April 19, 2024, 4:13 pm

Ngang cánh đồng gieo hoa trồng lúa

1. Sáng thứ Hai, tôi đạp xe đến cơ quan để kiểm điểm vụ đăng bài của Chủ tịch tỉnh nhưng thiếu chức danh Chủ tịch. Miệng đắng, bụng đói như ắc quy sụt áp. Đến ngã tư Gia Cẩm ngổn ngang gạch đá, bỗng tên tôi được ai đó xướng lên.

Dừng, chống chân, tôi xoay nhìn phía sau. Ái chà, “vua Mường” Hoàng Quý. Thuôn nhỏ và tinh quái như được phủ lớp men lạnh lùng y viên quản lý gánh hát của dân Gipsy. Tại sao Hoàng Quý được phong “vua”, tôi kể sau.“Vua” trưng cây bò, kính Rayban, đồng hồ điện tử như cái chén tống, vai đeo túi vải xanh lá mạ, kiểu túi đựng hàng các siêu thị bây giờ, dép xốp hồng Thái Lan, chống nẹ đứng trước quán phở lợp cọ. Giọng “vua” kẻ cả:

- Này. Ghé ăn bát phở rồi đèo anh xuống Ga gấp.

Lưỡng lự. Tôi sợ vã mồ hồi và sẽ bị cuốn theo trò nào đấy của Hoàng Quý, không lường được. Nhưng rồi tôi con cón quay xe. Phở thì phở. Quán Bích Ngọc, chỗ quen của Hoàng Quý. “Vua” đặt hai bát đại, mỗi bát thêm một đùi gà chặt tận sống lưng. Nỗi lo kiểm điểm bay biến cùng khói phở. Nhẩn nha giữ nhã cho có lệ mà lại bị “vua” đá chân tôi, ý rằng nhanh lên. Tôi nhìn sang, thấy khẩu phần Hoàng Quý chỉ mới hết mấy sợi bánh. Đùi gà còn nguyên, vắt ngang miệng bát. Bỗng “vua” nhìn phắt đồng hồ, vỗ đùi bạch một phát:

- Thanh toán cho anh ngay em ơi. Việc gấp. Bao nhiêu bao nhiêu… bao nhiêu…?

- Dạ… -Bích Ngọc luống cuống chùi tay tạp dề, chẳng hiểu sao hôm nay khách quen trở chứng vội vã. Trỏ trỏ ngón tay vào hai bát phở, nhẩm nhẩm, chủ quán hổn hển:

- Dạ hai lăm ngàn anh ạ.

- Khỉ thế, lẻ quá. Không nhớ được, vậy thế này… cô đưa tôi thêm 25 ngàn. Chẵn 50 ngàn, dễ trả.

Chủ quán thin thít lôi túi vải hoa thả trong quần, mở đếm đưa tiền cho khách. “Vua” vỗ vai tôi bộp bộp. Chẳng kịp lau tay, hai anh em phóng ra đường. Đằng sau chủ quán, bấy giờ mới tỉnh ra, ơ ớ gọi theo. Nhớ đấy nhé, nhớ là 50 ngàn nhé.

- Bây giờ xuống Ga ạ?

- Không…Ga làm gì, về cơ quan. Tao làm cuốn “Truyện cổ Mường Châu phong”… sẽ ở chung với mày mấy tháng đấy.

- Vâng... Sao anh ăn ít thế.

- Ăn thì hỏng chuyện, phải hy sinh thế mới được việc.

- Anh hết lương rồi ạ?

- Thì tao điền giã mấy tháng, toàn dân nuôi, lương chưa lĩnh. Kiếm mấy đồng sang thăm bọn trẻ nhà anh Hoàng Hữu…

Chỉ một chiêu, ông “vua” không ngai đãi được thằng em, sẵn người đưa về tận cơ quan, lại có tiền tiêu, vung vinh thăm hỏi này nọ.

Cùng phòng xuất bản với tôi, nhưng ở bộ phận Văn hóa dân gian nên Hoàng Quý mỗi năm nghé cơ quan lĩnh lương, nộp phí công đoàn dăm bận. Còn thì ròng rã Thanh Sơn, Yên Lập bản này, bản kia, tát cá suối, vác nước, ăn thịt chua, ghi chép các tập tục, các làn điệu dân ca, dân vũ, theo trai gái bản lên nương, xuống ruộng vào rừng, tối về gợi chuyện các mế các bủ. Không việc nào của người Mường là Hoàng Quý không biết làm. Kể cả những lời văn cúng rừng, cúng ruộng, cúng thôi nôi…dù nghe không hiểu hết tiếng Mường, nhưng vốn có khiếu âm nhạc, nên Hoàng Quý nghe mươi lần là nhập tâm, ký âm lại. Không ít gia đình nhận ông là con. Các cô gái, chàng trai nhận ông là anh. Đấy là lý do anh em văn nghệ phong tước hiệu “Vua Mường” tặng nghệ danh cho ông.

Lên rừng thì thế, nhưng bước chân về đến cổng cơ quan, là Hoàng Quý đã véo von như chim. Ghé bếp ăn, biếu chị nấu cơm chùm bồ kết, chút măng tươi, sang tổ lái xe bỏ lại bao thuốc lá, lạng chè, lên trưởng phòng Hành chính tổ chức gửi chai mật ong hoặc chai rượu Hương Hoa. Đi ngang cửa phòng Giám đốc ưỡn ngực, không chớp mắt liếc ngang.

 Sau chót “vua” mới về phòng mời mọc, rủ rê anh em ra quán bia hơi, lạc rang, nem chua. Riêng Hoàng Quý vắt chân, trầm tư như triết gia, nhả khói thuốc lửng lơ.

Sinh dưỡng trong gia đình điền chủ giàu ngất trồng sơn nhựa huyện Tam Nông, người anh cả ông theo Việt Minh, trở thành Bí Thư tỉnh Vĩnh Phú, rồi Bộ trưởng Tài chính. Hoàng Quý dư điều kiện để kiếm một chỗ oách, nếu chịu đổi tự do và đam mê nghiên cứu văn hóa.

Một lần tôi hỏi về dư điều kiện ấy, thì “vua” rầu rầu đáp:

- Làm quan nghĩa là nắm quyền binh, áp chế được ý chí của mình lên thiên hạ. Sướng chứ. Nhưng dựa vào cái bóng người khác, dù là ông anh ruột thì mai mốt ông anh về vườn, mình nhũn như dọc mùng ngay. Lớ ngớ lại thành cớ để thằng khác nó tẩn anh mình. Mất cả chì lẫn chài. Tốt nhất là cứ mần văn chương…là thứ chẳng bao giờ phản lại mình…

Sự nhạy cảm của nghệ sĩ, đến bây giờ và sau nữa vẫn đúng.

Nói như thế, không có nghĩa là Hoàng Quý không dựa vào đại gia đình. Một gia đình gia phong như thế, không dựa mà yên được à? Nhưng dựa thế nào thì tôi xin kẻ bằng chi tiết như mật ngữ thôi.

Giờ xin tiếp câu chuyện.

Về cơ quan, chỉ một vòng lượn chưa đầy tiếng đồng hồ, bao nhiêu chuyện lớn bé xấu tốt nhạy cảm vô cảm của cơ quan nhà cơ quan cận kề như Ty giáo dục, Ty Y tế, Ty Lâm Nghiệp, Hoàng Quý tường tỏ không thiếu chi tiết nào. Từ cô A đang chài anh B. Anh T thì sắp nâng lương, nhưng vừa rồi vướng chuyện phát ngôn. Cụ C về hưu khóc nức không dỗ được. Bà Th đi Đồ Sơn bị Tào Tháo đuổi suốt chuyến về. Tài không?

Ai cũng biết Hoàng Quý lấy tin từ đâu, nhưng không hiểu sao tốc độ khai thác nhanh thế. Những chuyện ấy, chẳng phải Hoàng Quý để chơi; nó sẽ trở thành “tấm khiên” “mũi giáo” nếu ai chõ chuyện hay thắc mắc tại sao Hoàng Quý ít đến cơ quan làm vệ sinh mỗi thứ bảy. Cực chẳng đã, vì thời ấy, người ta đánh giá chất lượng công chức bằng hình thức, đi đúng giờ về đúng kẻng. Thực sự, nếu không có những nghiên cứu gốc của Hoàng Quý về đâm đuống hay đánh trống đồng cổ của người Mường thì sẽ không có những sáng tạo tiếp nối để chuẩn hóa cao độ, nhịp điệu màn trình diễn trống đồng đầu tiên ở lễ hội Đền Hùng 1979.

Truyện cổ Mường Châu Phong được Hoàng Quý sáng tác dựa trên những dấu mờ sa khoáng trong văn hóa Mường Phú Thọ.Với sự dụng công và nghiệm sinh văn hóa Mường, ông phân thân, xẻ hồn mình, nhào nặn để những mảy vụn ấy trở thành những dây chuyền, vòng xuyến, xà tích, lâu đài vàng lộng lẫy xuyên suốt trong các câu chuyện, mà mỗi câu, mỗi chữ đều ánh xạ triết lý nhân sinh, hồn nhiên, nhân bản của tộc Mường. Cùng “viết lại” truyện cổ tích, nhưng Nguyễn Đổng Chi thì đi vào sự dung dị, thiết cốt của từng truyện, trung thành với tích truyện giúp mọi tầng lớp đều lĩnh hội được ngay thông điệp. Hoàng Quý thì khác, ông lẩn “vấn đề” mà chú ý đến tính văn chương, nhằm chuyển tải tối đa những gì của bản thân mà ông thu nhận được từ đời sống Mường bản địa.

Và tôi có niềm vui đã chứng những ngày tháng Hoàng Quý viết những dòng đầu tiên, cho đến lúc trưng sản phẩm ở lễ Hội Đền Hùng.

2. Sống với một người dư năng lượng, dư tài để cùng tiêu hao năng lượng như Hoàng Quý ngày một ngày hai thì vô cùng thú vị. Nhưng cùng Hoàng Quý trong căn phòng mười hai mét vuông, vừa ở vừa làm việc suốt ba tháng như tôi, thì thành thật, tôi khuyên những ai có ý định hãy từ bỏ lập tức.

Không biết Hoàng Quý nghĩ thế nào về thời gian đó cùng tôi. Nhưng với tôi thì ba tháng ngày nào cũng như một cơn địa chấn. Con thỏ để con sói vào nhà thì chỉ đau đớn vài phút. Nhưng khi bạn mời một văn nhân như Hoàng Quý vào phòng, thì có nghĩa là bạn rước một con voi, một con cú, một con khỉ, ca sĩ luyện thành sao vào ở cùng.

Vâng, một con voi thật ạ. Tuy Hoàng Quý ngọc thể như vũ công, không chút mỡ thừa, nhỏ gọn, tưởng không chiếm phần ai, nhưng kềnh càng vô cùng. Mười hai mét vuông, giữa ngoài kê tủ tài liệu, che chiếc giường phía trong và làm chỗ dựa cho bàn làm việc phía ngoài. Xế bên kia là chỗ dựng xe đạp. Đối diện với giường là bếp dầu, bếp điện may so trần với nồi xoong chai lọ mắm muối dầu hỏa thùng gạo. Bàn làm việc thì phải dành cho vua, sáng tác trước tác bất hủ không những cho xứ Việt mà cả nhân loại có tên là Truyện cổ Mường Châu Phong. Mỗi rẻo ba hàng gạch làm lối đi, thì dành để “vua” bách bộ, tư duy cho sáng suốt, cho thông tỏ mạch văn. “Vua” vung chân vung tay, đụng chỗ này, va chỗ kia thuỳnh thoàng, miệng phì phèo thuốc, khói lúc nào cũng như đốt đồng. Tôi vô tình chạm vào, mắt quắc lên:

-Người ta đang yên sĩ phi lý thuần…Vô duyên bỏ mẹ.

Một con cú? Chính xác. Vì hầu như suốt ba tháng, không đêm nào Hoàng Quý ngủ đến ba tiếng. Cứ rậm ruỵch. Đốt thuốc. Điện choang choang. Ngồi ghế viết cứng mỏi lưng, mỏi mông hết duỗi dài lại chỗm hỗm, trên người khi thì choàng áo lông Đức, lúc toen hoẻn chiếc xịp đỏ chót. Hứng lên Hoàng Quý tung người nhào lộn một vòng y dân thể dục dụng cụ hoặc vung tay uốn, đứng trên đầu ngón chân, xoay vòng thực hiện một lát ballet gợi cảm và sinh động như dân chuyên nghiệp. Cảm thấy vẫn chưa đủ khích thích sáng tạo, “vua” vớ đàn áp sát tấm thân trần, vầng trán trí huệ gục xuống: Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi… Da diết, tan nát, nức nở. Khiến mấy tầng nhà ai cũng mở cửa ngỡ chuyện gì giữa lúc canh một canh hai.

Không hiểu sao, hồi đó Ty Văn hóa Vĩnh Phú lại có những cán bộ tuyệt vời, biết dung chấp cá tính cán bộ, dù có lúc nọ lúc kia, nhưng không bao giờ suy diễn quá đà. Không phải chỉ riêng Hoàng Quý, mà cả tôi cũng được chiếu cố tác phong sinh hoạt rất nhiều. Phải chăng, nếp ấy nhờ căn tính từ thời Bút Tre để lại. Chứ chẳng phải vì ông anh của Hoàng Quý làm to.

 Có đêm tắt tiệt đèn, thắp nến dài bệ cửa sổ, đằng sau là bức tượng Voltaire, chất liệu thạch cao quét nhũ đen, “vua” ngồi xổm trên ghế, giọng trầm gằn:

-Nhà văn nghệ chúng ta phải xác lập tư tưởng riêng mà còn phải có trách nhiệm đốt đuốc soi đường cho dân tộc mình và cho cả nhân loại….

Tôi phờ phạc, không thể ngủ vì khói thuốc, vì tiếng động, vì thói quen lộn nhào, huỳnh huỵch. Dù thức ăn thừa mứa, chân giò, thịt gà, xôi…Thuở bao cấp khô đét protein, vậy mà ngày nào cũng ngộn ứ thịt, tôi không thể chịu nổi vì xót ruột. Sinh táo bón dài dài.

Tưởng rằng “vua” ăn nhiều, nhưng bữa chỉ tí tóp mấy miếng, qua loa, nhằn nhằn gặm gặm, húp bát nước rau, lùa vội lưng cơm là lại chồm hỗm cày chữ. Quen thói nhà xưa, thức ăn không để quá hai ngày. Nên cứ cách ngày, tôi cũng phải vác mặt cầm tờ giấy có chữ ký sẵn của Hoàng Quý lượn lần lượt quán quen như những ngày làm mực. Có gì mang về nấy. Không một chủ quán nào cằn nhằn hay bực bõ. Cầm tờ giấy có chữ ký coi như là tiền trong ví.

Điện phập phù, hễ đến giờ cao điểm là đứt phựt đâu đó. Hoàng Quý, giúp một tay, kê hai hòn gạch ngoài ban công mang chồng bản thảo nháp, xoắn từng tờ châm lửa luộc rau. Khói xanh um, vẩn quẩn tàn giấy khắp bốn tầng nhà.

Đã thế đêm nào cũng phải dăm bận bị đánh thức để nghe “vua” đọc văn “vua”. “Vua” không cần tôi bình phán. Việc tôi thức, ngồi và có vẻ nghe là đủ. Chính yếu, là “vua” tự nghe văn mình để cảm nhận sự chắp nối liền mạch có được du dương như ý. Đang đọc, “vua” bỗng dừng phắc, im lặng. Nước mắt chan chứa gương mặt ưu tư, đau khổ.

Hoàng Quý thích viết tay, dù có thể đánh máy mười ngón như điệp viên gõ manip. Chữ đẹp sáng, như những hạt nếp cẩm xếp hàng trên giấy trắng Việt Trì mặt nhẵn mặt sần. Lạ, cả một trang lỡ viết sai phải gạch bỏ mươi từ, là ông lại kỳ khu chép lại. Chép nhanh hơn đánh máy. Ông luôn thuộc lòng những gì đã viết. Đêm khuya nghe âm thanh bút bi ghì trên giấy khồn khột, như mối gặm chen lẫn tiếng rụt rịt vì cảm lạnh của Hoàng Quý, tôi bỗng thấy thương ông, thương mình, cái sự tự hành bản thân sao cứ phải khổ sở vì những điều chẳng ai ra điều kiện, đôi khi cũng chỉ nhằm lấy một đôi tiếng khen của dăm ba bạn đọc.

Sau ba tháng, nhảy lên bàn cân, tôi hao ba ký. Hoàng Quý vẫn vậy, sắt lại như thỏi gỗ lim, mắt trầm buồn, bàn tay xòe trên tập bản thảo, đánh máy, bọc giấy bìa đỏ.

“Vua” rời phòng tôi, thoạt tiên thấy nhẹ nhõm, thanh thản quá, tự do quá. Đúng là cả vườn bách thú và nhà hát đã chuyển đi. Nhưng phải sau đôi ba ngày tôi đã thấy trống trải. Nhiều đêm mơ thức giấc, tưởng Hoàng Quý gọi dậy đi dạo dưới mưa phùn…

 Do Hoàng Hữu mới mất nên người vẽ minh họa Truyện cổ Mường Châu Phong là họa sĩ Trần Đình Ninh, học trò yêu của họa sĩ Nguyễn Sáng. Họa sĩ Nguyễn Đài trình bày bìa, lấy minh họa truyện Chàng Sáo Nàng Hoa đặt lên nền cam là xong. Họa sĩ giám đốc sở Ngô Quang Nam ký giấy phép xuất bản. Ấn lượng phát hành 100.000 cuốn. Hoàng Quý chực chờ suốt ba tuần ở nhà in.

Lễ hội Đền Hùng năm đó, Phòng xuất bản chia nhau bày bán Truyện cổ Mường Châu Phong, suốt từ Đền Giếng lên Đền Thượng và nhà Công quán. Trong dòng người ngược xuôi lên xuống các Đền, rực màu cam nền bìa sách Truyện cổ Mường Châu Phong.

50.000 bản hết veo trong hơn tuần.

3. Thực lòng khái quát một văn nhân như Hoàng Quý là bất khả. Dù tôi biết ông hơn bốn mươi năm, tương tác với nhau đủ đầy chiều vị, thuở Việt Trì cơn ho nhẹ cũng thổi tung bụi đỏ. Sở hữu một tài năng đa dạng đã đành, nhưng dưới vẻ im lạnh, là hỏa diệm sơn sôi sục.

Hoàng Quý làm thơ khi tuổi không trẻ, và khẳng định ngay được giá trị đẳng lập. Là người cực nhạy cảm, cực thông minh, ông không lấy bằng cấp làm thước đo hiểu biết. Không dành quá nhiều cho thời gian đọc, nhưng ông biết đọc những thứ cần đọc. Ngay cả việc nghe cũng vậy; ông kén một vài ca sĩ, một vài nhạc sĩ. Ông luôn biết hài hòa những kiến thức sách vở với những nghiệm sinh đời sống đủ thăng hoa khởi tạo các tác phẩm của mình, mang dấu ấn Hoàng Quý: tự tin, khẩu khí lớn, đàng hoàng đến ngạo nghễ, câu chữ tinh luyện, thu nhận được tinh hoa cách diễn đạt của sử thi Mường. Và cách làm ca từ của Trịnh Công Sơn.

*Tôi đã đến, đã gieo trồng và vun quén/ Trên thửa ruộng tôi, trên thửa ruộng đời/ Tôi đã nhìn đau đáu/ Thấy thửa ruộng kia tơi tả vết chân người”

*Ai chả biết mùa xuân cây sẽ xanh như ngọc/ Khúc luân vũ ngàn năm không có gì mới/ Ai chả biết mùa xuân cây sẽ xanh như ngọc/ Ta bước ra đường xem mặt mùa xuân!

*Lách cách leng kheng xà tích xà tang/ Vòng cổ vòng tay chói sáng lấp loáng/

*Vừa nhịp ống ép khung khinh lên tiếng/Đã rộn ràng đuống chọi cắc khung khoang…

*Lúng liếng lúng la lả lơi lơi lả/Cho hàng trai lỡ nhịp tay cồng

*Hương men lá nồng nàn mê mướt/ Bay mê tơi như những chiếc đuôi còn.

Khi Trịnh tấu lên: Ta cười với hoang vu. Thì Hoàng Quý làm thơ: Chớ cười hoang vu như thế nữa. Cười với hoang vu cười hoang vu là hoàn toàn khác nhau. Hoàng Quý “điên” hơn.    

Giờ độ tuổi 70, với bốn tập thơ: Ngang qua cánh đồng, Giấc phì nhiêu, Đi bên mùa lá rụngGiả trang, Hoàng Quý đủ định danh tên trong thơ Việt đương đại, mà không cần vin đến tập Truyện cổ Mường Châu Phong. Lượng những bài chịu đươc thử thách của thời gian khá lớn, chia đều cả bốn tập. Đơn cử với những câu thơ tôi đã dẫn theo trí nhớ mấy chục năm, nay đọc lại vẫn có cảm giác như Hoàng Quý mới viết buông tay. Và mười năm sau nữa, đọc lại những câu này, thiết nghĩ, cảm giác ấy vẫn không thay đổi. Hoàng Quý không phải là nhà thơ đi ngang cánh đồng, mà là nhà thơ đến những cánh đồng để gieo hoa rợp đất, đã trồng cấy những bông lúa đẫy đà, thơm hương.

Thương một ngày cuối đông năm 1985, Hoàng Quý đưa vợ con xuống ga Việt Trì chờ tàu xuyên Việt hành phương Nam. Khước từ đưa tiễn ủy mỵ. Ra đi cũng chẳng phải vì khó khăn. Đơn giản là người nghệ sĩ Hoàng Quý cần một không gian phóng khoáng, cởi mở để sáng tạo, không trói buộc nhiều tập tục, thói quen nghiêm cẩn ở quê nhà. Và cuộc sống đã có lý, nơi Vũng Tàu con người thơ Hoàng Quý mới thăng hoa, tỏa sáng.

Ở nơi xa đấy, không cần bày rượu khui bia, ai chỉ nhắc đến nửa câu thơ của Hoàng Quý, của thi nhân bất kỳ, hoặc giơ lên cây ghi ta trước mặt hay độc đáo hơn nhắc đến một địa danh Mường Phú Thọ, tức khắc luồng dung nham từ Hoàng Quý phún xuất. Rít tóp má điếu thuốc hút dở, búng mẩu vào gạt tàn, Hoàng Quý cuốn ta vào cơn cuồng cảm xúc…có thể là đọc thơ, có thể là nhạc Trịnh. Gặp đứa trẻ cầm cuốn Truyện cổ Mường Châu Phong, “vua” luống cuống mở ví, hoặc tìm cách nào đấy mua cho cháu nó cuốn sách mới làm quà.

Nghe tiếng tàu chạy qua thành phố, tôi hình dung Hoàng Quý sắp tất tả bế con, vác hành lý, thì cánh cửa bật mở. Mướt mồ hôi, ông anh hổn hển, gỡ cây ghi ta trên vai, nói vội:

-Em chuyển cây đàn cho Nguyễn Đài.

Hình như nước mắt hoen. Hoàng Quý chạy xuống cầu thang hút gió lạnh. Tiếng bước chân vang động, như tiếng đuống, tiềng cồng lỡ nhịp.

Giờ Hoàng Hữu, Nguyễn Đài đang phiêu du ngàn mây. Trần Đình Ninh cũng biệt dấu. Còn Hoàng Quý thì:

Thu như hơi rượu hồng đào/ Em dâng tôi một hôm nào rất xa/

Một thu/Và một thu, và.../ Tôi ngồi lắng giọt thu sa dịu dàng.

Tháng 6 năm 2021

Nguồn Văn nghệ số 42/2021


Có thể bạn quan tâm