April 20, 2024, 2:36 pm

Ngã tư và những nẻo đường

Triển lãm tranh có tựa đề: Ngã tư của bốn họa sĩ Phạm Sinh, Nguyễn Thanh Trúc, Ngọc Điệp, Cường Tuse, trưng bày tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam- 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Mỗi người một phong cách, mỗi người một cách cảm nhận về cuộc sống, mỗi người có một lối tiếp cận nghệ thuật riêng, tạo cho phòng tranh 2 tầng một diện mạo rực rỡ, đa sắc màu.

 

Cuộc gặp gỡ của 4 họa sĩ trong triển lãm “Ngã tư”. Nguồn Internet

Các Họa sĩ đã từng triển lãm cá nhân nhóm nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên triển lãm với nhau, không hẹn mà gặp.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Trúc được đào tạo ở Liên Xô cũ, tranh hiện thực của ông có lối vẽ nhẹ nhàng với khung cảnh mênh mang hoang vắng man mác buồn, bộc lộ tình yêu sâu lắng về quê hương đất nước, đầy suy cảm. Những bức phong cảnh mênh mang đồng quê, bến sông, con đò dẫn ta về những miền ký ức xa xôi tuổi thiếu thời. Mảng tranh tĩnh vật, màu sắc trong trẻo, tươi sáng và vui hơn, ấm hơn. Tranh của anh dễ đi vào lòng người.

Họa sĩ Ngọc Điệp, cũng là dòng tranh hiện thực, nhưng có lối diễn khác. Anh có hai chất liệu tham gia triển lãm này, sơn mài và sơn dầu. Tranh sơn mài có vẻ là thế mạnh của tác giả, kỹ thuật thuần thục, màu sắc trầm lắng, lộng lẫy. Mảng sơn mài diễn tả vẻ đẹp quê hương đất nước, như âm vang chất dân ca. Có những bức ấn tượng và đẹp như bức Vịnh Hạ Long, Đền Bà Kiệu  ...

Mảng tranh sơn dầu ngược lại, mạnh mẽ, rộn ràng hơn. Màu sắc rực cháy hơn. Những bông súng, bông sen, cảnh quê màu sắc rực rỡ, tươi sáng. Có những bức lại cháy khô đến nao lòng với nhiều ẩn ý như bức Hết thời.

Họa sĩ Cường Tuse, được đào tạo tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh lại có lối tạo hình mạnh mẽ, với cái nhìn hiện thực tràn đầy cảm xúc. Những khung cảnh về làng quê sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long tràn ánh nắng, mây trôi, lung linh mặt nước sóng dồn. Anh phát hiện những sự vật bình dị, hào hứng lột tả và thổi vào đó sinh khí mới đầy ấn tượng.

Những viên gạch xếp tạm, những ô cửa sổ, mái chòi lá ven sông, tất cả lung linh xao động rực rỡ đầy xao xuyến. Bút pháp bay bướm tài hoa.

Khác với ba họa sĩ trên, họa sĩ Phạm Sinh lại chọn lối tranh thoát khỏi hiện thực- tranh trừu tượng biểu hiện. Phạm Sinh vẽ nhiều và đều đặn 30 năm nay, nhưng anh ít tham gia các triển lãm hội họa. Nhiều người biết Phạm Sinh là nhà điêu khắc có nhiều công trình điêu khắc ứng dụng cấp quốc gia: Công trình nội ngoại thất, nhà máy thủy điện Sơn La, tượng đài công nhân mỏ, tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh... Anh là một giảng viên, nhà điêu khắc yêu nghề, không ngừng sáng tạo, tìm tòi và được ghi nhận bằng các giải thưởng trong nhiều triển lãm lớn: Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm 10 năm điêu khắc, triển lãm khu vực... Nhưng lần này, có sự khác biệt, anh thoát khỏi hiện thực.

Lần đầu tiên người ta thấy tranh Acrylic vẽ lên giấy bồi trên toan cực kỳ hiệu quả. Với lối tư duy đột phá, bản ngã bảo thủ cực đoan, bút pháp quyết đoán, kỹ thuật điêu luyện, màu sắc mạnh mẽ, tinh tế, truyền cảm, tranh của anh đã dẫn dụ chúng ta về những miền cảm xúc khác lạ. Dị biệt về lối tạo hình, đa dạng về bút pháp và bố cục, cách xử lý màu sắc táo bạo, đã gây ấn tượng mạnh cho người xem. Với cách sử dụng chất liệu mới mẻ, hiệu quả, tư duy sáng tạo độc đáo, tác phẩm triển lãm lần này của anh, như một phát hiện, khám phá thú vị, ấn tượng trong dòng chảy mỹ thuật đương đại.

 

Nguồn Văn nghệ số 43/2017

 


Có thể bạn quan tâm