April 24, 2024, 7:06 am

Năng lượng của nghệ sĩ là sự tò mò bất tận

 

Có một câu chuyện luôn gây bất hòa và nhiều khi là một nỗi đau giữa người nghệ sĩ và công chúng, đó là sự sáng tạo tâm huyết của nghệ sĩ không được công chúng hiểu và chào đón. Hoặc, công chúng muốn nghệ sĩ phải làm cái gì đó đúng như họ mong đợi. Người nghệ sĩ sẽ rút vào cái vỏ bọc cô đơn để giữ lấy những giá trị sáng tạo của riêng mình, hay chạy theo thị hiếu của số đông để được công nhận?

 

     Nghệ sĩ, nhà thơ Lê Anh Hoài                                  

Hoạt động ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, nhưng dù xuất hiện ở loại hình nào, nghệ thuật ngôn từ hay nghệ thuật thị giác, thì ông luôn khiến người trong giới xôn xao về cách người ta vốn nghĩ khi nói đến nghệ thuật đương đại (khó hiểu, điên rồ, ai cũng làm được…). Người ta nói ông “chẳng giống ai” và ý tưởng sáng tạo của ông cũng “chẳng giống ai”. Dĩ nhiên rồi, nghệ sĩ chứ có phải người thợ thủ công đâu mà làm ra những sản phẩm phải “giống ai”. Bước lên bước chân của người khác sao có thể được gọi là một trong những người đi tiên phong được. Một trong những người đi tiên phong trên con đường nghệ thuật mới lạ (ở Việt Nam), nghệ sĩ thị giác, nhà văn, nhà thơ Lê Anh Hoài luôn duy trì một năng lượng sáng tạo dồi dào cho tất cả các lĩnh vực nghệ thuật mà ông đã và đang, có thể sẽ còn theo đuổi.

Từ “Người tiên phong của nghệ thuật thị giác”…

Suốt một thời gian dài, cụm từ “nghệ thuật đương đại” có sức “càn quét” khá dữ dội trên các phương tiện truyền thông. Nhưng, hiểu một cách đơn giản, nghệ thuật đương đại là cụm từ dùng để chỉ nghệ thuật được sáng tạo trong bối cảnh hiện tại. Như thế, chiếc bồn cầu úp ngược của Marcel Duchamp gây sốc xưa kia, ngày nay không thể nói là tác phẩm nghệ thuật đương đại nữa rồi. Quả chuối dán trên tường được mua với số tiền khổng lồ mấy năm về trước, nay cũng đã lỗi thời. Nghệ thuật đương đại bao gồm những lĩnh vực nổi bật của nó không những là cuộc cách mạng về thị giác mà còn là cuộc cách mạng về tư tưởng nghệ thuật. Nó mở ra những không gian mới, cách nhìn mới về đời sống chứ không bó hẹp trong một không gian hay chất liệu. Phương pháp mới, góc nhìn mới, đặc điểm nổi trội của nền nghệ thuật đương đại và quan niệm mà nghệ sĩ muốn thể hiện từ lâu đã vượt lên trên mọi hình thức.

Là một trong những người đi tiên phong trong thực hành nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, nghệ sĩ đa tài Lê Anh Hoài đã phải hứng chịu đủ những phản ứng gay gắt, khen, chê, dè bỉu từ công chúng. Từ những “Tôi là cột điện”, “Đồng Cu”, “Nhu cầu”, “Wc. Doc”, “Loanh quanh”, “Dập”… đến “Cắt -cut”. Một trong những đặc điểm nổi bật của loại hình nghệ thuật thị giác là người nghệ sĩ không phải người duy nhất tạo nên tác phẩm, mà khán giả đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc tạo nên ý nghĩa, sự biểu đạt của tác phẩm ấy. Việc khán giả cầm kéo cắt băng dính, dây vải cuốn quanh người của nghệ sĩ (trong “Cắt – cut”) là một ẩn dụ, mang chở ý nghĩa lớn (Soi.today). Trong tác phẩm trình diễn dài 30 phút này, Lê Anh Hoài nói hình tượng mà mình tạo tác giống sợi cáp với những số liệu chằng chịt; nhưng cũng giống như thân phận dân tộc luôn bị dòm ngó, mà thân thể thì chưa hết các vết thương.

Nghệ sĩ, nhà văn Lê Anh Hoài chia sẻ: “Tôi có chút may mắn (hay là dở?) do cơ duyên nên tham gia vào nhiều lĩnh vực nghệ thuật như ngôn từ (văn xuôi, thơ, một chút phê bình và nghệ thuật thị giác.) Với chút kinh nghiệm khi sáng tác và với nhiều mối thâm giao trong giới cộng với việc tìm đọc một số tài liệu về mỹ học nên tôi khá quan tâm đến các chủ đề bản chất của sáng tạo nghệ thuật, tâm tư và hoạt động nghề nghiệp của nghệ sĩ, sự đón nhận và cảm thụ nghệ thuật của công chúng, hay việc giáo dục thẩm mỹ… Tôi cho rằng nghệ sĩ ở mọi loại hình, ngoài kỹ năng nghề nghiệp, cảm xúc khi thăng hoa sáng tạo, rất nên hiểu thực chất nghề nghiệp của mình, biết rõ mình đang làm gì, ở đâu. Dĩ nhiên điều này rất khó khăn vì ai cũng có giới hạn trong khi nghệ thuật thì mênh mông như biển.

Đến “Nỗi sợ & những khuôn hình”

Mấy năm trở lại đây, nghệ sĩ Lê Anh Hoài dường như chủ yếu dành thời gian cho hội họa. Các tác phẩm do ông vẽ cũng rất khác biệt, có thể nói đã hình thành một phong cách riêng, để khi nhìn tranh là người ta nhận ra Lê Anh Hoài vẽ, cũng “chẳng giống ai” như Lê Anh Hoài sắp đặt, trình diễn, hay là viết. Câu chuyện về nghệ thuật và nghệ sĩ luôn luôn khiến công chúng tò mò. Không giống như “đời nghệ sĩ” được phơi bày trên báo chí hay các trang mạng xã hội, người ta muốn biết sâu hơn về những góc khuất của nghệ thuật. Sẽ như thế nào khi một nghệ sĩ luôn phải hứng chịu búa rìu dư luận như Lê Anh Hoài chia sẻ về chính thế giới mà công chúng đang vừa muốn tìm hiểu, vừa muốn từ chối?

Với lĩnh vực nghệ thuật ngôn từ, Lê Anh Hoài được biết đến là một cây bút nổi bật, độc đáo trong đời sống văn chương đương đại nước nhà.  “Nỗi sợ & những khuôn hình” là tập truyện ngắn mới nhất của nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ Lê Anh Hoài, được xuất bản giữa năm 2022. Các nhà phê bình nhận định: Có thể xem truyện ngắn của Lê Anh Hoài là một thể nghiệm mới mẻ, đầy lý tính và tinh thần phản tỉnh về nghệ thuật của một nghệ sĩ luôn đầy ắp ý tưởng sáng tạo và rất nhiều khi bị mắc kẹt giữa chúng. Ông đặt ra các vấn đề chung về nhận thức nghệ thuật, cảm thụ nghệ thuật, đám đông với nghệ thuật...

“Trong tập truyện “Nỗi sợ & những khuôn hình” tôi có những nhân vật, những hoàn cảnh liên quan đến nghệ sĩ và nghệ thuật cũng như công chúng của ngày hôm nay. Thú thực, khi viết tôi không đặt ra mục tiêu là phải hướng đến chủ đề này kia. Chẳng qua, câu chuyện mà mình quan tâm thì bằng cách này hay cách khác, nó sẽ hiện lên trong tác phẩm của mình thôi.  Viết về các nghệ sĩ, đồng nghiệp của mình có cái thuận lợi là mình đã có những trải nghiệm, những cảnh đời, tình huống mà mình hiểu tương đối rành rẽ. Nhưng có cái khó là dễ bị “soi” bởi chính người trong giới. Không phải ai cũng hiểu và thông cảm với những dòng mình viết ra. Cũng có những người phật lòng đấy” – Nghệ sĩ trải lòng.

Xem Lê Anh Hoài trình diễn, sắp đặt, vẽ, hay đọc Lê Anh Hoài viết, có lẽ nhiều người sẽ liên tưởng đến Jean Cocteau, người đã trở thành một nhân vật có ảnh hưởng ở tuổi 17. Ông ấy đánh dấu thời gian của mình bằng sự tò mò vô độ, óc sáng tạo dồi dào và tầm nhìn tiên phong. Điểm chung của các nghệ sĩ đa tài là họ được thúc đẩy bởi sự tò mò bất tận. Họ sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để khám phá ý tưởng nghệ thuật của họ. "Nhất là trong thời đại toàn cầu hóa. Bao nhiêu chân trời mở ra trước ta với bao nhiêu phương tiện. Người nghệ sĩ nhập cuộc chơi và mời gọi mọi người cùng nhập cuộc chơi. Chơi hết mình, thể hiện hết mình. Tất tần tật Lê Anh Hoài luôn thể hiện một tâm thức mở, tinh thần chịu chơi để chơi trọn vẹn trò chơi do mình bày ra. Tại sao không? Và, tại sao ta không nhập cuộc chơi ngay bây giờ đi? (Inrasara).

An Cư


Có thể bạn quan tâm