March 28, 2024, 4:11 pm

Nghệ thuật không giãn cách

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều Nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã xây dựng kế hoạch biểu diễn nghệ thuật sống chung với Covid-19, thông qua các nền tảng trực tuyến và tiến hành ký kết hợp đồng ghi hình, phát sóng các chương trình biểu diễn nghệ thuật với các đài phát thanh, truyền hình trong nước phục vụ người dân. Đây được xem là một hướng đi mới, không chỉ tháo gỡ khó khăn về kinh tế cho các đơn vị nghệ thuật trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà còn góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân khi buộc phải thực hiện giãn cách xã hội.

Truyện Kiều lên sân khấu

Những bước chuẩn bị cần thiết

Nếu như trước đại dịch Covid-19, nền tảng số nói chung, các kênh truyền số nói riêng chỉ dành riêng cho những bộ phim kinh điển hoặc phim nhiều tập do nhà đài sản xuất, thì nay, việc các đơn vị nghệ thuật mạnh dạn chào hàng, giới thiệu đứa con tinh thần của mình trên YouTube, TV360, Mocha, FPT Play và Galaxy Play, đã không còn hiếm, thậm chí nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã tiến hành số hóa những đứa con tinh thần của mình, đồng thời đặt lịch phục vụ khán giả trong thời điểm giãn cách, nhằm tạo nên thói quen thưởng thức nghệ thuật… không giãn cách.

Trước tiên, có thể điểm qua ngân hàng kịch bản sân khấu do Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Triệu Trung Kiên phối hợp với công ty truyền thông HK sáng lập tại địa chỉ Website chokich.vn. Đây là địa chỉ được giới nghệ sĩ đánh giá cao, không chỉ trong nỗ lực giải bài toán khan hiếm kịch bản sân khấu mà còn đảm bảo khá tốt vấn đề bản quyền khi tác phẩm của tác giả chính thức ký hợp đồng gia nhập chokich.vn. Theo NSND Triệu Trung Kiên, cơ chế hoạt động của chokich.vn được bắt đầu từ các đơn đặt hàng của các đơn vị nghệ thuật với các ý tưởng sáng tác xuất hiện trong không gian chokich.vn, ban điều hành và công ty truyền thông HK sẽ lựa chọn các tác giả tùy theo sở trường và thực hiện đơn hàng, với mức thu phí giao dịch, mua bán từ 20-25% giá trị hợp đồng đó.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng kịch bản tại địa chỉ chokich.vn đã hoạt động được một năm với không ít hợp đồng mua bán kịch bản thành công, góp phần giúp cho tác giả viết kịch bản và các đơn vị nghệ thuật, nhà chuyên môn gần nhau hơn, hiểu rõ hơn nhu cầu của của từng lĩnh vực hoạt động sân khấu nghệ thuật. Trên cơ sở tận dụng công nghệ thông tin, rút ngắn khoảng cách về thời gian, chi phí đi lại để thực hiện mua bán kịch bản và nhất là đảm bảo tối đa yêu cầu về bản quyền khi tác phẩm được giao dịch thành công.

Sau trang chokich.vn, dự án Ngâm Kiều toàn truyện do nghệ sĩ Nguyễn Quang Long kết hợp với nghệ sĩ Phạm Đình Dũng triển khai từ tháng 3/2020, thời điểm khá căng thẳng của dịch Covid-19 tại Việt Nam, cũng được xem là khá thành công, khi sử dụng công nghệ làm phương tiện chuyển tải Truyện Kiều đến với công chúng trong thời điểm giãn cách xã hội. Sau hơn một năm, dự án đã số hóa toàn bộ 3.254 câu trong Truyện Kiều theo đúng lối ngâm Kiều truyền thống. Để khán giả dễ dàng thưởng thức, nhóm dự án đã chia truyện Kiều thành 12 chương theo nội dung của truyện. Mỗi chương có độ dài khoảng từ 30-100 phút được thể hiện qua giọng ngâm của các nghệ sĩ và dàn nhạc.

Ngoài chokich.vn; Dự án Ngâm Kiều toàn truyện, mới đây Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã bắt đầu thực hiện đề tài cấp tỉnh Số hóa tuồng Huế. Đây chính là cơ hội để bảo tồn lâu dài và bài bản về loại hình nghệ thuật nổi tiếng tuồng Huế của vùng đất Cố đô. Sau Huế, sẽ còn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện số hóa di sản nghệ thuật của địa phương, cho thấy những ích lợi của số hóa nghệ thuật đã và đang được chứng minh với những ưu việt trong việc phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật không giới hạn, đặc biệt là trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 được xem là còn kéo dài hiện nay.

Nghệ thuật không giãn cách

Số hóa tác phẩm nghệ thuật sẽ được bắt đầu từ đâu, thời lượng ra sao và những tác phẩm nào cần được số hóa trước để chào hàng trước công chúng… vẫn còn là nỗi băn khoăn không chỉ của từng đơn vị nghệ thuật mà còn của chính cơ quan quản lý. Chưa kể, cơ chế phối hợp với các Đài phát thanh, truyền hình trong ghi âm, ghi hình thế nào, khung giờ phát sóng ra vào và thời lượng bao nhiều là đủ để khán giả không bị nhàm chán khi phải gián tiếp ngồi nghe, xem các vở diễn thay vì ra rạp xem trực tiếp như trước đây. Theo NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, Cục nghệ thuật và Bộ nên triển khai nhanh các giải pháp cần thiết để sớm hiện thực hóa hình thức biểu diễn cho sân khấu trên nền tảng số, công nghệ.

Được biết, nếu chương trình tổng thể số hóa các tác phẩm nghệ thuật được thông qua, các nhà hát sẽ cùng thực hiện chương trình này. Dự kiến, mỗi đài truyền hình cũng sẽ hỗ trợ lên sóng trong các tháng 7,8,9. Ngay cả khi các nhà hát có thể biểu diễn trở lại, việc đưa chương trình lên sóng, lên mạng vẫn tiếp tục. Các nhà hát sẽ làm chương trình song song cả online và diễn trực tiếp; trong đó diễn trực tiếp các chương trình mới, còn chương trình cũ hơn thì đưa online. Tuy nhiên, để thực hiện những nội dung trên vẫn cần có lộ trình cụ thể và có sự phối hợp tác của các Bộ, Ngành chứ không chỉ riêng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Đây cũng chính là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch về thực hiện nhiệm vụ của ngành diễn ra vào những ngày đầu tiên của tháng 6 vừa qua. Nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã gây những hậu quả, mất mát lớn, nhưng người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, đây cũng chính là cơ hội để phát triển công nghệ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Trước làn sóng Covid-19, nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh tế đã phải thực hiện nhiều cuộc cách mạng trong thay đổi tư duy, chiến lược phát triển sản xuất để không bị nhấn chìm. Nhiều công đoạn sản xuất được thay thế bằng robot tự hành, hợp đồng kinh tế, họp hành, giao dịch mua bán đều đã chuyển từ trực tiếp sang thực hiện trên nền tảng số… nhằm đảm bảo yêu cầu chống dịch ở mức cao nhất. Lĩnh vực nghệ thuật, thiết nghĩ không thể tách mình ra khỏi xu hướng chung đó.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

 


Có thể bạn quan tâm