April 24, 2024, 7:52 am

Năm trụ cột tăng trưởng kinh tế để Thanh Hóa góp mặt trong tứ giác kinh tế phía Bắc

Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở về tiềm năng, thế mạnh của đất và người Thanh Hóa, bởi đây là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung bộ.

Mục tiêu Xây dựng và phát triển Thanh Hoá trở thành tỉnh kiểu mẫu, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển kinh tế phía Bắc là trách nhiệm của tỉnh Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá nhằm hiện thực hoá lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh Thanh Hóa, trong đó 5 trụ cột phát triển tăng trưởng kinh tế là mục tiêu quan trọng tạo đà cho Thanh Hóa tiến lên.

 

Ảnh PHẠM NAM

 

Từ năm 2016 đến nay, Thanh Hóa  đã thu hút được 908 dự án đầu tư trực tiếp (53 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 94.404 tỷ đồng và 3.305 triệu USD; đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt 610 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ước tính giảm từ 3,6% xuống 3,1%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2,56%. Để tiếp tục tạo bước phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2020-2025, Thanh Hóa xác định sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 6 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá. Trong đó, gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025;  Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2025; Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế, giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025; Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Để tạo bước phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực (Tứ Sơn), gồm: Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn với phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, du lịch biển, du lịch văn hóa; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Trung tâm động lực phía Nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn) với mục tiêu phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế biến chế tạo gắn với khai thác hiệu quả Cảng biển Nghi Sơn; Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn) tập trung phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến chế tạo; chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, da giầy, dịch vụ, du lịch; Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng) với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hàng không, điện tử viễn thông, công nghiệp công nghệ cao; du lịch di sản.

5 trụ cột tăng trưởng kinh tế gồm: (1) Công nghiệp chế biến, chế tạo; (2) Du lịch; (3) Y tế; (4) Nông nghiệp; (5) Phát triển hạ tầng; Bên cạnh đó, Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển 6 hành lang kinh tế, kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, làm cơ sở để quy hoạch và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông, cảng biển, cảng hàng không, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, gồm: (1) Hành lang kinh tế ven biển; (2) Hành lang kinh tế Bắc Nam; (3) Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; (4) Hành lang kinh tế Đông Bắc; (5) Hành lang kinh tế trung tâm; (6) Hành lang kinh tế quốc tế. Ngoài ra Thanh Hóa cũng nỗ lực thực hiện các khâu đột phá gồm: Khâu đột phá về phát triển hạ tầng, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để tạo sự đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, lan tỏa, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và hạ tầng đô thị để khắc phục những điểm nghẽn, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; Khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư; Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Dự thảo Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã định hướng đường hướng phát triển của Thanh Hóa trong giai đoạn mới đó là: Phát triển Thanh Hóa thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh của khu vực và cả nước. Xây dựng Thanh Hóa trở thành địa phương giữ vai trò bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia, đáp ứng cho phát triển kinh tế và quốc phòng. Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh của tỉnh, đồng thời phát triển kinh tế theo 5 trụ cột để sớm đưa Thanh Hóa đạt được các mục tiêu để trở thành “Một tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Phát triển để Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng của “Tứ giác” kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Thanh Hóa, một trục trung tâm y tế, văn hóa, thể dục, thể thao của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung bộ, Bắc bộ và cả nước. Ngoài phát huy thế mạnh tiềm năng, nội lực. Hiện nay, Thanh Hóa đang tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng hơn; giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; bảo đảm an ninh trật tự nhằm tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cùng Thanh Hóa phát triển và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Thanh Hóa đang từng ngày nỗ lực phấn đấu phát triển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Trong đó, lấy 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Du lịch; Y tế;  Nông nghiệp;  Phát triển hạ tầng làm trụ chính để cùng với các Trung tâm kinh tế động lực, các hành lang kinh tế và bằng các khâu đột phá hy vọng sẽ đưa Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, góp mặt cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh làm nên diện mạo mới của vùng kinh tế phía Bắc trong tương lai.

Nguồn Văn nghệ số 42/2020


Có thể bạn quan tâm