April 23, 2024, 1:21 pm

Nghe con sóng nguyện cầu

 

 Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã theo các bậc tiền nhân về cõi thiên thu. Những ngày này đất nước vào tháng bảy nắng lửa, mưa tuôn dọc miền Trung gian khó. Ngoài khơi xa hải phận nước nhà ngoại bang lăm le chiếm biển, chiếm đảo thuộc chủ quyền nước Việt. Thế nước nghìn năm lại dồn trí, lực dõi theo từng ngọn sóng, ghềnh đá phía biển xa. Ngồi đọc lại trưởng ca Biển mặn của ông (Nxb Hội Nhà văn, 2015) càng thấm thía một sứ mệnh lớn của nhà văn trước sống còn Tổ quốc.

Và đây là đôi lời tri âm với Biển mặn như được thắp thêm một nén tâm nhang gửi tới nhà thơ - nhạc sĩ tài hoa Xứ Nghệ trong những ngày nắng lửa này

 

Tổ quốc Việt Nam với hơn 3000 cây số biển có bao nhiêu kỳ tích, huyền thoại ở từng xóm đảo, làng chài, lạch sông. Một không gian sinh tồn của dân tộc Việt đầy ắp sử thi, tráng ca viết bằng máu, nước mắt của 4000 năm dựng nước và giữ nước. Đó là một nguồn thi cảm hào sảng và bi ca cho các nhà văn, nhà thơ chúng ta hôm nay.

Những năm dài đất nước hành quân dọc rừng thẳm núi cao hùng vĩ đánh Pháp và đánh Mỹ ta có một đội ngũ người cầm bút tài năng và máu thịt với cuộc chiến thần thánh của nhân dân. Nhiều áng văn hay, câu thơ hào khí thắp cây trầm thơm cho những người lính Cụ Hồ ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập thống nhất non sông. Hôm nay khi biển Đông sôi động về chủ quyền lãnh hải giặc ngoại xâm lăm le chiếm đảo, chiếm cồn, vận nước đang gọi chúng ta. 4000 năm dằng dặc Tổ quốc bấm chân trên từng mép sóng, ghềnh đá vươn khơi theo dấu chân khát vọng của 50 người con theo vua cha Lạc Long Quân ra biển mở cõi đang gọi chúng ta.

Thơ và trường ca viết về biển đảo hiếm lắm. Xưa có Trương Công Phụ với Mặt trời chiếu biển xuân, Trương Hán Siêu với Phú Bạch Đằng giang. Văn tế của triều Nguyễn cho hải đội Hoàng Sa, Trường Sa. Hôm nay ta có Những người đi tới biển của Văn Cao, Trường ca biển của Hữu Thỉnh, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, Đám mây màu vảy cá của Nguyễn Ngọc Phú, Thức với biển của Nguyễn Đình Tâm… và các bài thơ đầy chất bi hùng của nhà thơ - người lính hải quân Trần Đăng Khoa. Biển mặn thêm một trường ca hiếm hoi của Nguyễn Trọng Tạo dựng và vẽ được chân dung dân tộc Việt trong hành trình khai phá, giữ gìn hải phận cho non sông gấm vóc này.

Thế nào là trường ca? Hình thức, cấu trúc nghệ thuật biểu cảm, dòng mạch ngôn từ xin dành các nhà lý luận phê bình soi chiếu. Tôi là con của biển, đọc trường ca Biển mặn mong tìm về một lằn sóng, vỉa đá, cồn bãi, con cá, cái tôm của biển quê hương. Tìm về năm tháng dài của khát vọng cha ông lao động, chiến đấu chưa ngơi nghỉ để giữ vững một sải nước, mỏm đảo nơi bờ cõi trùng khơi. Trường ca Biển mặn đã hát lên hào khởi khúc tráng ca đó. Đây là những dòng thơ mê cảm viết trên biển rộng, viết trên sóng dội, viết trên dông tố đảo chìm, đảo nổi, viết trên niềm tự hào dân tộc. Đó là cái tâm cái tài của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Mở đầu Biển mặn là lời đề từ:

Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:

Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…

Với cảm xúc ấy, Trường ca Biển mặn dựng được chất sử thi của dân tộc Việt từ thủa dựng nước, mở cõi. Bàn chân Giao Chỉ lấm bùn, thấm mặn, vươn khơi, mở đảo lập làng, liên kết đất và biển một giải nước non gấm vóc:

Tôi ăn biển hàng ngày từng hạt muối trắng tinh

Tôi ăn bình minh mọc lên nắng mặn

Tôi ăn gió thổi về từ biển

Tôi ăn rì rầm sóng

... Chan nước mắt biển Đông.

Những con người trần lưng với sóng gió, gồng tay chèo lưới, sống chết với muối mặn, cá tanh:

Tiếng hò dô hòa tiếng sóng dong chơi

Cá quẫy trắng trời

Cánh tay trần cuộn sóng

Một vạn chài, một xóm đảo bám trụ trên cồn cát, đá ngầm, chống chọi bão dông sóng đập, vững chãi dáng đứng Âu Lạc trên thăm thẳm biển trời:

Những đảo đá truyền nhau tiếng gọi

Những đứa con lớp lớp tụ về

Thành dân đảo bao đời không nhớ nữa.

... Có tiếng khóc, tiếng cười

Có nước mắt mồ hôi

Mặn hơn muối mặn

... Nước mắt vợ thành sóng chảy ra biển tìm chồng

Nước mắt mặn từ lòng

Nước mắt mặn từ yêu

Tính từ "mặn" được lặp lại nhiều lần gợi một điệp khúc chà sát "gừng cay muối mặn" của không gian tình yêu người Việt. Tôi muốn thêm vào đó: Cả máu người đỏ mặn như biển lúc hừng đông.

Biển mặn dắt ta ngược về quá khứ gian lao, quá khứ buồn đau, quá khứ hào hùng của những người lính Hải đội Hoàng Sa xưa. Những câu thơ đau đáu phận người như trang sử liệu mộc bản đời Nguyễn:

Khong nhớ người lính nào đã đặt chân đầu tiên lên đảo

Chỉ nhớ Hải đội Hoàng Sa vâng lệnh Chúa lên đường

Những người lính chụm vai làm cột mốc

... Nhập vào đá san hô

Nhập vào Tổ quốc

Dòng mạch thơ mênh mang như biển trào cuộn sóng. Cảm xúc thơ được đẩy lên với những trang nhật trình chiến tranh từ năm 1971. Thời Việt Nam độc lập thống nhất cuộc chiến giữ biển, giữ đảo lúc thầm lặng, lúc quyết liệt từng ngày, từng giờ. Những người lính hải quân Việt Nam ở đảo, ở tàu quả cảm tay bo đánh trả với lũ giặc biển lấn chiếm như tiểu thuyết Võ hiệp Tàu: "Hải tặc ráp vây thuyền/ Súng ống/ Dùi cui/ Choàng/ Xoèng/ Ực? Uỵch/... Tôi nghe sóng Hoàng Sa uất ức/ Gầm vang!"

Một thế hệ cha con người lính Cụ Hồ nguyện theo di lệnh thiêng liêng:

Xưa cha Trường Sơn đánh Mỹ

Nay con Trường Sơn biển

Để khẳng định chân lý: giặc đến là đánh

Những hòn đảo dựng vòng cua phòng tuyến

Dựng tin yêu từ phía mặt trời lên

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu dựng tượng đài người lính hy sinh tạc vào đá núi Trường Sơn. Nay Nguyễn Trọng Tạo dựng tượng đài người lính biển hy sinh ở đảo Gạc Ma, Hữu Nhật, Quang Ánh, Tư Chính... ở tàu Nhật Tảo với những cái tên bình dị: Nguyễn Văn Lành, Trần Văn Phương, Trần Đức Thông... Họ lấy thân mình làm cột mốc chủ quyền cho Tổ quốc.

Những người dân trên đất nước tôi

Nguyện làm "cột mốc sống"

Hàng ttriệu "cột mốc sống"

Trên biển sóng

Trên đá ngầm

Trên đảo chìm, đảo nổi

Trên tự do lãnh hải Việt Nam tôi.

Đó là những cột mốc muôn đời bất tử của cõi bờ đất Việt:

Các anh hóa thành sao

Các anh hóa thành cờ

Mỗi người lính - một lá cờ Tổ quốc

Tôi là con của biển. Chúng ta là con của đại ngàn rừng thiêng, của mênh mông biển bạc nước Việt. Xin nghìn năm, vạn năm nghiêng mình về biển lớn nghe sóng hát vỗ về ru khúc bình yên yêu thương bãi bờ, xóm mạc, vạn chài, chóp đảo mù sương. Nghe con sóng nguyện cầu về những con người đã lấy máu xương mình giữ yên cõi bờ Tổ quốc, giữ bền chất mặn mòi tình biển cả. Xin được tri âm với trường ca Biển mặn của cố nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, một thi phẩm đầy hồn cảm, máu thịt với TỔ-QUỐC-BIỂN.

Những trường ca viết về biển đảo như những rạn san hô cấy vững bền trong biển đảo, neo giữ những linh hồn NGƯỜI-GIỮ-BIỂN-ĐẢO của non sông nước Việt gấm hoa:

Đời đời ghi tạc

Xương thịt vùi sâu trong ngôi mộ san hô

Và mãi mãi biển hát:

Nhặt lên hạt muối thưa rằng

Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương.

BOX

 

VĨ THANH

Rút từ Biển mặn

 

Rồi một ngày em ra đảo cùng anh

Nghe tiếng gà gáy trưa trên ghềnh đá

Nghe tiếng bò gọi đêm thân thương quá

Tiếng chuông chùa rung động cả hoàng hôn

Tiếng lính hát ca, tiếng trẻ đến trường

Ríu rít bài đồng dao mới:

 

Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Biển cả xa mờ
Có hai quần đảo
Hoàng Sa, Trường Sa
Tên gọi thiết tha
Trong lòng dân Việt
Bao nhiêu đời qua
Tàu ai đi qua
Thuyền ai đi lại
Nước Việt mãi gọi
Hoàng Sa, Trường Sa!
Nu na nu nống
Nu nống nu na
Nu na nu nống
Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Những hạt rau ngày ấy em gửi ra

Đã lên xanh màu rau dền rau cải

Hoa muống biển từ đất liền xa ngái

Nở tím hồng trên mỗi lối em qua

 

Cây bàng vuông tỏa bóng trước hiên nhà

Hoa nở như pháo hoa, trái vuông như đèn chũm

Em có biết cây đã thành biểu tượng

Người lính đảo kiên cường giữa bão táp phong ba

 

Trước mắt em những ghềnh đá san hô

Ươm cầu vồng bảy sắc

Những đảo đá nổi chìm theo con nước

Những nhà giàn và những dãy nhà chung

 

Cột mốc chủ quyền sừng sững vươn lên

Trong bão táp sáng màu cờ Tổ quốc

Những ổ súng hướng về nơi có giặc

Những nụ cười lấm cát mãi thanh xuân…

 

Suốt ngày đêm nghe tiếng biển ì ầm

Tiếng biển vui

tiếng biển buồn

tiếng biển khóc

tiếng biển gào căm uất…

Tiếng yêu thương quanh đảo mãi vỗ về.

 

Rồi một ngày em thấy đảo là quê

Là máu thịt của chúng mình gắn bó

Mỗi hạt cát nặng tình người muôn thuở

Viên sỏi màu ngũ sắc tuổi thơ ta…

 

Và em hiểu: biển nơi này mặn lắm

Những cuộc đời máu thắm nở thành hoa

 

Hà nội, 2015

NGUYỄN TRỌNG TẠO


Nguồn Văn nghệ số 34/2019


Có thể bạn quan tâm