April 19, 2024, 7:55 am

Ngày sách Việt Nam 2019: Sau 5 năm, ngành xuất bản đã hết đơn thương độc mã?

 

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến ngày 22/4, tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Trước đó, Tuần lễ phát hành sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam đã diễn ra trên phạm vi toàn quốc, từ ngày 1/4 và nếu không có gì thay đổi sẽ kéo dài đến hết ngày 1/5. Đây là chuỗi sự kiện vừa được cho là tổng kết 5 năm Ngày sách Việt Nam, đồng thời cũng là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự chuyển biến về văn hoá đọc của người dân cả nước. Tuy nhiên, xâu chui những diễn biến và kết quả đạt được sau 5 năm qua cho thấy, để văn hoá đọc trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, xã hội

Sức ép của truyền thông, giải trí

Tháng 6 năm 2018, một hội thảo cấp Quốc gia về Xây dựng văn hoá đọc và phát triển mô hình thư viện thân thiện tại các trường tiểu học đã được diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Tại hội thảo này, các chuyên gia giáo dục, tâm lý học đã đưa ra những số liệu thống kê và so sánh về số giờ đọc sách tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Số liệu này đã khiến nhiều người giật mình khi số giờ đọc sách trung bình của người dân ở quốc gia Ấn Độ là 10,42 giờ/ tuần; Thái Lan là 9,24 giờ/ tuần và người Mỹ đọc 5,42 giờ/ tuần. Còn Việt Nam, việc đọc sách không được tính bằng giờ/ tuần mà bằng trung bình1,2 quyển sách/ năm/ người.

Người Việt đọc ít sách, thậm chí lười đọc sách, là một thực tế không thể phủ nhận. Nhưng để thay đổi thói quen này không phải dễ, nhất là trong thời điểm hiện tại, việc tiếp nhận thông tin hiện nay không chỉ qua sách vở, báo chí mà còn có thêm các phương tiện nghe nhìn như: phát thanh, truyền hình, các trang mạng xã hội. Đây đều là nhưng kênh thông tin chẳng những không bị bó hẹp về không gian, thời gian mà còn nhanh nhạy, tác động đến dư luận xã hội vô cùng lớn. Vô hình chung đã khiến cho việc tìm kiếm thông tin trên sách vở thông qua văn hoá đọc bị co hẹp lại và những nỗ lực của Ngày hội đọc sách chính là nới rộng biên độ, tìm lại niềm hứng khởi cho văn hoá đọc đang dần trở thành xa xỉ đối với không ít người dân hiện nay.

Đứng ở góc độ quản lý, Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: Ngày Sách Việt Nam được triển khai với quy mô ngày càng lớn, nội dung và hình thức các hoạt động ngày càng phong phú. Đặc biệt, một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn lồng ghép việc tổ chức các chương trình hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam với các hoạt động tuyên truyền khẳng định chủ quyền biển đảo, giáo dục về lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc… Bên cạnh đó, công tác tổ chức theo từng năm đã được cải tiến, chú trọng cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đó là tiền đề quan trọng để các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam có sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trong đời sống văn hóa cộng đồng, hướng tới mục tiêu 100% các quận, huyện, thị xã có hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam. 

Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, từ xuất phát điểm chỉ đọc 1,2 cuốn sách/ năm/ người/, cho đến nay tình trạng đó vẫn chưa được cải thiện gì nhiều. Dẫu biết đây chỉ là con số trung bình chia trên đầu dân số, nhưng nếu làm phiếu điều tra xã hội học một cách căn cơ tại một vùng, miền nhất định, đồ rằng số đó còn quá cao. Bởi thực tế, số người sẵn sàng giành hàng giờ để lướt web, nuôi facebook đang ngày một nhiều hơn, để lại những hệ luỵ không nhỏ cho xã hội. Đó là trường hợp Khá “Bảnh”, một đối tượng có tiền án tiền sự, lợi dụng những kẻ hở trong quản lý mạng xã hội để bày ra những chiêu trò nhằm câu vew, câu like thì lại nhanh chóng trở thành một “người hùng” được giới trẻ lăng xê, sùng bái. Hay câu chuyện thỉnh vong tại chùa Ba Vàng được lan truyền trên mạng xã hội một cách chóng mặt, thoả mãn một lượng lớn độc giả… dẫn đến những hệ luỵ về sụt giảm lòng tin, sự hoang mang trong một bộ phận không nhỏ người dân… Những thông tin nói trên từ mạng xã hội, rất ít, hoặc tuyệt nhiên không thể tìm thấy trên sách, báo, tạp chí được kiểm duyệt trước khi xuất bản.

 

Đến sự đơn thương độc mã của ngành xuất bản

Những nỗ lực để vực dậy văn hoá đọc đã được khởi động từ nhiều năm về trước. Cụ thể, tại Hà Nội, cuối năm 2016 đầu 2017, thành phố đã chính thức triển khai xây dựng phố sách tại phố 19/12, quận Hoàn Kiếm. Toàn bộ khu Phố Sách được phủ sóng Wifi kết nối Internet miễn phí (từ 08h00 đến 22h00 hằng ngày) để giới thiệu, quảng bá cho các hoạt động của Phố Sách và hỗ trợ cho hoạt động phát hành sách điện tử. Tuy nhiên, hoạt động náo nhiệt của phố sách chỉ được diễn ra trong thời gian ngắn, còn thời điểm hiện tại, phố sách tồn tại giống như một điểm đến trong chuỗi du lịch khám phá về Hà Nội. Lý giải cho sự vắng vẻ của phố sách 19/12, nhiều người cho rằng do địa điểm của phố sách và độ độc, lạ của sách được bày bán tại đây không thể bằng phố Nguyễn Xí, con phố vốn được biết đến với những cửa hàng dày đặc sách báo, nên vắng khách là điều dễ hiểu.

Trái với cảnh “vắng như chùa Bà Đanh” của phố sách Hà Nội, đường sách thành phố Hồ Chí Minh lại nhộn nhịp kẻ mua người bản. Chỉ tính riêng năm 2017 phố sách đã cho doanh thu lên đến trên 50 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2016. 

Sở dĩ có sự trái ngược này, không phải người dân Hà Nôi, hay thành phố Hồ Chí Minh đang có sự phân chia cao thấp trong văn hoá đọc, mà vì những hoạt động quảng bá cho phố sách, đường sách được tiến hành ở mỗi nơi mỗi khác. Trong một chừng mực nhất định, nhiều người quan niệm, đem tiền làm dự án, xây dựng một phố sách hay đường sách gì đó, gom các nhà xuất bản đến bán sách và người đọc sẽ tìm đến. Suy nghĩ này không sai, nhưng trước thực tế về những áp lực từ văn hoá nghe, nhìn, và mạng xã hội, thì việc thiếu lửa, và quan trọng hơn là thiếu một tầm nhìn, một tư duy đồng bộ trong quảng bá sẽ khiến cho những ý tưởng thuần túy về kinh doanh mãi mãi nằm trên giấy. Và văn hoá đọc cũng vậy, trở thành giấc mơ của thì tương lai. Bằng chứng là sau 5 năm thực hiện, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã kiến nghị Chính phủ, cần có những hỗ trợ, chỉ đạo cụ thể, để Ngày Sách Việt Nam hoạt động hiệu quả cần có chiến lược truyền thông hiệu quả về Ngày Sách Việt Nam không chỉ trong ngành Xuất bản, thông tin truyền thông mà cần thực hiện trong các bộ, ngành khác trên toàn quốc.

Vẫn biết, một bàn tay vỗ sẽ không kêu, nhưng nhiều bàn tay cùng vỗ hẳn câu chuyện sẽ khác. Với văn hoá đọc cũng vậy, chỉ hô hào và để ngành xuất bản tự xoay sở chắc chắn sẽ không thể tạo nên những đột phá.

 

Nguồn Văn nghệ số 15/2019


Có thể bạn quan tâm