April 19, 2024, 9:42 pm

Nàng Olga Việt Nam

 

Một buổi sáng sớm, tôi nhìn thấy cuốn sách ấy nằm trên bàn làm việc của mình. Tôi đã đọc không bỏ sót một chữ nào. Điều đầu tiên tôi cảm thấy là,  trong khi có một tình yêu ngập tràn vô bờ bến mà tác giả lại chỉ được phép giãi bày chỉ trong khoảng gần sáu mươi trang đầu của cuốn sách. Điều ấy thật là một thách thức. Olga Berggoltz của tôi – tôi chưa thấy ai đặt tên sách như Nguyễn Thụy Anh. Trong cái tên này hàm chứa một ẩn ý: Rằng đây là những điều riêng “tôi” (Thụy Anh) nghĩ về bà – nữ sĩ xinh đẹp của nước Nga thế kỉ XX, có thể giống hàng triệu người trên thế giới đã và còn yêu quý, ngưỡng mộ tài danh Olga, cũng có thể chẳng hề giống ai. Và quan trọng là điểm không giống này, không phải vì nước Nga có một Olga khác, mà cái chính là có một người đã tìm thấy những điều khác biệt từ Olga, một cuộc đời thi sĩ tài hoa nhưng đầy ắp đau buồn.

Cuốn sách gần như được chia làm hai phần. Khoảng gần sáu mươi trang đầu, như tôi đã nói, là nơi Thụy Anh giành tình cảm đặc biệt, với từng câu chữ nắn nót và cẩn trọng, để viết về cuộc đời bà. Olga lúc nhỏ là một cô bé đặc biệt nhạy cảm và gương mặt “đôi khi mang một nỗi buồn kì lạ không lý giải nổi”. Olga đã lớn lên trong một gia đình mà mọi người đều quá giàu cảm xúc và dễ bị tổn thương: Bà nội “ghen tuông” với con dâu, vì nghĩ rằng con dâu đã kéo con trai ra khỏi vòng tay bà, bà ngoại phát ốm vì chuyện đó; bố và mẹ có một tình yêu đắm say nhưng phức tạp... và Thụy Anh cho rằng chính cuộc sống ấu thơ ấy đã “như một tiền đề làm nên tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, khao khát yêu thương của nàng”. Trong gần sáu mươi trang này, Thụy Anh đã chia cuộc đời Olga làm nhiều giai đoạn: Tuổi thơ ngắn ngủi và hạnh phúc; Tiếp nhận lý tưởng mới, cuộc sống mới; Tập làm thơ; Những mối tình say mê và thống khổ; Nhà thơ “công dân” Olga Berggoltz, ngôi sao vụt bay lên từ đáy giếng; Vẫn còn đó tình yêu, nỗi buồn và những hoang mang; Nhà thơ công dân cổ súy cho thơ trữ tình; Olga . Nhật kí cấm. Trong đó phần Những mối tình say mê và thống khổ được viết kĩ nhất, với những dòng đồng cảm đầy xót xa không giấu diếm của tác giả. Tôi cũng tin rằng, đấy là phần chính làm nên một Olga khiến cho hàng triệu trái tim trên trái đất phải ngân lên mỗi khi tiếp cận với thơ tình của bà.

Những mối tình “say mê và thống khổ” này không phải bây giờ ta mới biết. Đã có nhiều người viết về phần đời quan trọng này của Olga, nhưng viết với một tình cảm trân quý như Thụy Anh thì tôi chưa gặp. Có thể nhờ vào sự rung động từ đáy sâu tâm hồn của một cô gái Việt Nam trẻ tuổi, đến với nước Nga khi nước Nga không còn là nó của hai mươi mấy năm trước nữa. Một nước Nga mới, dè dặt và thận trọng hơn, lạnh lùng và xa cách hơn. Nên những gì tìm thấy về Olga dưới lớp vỏ của nước Nga mới đã khiến cô gái ấy thực sự run rẩy.

Thụy Anh đã viết về những mối tình của Olga Berggoltz một cách đầy “tư liệu” và “cảm tính”. Dĩ nhiên, viết về một người cách mình vài thế hệ, không thể không dựa vào “tư liệu”, nhưng cái mà tôi gọi là “cảm tính” ở đây chính là những cái khiến cho người đọc nó cảm thấy tâm hồn mình đang được mở ra. Olga Berggoltz không phải khi nào cũng hạnh phúc với những mối tình của mình, và bạn đọc có thể gán cho bà “tội” đa tình. Kiểu như, gì thì gì, với ba người đàn ông đi qua cuộc đời, bà còn đòi hạnh phúc chi nữa? Nhưng Thụy Anh đã có những cách lý giải hết sức thú vị và nhân hậu. Olga Berggoltz có ba người đàn ông, cả ba người đều mang lại cho bà những cung bậc cảm xúc tột đỉnh. Hai người chồng đầu từ biệt bà bằng cái chết, người chồng thứ ba, từ biệt bà bằng một cô gái trẻ. Thụy Anh viết: “Có cảm giác rằng, những tủi khổ trong đoạn đời cũ chưa bao giờ làm bà kiệt quệ về tinh thần đến thế. Lẽ chăng là, mọi bất hạnh đều có thể chịu đựng được nếu trong tim lưu giữ được tình yêu? Chỉ đến bấy giờ, tình yêu hiện tại lụi tắt, bà mới rơi vào mép vực của cái chết – cái chết về tinh thần. May thay, Olga đã chạm được “bàn tay giải cứu” chìa ra với mình từ... những vần thơ”, và: “Tuy vậy, Olga không chìm mãi trong “rượu, mê, quên”. Bà còn làm việc, làm việc say mê, hết lòng, hết sức cho đến cuối đời. “Cây ngải đắng” của nền thi ca Xô Viết trong mọi nỗi bất hạnh vẫn sống, vẫn nở hoa, tỏa mùi hương cay cực cùng đời”.

Một phần quan trọng nữa của cuốn sách là những bản dịch thơ Olga. Nhưng tôi sẽ không viết về chúng ở đây. Bạn và tôi đều có thể đã quá quen với giọng điệu và tâm hồn thơ Olga qua các bản dịch từ mấy chục năm về trước. Nhưng Thụy Anh, một người mẹ trẻ, một người vợ trẻ, một người đàn bà trẻ chắc chắn có những cảm nhận mới mẻ và tinh tế, đặc biệt là cách tiếp cận, như Thụy Anh viết: “Câu chuyện của người con gái Nga Olga là câu chuyện chung của chúng tôi, những người phụ nữ dù ở độ tuổi nào, quốc tịch nào, cũng có những thời điểm sống trong cảm giác yêu đương với nhiều cung bậc. Cảm nhận ấy khiến tôi dịch không sát từng câu chữ, nhưng nếu cho tôi dịch lại, tôi thấy không thể dịch khác đi. Và tôi có thể mạo muội mà  khẳng định rằng, chính trong cái bản dịch tưởng chừng như chưa trọn vẹn ấy, tôi lại có Olga hiện lên giống nhất. Giống như tôi hình dung về bà...”. Thụy Anh đã mang điều mà riêng chị hình dung về Olga đến cho độc giả trong cuốn sách này.

Tôi cũng đặc biệt thích những tấm ảnh tư liệu. Nó cho thấy một phần cuộc đời nữ sĩ tóc vàng xinh đẹp của thi ca Nga. Từ khi bà còn là cô bé với mẹ và em gái, khi bà là sinh viên, khi bà hạnh phúc tràn trề bên chồng, khi bà đầy suy tư bên tách trà cùng nữ sĩ Anna Akhmatova, và cả ảnh cô bé con bảy tuổi đã mất của bà nữa...

Nàng Olga Nga đã mang tới cho bạn đọc một nàng Olga Việt Nam, đấy là Thuỵ Anh. Thuỵ Anh là người luôn lan toả một thứ “không khí” tích cực tới những người xung quanh. Nụ cười thường trực trên môi, ấm áp, chân thành, rực rỡ, mơ mộng. Tôi tin rằng những người có nụ cười đẹp là những người thân thiện, chân thành, cởi mở. Trời cho chúng ta một nụ cười, hà tiện gì mà không trao tặng nó? Và Thuỵ Anhlà người luôn trao tặng nụ cười tuyệt đẹp ấy cho tất cả mọi người.

Thỉnh thoảng gặp nhau, tôi vẫn thường trêu Thuỵ Anh: Dạo này có còn xuất phát từ Bách Khoa và trở về đúng Bách Khoa nữa không? Đấy là câu chuyện khôi hài khi Thuỵ Anh mới từ Nga trở về. Cô nàng đi ra khỏi khu tập thể Bách Khoa với một mục đích rõ ràng là đến điểm nọ điểm kia, nhưng đi lòng vòng một hồi, thế quái nào lại quay về đúng điểm xuất phát do không thuộc đường. Nhiều năm ở Nga, khi quay về Việt Nam, Thuỵ Anh phải mất một thời gian rất dài để thích nghi với sự lộn xộn trong tất cả mọi lĩnh vực. Tôi đã chứng kiến Thuỵ Anh cảm thấy bất ngờ, thất vọng, shock thế nào khi gặp phải những ứng xử thiếu văn hoá ở nơi công cộng - điều đã trở nên quen tai quen mắt với số đông từ lâu lắm rồi. Nhưng kì lạ là, trước tất cả những điều ấy, chưa bao giờ thấy Thuỵ Anh phẫn nộ, chỉ kể lại bằng sự ngạc nhiên mà thôi. Kiểu như, sao họ có thể làm như thế, nói như thế nhỉ? Sự ngạc nhiên trẻ thơ mà tôi tin rằng ông trời thường trao tặng cho những người mơ mộng như một món quà.

Tôi đã nghĩ rằng Thuỵ Anh sẽ không thể nào thích nghi được với chính cái thành phố ruột thịt của bạn. Thuỵ Anh quá trong sáng. Trong sáng tới mức lạc lõng. Như là những con thiên nga được người ta mang về từ châu Âu và thả dưới hồ Gươm rồi lại bốc hồ Thiền Quang vậy.Cứ ngơ ngác ở đấy mà chẳng hiểu vì sao, tội tình gì mà bị trêu ghẹo. Trên thế gian này hoá ra lại có những người thích trêu ghẹo thiên nga vậy sao? Quả thực là tôi đã nghĩ Thuỵ Anh như thế đấy.

Nhưng hoá ra không phải. Mọi thứ rồi cũng xoay vần, dịch chuyển, giống hệt như khi ta bị lèn lên một chiếc xe bus quá đông người. Lúc đầu thì chật lắm, cựa không nổi, đâu cũng thấy tay với vai với chân. Nhưng đi một đoạn, xóc một vài lần, cua quẹo một vài lần thì đâu lại vào đó, ai lại có chỗ của người đó.Và Thuỵ Anh, trở về nơi sinh ra – vẫn còn đầy những oái oăm khó hiểu – sống hiền hoà với nó bằng vào những ấp ủ rất đỗi nhân văn, đôi khi xa xỉ.

Chúng tôi, lũ bạn cùng lứa, ngồi trong phòng bếp với nhữngkệ tủ đầy chai lọ vô cùng sặc sỡ - thế giới rất đàn bà của Thuỵ Anh – ngắm cô nàng vừa nói chuyện vừa thận trọng pha trà trong những chiếc cốc đẹp tới nỗi không đành chạm môi vào để uống. Tất cả mọi thứ, mọi thứ, dù là rất nhỏ xung quanh Thuỵ Anh, đều mang tới một cảm giác ấm áp, y như nụ cười ấy. Chon lựa một cuộc sống tự do, an yên nhưng luôn đầy ắp những dự định tốt đẹp,Thuỵ Anh đang đi một mình trên một con đường mà cái đích của nó vừa ở ngay phía trước, vừa xa thật xa.

Tôi sẽ không kể về những gì Thuỵ Anh làm mà tôi biết, nhưng tôi cảm thấy rằng, nàng Olga ấy đã thu xếp cho mình một khoảng trời để thực hiện những ước mơ trong sáng, tử tế một cách nhiệt thành, tha thiết, chậm rãi, chắc chắn, và đầy niềm tin. Niềm tin vào những điều tốt đẹp, chẳng phải là điều mà mỗi chúng ta đều cần đến hay sao? Như là mỗi buổi sáng mở mắt ra, nhìn thấy ánh mặt trời mùa hè đang chiếu rọi, xuyên qua tấm mạng mà những chú nhện vừa kịp giăng đêm qua ngoài ban công, tự nhiên thấy cần phải tiêu tùng ngày hôm ấy thật ý nghĩa, thật đích đáng.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2018

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm