March 29, 2024, 3:31 pm

Nghề giáo thời công nghệ 4.0

 

Nghềgiáo - một nghề đặc biệt, mà chủ thể và đối tượng lao động là tâm hồn nhà sư phạm trong mối quan hệ giao tiếp với tâm hồn của thế hệ trẻ; công cụ lao động là nhân cách người thầy và sản phẩm là năng lực, phẩm chất của thế hệ tương lai. Nhà giáo vẫn được cả nước tôn vinh là người lái đò; người gieo hạt, ươm mầm; kỹ sư tâm hồn; và nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý…

 

Hoạt động học tập chủ động và sáng tạo của học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội

 

Trong xã hội xưa, những ông đồ dạy học được người đời rất mực coi trọng. Họ là chuẩn mực của nhân cách thanh cao, trí tuệ uyên thâm; biểu tượng của giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Bởi vậy, dù nghèo đến đâu, cha mẹ cũng cố gắng lo cho con theo học, đón thầy về dạy chữ Thánh Hiền. Nếp nghĩ kính thầy, rồi mới đến kính cha tạo nên tư duy hành động nhất nhất nghe theo thầy, hình thành nền giáo dục truyền thụ quyền uy.

Thế kỷ XX – cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ đem tới lý thuyết giáo dục kiểu dây chuyền sản xuất. Tại các lớp học tập trung, mỗi giờ lại có một thầy giáo bước vào, thuyết giảng kiến thức của mọi lĩnh vực. Học sinh hứng thú trật tự lắng nghe, ghi nhớ. Xã hội trọng bằng cấp, muốn đỗ đạt thì phải biết “yêu lấy thầy”, nghe theo thầy. Người thầy giữ vị thế độc tôn, mang trong mình một kho kiến thức để thuyết giảng hết lớp này đến lớp khác, hết năm này đến năm khác...

Trong quá khứ, giáo dục dây chuyền một chiều, nhồi nhét kiến thức có thể là hợp lý, vì nguồn thông tin hiếm hoi; phát thanh, truyền hình, báo đài, điện thoại, thư viện công cộng chưa phát triển. Nhưng, cái chúng ta gọi là giáo dục ấy, thực chất chỉ là sự tích lũy kiến thức thụ động, làm theo, thiếu tính sáng tạo, đột phá. J.Krishnamurti trong Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống khẳng định: “Kiểu giáo dục như thế chỉ cung cấp cho chúng ta một hình thức đào thoát khỏi chính mình một cách tinh vi; và giống như mọi kiểu đào thoát khác, nó chắc chắn gây ra tình cảnh khốn khó ngày một chất chồng”.

Bước sang kỷ nguyên số hóa, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, IoT, Big Data, robot… liên tục phát triển. Ai cũng có thể dễ dàng “định cư” trên không gian ảo. Thế hệ trẻ là đối tượng thích thú và chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của cuộc cách mạng công nghệ này. Chúng bị ngập trong lượng thông tin khổng lồ, mà không một nhà kiểm duyệt nào cố ý chặn lại. Chỉ bằng một cái lướt nhẹ “smartphone”, chúng có thể thu thập thông tin từ xa xưa đến thời sự nhất ở mọi miền trái đất; tự học mọi lúc, mọi nơi với các loại định dạng tệp được thiết kế đồ họa sinh động gấp ngàn lần bài giảng truyền thống; tham gia lớp học online, mà thầy cô là trí tuệ nhân tạo!... Phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo trở thành xu hướng giáo dục tương lai. Trong thế giới phẳng như thế, đưa cho học sinh thêm thông tin là điều không nhất thiết cần làm. Mối quan hệ khuôn phép “kính nhi viễn chi” nhanh chóng bị hạ bệ, khiến không ít nhà giáo tỏ ra bất lực. Mặt khác, tính phổ cập, dân chủ hóa của trường học khiến giáo viên trở thành một nghề rất phổ thông, với số người hành nghề đông đảo. Ai cũng có thể trở thành giáo viên, không chỉ là những người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên ngành làm nghề giáo. Từ vị thế độc tôn trao kiến thức, giáo viên trở thành nghề mang đầy cạnh tranh và thách thức, nhiều khả năng bị thay thế bằng robot.

Kỷ nguyên số hóa, có quá nhiều điều của thế giới phẳng thu hút học sinh, và internet sẵn sàng đem lại tất cả thông tin chúng cần. Kiến thức thì luôn ở trạng thái động và nhanh chóng lạc hậu. Xã hội cần những người chủ động nghĩ khác, làm khác, biết tạo ra và nắm bắt xu hướng, chứ không rập khuôn bắt chước. Vì vậy, phương pháp giảng dạy truyền đạt thông tin (kể cả các bài giảng điện tử thuyết trình với nhiều hiệu ứng trình chiếu) đã là lỗi thời, không hiệu quả, gây nhàm chán. Học sinh không thể tập trung nghe thầy nói quá lâu, sẵn sàng ngủ gục trên bàn và yêu cầu ngồi yên tĩnh ghi chép là rất khó. Như vậy, nếu trong lớp học có một học sinh ngủ gật, thì có lẽ, người giáo viên đó đã thua trong việc cạnh tranh sự chú ý.

Tuy nhiên, do có quá nhiều nguồn, học sinh rất dễ sa vào thông tin sai sự thật; bị phân thân bằng thông tin không liên quan; lúng túng trong việc chắt lọc, sắp xếp, khái quát thông tin để giải quyết vấn đề; lệ thuộc nguồn tin internet; đánh mất chính mình; khả năng giao tiếp, hợp tác, phản biện, sáng tạo rất hạn chế. Không cần giáo viên cung cấp thông tin, học sinh cần được rèn luyện khả năng tìm kiếm – thông hiểu - xử lý – tổng hợp thông tin, biết phân biệt cái quan trọng, không quan trọng. Giữa vô vàn điều kỳ thú công nghệ đem lại, học sinh ngày nay đòi hỏi nhiều hơn ở người đứng trên bục giảng. Nghề giáo của thời đại số hóa cần có những năng lực hoàn toàn khác so với cách đây mấy mươi năm.

Giáo viên ngày nay không thể là nhà giảng đạo đến từ quá khứ. Trước thách thức của công nghệ, cần nhấn mạnh - nghề giáo có vị thế đặc biệt quan trọng trong vai trò dẫn đường, chỉ lối. Nhiệm vụ chính của người thầy là hướng đạo - khơi gợi và thúc đẩy quá trình học tập, hướng dẫn học sinh trải nghiệm. Thay vì đặt ra những câu hỏi kiểm tra sự hiểu biết, người thầy cần tổ chức hoạt động tương tác; dẫn dắt học sinh đến với thông tin; cung cấp tình huống để các em phát hiện, học cách giải quyết vấn đề; phát triển năng lực hợp tác, sáng tạo, giao tiếp, tư duy phản biện; rèn luyện kỹ năng sống đa mục đích, khả năng đối phó với những thay đổi. Giáo viên phải chủ động tổ chức hoạt động trải nghiệm, đa dạng hóa hình thái lớp học, học tập theo mô hình dự án, xây dựng theo hướng tích hợp liên ngành, tích hợp giá trị sống… Qua đó, học sinh được thực hành, phát triển các kỹ năng, và hiểu được những mối quan tâm lớn nhất của mình. 

Giáo viên ngày nay không thể dùng những biện pháp có tính đe dọa, gây áp lực điểm số, thi cử để thu hút học sinh vào bài giảng. Ngoài am hiểu tường tận kiến thức chuyên ngành, họ nhất thiết phải bắt kịp xu thế công nghệ của thời đại, biến bài giảng trở nên ấn tượng bằng đa dạng hóa hệ sinh thái dữ liệu, trải nghiệm thực tế ảo. Sẽ thật khó khăn và lạc hậu, nếu giáo viên không thể sử dụng ngoại ngữ, không nhạy bén với kho dữ liệu, không thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận vấn đề giáo dục. Thế kỷ của con người hành động, không còn lối học một chiều: học xong – đi làm, giáo viên phải biết tự giáo dục chính mình, học tập suốt đời.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc robot trực tiếp thực hiện hoạt động giảng dạy như một giáo viên dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên, chìm đắm trong công nghệ sẽ khiến học sinh thiếu những trải nghiệm cuộc sống, lãnh đạm với môi trường xung quanh, đánh mất cảm xúc và sự kết nối với mọi người. Trí tuệ nhân tạo có thể đem tới độ chính xác cao về mặt kiến thức, nhưng không thể làm thay vai trò của người hướng dẫn, hỗ trợ, truyền cảm hứng, tạo cảm xúc cho học sinh. Lúc này, nghề giáo lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Chắc chắn, nghề giáo sẽ không là lựa chọn tốt cho những người thợ khéo tay, coi giáo dục là phương tiện kiếm sống. Nghề giáo là nghề đòi hỏi nhiều nhất mà ta có thể lựa chọn, hẳn nhiên rất khó khăn đối với những người thiếu năng lực giảng dạy, nhưng vẫn chọn nghề vì quy chế công chức. Lựa chọn nghề giáo, không chỉ cần giỏi ở chuyên môn, mà còn nhất thiết cần một trái tim yêu nghề, nhiệt huyết. Lòng nhân ái của người thầy khiến không một robot nào có thể thay thế. Nếu có lòng yêu thương thì người thầy sẽ đến với học sinh bằng một cách tế nhị, qua việc quan tâm đến những nhu cầu và khó khăn của các em. Người thầy chân chính là một nhà giáo dục hiện đại, một nhà tâm lý với phong cách giáo dục đậm tính nhân văn, hướng tới xây dựng hạnh phúc con người. Một khi người thầy còn không chắc chắn về nghề nghiệp và mối quan tâm của chính mình, chắc chắn sẽ tồn tại những bất mãn. Trái tim ấm áp, khả năng kết nối và truyền cảm hứng của người thầy sẽ đánh thức tâm hồn, làm nên những đổi thay quyết định đến số phận con người. Đó mãi mãi là sứ mệnh của nghề giáo. Chia sẻ điều này với tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông tâm đắc: “Bản chất của giáo dục là sáng tạo các giá trị của cuộc sống. Do đó, thắp lên ngọn lửa của niềm tin vào sức mạnh của tri thức, đam mê học tập suốt đời cho các thế hệ học sinh mãi mãi là thử thách về bản lĩnh sáng tạo của mỗi người thầy. Nói đó là một thử thách, nhưng cũng là niềm tự hào đối với các nhà giáo - những tấm gương tiên phong về tự học và sáng tạo, tràn đầy tâm huyết với nghề nghiệp - nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, kinh tế thị trường và những thế hệ học sinh đang khao khát, tự tin bước vào kỷ nguyên mới của thế giới hiện đại”.

Không còn vai trò quyền uyduy nhất, trong cuộc đua với công nghệ để khẳng định vị thế của mình, thiết nghĩ, điều duy nhất người giáo viên có thể làm là THAY ĐỔI. Thay đổi là hằng số duy nhất. Thay đổi chẳng bao giờ dễ dàng, nhưng điều đó luôn luôn khả thi (Obama). Chắc chắn sự tụt hậu và lạc lõng sẽ dành cho những ai còn trông chờ vào người khác và chờ đợi một thời điểm khác.

(1).  GV trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hà Nội.

Nguồn Văn nghệ số 08/2020


Có thể bạn quan tâm