March 29, 2024, 4:39 am

Nghệ sĩ thần đồng và câu chuyện giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em

Có một câu chuyện trong thế giới nghệ thuật, đặc biệt là trong thời hiện đại, đang ngày càng mở rộng: hiện tượng nghệ sĩ thần đồng.

Mặc dù hiện tượng thần đồng trong các lĩnh vực đời sống, đặc biệt văn hóa nghệ thuật đã tồn tại từ rất lâu, nhưng ngày nay, sự nổi tiếng “lan truyền” bởi công nghệ thông tin đã mang lại cho nhiều trẻ nhỏ tiềm năng được tôn vinh như niềm hy vọng nghệ thuật lớn trong tương lai.

Ngày nay, chúng ta biết đến Aelita Andre, người Úc một “thần đồng sắc màu”, được giới chuyên gia đánh giá là họa sĩ chuyên nghiệp nhỏ nhất hành tinh khi mới 4 tuổi. Marla Olmstead là một họa sĩ vẽ tranh trừu tượng khi mới 4 tuổi đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế. Kieron Williamson (người Anh) lần đầu tiên gây chú ý khi mới 6 tuổi. Sự giàu có từ việc bán tranh của cậu đã tăng lên khoảng 1,5 triệu bảng Anh khi cậu mới 10 tuổi. Hay Xèo Chu, một hiện tượng trong giới hội họa Việt Nam và quốc tế... Ngoài hội họa, thì âm nhạc, điện ảnh, văn học là những lĩnh vực đã ghi nhận nhiều thần đồng. Dường như mỗi ngày lại có một thần đồng được sinh ra, khiến nhân loại sửng sốt.

Họa sĩ nhí Xèo Chu. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Thần đồng nghệ thuật là một chủ đề hấp dẫn. Nhưng song song với vinh quang của việc tài năng phát lộ và phát triển quá sớm là những nghi vấn và lo lắng: Họ có bị lợi dụng không? Thành tích của họ là chính họ tạo nên hay được giúp đỡ bởi người lớn? Có phải công chúng đang bị lừa? Sự mê hoặc của chúng ta đối với thần đồng vừa dễ hiểu vừa ẩn chứa những mối nghi ngờ và lo lắng tiềm ẩn. Bởi nghệ thuật là một lĩnh vực lạ lùng, nơi mà tài năng có thể đột ngột nở rộ, nhưng cũng bất thình lình lụi tàn. Là một thứ vừa là “trời cho” nhưng luôn phải học hỏi, mài rũa.

Rất nhiều thần đồng bộc lộ tài năng từ nhỏ, nhưng sau đó, tài năng đột nhiên…biến mất, thần đồng trở lại làm một người bình thường và bị lãng quên. Từ xưa, trong lịch sử các ngành nghệ thuật, các nghệ sĩ trẻ có thể gặp khủng hoảng khi lớn lên vì họ phải đối mặt và vượt qua cái bóng của bản thân trong quá khứ. Nhưng cũng rất nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ trưởng thành nổi tiếng phi thường.

Marla Olmstead trở thành chủ đề của một bộ phim tài liệu năm 2007, “My Kid Can Paint That” làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu cô ấy có thực sự tự mình hoàn thành các bức tranh của mình hay không. Mẹ của Kieron Williamson nói BBC vào thời điểm cậu con trai trở nên nổi tiếng rằng: “Thành thật mà nói, đó là một cơn ác mộng, một cơn ác mộng lớn về đạo đức và pháp lý” để giữ cho Williamson được an toàn, không bị bóc lột và có thể tận hưởng tuổi thơ của mình. Còn Xèo Chu của Việt Nam thì không chắc sau này có tiếp tục vẽ tranh và theo đuổi ngành hội họa hay không.

Vì sao người ta lại bị cuốn hút bởi những nghệ sĩ thần đồng, và việc giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em từ nghệ thuật có thực sự quan trọng?

Chúng ta luôn bị cuốn hút bởi các thần đồng nói chung và các thần đồng nghệ thuật nói riêng. Không chỉ trầm trồ về tài năng rực rỡ của họ, mà còn kỳ vọng thần đồng trở thành những thiên tài. Bên cạnh đó, các tài năng nghệ thuật nhỏ tuổi luôn được tìm kiếm và khuyến khích. Người ta xây dựng những “vườm ươm tài năng nhí” để hy vọng những vụ mùa bội thu trong tương lai. Và để có không chỉ các nghệ sĩ trong tương lai, chúng ta cần có những công chúng yêu mến và biết cách hưởng thụ nghệ thuật, nên việc giáo dục thẩm mỹ được đặt ra đầu tiên, rồi tới giáo dục nghệ thuật cho trẻ em trong nhà trường. Thực trạng giáo dục thẩm mỹ và nghệ thuật ở ta như thế nào? Theo nghệ sĩ thị giác Lê Anh Hoài: Tôi thấy việc giáo dục thẩm mỹ ở ta rất kém. Mặc dù hiện nay, sự nở rộ các chương trình đào tạo nghệ thuật từ nhỏ như dạy trẻ em vẽ, học nhạc, nhưng thực ra sự giáo dục thẩm mỹ trong đó rất yếu. Ví dụ như một người mẹ đưa con đến lớp học vẽ tranh, giáo viên cho cháu chép lại một bức tranh mẫu nào đấy, người mẹ đó nghĩ con mình đã biết vẽ rồi. Đó là một cách đi tắt đón đầu, trong khi với trẻ em, việc đầu tiên để trẻ tiếp xúc với nghệ thuật là cho trẻ đi xem các triển lãm nghệ thuật, nghe nhạc, đó mới là tạo cho trẻ nền tảng. Thực ra dạy nghệ thuật phải đến sau, chứ đầu tiên phải dạy về thẩm mỹ, mà thẩm mỹ của ta nói chung là còn rất thấp.

Theo các chuyên gia nghệ thuật, con người ai cũng có năng lực thẩm mỹ. Năng lực thẩm mỹ bắt nguồn từ sự nhận thức và cảm thụ cái đẹp. Năng lực thẩm mỹ tuy trừu tượng nhưng có liên quan đến việc nuôi dưỡng tâm hồn mỗi cá nhân. Sự lan tỏa của văn hóa phụ thuộc vào giáo dục thẩm mỹ để nâng cao và tạo nên sự phong phú và chất lượng của nhân văn. Nhà triết học giáo dục người Mỹ Greene đã chỉ ra rằng quá trình sáng tạo nghệ thuật là quá trình thể hiện đời sống của chính mình. Trẻ em cần một môi trường giáo dục sống có “cái đẹp”. Vì vậy, giáo dục nghệ thuật nên được thực hiện từ mầm non để trẻ nhỏ có thể hình thành sự đánh giá cao về “vẻ đẹp” của môi trường xung quanh nhằm trau dồi khả năng thẩm mỹ cho trẻ.

Triết gia Hy Lạp Plato đã nói: “Trước khi được dạy phân biệt giữa sự thật và tốt điều tốt, trẻ em phải được dạy để trải nghiệm cái đẹp.” Plato cũng coi giáo dục thẩm mỹ là nền tảng của mọi nền giáo dục. Vì vậy, hãy để trẻ nhỏ khám phá các vẻ đẹp của sự vật và nuôi dưỡng sự nhạy cảm đối với thế giới sống, giải phóng bản năng nghệ thuật của trẻ em về vẻ đẹp của cuộc sống, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo, tăng cường sự thể hiện của chúng, để trẻ em tự nhiên nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống và tích lũy những phẩm chất thẩm mỹ, hình thành các giá trị của trẻ như vẻ đẹp và lòng nhân ái, có được khả năng quan tâm đến người khác, môi trường và xã hội, chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực của chúng, từ đó nhân cách của trẻ sẽ thống nhất và hài hòa.

Tại sao việc học hỏi các thần đồng nghệ thuật hay các nghệ sĩ nổi tiếng lại tốt cho giáo dục thẩm mỹ?

Nghiên cứu tác phẩm nghệ thuật của các bậc thầy không chỉ ảnh hưởng đến phong cách nghệ thuật của mỗi cá nhân mà thậm chí còn cải thiện kỹ năng và quyết định của cá nhân đó khi tạo tác phẩm gốc của riêng họ. Thật tuyệt vời khi trẻ em được tiếp xúc với các phong cách nghệ thuật khác nhau, thử nghiệm các phương tiện và kỹ thuật khác nhau thông qua các dự án nghệ thuật của nghệ sĩ nổi tiếng. Tái tạo một số bức tranh nổi tiếng nhất bằng một sự thay đổi hoặc cách làm của riêng mỗi người luôn đem đến thành công. Trẻ em thậm chí có thể tìm thấy một hoặc nhiều nghệ sĩ có tác phẩm mà chúng thích và sẽ truyền cảm hứng cho chúng thực hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật của riêng mình.

An Cư

Nguồn Văn nghệ số 11/2023


Có thể bạn quan tâm