April 25, 2024, 8:41 am

Ngã rẽ bất ngờ

Trong văn giới, nữ sĩ Đặng Thị Thanh Hương được biết đến là cây bút thơ với giọng điệu dữ dội, táo bạo, có phần trần trụi với khao khát yêu đương bản năng mãnh liệt. Đọc thơ chị ta như đang khát và uống cốc nước muối vậy. Trong đời tư, chị cũng là một phụ nữ đầy nữ tính, nhưng lại quyết liệt, mạnh mẽ, vừa dễ mủi lòng thương người nhưng cũng bạo liệt sòng phẳng. Cuộc đời nữ sĩ đầy sắc màu như một cuốn tiểu thuyết vậy.

 

Những thay đổi chóng mặt

Nữ sĩ Đặng Thị Thanh Hương

Năm 2015, nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương đột ngột chuyển vào Tp. Hồ Chí Minh sinh sống. Nguyên do là Hà Nội dấu yêu nhưng lại gắn với nhiều kỷ niệm quá buồn trong hai cuộc hôn nhân và những cuộc tình của chị. Chị muốn tìm đến một môi trường mới, để thử thách mình nhưng cũng để cho mình thêm cơ hội nữa, biết đâu hạnh phúc lại mỉm cười… Vốn là người có tính cách quyết liệt, chị nghĩ là làm. Việc thay đổi nơi sống mình đã gắn bó qua ba thập niên với bao người thân, bạn hữu, đối tác kinh doanh… dù không dễ dàng, nhưng cũng không làm chị phải trì hoãn quá lâu. Vào đến Tp. Hồ Chí Minh, nhận thấy thời của báo điện tử, chị Hương đã đầu tư vốn vào một tờ báo điện tử dành cho nữ giới và nhanh chóng phát triển đình đám tờ này. Nhưng sau đó, tờ tạp chí dính tai nạn buộc chị phải dừng lại và chuyển sang làm việc cho tờ báo điện tử Người tiêu dùng. Việc làm báo với Đặng Thị Thanh Hương đã thành máu thịt, hơn cả việc kinh doanh bởi chị dường như sinh ra để làm báo. Một nữ nhà báo sắc sảo, thông minh, nhanh như tốc độ ánh sáng trong việc nhận định tình hình và đưa tin, chị từng góp phần tạo nên thành công của một số tờ báo, tạp chí chị từng làm ở phía Bắc và một tay chị đã dựng đề cương, xây dựng tòa soạn cho ra đời một số báo, tạp chí mới. Điều này không phải nhà báo nào cũng làm được. Phải là người có khí chất của chủ bút, và chị Hương là một nữ nhà báo hiếm hoi có được khí chất của một chủ bút có tầm. Trong nhiều năm làm báo, viết văn ở Hà Nội, chị Hương đã dẫn nhiều đàn em trẻ mới ra trường vào nghề, nâng đỡ, dìu dắt, huấn luyện các em để sau này thành những cây bút vững chãi trong làng báo Việt, thậm chí có người nổi danh. Khi ở Tp. Hồ Chí Minh làm báo điện tử, chị tiếp tục hướng dẫn một số cây bút trẻ vào nghề, tạo ảnh hưởng với họ trong tư duy làm báo sắc sảo, nhanh nhạy và có tầm.

Năm 2019 trong lúc chị Hương đã có những hoạt động nền tảng vững chắc tại Tp. Hồ Chí Minh, và chị cũng đã mua nhà ở, nhà cho thuê tại đây, với dự định rằng khi tuổi cao, sẽ có được nguồn thu ổn định, thoải mái chi tiêu, thì một việc bất ngờ khác xảy ra, khiến cuộc sống của chị đứng trước một bước ngoặt. Con chị sinh cho chị cháu ngoại, chị dự định sang Mỹ để giúp con trông cháu một thời gian rồi trở lại Việt Nam. Nhưng sau đó đại dịch Covid-19 xảy ra khi chị đang ở Mỹ, cộng thêm việc bất ý xảy ra trong hôn nhân của con gái, khiến chị không thể rời con cháu mà trở về Việt Nam như dự định. Một quyết định đột ngột được nữ sĩ đưa ra, mà hoàn toàn chưa bao giờ có trong suy nghĩ của chị, đó là chị phải định cư tại Mỹ. Vậy là ở tuổi ngoài 50, người phụ nữ từng gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống, từng vượt qua biết bao khổ ải để gây dựng thành công, thì lần nữa chị phải làm lại từ đầu nơi đất khách quê người. Phải can đảm lắm mới có thể ra quyết định như thế. Một nền tảng vững chắc, một nguồn thu ổn định, một môi trường làm việc đã quen thuộc, một danh tiếng được xã hội công nhận… tất cả những vốn liếng đó ở quê nhà, do chị vất vả xây dựng trong ba thập niên, cũng không trói buộc được chị. Kể cả tuổi tác cũng không ngăn trở được chị dấn bước. Và lần dấn thân làm lại từ đầu này ở Mỹ, đối với nữ sĩ Đặng Thị Thanh Hương, là vì tình yêu thương con cháu. Cũng là một quyết định chẳng giống ai, bởi ở tuổi sắp nghỉ hưu, thường chúng ta nghĩ đến bản thân, thu vén và chuẩn bị cho tuổi già, chứ ai như chị, lại một lần nữa xông pha vào thách thức mới, “chiến đấu” cho con, cho cháu. Quả vậy, chị từng tự ví mình: Con tằm giăng tơ thành số phận/ Em – người đàn bà đa đoan với khát vọng kiếm tìm/ Ở đâu đó phía chân mây là ước mơ em…

Ước mơ ở mãi chân mây

Và ước mơ ấy của chị Hương vẫn mãi ở phía chân mây, khi chị quyết định làm lại từ đầu vì con cháu nơi đất Mỹ. Do vợ chồng con gái chị trục trặc, cháu ngoại chị sinh ra trên đất Mỹ không được bố ruột chu cấp một xu, ba bà cháu, mẹ con lần hồi nuôi nhau. Chị học tiếng Anh, đi làm báo, đi trông người già yếu bệnh, trông chó cảnh, v.v… bất cứ việc gì có thể kiếm ra tiền là chị làm không nề hà sức lực, không nghĩ việc mình là ai, tại sao phải làm việc này. Chị chỉ một mực tập trung vào mục tiêu kiếm tiền đủ chi dùng cho 3 người ở Mỹ. Chị tính, nhà đi thuê mỗi tháng hơn ngàn “đô”, tiền trả góp mua hai xe ô tô cho chị và con gái mỗi tháng cũng một ngàn “đô”, tiền chi cho cháu ngoại đi học một ngàn “đô” nữa, rồi chi sinh hoạt phí và vui chơi nghỉ ngơi cuối tuần, tổng chi lên tới sáu ngàn “đô” mỗi tháng. Con gái chị đi làm văn phòng luật ở Mỹ, lương mỗi tháng ba ngàn “đô”, vậy trách nhiệm của chị là phải làm việc để kiếm ba ngàn “đô” còn thiếu đó. Ngoài ra, chị còn tất bật lo cơm nước cuối ngày cho con cháu. Trước hoàn cảnh hiện nay của chị, ai biết chị cũng ái ngại lo lắng thở dài. Một Đặng Thị Thanh Hương sắc sảo mạnh mẽ và kinh doanh thành công ở Việt Nam, có thể chỉ cần làm thơ, đi rong chơi dài dài với bạn hữu ở Việt Nam đến hết đời cũng không hết tiền nếu chị không sang Mỹ. Nhưng biết làm sao được, chị đã quyết định lấy thẻ xanh, định cư Mỹ, “nước mắt chảy xuôi” mà… Chị Hương bảo: “Ngày xưa mình có thể bỏ con lại để đi làm, để theo đuổi đam mê. Nhưng nay có cháu ngoại lại không bỏ được, thương lắm! Cháu quậy phá, mình không dám đánh mắng như ngày xưa nạt con mình đẻ ra đâu.”

Ở Mỹ, mẹ con bà cháu chị sống ở California, có lần đi làm chăm người già yếu bệnh, họ rất khó tính và có những đòi hỏi vô lối, chị Hương đành nói rõ cho họ biết mình là ai, làm gì ở Việt Nam. Vợ chồng ông bà già đó vô cùng ngạc nhiên khi người đang chăm sóc mình lại là một nữ nhà thơ nổi tiếng ở Việt Nam. Từ đó, họ trân trọng chị hơn, nể hơn và không “bắt nạt” chị nữa, trái lại còn tự hào khoe với hàng xóm của họ rằng người giúp việc cho chúng tôi là một nhà thơ nổi tiếng! “Hóa ra làm thơ cũng có ích!” – Chị Hương cười tếu mà ánh mắt lại ưu tư.

Ở Mỹ bận rộn như vậy, nhưng cuối tuần, hay bất cứ lúc nào có giờ phút được nghỉ ngơi, là chị lại chạnh buồn thương nhớ về quê nhà. Nhưng lúc như thế, thơ đến với chị, như người tri kỷ. Chị giãi bày nỗi lòng bằng thơ, và dường như chỉ có thơ mới đủ không gian chứa đựng bao bộn bề suy nghĩ, tình cảm, khát khao vẫn bùng cháy trong người phụ nữ giàu cảm xúc, giàu năng lượng này. Chị hóa giải những thiếu thốn quê hương thành động lực để hoàn thành tập thơ “Cánh cửa bên kia trời” sau một thập niên không xuất bản thêm tập thơ nào sau tập sách thứ tám (Tập truyện ngắn Con đã đến trong cuộc đời này).

Cánh cửa bên kia trời tập hợp chọn lọc 91 bài thơ chị sáng tác trong cả một thập niên qua, được chia làm ba phần: Những giấc mơ đàn bà; Nắng vàng phương khác và Cánh cửa bên kia trời. Tập thơ được NXB Hội Nhà văn ấn hành, trình bày rất công phu và đẹp, với những tranh rực rỡ ấn tượng của họa sĩ Trần Thắng. Cũng chính Trần Thắng, một người bạn rất thân lâu năm của chị, thiết kế tập thơ này. Việc đầu tư xuất bản tập thơ này, do nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quyến đảm nhiệm. Nguyễn Quyến thời đi học trường viết văn Nguyễn Du cùng chị Hương thì còn nghèo, anh được chị Hương hướng dẫn làm báo và giúp đỡ những lúc khó khăn nhất, như một người chị trong gia đình của anh. Sau này khi anh thành đạt, kinh doanh tốt, kinh tế khá, đã không quên ơn chị. Chính Nguyễn Quyến cũng đã viết một bài giới thiệu sách thơ Cánh cửa bên kia trời được đọc trong sự kiện ra mắt cuốn sách tại Hà Nội cuối tháng 5/2022. Nguyễn Quyến viết: “Với tập thơ Cánh cửa bên kia trời, trong trái tim một người đàn bà xa xứ thì những người đàn ông không còn là đích ngắm, mà chỉ là hồi tưởng, các động từ đã hướng vào bên trong, chữ yêu đã nhuốm chút tà mị. Chính ở đấy, ở nơi chiến trường mà tình yêu cứ ngỡ chỉ còn là hồi ức mênh mang, Đặng Thị Thanh Hương đã khiến một lần nữa ngôn ngữ thức dậy, hút lấy chất tủy sống của thời gian, xóa bỏ cái màn ngăn cách hư ảo của ký ức để một lần nữa trút xiêm áo ngôn từ với tình yêu thơ ca”.

Tác giả Đặng Thị Thanh Hương

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du – khóa V. Phó giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Hội Nhà văn Việt Nam. Đã xuất bản 9 tập thơ và truyện ngắn. Đã đạt 6 giải thưởng văn học trong nước về thơ.

Nguồn Văn nghệ số 23/2022


Có thể bạn quan tâm