April 20, 2024, 10:30 am

Nâng bước em đến trường

Với trẻ em được cha mẹ cho đến trường, được học hành vui chơi trong vòng tay thầy cô, bạn bè là một niềm hạnh phúc, một niềm vui. Vậy nhưng với nhiều em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện vùng cao Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên thì chỉ việc đến trường thôi cũng gặp bao điều trắc trở. Bởi vậy, cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước sự quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần của các thầy, các cô là động lực quan trọng giúp các em đến trường, đến lớp như bao bạn bè đồng trang lứa.

Em Lò Văn Hùng học sinh lớp 7B2 trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Na Son là một hoàn cảnh đặc biệt. Trong bản, gia đình em thuộc diện nghèo nhất, bản thân em sức khỏe lại yếu bởi vậy việc theo học của em khó khăn, chật vật hơn các bạn gấp bội. Nhìn Hùng những người lần đầu gặp không nghĩ em đã là học sinh cấp 2 bởi em quá gầy và nhỏ so với độ tuổi thật của mình. Thời gian nghỉ học dài, sức khỏe yếu khiến em không theo kịp chương trình học và có ý định nghỉ học. Trước tình hình như vậy, các thầy cô giáo trong trường mà trực tiếp là thầy chủ nhiệm một mặt kèm cặp, bổ sung kiến thức để em theo kịp chương trình, mặt khác có sự quan tâm động viên, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Nhờ vậy, Hùng đã hoàn thành chương trình lớp 6 và tiếp tục học lên lớp 7. Thầy Trần Hữu Hưng, giáo viên chủ nhiệm lớp 7B2 chia sẻ: Học sinh Lò Văn Hùng rất khó khăn, nhà hộ nghèo, năm ngoái học lớp 6 năm nay là lớp 7, em đã hai lần phải mổ một lần dạ dày, một lần mổ phổi nên em rất yếu. Mỗi lần nghỉ học ít cũng 1 tuần nhiều thì cũng mươi mười lăm ngày. Mỗi lần như vậy tôi lại đến trực tiếp gặp gỡ bố mẹ để động viên em đi học, thi thoảng có khoản hỗ trợ gì cũng giúp đỡ em để em tiếp tục đi học như các bạn trong lớp.

Em Lầu A Gia, học sinh lớp 7B2 trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Noong U, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên là một hoàn cảnh khó khăn. Nhà Gia ở bản Tìa Mùng A, cách trường không quá xa nhưng hành trình để em học cái chữ lại lắm nỗi gian nan. Nhà nghèo, đông con, ruộng nương ít nên việc cho các con đi học nằm ngoài khả năng của bố mẹ Gia. Nhất là khi bố Gia vướng vòng lao lý phải thụ án tù, em phải nghỉ học ở nhà mấy năm. Sau đó, bằng sự kiên trì vận động cũng như giúp đỡ bằng mọi cách có thể của thầy cô giáo, Gia đã trở lại trường. Bởi vậy, năm nay đã 14 tuổi nhưng Gia mới học lớp 7, trong khi bạn bè cùng tuổi đã học lớp 9. Bà Giàng Thị Me, mẹ của Gia xúc động bảo rằng, nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô giáo thì không chỉ Gia mà mấy đứa em cũng phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ làm nương.

Trường hợp của ba chị em Chá Thị Mai, Chá Đức Dương và Chá Hồng Long cũng ở xã Noong U còn đặc biệt hơn. Vì hoàn cảnh gia đình, ba em phải ở với ông bà. Ông bà đã cao tuổi nên cho cả ba chị em nghỉ học. Cánh cửa tiếp theo đợi Mai chắc chắn sẽ là lấy chồng sớm và tiếp tục ở nhà chăn trâu, cắt cỏ, làm nương. Cô Nguyễn Thị Lụa, giáo viên chủ nhiệm của Mai cho biết: Không lỡ để cả ba em thất học, các thầy cô giáo của trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Noong U ngày này qua ngay khác vừa kiên trì vận động, vừa tìm cách giúp đỡ gia đình. Cuối cùng, cả ba em đã được đi học trở lại. Riêng Mai sinh năm 2005, đã 14 tuổi nhưng nay em mới bước vào học lớp 5. Dẫu vậy, em không lấy đó làm buồn và ngại với các bạn mà là động lực để mình viết tiếp giấc mơ trở thành cô giáo.

Với nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa việc vận động các em ra trường, ra lớp đã khó nhưng việc làm sao để các em không bỏ học giữa chừng còn khó hơn. Trước đây, việc các em học sinh nhất là các em nữ học đến lớp 8, lớp 9 nghỉ học ở nhà lấy chồng không phải là hiếm. Thậm chí, có trường hợp lấy chồng xong được thầy cô động viên lại tiếp tục đi học. Điện Biên Đông là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, mặt bằng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%. Theo kết quả điều tra, cập nhật của Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020, huyện Điện Biên Đông có gần 22.500 trẻ em. Trong đó, trên 13 nghìn em sống trong các gia đình thuộc diện hộ nghèo; gần 220 em bị khuyết tật, 90 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới công tác giáo dục. Bởi vậy, trong thời gian qua huyện Điện Biên Đông đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp cụ thể hỗ trợ, giúp đỡ để các em đảm bảo cuộc sống, được đi học, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có gần 30 trường thực hiện chế độ bán trú. Đây là một giải pháp hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn cho các em học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao. Ngoài ra, 100% trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 142 em khuyết tật, 63 trẻ em mồ côi hưởng chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng; 20 trẻ em mồ côi được nuôi dạy tại các làng trẻ em SOS.v.v. Ông Bùi Xuân Thức - Trưởng phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Điện Biên Đông cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nhất là phòng lao động và phòng giáo dục rà soát các em học sinh nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, thực hiện tốt các chế độ như miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh bán trú, hỗ trợ gạo. Ngoài các chế độ theo quy định như trợ cấp xã hội hàng tháng, các dịp lễ tết, đầu năm học mới quỹ bảo trợ trẻ em huyện đều huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện hỗ trợ cho các cháu như xe đạp, học bổng, trang thiết bị học tập .v.v.”.

Nghèo đói, bệnh tật, thất học là điều không ai mong muốn nhưng trong cuộc sống vì nhiều lý do vẫn còn đó nhiều hoàn cảnh éo le. Bởi vậy, tin tưởng rằng với chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của thầy cô giáo và chung tay của cộng đồng xã hội nhiều em học sinh khác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như em Gia, Mai, Hùng sẽ tiếp tục được cắp sách đến trường và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Nguồn Văn nghệ số 23/2020


Có thể bạn quan tâm