April 16, 2024, 5:01 pm

Năng lực và văn hoá từ chức?

 

Một câu hỏi chỉ đơn giản như vậy, nhưng sẽ có vô số câu trả lời, đại loại: do người ngồi soạn thảo văn bản ngồi phòng máy lạnh, tưởng tượng ra thực tiễn cuộc sống ngoài kia để đưa ra những nội quy, quy định và nghị định; Cũng lại có câu trả lời, việc soạn thảo nội quy, nghị định là để hướng dẫn đối tượng - người dân thực hiện, nên cần phải “đi tắt, đón đầu”.v.v…

Nói thì nói vậy, nhưng nếu suy xét một cách thấu đáo hơn ở cả hai nội dung trả lời trên thì hẳn sẽ có người phản bác rằng yêu cầu tối quan trọng của một văn bản, nhất là các văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật thì cần phải chính xác, không thể “sang ban hành, chiều thu hồi”. Nhưng thực tế, có không ít văn bản không phù hợp với quy định về ban hành văn bản, trái với các văn bản khác có hiệu lực cao hơn. 

Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã phát hiện đến 5.639 văn bản trái pháp luật. Hướng xử lý là thu hồi hoặc ra một văn bản khác thay thế văn bản đã hiện hành. Những hướng xử lý tình thế này dù được thực hiện nhanh, gọn nhưng cũng đã để lại không ít hệ luỵ trong đời sống người dân hiện nay.  Có thể dẫn ra đây một vài ví dụ như; quy định bắt buộc người dân phải đội mũ bào hiểm khi tham gia giao thông phải có dấu hợp quy RS; quy định xe ô tô phải lắp thiết bị giám sát hành trình; biển chẵn, biển lẻ  trong tham gia giao thông ở nội đô; Và gần đây nhất là quy định buộc thội học đối với sinh viên Sư phạm bán dâm đến lần thứ 4, không chỉ khiến sinh viên sư phạm cảm thấy bị xúc phạm mà dư luận xã hội cũng hết sức bất bình.

Trên thực tế, trong việc ban hành văn bản, nhất là văn bản quy phạm pháp luật, dù luôn đòi hỏi có tính dự báo cao, song cũng cần phải bám sát thực tiễn hoặc song hành cùng thực tiễn. Muốn vậy, trước khi ban hành cần có khảo sát, nghiên cứu thấu đáo phạm vi, đối tượng mà văn bản muốn hướng đến, xem có thiết thực, cần thiết, hợp lý không, có tác động ra sao, có bất cập gì không, có thể thực hiện đầy đủ trên thực tế không. Đây được coi là một quy trình khép kín, đủ để lọc các quy định, nghị định trước khi nó được đưa vào cuộc sống, tránh tình trạng văn bản, quy phạm pháp luật một đằng, thực tiễn cuộc sống một nẻo. Bên cạnh đó, cần lấy ý kiến từ các chuyên gia, các nhà quản lý, các đối tượng dự kiến chịu tác động cho đến người dân và tiếp thu những ý kiến hợp lý để chỉnh sửa. Trong quá trình lấy ý kiến, các cơ quan soạn thảo nếu phát hiện có điểm nào không phù hợp, gây thiệt hại cho một số đối tượng nào đó, thì cần sửa đổi hoặc thu hồi ngay.

Thực tế cũng có nhiều văn bản tuy không trái pháp luật nhưng lại không bảo đảm tính hợp lý, không sát thực tiễn và cũng có thể gây ra nhiều vấn đề phức tạp, không chỉ với đối tượng áp dụng mà còn ảnh hưởng đến nền hành chính nước nhà. Có lẽ cũng chính vì những bất cập này, mà Đảng ta đã nhìn thấu đáo và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018) , nhấn mạnh: "Những cán bộ cấp cao, lãnh đạo nếu gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt sẽ có tính chất lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, trong xã hội rất nhiều và có sức ảnh hưởng lớn. Còn nếu như cán bộ cấp cao mà có vi phạm, bị xử lý thì sức ảnh hưởng đến xã hội cũng lớn không kém. Vì vậy, việc giữ gìn đạo đức, phẩm chất, trách nhiệm của cán bộ cấp cao hết sức quan trọng. Tuy nhiên, những cán bộ cấp cao không phải là không bao giờ có vi phạm nhưng phải hạn chế thấp nhất vi phạm".

Từ quy định nêu gương nói trên, người dân có quyền hy vọng nền hành chính công sẽ hiệu quả hơn và sẽ không còn có những cán bộ, người phụ trách việc xây dựng các dự thảo văn bản  ngồi phòng máy lạnh, hình dung về thực tiễn cuộc sống để làm chính sách. Và nếu có, thì quy định 08 nói trên cũng nên được cọi là sự mở đường cho văn hoá từ chức, hẳn là thế.

Nguồn Văn nghệ số 47/2018


Có thể bạn quan tâm