April 18, 2024, 9:38 am

“Nàng Ma-đăng-già” trong văn học Việt Nam

 

Ma-đăng-già là cái tên quen thuộc trong truyền thống Phật giáo. Nhân vật này mang một bi kịch định mệnh với tên gọi là tình yêu. Người con gái này đã dám có một tình yêu sâu sắc và mãnh liệt, dám lên tiếng đấu tranh cho tình yêu của mình, dám hy sinh để đạt mục đích… Không có nàng, Anan đã không thể có một trải nghiệm quý báu trên con đường tu học, đại chúng không thể nghe Phật thuyết Pháp, và quan trọng nhất, có lẽ đã không có Lăng nghiêm kinh để người ta truyền tụng đến tận ngày nay.

Đam mê văn chương, tự nó, đã là một định mệnh khi đặt niềm yêu vào một người tình đỏng đảnh, có khả năng làm người ta say mê đến tận cùng nhưng cũng đau thương vô bờ bến. Làm bạn với văn chương như con ong hút mật say mê rồi bỏ đi, nhưng sống với văn chương chính là một kiểu thiêu thân – nhận đau thương để say mê ngay trong cái chết. Diễn ngôn Văn chương – Những vẻ đẹp khác biệt của Huỳnh Thu Hậu mang đến dư vị của định mệnh tình yêu ấy. Từ Cánh đồng mật ngữ, Cuộc phiêu lưu của chữ, Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam đến Diễn ngôn Văn chương – Những vẻ đẹp khác biệt là hành trình của thân phận tình yêu mở dần về phía tận hiến của Huỳnh Thu Hậu. Quan tâm đến những vẻ đẹp khác biệt, Huỳnh Thu Hậu qua những bài tiểu luận, phê bình của mình luôn đấu tranh một cách mạnh mẽ cho sự song hành của những hệ giá trị đối lập, của linh hồn và thể xác, của ánh sáng và bóng tối, của tình yêu và cái chết, v.v. Để rồi cuối cùng, chúng trở thành một thực tại riêng mình đa mang…

Cũng như Ma-đăng-già dùng thần chú để vượt nên những ràng buộc giai cấp hình thành bởi xã hội Ấn Độ thần quyền mà đấu tranh cho tình yêu, Huỳnh Thu Hậu bằng thứ ngôn ngữ đầy khát khao, khiêu khích vượt qua những tường thành bí mật cá nhân để cùng say, cùng cảm với Đêm nguyệt bạch, Vàng phai một thuở, Giấc mơ màu diệp lục… rồi nhận ra tiếng vọng của Hồ Xuân Hương, Lưu Quang Vũ từ xưa kéo dài đến Sương Nguyệt Minh, Hữu Đạt đang gieo vào lòng mình nhưng vòng tròn lan tỏa, khi phảng phất Thiền vị, lúc phập phồng hồn yêu.

... Nếu không có một tình yêu mạnh mẽ, một trái tim thiết tha đủ thì ngàn vạn lời thần chú cũng vô nghĩa, nếu không có khát khao mãnh liệt, ước mơ tận hiến thì ngàn chữ viết ra cũng rơi vào mê cung ngôn từ vô tình, vô cảm. Cứ như thế, Huỳnh Thu Hậu gợi nhớ đến một nàng Ma-đăng-già mạnh mẽ, quyến rũ, đầy dục tình nhưng chân thật, đầy cảm xúc nhưng không giả trá… vẫn ngày ngày góp nhặt lời yêu, chấp nhận đổi lấy một người tình vô vọng, khao khát cất tiếng để chịu giằng xé trong những truyện ngắn của Lê Trâm, để đành phiêu bạt theo Nhật ký gió cuốn của Phạm Tấn Dũng hay trực ngộ trong Một trưa ở Hội An của Vũ Quần Phương…

Huỳnh Thu Hậu cũng là một phụ nữ dám nói và đủ khả năng để nói. Vừa sáng tác vừa phê bình, vừa thể nghiệm vừa gián cách, Huỳnh Thu Hậu đau đáu với những giấc mơ lớn, những cực điểm, tột đỉnh… nên ngôn ngữ trong cả thơ và phê bình của cô khiến người đọc không ngừng tiếp nhận nguồn năng lượng mạnh mẽ từ những riết róng, xác tín, tận hiến, bạo liệt, phập phồng, tuyệt đỉnh, cực đỉnh, vĩnh cửu, toàn triệt,… đến buồn thương giăng luyến, độc nhất vô nhị… trong Diễn ngôn Văn chương – Những vẻ đẹp khác biệt. Đặc biệt khuynh hướng mới mẻ, phá cách hiện hình lên cả văn tự với chữ Q rất đặc trưng mà cô dùng trong tập tiểu luận này. Chữ Q như căn cước Quảng Nam của Thu Hậu cũng như hàng loạt nghệ sĩ mà cô đề cập đến. Với Q có phần đuôi kéo dài như vượt thoát mọi ranh giới, Q còn thể hiện căn tính của Queen – nữ hoàng. Trong bộ bài Tarot, lá nữ hoàng tự trưng cho trí tuệ mang lại quyền lực, cho động lực làm sống tất cả những gì đang sống (Jean Chevalier, tr.708), nó là sự kết hợp giữa quyến rũ kiêu kỳ và lý tưởng hóa cao siêu, giữa dịu dàng linh động với tính thất thường biến đổi nặng cảm xúc. Khát vọng tháo cũi xổ lồng này, vì thế, thường trực trên những trang viết của Huỳnh Thu Hậu. Bởi thế, cô mạnh dạn hạ bút khi nói về Hồ Xuân Hương rằng: “Thiên tài là người phá vỡ mọi khuôn phép” (tr.77).

Mang định mệnh cảm xúc của tình yêu văn chương, Huỳnh Thu Hậu đem tình yêu ấy vào giảng đường, vào học thuật. Thế nhưng trong đề tài nghiên cứu của cô vẫn tuôn tràn Dòng sông ý niệm… ngát hương… lộng lẫy (tr.44) khi bàn về Địa đạo Phú An của Huỳnh Minh Tâm, vẫn đầy cảm xúc trăn trở về khát vọng được tận hiến với đời (tr.47) cùng Trương Vũ Thiên An và rung cảm cùng những câu thơ ma mị đánh thức giấc mơ bình yên (tr.56) của Đinh Huyền. Với Huỳnh Thu Hậu, quả vị quan trọng nhất dường như vẫn là tình yêu văn chương nồng nàn cảm xúc.

Từ góc độ phê bình, Huỳnh Thu Hậu luôn cố gắng hòa quyện các thái cực đối lập; để khám phá vẻ đẹp khác biệt của diễn ngôn văn chương, cô đã chọn con đường phê bình trực cảm và phê bình đại học kiểu Lanson (trên nền tảng phân tâm). Thế nên khi đánh giá Lê Trâm, Thu Hậu đưa ra tiêu chí tình cảm và lý trí để đánh giá: “Tôi tin rằng những dòng văn ảo diệu trên sẽ chạm đến khối óc và tâm hồn của độc giả” (tr.30). Nghiêng về bờ cảm tính, cô quan sát kỹ những “trực giác tâm linh, ký ức, hoài niệm” (tr.124) khi nghiên cứu Hữu Đạt và liên tục nhắc đến trực giác, giấc mơ, bóng (K.Jung) trong Nhật ký gió cuốn. Khởi đầu nghiên cứu bằng những cảm giác, ấn tượng cá nhân, Thu Hậu tiến tới tìm hiểu đặc điểm quê quán, tâm lý, thủ pháp ảnh hưởng lên sáng tác của các nghệ sĩ theo kiểu Lanson. Đây là con đường chung để cô khai mở thế giới nghệ thuật đất Quảng Nam và cả Việt Nam khi nhìn Lưu Quang Vũ trong trường Đà Nẵng, Sương Nguyệt Minh trong trường nghĩa chiến trường Tây Nam…

Huỳnh Thu Hậu chọn đọa trầm luân cùng tình yêu và văn chương, thân phận và định mệnh. Đổi lại, cô được rung cảm trong hơi thở phập phồng của văn chương, được hòa vào cái đẹp mong manh nhưng xao lòng của đời sống. Thế nên trong phê bình, diễn ngôn cô ngồn ngộn sức mạnh, cuốn tất cả đối tượng vào ánh sáng hiện sinh, vào nhịp điệu trời đất. Chọn dừng lại mãi mãi cái đẹp của Anan để nhìn thấy tất cả những thủ pháp nghệ thuật, những ước mơ không cùng, những cuộc chơi thân phận của văn nghệ sĩ Quảng Nam và Việt Nam. Song, như từng có dịp đề cập, thơ ca và phê bình của Huỳnh Thu Hậu vốn mang một lời nguyền sân ga khi chẳng thể cất bước bởi đa mang đa cảm, lại bất khả níu giữ những thứ phải ra đi… Những thủ pháp nghệ thuật tầm thế giới của các nhà văn mà Huỳnh Thu Hậu xác định vẫn phải chờ đợi thêm những yếu tố khác để mang giá trị tương ứng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, vào thời điểm đó thì có lẽ khát vọng, sức sống, cái đẹp trong thơ ca và phê bình của Huỳnh Thu Hậu cũng phải mang màu sắc khác…

Tóm lại, những trang viết thấp thoáng dấu ấn Phật giáo của Huỳnh Thu Hậu thể hiện ở sắc bóng ảnh khi đọc thơ Phạm Tấn Dũng, mong manh giấc mộng cùng Nguyễn Bá Hòa và thứ đốn ngộ an nhiên khi cảm Mùa xuân và những cánh hoa trong thi ca đã làm cô gần gũi với nàng Ma-đăng-già trong nghĩa rộng nhất, tích cực nhất, tươi đẹp nhất cùng thứ tình yêu đam mê tận hiến, thứ can đảm lên tiếng cho cái đẹp và những giấc mộng dù viển vông nhất. Thế nên, bên cạnh Phật kinh, người ta còn lan truyền câu chuyện của Anan khi si mê một bóng nữ nhân đã nguyện hóa làm thạch kiều, chịu kiếp 500 năm gió thổi, 500 năm nắng đổ, 500 năm mưa sa chỉ nguyện người con gái đó một lần đi qua cầu. Cũng vậy, dù không thể phủ nhận giá trị đạo pháp nhưng người ta vẫn không khỏi xao lòng trước định mệnh tình yêu của nàng Ma-đăng-già, dù biết còn nhiều nghiệt ngã nhưng cuộc đời dường vô vị khi phải bỏ hết si mộng, ái cuồng mà Huỳnh Thu Hậu thể hiện trong Diễn ngôn Văn chương – Những vẻ đẹp khác biệt.

Nguồn Văn nghệ số 24/2020


Có thể bạn quan tâm