March 29, 2024, 12:43 am

Ngày ban rụng hạt

Mẹ tôi từ nương về. Khuôn mặt mẹ rạng rỡ một niềm vui mới. Ánh mắt mẹ biết cười. Ánh mắt như vẫn giữ lại màu nắng non buổi sớm. Đôi chân còn khỏa nước ngoài ao mà giọng mẹ đã bước lên những bậc cầu thang, hổi hả. Nhà mình ơi, cây ban nó rụng hạt rồi đấy. Hạt ban mẩy như con hến chửa thế này thì chẳng lo mất mùa.

Cả nhà háo hức với niềm vui của mẹ. Ông đem mấy cái cuốc ra ngoài máng nước xoèn roẹt mài lại. Bà lấy những túm ngô giống treo trên vách bếp từ năm ngoái xem có hạt nào bị mọt, bị sâu. Bố xách con dao xuống sàn chặt chặt đẽo đẽo sửa lại cái cày cho chắc.

Anh em tôi tíu tít chạy xuống cầu thang đón mẹ. Cái ếp mẹ đeo bên hông nặng lệch hẳn ra sau. Chúng tôi ào đến. Lưng lửng một ếp hạt ban. Những hạt ban nâu sẫm, mỏng mà mẩy căng. Chúng tôi tranh nhau vốc từng vốc hạt lên rồi để mặc chúng từ từ chảy xuống, thấy như gió trườn, mát rịm bàn tay.

Buổi tối, mẹ rang hạt ban trên bếp lửa bập bùng. Hạt nổ tí tách như reo, như nô đùa, vị thơm quyện vào ánh lửa trong háo hức chờ đợi. Đêm như ngắn đi cùng với tiếng gà khuya, niềm vui như dài ra trong tiếng cắn hạt lách tách hòa vị ngọt bùi thơm ngậy của hạt ban rang giòn.

Nói đến Tây Bắc, người ta thường nghĩ đến hoa ban. Từng đoàn phượt đi vài trăm cây số lên vùng đất trập trùng chỉ để ngắm, để chụp ảnh với hoa. Nhưng với người bản tôi, có ai đợi chờ, có ai háo hức?

Vào mùa hoa, buổi sáng mở cửa, nhìn lên ngọn đồi trước mặt đã thấy trắng muốt màu hoa bung sắc hờn ghen với dải sương buổi sớm. Trên lối đi nương, hoa rụng trắng bờ cỏ ven đường. Bữa cơm trưa ở lều chỉ ếp xôi và bát canh rau ban sần sật ngọt ngào mà cũng xong một bữa ngon. Mỗi một phận người đã đi qua bao mùa ban nở. Cả một đời nương rẫy, chẳng bỏ lỡ một mùa hoa. Vì thế, mà thấy hoa quen. Quen quá lại thấy thường. Người quê tôi chẳng ai khen hoa đẹp, mà chỉ thấy thân. Thân đến độ một ngày không nhìn thấy hoa sẽ nhớ, sẽ bồn chồn, ngơ ngẩn. Nhưng khi gặp rồi lại cũng chẳng ai vồ vập, trầm trồ.

Có chăng hoa ban tạo cho lòng người sự bồn chồn vội vã và một chút lo. Mỗi khi mỏi tay cuốc, ngước lên ngọn núi phía xa. Thấy những cây ban hoa trắng đến nhức nhối mới giật mình ngó xuống mảnh nương đã cuốc, nhìn lên khoảng đất chưa làm. Hoa ban đã tím nhụy rồi, không biết có xong mảnh nương để kịp đón mùa gieo hạt. Cúi xuống làm mải miết, huỳnh huỵch. Lúc mỏi tay, lại ngước lên nhìn hoa để mà nhắc mình, để mà vội vã.

Chờ đợi nhất với người quê tôi là khi ban rụng hạt. Trẻ con háo hức thèm những buổi tối bên bếp lửa cắn mẻ hạt rang thơm ngậy. Người lớn chờ điều gì đó phía ngoài rừng, hồi hộp, giản dị mà thiêng liêng.

Quả ban dài và mỏng dẹt như quả bồ kết rừng. Lúc quả già sẽ chuyển sang nâu sậm như màu lá khô no nắng. Khi ấy, chúng sẽ tự vặn mình tách ra để thả những hạt rơi khỏi lòng mình, kết thúc một mùa sinh nở. Hạt lép bị gió cuốn đi xa, xa mãi, không có bận được quay trở về, chẳng một lần được mọc cây để mà nở hoa, đậu quả. Hạt mẩy căng thì rơi xuống đất, ngay dưới chân cây mẹ, ngủ trong lớp lá khô nhàn nhã đợi mùa.

Lúc này, những mảnh nương đã cuốc tơi ngửa bụng. Nhà nhiều nương cũng chỉ còn vài khoảnh nhỏ. Không ai còn mau mải vội vàng. Lúc đi nhàn nhã, lúc về đủng đỉnh. Làm xong rồi vẫn cứ lên nương, như một thói quen cần mẫn.

Sau trận mưa đêm mỏng gầy mà dai dẳng, hạt ban uống mưa cựa mình tách vỏ. Khi thấy mầm ban xòe ra hai cái lá như hai con bướm biếc xanh, dưới gốc cây non, vài con mối con, con bọ đất loanh quanh đi lại ngẩn ngơ thì người trong bản í ới gọi nhau đi trồng ngô, gieo lúa, bất kể lúc ấy trời đang nắng to. Cây ban non luôn báo mùa chính xác. Nếu gieo trồng đúng dịp hạt nảy mầm non thì chẳng lo nắng hạn, mất mùa.

Sau này, người dưới xuôi lên Tây Bắc khai hoang hoặc làm đường, làm thủy lợi. Bản tôi cũng đón về gần một cung giao thông. Ngoài việc nhà nước, những người công nhân hiền lành cũng tìm hiểu và mua đất làm nương trồng ngô, trồng lúa. Bản tôi san sẻ mảnh nương để đón người hàng xóm tốt. Chúng tôi rỉ tai cho người xuôi kinh nghiệm của bản mình, người xuôi cũng chỉ cho chúng tôi những cách làm hay và lạ. Những đúc kết quý báu bao đời từ miền xuôi lên miền ngược được hội tụ bên bếp lửa hồng hay quanh chum rượu cần ngày tết.

Có những bí quyết hay đã thuộc về chung, ở nơi nào cũng quý, nhưng cũng có những kinh nghiệm tốt lại chỉ sống được ở một vùng miền, nơi chúng được đúc kết và sinh ra. Chúng tôi lại cùng nhau mày mò, khám phá, để biến cái lạ thành cái quen, cái riêng thành cái chung, dù cũng phải mất bao nhiêu công sức.

Người dưới xuôi trồng ngô theo lịch. Đúng ngày mùng ba tháng ba, lúc ấy quả ban trên cây còn xanh biếc, người ta đã làm những đĩa bánh trắng nõn như những cái trứng gà rừng, gọi là bánh trôi bánh chay. Bánh được đem chia đều cho từng nhà trong bản chúng tôi cùng thưởng thức. Sau hôm ấy, cứ có mưa xuống là họ đem gieo hạt. Chúng tôi cũng học theo cách gieo trồng sớm này.

Nhưng khí hậu miền xuôi khác với trên núi. Năm ấy cả bản mất mùa. Năm sau, chúng tôi đến từng nhà chỉ cho người xuôi cách nhận biết mùa gieo hạt từ những cây ban. Bảo cho họ nhận biết khi con rắn phơi lưng dưới nắng trưa, con tắc kè trong hang đá kêu tiếng lẻ là lũ núi sắp về, phải kiêng qua suối năm ngày, kiêng lên nương ba buổi.

Nhưng cũng có năm cây ban không ra hoa, hoặc có nhiều hoa mà quả đã khô từ non, hạt ban không được rụng. Năm ấy chúng tôi lại gieo trồng theo kinh nghiệm người xuôi, tuy không được bội thu, nhưng hòm thóc sàn ngô cũng lưng lửng đầy.

Ở miền núi, trời luôn cho nắng vừa mưa đủ, rất ít khi bị mất mùa. Có chăng, chi do con người gieo trồng không đúng ngày, đúng vụ.

Chúng tôi dựa vào nhau đi qua những ngày đói, bước chung một đường khi được những mùa no. Và không biết từ bao giờ, bản tôi hợp lại với cung giao thông thành một bản mới, lấy tên bản theo tên con suối Chờ Lồng, để hi vọng lòng người trong với nhau như suối, biết đi xa như dòng nước mát lành.

Những mùa ban cứ lặng lẽ đi qua. Những mùa ngô, mùa lúa kĩu kịt trở về, nuôi chúng tôi lớn lên, rồi đi xa. Công việc và những lo toan, đành bỏ lỡ bao mùa ban nở.

Nhưng vẫn biết gọi nhau quay về khi hạt ban tách vỏ lên mầm, để tự tay gieo hạt giống vào lòng đất xốp tơi, và không quên đọc câu mẹ dạy từ hồi tuổi thơ: “một hạt… hai hạt… ba hạt… Đừng để hạt thiếu. Chớ có gieo thừa…”.

Nguồn Văn nghệ số 21/2021


Có thể bạn quan tâm