April 17, 2024, 6:51 am

Ngành Giáo dục cần quyết liệt nói không với “ tiêu cực” hơn nữa!

 

LTS - Báo Văn nghệ vừa đăng loạt bài của các nhà văn, nhà giáo, nhà trí thức và hoạt động xã hội uy tín, trao đổi về thực trạng nền giáo dục - đào tạo hiện nay và kiến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới giáo dục theo Nghị quyết của Đảng. Đồng thời, Ban biên tập cũng nhận được nhiều ý kiến trực tiếp và gián tiếp của đông đảo bạn đọc trong cả nước trao đổi về chủ đề báo nêu cũng như phản hồi về nội dung các ý kiến đã đăng. Văn nghệ kỳ này xin giới thiệu cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh - thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội Khóa IX, về chủ đề trên đây.

Mở đầu cuộc trò chuyện, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức chia sẻ:

- Tại diễn đàn Quốc hội khóa IX, tôi từng nhắc lại câu nói của nhà giáo dục Makarenco: “Chỉ cần pha một chút giả dối là đủ làm sụp đổ một nền giáo dục”. Hơn 20 năm đã trôi qua, đến nay tôi thấy lời cảnh báo trên đây vẫn còn nguyên tính thời sự; thậm chí là cấp bách hơn. Giáo dục là sự nghiệp cao quý, là công việc trồng người! Nó không chấp nhận giả dối, dù chỉ là “một chút”! Tiếc rằng, giáo dục nước nhà những năm qua chưa bài trừ được nạn giả dối, mặc dù nhiều vụ việc giả dối đã bị xử lý khá nghiêm khắc! Giả dối còn lan đến giới trẻ, làm hư hỏng họ bởi người lớn. Có thể kể ra nhiều chuyện giả dối. Nếu để thực hiện “những việc cần làm ngay”, tôi ủng hộ giải pháp của ông Nguyễn Thiện Nhân khi làm Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo là: Nói không với tiêu cực! Thực chất là nói không với giả dối. Tuy nhiên, để đổi mới căn bản và toàn diện thì cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ và một lộ trình có tính chiến lược!

 

* Ngoài nguyên nhân giả dối, sự sa sút của ngành Giáo dục hiện nay còn do những nguyên nhân nào nữa, thưa ông?

- Theo tôi, đánh giá “giáo dục sa sút” có thể phải hiểu là trong tương quan so sánh với sự phát triển của đất nước, với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và phát triển. Còn so với trước đây nhiều mặt của giáo dục đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những tồn tại, yếu kém của giáo dục kéo dài nhiều năm làm cả xã hội bức xúc. Trong giáo dục mà thiếu niềm tin, thiếu sự trân quý thì kết quả khó được như mong muốn! Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo tôi cần nhìn nhận những nguyên nhân bao trùm nhất thuộc về khách quan và chủ quan.

Trước tiên phải nói đến lực lượng cần thiết phải là gương sáng cho toàn xã hội. Đó là những đảng viên, công chức trong hệ thống công quyền. Tiếc rằng, đã có nhiều trưởng hợp họ là những “gương tối”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục! Chúng ta dạy cho con em phải trung thực. Nhưng người lớn học giả bằng thật, thậm chí bằng giả để chạy chức, chạy quyền làm sao giấu được con mắt trẻ thơ? Không giấu được mà càng che đậy thì hiệu ứng ngược trong giáo dục càng lớn và vô cùng nguy hại!

Một nguyên nhân nữa là cách “khoán trắng” của xã hội và gia đình cho thầy cô và cho cả ngành giáo dục. Cách thức này rơi vào nhiều gia đình và một bộ phận lớn trong xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, hoặc có cách tư duy đơn giản là việc dạy đỗ trẻ em “trăm sự nhờ các thầy cô”(!). Giáo dục gia đình, xã hội phải cùng với giáo dục nhà trường mới có hiệu quả cao! Cả xã hội bức xúc thái quá làm cho những người trong ngành giáo dục đào tạo “cuống lên” khi giải quyết một số sự vụ có thể cũng là một nguyên nhân cần xem xét!

Tuy nhiên, nguyên nhân chính phải là những bất cập, yếu kém của ngành giáo dục. Phải chăng giáo dục nước nhà mất sự ổn định là bởi những cải cách vụn vặt, liên miên trong nhiều năm qua? Bản chất của giáo dục cần sự ổn định mang tính chiến lược; vì giáo dục có tính hệ thống, tính liên tục của một thế hệ. Sự đảo lộn, thay đổi tùy hứng tạo nên sự bất ổn trong toàn hệ thống từ người quản lý đến thầy cô giáo và các em học sinh. Nói như vậy, không có nghĩa là giáo dục không cần sáng tạo, đổi mới! Nhưng sự sáng tạo đổi mới có tính chiến lược, liên tục trên cơ sở kế thừa và tiếp thu tinh hoa của chính mình và của các nước tiên tiến một cách khoa học, đồng bộ, có hệ thống. Không thể chắp vá điều hay của hệ thống này, cộng số học với điều hay của hệ thống kia để đưa vào hệ thống của chúng ta.

Nguyên nhân nội tại thứ hai phải kể đến là nguồn nhân lực cho giáo dục. Câu: “không thầy đố mày làm nên” tuy hơi cổ hủ, nhưng nó vẫn có cái lý của sự dạy và học. Cái dễ nhìn thấy là “thầy nào, trò nấy”! Thầy có giỏi mới đào tạo được trò giỏi. Thầy mẫu mực, tận tụy và có chuyên môn giỏi, có uy tín cao chắc chắn là tấm gương sáng cho học trò. Đội ngũ thày, cô giáo phải được chăm lo từ khâu đào tạo đến tuyển dụng và sử dụng tốt mới có hiệu quả trong giáo dục. Tiếc rằng, tuy có nhiều ưu tiên, ưu đãi đối với sinh viên sư phạm, nhưng vẫn hiếm học sinh xuất sắc lựa chọn; bởi “nhỡn tiền” là tốt nghiệp sư phạm khó xin việc, nếu xin việc thì thu nhập tháp, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa rất khó khăn. Việc sắp xếp, tuyển dụng, bố trí giáo viên cũng là mảnh đất có nhiều tiêu cực. Và khi tiêu cực đã len lỏi vào đội ngũ làm thầy thì mọi sự trong giáo dục khó bề kiểm soát.

 

* Dư luận cũng cho rằng hiện nay đội ngũ giáo viên trong nhà trường phổ thông chịu rất nhiều áp lực. Theo ông, đó là những áp lực gì và làm thế nào để gỡ bỏ những áp lực ấy?

- Thực ra trong xã hội hiện đại, khi sự phân công lao động ngày càng cụ thể, yêu cầu chuyên môn, chuyên ngành  ngày càng cao thì áp lực ngành nào cũng vậy, không chỉ riêng với các giáo viên phổ thông. Đặc biệt tới đây không có “biên chế suốt đời” thì áp lực có thể là đối với tất cả công chức, viên chức. Vấn đề là không tạo áp lực không đáng có cho các giáo viên phổ thông. Chẳng hạn về ngoại ngữ áp dụng cho tất cả các giáo viên là không thực tế. Ai cũng biết có ngoại ngữ hơn không có, nhất là trong điều kiện hội nhập. Tuy nhiên với những giáo viên đã đứng lớp hàng chục năm, nay yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ có thực tế không? Vậy nên chăng yêu cầu ngoại ngữ phải đặt ra ngay khi còn học trong các trường sư phạm. Về thi công chức, viên chức, vấn đề tuyển giáo viên nhiều nơi còn chưa được minh bạch cũng là áp lực không nhỏ đối vơí giáo viên. Lương bống, đãi ngộ thấp, hành xử không đúng mực của các bậc phụ huynh… đều là những áp lực đáng kể với giáo viên. Tuy nhiên, cần nhắc lại là không nghề nào không có áp lực. Những người làm giáo dục cần nhớ mình đang có nghề “cao quý trong các nghề cao quý” để tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tay nghề, để là người lái con thuyền phát triển của đất nước, chứ không phải là người lái đò trên bến vắng vô hồn.

 

* Nhiều người phản đối kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay, bởi mục đích của việc công nhận tốt nghiệp THPT với tuyển chọn vào các trường đại học hoàn toàn khác nhau. Nếu bỏ kỳ thi “2 trong 1” thì theo ông nên tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển đại học như thế nào?

- Thực ra thuật ngữ “2 trong 1” là nói theo cách “thời thượng” mà thôi. Tôi đã có dịp trực tiếp trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông khẳng định tư tưởng chỉ đạo về kỳ thi phổ thông quốc gia không phải “2 trong 1”. Việc thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển chọn vào các trường đại học là hai việc khác nhau. Tuy nhiên, các trường đại học, cao đẳng vẫn có thể dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia để “chốt” điểm sàn tuyển sinh. Quan điểm của tôi về thi cử cũng như mọi việc về dạy và học vẫn xoay quanh vấn đề tự chủ của các trường với tư cách là cơ sở giáo dục - đào tạo và vai trò quản lý nhà nước của ngành chủ quản từ trung ương tới địa phương các cấp. Cơ quan quản lý nhà nước cần tin các cơ sở giáo dục - đào tạo, không “ôm việc, làm thay”.

Thực tế nhiều năm qua, việc thi quốc gia đã cho thấy có tới hơn 90% đỗ tốt nghiệp, thậm chí đa phần các trường là 98% trở lên! Điều đó có nghĩa là mỗi lớp chỉ có từ 1 đến 5 em thi trượt phổ thông! Với thực tế như vậy có nên giao cho các trường chủ động tổ chức thi cuối năm kết hợp với thành tích học cả 3 năm để xét tốt nghiệp hay không là việc cần suy ngẫm! Còn thi hay xét tuyển vào các trường đại học thì các trường tự chủ trên cơ sở chỉ tiêu được giao và yêu cầu của xã hội. Bộ giám sát theo quy định một cách nghiêm cẩn, khách quan từ việc ra đề, chấm thi, tuyển chọn… thì chắc chắn sẽ tốt hơn “tự mình làm”!

 

* Có ý kiến cho rằng việc thành lập các Trung tâm Đại học, Đại học vùng, Đại học Quốc gia… thực ra mới chỉ là “sáp nhập cơ học”, tạo thêm bộ máy trung gian, chứ chưa đạt được những mục đích tốt đẹp của đề án thành lập các Đại học đầu tàu, Đại học trọng điểm. Theo ông thực tế có phải như vậy không?

 - Hệ thống giáo dục quốc gia từ mầm non đến đại học hiện nay còn nhiều chuyện phải bàn và có nhiều góc nhìn khác nhau. Về các trường Đại học, Đại học Quốc gia… là sự sáp nhập có tính toán chứ không chỉ là “sáp nhập cơ học”, đáng tiếc là nhiều năm qua hiệu quả chưa cao nên làm cho nhiều người nghi ngờ về “đẳng cấp” của nó. Tuy nhiên, gần đây sự đánh giá của một số tổ chức quốc tế cũng cho thấy uy tín của các Trường Đại học lớn của Việt Nam đang được khẳng định. Theo tôi vấn đề lớn đặt ra ở đây là sự tự chủ của các trường đại học. Đào tạo đại học có tính chuyên ngành. Cũng là toán nhưng toán Bách khoa khác với toán Sư phạm, khác với toán ở các trường kinh tế… Cũng đào tạo công nghệ thông tin, nhưng mỗi trường có yêu cầu và cách thức đào tạo khác nhau. Hãy để cho các trường tự chủ trong đào taọ, xây dựng thương hiệu qua chất lượng đào tạo. Xã hội, phụ huynh học sinh, các cơ quan, công ty trong và ngoài nước sẽ đánh giá qua kết quả thực tế. Cơ quan quản lý có thể căn cứ vào các tiêu chí khác nữa để đánh giá. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường từ tuyển sinh đầu vào, đầu ra, chương trình đào tạo, cách thức đào tạo… chứ không chỉ tự chủ về tài chính theo kiểu “khoán 10 hay khoán 100”. Các cơ quan quản lý giáo dục đào tạo nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, đánh giá… và các biện pháp quản lý nhà nước khác, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, sản phẩm giáo dục sẽ đa dạng hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng. Ngay cả việc phong Giáo sư, Phó Giáo sư… nếu các trường không có vai trò chủ động trong đó thì dù có tiêu chí và xét phong nghiêm ngặt đến mấy vẫn “lọt” những người không xứng đáng trong đội ngũ hiếm hoi và cao vọng ấy!

* Xin trân trọng cảm ơn ông về những ý kiến trao đổi trên đây!

                                                                      MAI NAM THẮNG Thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 50/2019


Có thể bạn quan tâm