược, chiến lược đào tạo lớp nghệ sĩ tinh để giữ nghề, chiến lược xây dựng, nghiên cứu nghệ thuật truyền thống đúng bản sắc của nó và chiến lược xây dựng lớp khán giả hiểu về văn hóa truyền thống, hiểu về văn hóa đương đại, được tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc...

Trước sự “lai căng”, “pha trộn” với những nền văn hóa khác trên thế giới của không ít loại hình nghệ thuật truyền thống, những người hoạt động trong nghề quá sốt ruột đã đề xuất dự án đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường, đồng thời phát huy vai trò tự thân vận động, chọn cách hòa cùng nhịp đập cuộc sống, chính thức đưa nghệ thuật truyền thống xuống phố phường, nhằm tăng cơ hội tiếp cận với công chúng. Bên cạnh đó, những vở diễn kinh điển cũng đã được làm mới không chỉ góp phần truyền lửa mà còn giúp giới trẻ dễ dàng tiếp nhận vốn liếng văn hóa dân tộc thông qua các vở diễn. Đây là cách mà sân khấu có thể đem lại những xúc cảm mới cho đời sống nghệ thuật của giới trẻ hiện nay. Có thể kể ra đây những vở diễn trong “Mùa diễn kịch Lưu quang Vũ” như Tin ở hoa Hồng; Hoa cúc xanh trên đầm lầy, hay gần đây nhất Nhà hát Cải lương Hà Nội đã có những vở diễn như Khi hoa nở trái mùa, Mong gió đừng đổi chiều… để chuyển tải tới công chúng yêu nghệ thuật những thông điệp từ cuộc sống. Đó là sự yêu ghét rõ ràng, chia sẻ, là tình người lấp lánh sau những bon chen, hỉ nộ của cuộc đời. Và những giá trị trân quý ấy còn được làm mới qua sự giao thoa về văn hoá giữa các nền nghệ thuật khác nhau trên thế giới mà vở Kim Vân Kiều là một minh chứng cho sự gặp gỡ nghệ thuật và những giá trị thiêng liêng mà nghệ thuật đem lại cho công chúng qua sự dàn dựng và biểu diễn bởi các nghệ sĩ Pháp… đã và đang mang đến cho giới trẻ nói riêng, người yêu nghệ thuật nói chung những thông điệp cũ, mới về giá trị sống mà tiền nhân muốn trao truyền lại. Và cũng chính vì vậy mà nghệ thuật truyền thống, dòng chảy âm thầm trong đời sống đương đại không thể mất đi mà luôn theo sát chúng ta, cho dù khiêm nhường ở những chiếu chèo nơi sân đình, hay một gánh hát xẩm nơi góc phố nào đó, thì những với những giá trị văn hoá bất biến mang yếu tố trường tồn trong mỗi loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn luôn và sẽ được khơi gợi trong mỗi người dân Việt Nam để rồi mỗi người sẽ có cách lưu giữ những giá trị ấy khác nhau như một kho tàng vô giá của dân tộc.

Nguồn Văn nghệ số 43/2019


Có thể bạn quan tâm