April 25, 2024, 4:38 am

“Nam Bộ xưa” một dòng phim đặc sắc

Vẻ đẹp trù phú của mảnh đất Nam Bộ đã hình thành nên tư chất nghệ sĩ trong con người Nam Bộ. Nhiều năm trước, khoa học - kỹ thuật, con người chưa tác động quá nhiều vào tự nhiên, chính trị và xã hội Nam Bộ chưa có nhiều thay đổi, tư tưởng phong kiến vẫn còn những tàn dư, hòa cùng những luồng tư tưởng mới từ phương Tây du nhập, đã hình thành nên một nền văn hóa đặc trưng.

Những loại hình nghệ thuật phát triển, đặc biệt là văn học và cải lương (loại hình đặc trưng của Nam Bộ, song song với nghệ thuật Chèo ở Bắc Bộ), đã lưu giữ lại hình ảnh con người và vùng đất Nam Bộ một thời đã qua. Nhắc đến văn chương, không thể không kể đến những tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh tái hiện một Nam Bộ ở buổi “giao thời”. Tiểu thuyết của ông cũng trở thành nguồn cảm hứng để các nhà biên kịch, đạo diễn chuyển thể thành các bộ phim dài tập nổi tiếng như: Con nhà nghèo (NSND Phạm Khắc chỉ đạo nghệ thuật), Khóc thầm, Tình án (Đạo diễn Võ Việt Hùng), Hai khối tình, Con nhà giàu, Ngọn cỏ gió đùa, Lòng dạ đàn bà (Đạo diễn Hồ Ngọc Xum), Tại tôi (Đạo diễn Nguyễn Việt Hùng), Cay đắng mùi đời (Đạo diễn Nguyễn Trọng Tín), Chúa tàu Kim Quy (Kịch bản Nguyễn Hồ)…

 

Cảnh trong một số phim “Nam Bộ xưa” đang được công chiếu tại Đài truyền hình Vĩnh Long 1

 

Có thể nói, điện ảnh là loại hình có nhiều ưu thế trong việc chuyển tải ngôn ngữ, giọng điệu, hình ảnh, trang phục, rộng lớn hơn là hoàn cảnh xã hội, bi kịch con người Nam Bộ xưa đến với khán giả hôm nay. Xuyên suốt chiều dài của điện ảnh Việt Nam, dòng phim “Nam Bộ thời xưa” vẫn chiếm giữ vị trí quan trọng, chẳng những không lỗi thời mà còn có sức hút đối với khán giả hôm nay. Ban đầu, những bộ phim về Nam Bộ xưa phần lớn được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của Hồ Biểu Chánh (đầu thế kỷ XX). Trong bối cảnh những bộ phim truyện Việt Nam chọn cuộc sống và con người hiện đại (ở nông thôn hoặc thành phố), khai thác những góc khuất tội lỗi, chiều sâu tâm lý của con người khi rơi vào nỗi đau, nỗi cô đơn cùng cực... trước những vấn đề trong xã hội hiện đại; thì dòng phim “Nam Bộ xưa” vẫn không có dấu hiệu đứt quãng.

Dòng phim “Nam Bộ xưa” phát triển mạnh mẽ trong thập niên kế tiếp của thế kỷ XXI. Những bộ phim tái hiện không gian Nam Bộ xưa cũ, với hình ảnh áo bà ba, áo dài, khăn đóng (nam), những nếp nhà ba gian, nhà cổ, với lớp từ xưng hô (“moa”, “toa”, “tía”, “má nó”, “sắp nhỏ”…), khẩu ngữ thông dụng hay thành ngữ phổ biến trong buổi giao thời (“cha chả”, “tu nhơn tích đức” - tu nhân tích đức, “tâm đầu ý hiệp” - tâm đầu ý hợp…) liên tục xuất hiện. Phải chăng, khán giả thời nay vẫn ưa chuộng và dành tình cảm đặc biệt cho những bộ phim tái hiện Nam Bộ thời cũ? Bởi lẽ những bộ phim ấy thường dễ theo dõi, cốt truyện dễ thẩm thấu, tuy có lắt léo nhưng vẫn nằm trong phạm trù hiểu biết của khán giả thời nay. Đặc biệt là hình ảnh phim dung dị, mộc mạc, gần gũi. Nội dung phim cũng “lâm ly bi đát” không thua gì những vở cải lương vốn dĩ ăn sâu vào tâm thức của con người Nam Bộ.

Vì sao lại khẳng định sự trở lại mạnh mẽ của những bộ phim “Nam Bộ xưa”? Theo thống kê ban đầu, đã có hơn 15 bộ phim phổ biến, đáp ứng thị hiếu, thỏa mãn sự mong đợi của số đông công chúng. Năm 2011, đạo diễn Võ Việt Hùng quay trở lại màn ảnh nhỏ với bộ phim Khóc thầm (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Hồ Biểu Chánh). Đến năm 2014, bộ phim Lời sám hối của đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương được công chiếu, lấy đi nước mắt của không ít khán giả. Năm 2015, trên màn ảnh bùng nổ hai bộ phim là Ảo ảnh trần gian của đạo diễn Bùi Ngọc Phương Nam và Hai khối tình (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Hồ Biểu Chánh) của đạo diễn Hồ Ngọc Xum. Những năm kế tiếp, mỗi năm là một bộ phim được công chiếu khiến cho cái nhìn về Nam Bộ buổi giao thời đầy đủ hơn trong mắt công chúng. Đó là những bộ phim như Lời nguyền (Hãng phim Cửu Long, đạo diễn Nguyễn Xuân Hiệp, chuyển thể từ tiểu thuyết của Văn Mỹ Lan, 2016), Con gái chị Hằng (Hãng phim M&T Pitures, đạo diễn Võ Việt Hùng, 2017), Nếu còn có ngày mai (Hãng phim Mega GS, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, 2018), Tiếng sét trong mưa (Hãng phim Mega GS, đạo diễn NSUT Nguyễn Phương Điền, phóng tác từ vở Lôi vũ của Tào Ngu, 2019).

Năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng lên (lần thứ nhất) ở nước ta, song bộ phim Duyên định kim tiền (Hãng phim Giải phóng cùng IMC, đạo diễn là NSUT Hồ Ngọc Xum, chuyển thể từ tiểu thuyết Tiền bạc - bạc tiền của Hồ Biểu Chánh) trình chiếu trên Truyền hình Vĩnh Long đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Song song với Duyên định kim tiền là bộ phim Luật trời (Hãng phim M&T Pictures, đạo diễn Võ Việt Hùng) … cũng thành công rực rỡ. Đến năm 2021, 2022, phim “Nam Bộ xưa” đã “tái xuất” một lần nữa với những bộ phim chỉn chu, hoàn hảo cả về nội dung phim lẫn kỹ xảo, kỹ thuật điện ảnh. Nghiệp sinh tử (đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương, 2021) là bộ phim cổ trang kỳ án Nam Bộ được đầu tư, nhà làm phim nỗ lực khắc phục những hạn chế của những bộ phim trước đó (nếu có) để đưa ra sản phẩm hấp dẫn công chúng. Cùng năm 2021, bộ phim Dương thế bao la sầu, Bến lỡ liêu xiêu (Hãng phim Hoàng Thần Tài, đạo diễn Hoàng Mập) đã để lại ấn tượng về nỗi “lâm ly bi đát”, “cay đắng mùi đời” của những thân phận xuất hiện trong bối cảnh Nam Bộ cũ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, phim “Nam Bộ xưa” đã tạo nên “cơn sốt”, khi khán giả háo hức chờ đợi và “mãn nhãn” với bộ phim Duyên kiếp (Hãng phim Mega GS, đạo diễn Chu Thiện và Hồng Phú Vinh, được chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của Hoàng Song Việt), hiện đang được công chiếu trên đài Truyền hình Vĩnh Long.

Sự xuất hiện ồ ạt những bộ phim “Nam Bộ xưa” đã góp phần khẳng định vị trí của dòng phim này trong bức tranh chung của điện ảnh Việt Nam. Mặc dù được đón nhận nồng nhiệt, song cũng giống như những loại hình nghệ thuật khác, những bộ phim kể trên ít nhiều vẫn còn hạn chế nhất định. Nhưng những hạn chế này không thể không tránh khỏi bởi thời đại mà các bộ phim thể hiện đã cách xa hôm nay nhiều năm trời. Ở một góc độ nào đó, những bộ phim “Nam Bộ xưa” đã thành công bởi tất cả để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng.

Phạm Khánh Duy

Nguồn Văn nghệ số 47/2022


Có thể bạn quan tâm