April 19, 2024, 5:56 am

Nâng cấp trường Đại học có phá vỡ quy hoạch?

 

Năm 2009, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã xây dựng đề án Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam với kỳ vọng sẽ tạo nên những đột phá nhất định tại bậc học này từ việc xây dựng trường Đại học trọng điểm quốc gia, đến Đại học vùng hay còn gọi là Đại học vệ tinh.

Cùng với đề án, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đề nghị các trường đại học cho ý kiến, nên hay không sắp xếp lại mạng lưới các trường Đại học, phân tầng Đại học dựa trên chuẩn chất lượng, nhằm tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội hoá cho giáo dục đại học. Việc triển khai đề án nếu thuận lợi sẽ giúp các trường lựa chọn và xác định được chính xác nhu cầu của xã hội và mục tiêu đào tạo của nhà trường và bản thân sinh viên cũng sẽ dễ dàng lựa chọn trường đại học phù hợp để theo học.

Về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế giáo dục Đại học hiện nay đang nảy sinh nhiều bất cập. Chưa bàn đến sự mất cân đối trong đào tạo (lý thuyết - thực hành) dẫn đến thị trường lao động cung vượt cầu mà chỉ cần nhìn vào số lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo hiện nay đủ thấy cái gọi là “ vỡ trận” tại bậc học này là hoàn toàn có cơ sở.  

Hiện, giáo dục Đại học đang tồn tại hai loại hình: Đại học công lập và Đại học ngoài công lập. Với Đại học công lập gần như mọi hoạt động giáo dục & đào tạo đều được đảm bào từ ngân sách, còn Đại học ngoài công lập thì hoạt động giáo dục do sinh viên đóng góp thông qua học phí…Sự khác biệt này giữ vai trò chi phối mọi hoạt động của cơ sở giáo dục, đồng thời quyết định số phận của sinh viên sau quá trình đào tạo: có hay không được thị trường chấp nhận.

 Hiện nay, ở Việt Nam có 16 cơ sở giáo dục đại học được chọn xây dựng thành đại học trọng điểm quốc gia bao gồm 2 đại học quốc gia, 5 đại học vùng theo lãnh thổ, và 9 trường đại học, học viện theo các lĩnh vực và ngành trọng điểm quốc gia (Sư phạm, Y - Dược, Kinh tế, Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Công nghệ, Kỹ thuật quân sự).

Theo kế hoạch, chính phủ sẽ xây dựng 20 trường đại học nghiên cứu trọng điểm quốc gia có trình độ đào tạo và nghiên cứu tiên tiến làm đầu tàu cho sự phát triển mạng lưới các trường đại học Việt Nam. Về đội ngũ giảng viên, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu sớm có đội ngũ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ trên 75%... Tuy nhiên, việc thành lập, phát triển trường Đại học thành Đại học, phát triển khoa thành trường Đại học trực thuộc Đại học, phát triển khoa thành trường thuộc trường Đại học đã được quy định tại điều 34 (Luật Giáo dục Đại học), mới chỉ thu hút sự quan tâm của các trường thuộc khối công lập, phía các trường dân lập thì dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Theo lý giải của các trường, thực tế hiện nay có nhiều trường Đại học cùng một nhà đầu tư nên chưa có chủ trương liên kết để phát triển thành Đại học. Với Đại học dân lập vấn đề quan trọng nhất chính là tính hiệu quả, kết quả quản trị chứ không phải nâng cấp để tốn thêm chi phí trong khi tính hiệu quả không thay đổi thậm chí bằng không. Chính vì vậy việc nâng cấp các trường, khoa thành trường Đại học đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, bởi nếu thực hiện đại trà, thiếu cân nhắc sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, gây lãng phí ngân sách trong khi tính hiệu quả không cao. Bởi không loại trừ việc các trường nâng cấp chỉ để có thêm nguồn kinh phí nhằm duy trì hoạt động của trường. Do đó, mối lo ngại việc nâng cấp các trường, khoa thành trường Đại học sẽ phá vỡ quy hoạch mạng lưới giáo dục Đại học là mối lo chính đáng. Nhất là trong thời điểm hiện tại khi những tranh luận về tự chủ đại học chưa ngã ngũ thì sự cẩn trọng thiết nghĩ sẽ không bao giờ là thừa.

Nguồn Văn nghệ số 48/2019


Có thể bạn quan tâm