April 20, 2024, 7:25 pm

Mỹ và Trung có đạt được thoả thuận cuối tháng này?

Tối 8/3/2019, Tổng thống Donald Trump đe dọa ngưng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, nếu các bất đồng lớn nhất giữa hai nước không được giải quyết. Sau khi tỏ ra lạc quan trong những tuần trước đấy về khả năng Mỹ - Trung sẽ đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc thương chiến, chủ nhân Nhà Trắng bất ngờ lên giọng cứng rắn, tuyên bố: “Dù tin tưởng, nhưng nếu đó không phải một thỏa thuận tốt, tôi sẽ không ký”.

Nguyên thủ Mỹ còn lưu ý là cho dù đạt được thỏa thuận hay không, thì từ các góc độ khác nhau, tình hình đều tốt đối với Hoa Kỳ. Cùng trong một ngày 8/3, Cố vấn kinh tế Larry Kudlow cũng nhấn mạnh, Washington rất lạc quan, nhưng các điều kiện Hoa Kỳ đưa ra phải được thỏa mãn. Ông Kudlow còn nhắc tới chuyện tổng thống Trump đã đột ngột rút ngắn thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội cuối tháng 2/2019 chỉ vì không đạt thỏa thuận. Chính quyền Mỹ cho biết là sẽ không tính đến việc cử thêm nhóm làm việc sang Trung Quốc để “mặt đối mặt” trực tiếp đàm phán với Bắc Kinh.

Quan hệ thương mại Mỹ-Trung có tìm được tiếng nói chung. Ảnh internet

Không thêm đoàn đàm phán

Ngày 9/3/2019, thứ trưởng bộ Thương mại Trung Quốc, Vương Thụ Văn, bên lề khóa họp thường niên của Quốc hội, tuyên bố trước báo giới là Bắc Kinh vẫn hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ và hai bên đang “ngày đêm” thảo luận để tiến tới một thỏa thuận phù hợp với lợi ích của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên,  theo giới quan sát, chính phủ Mỹ hiện chưa có ý định gửi thêm đoàn thương thuyết nào sang Trung Quốc để có thêm các cuộc thảo luận trực tiếp về mậu dịch, dù rằng hiện vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết xong để có thể đạt thỏa thuận. Đây là sự thừa nhận của Cố vấn mậu dịch Nhà Trắng, ông Clete Willems, cuối tuần trước. Ông Clete Willem khẳng định: “Chúng tôi nói chuyện với phía Trung Quốc hằng ngày, nhưng hiện nay chưa có chương trình sang Trung Quốc”. Khi được hỏi tiếp về viễn ảnh họp trực tiếp trong tương lai, ông trả lời: “Có thể. Nhưng ngay lúc này chúng tôi không có chương trình gì.”

Hai quốc gia có nền kinh tế đứng hàng nhất nhì thế giới hiện đang có cuộc đối đầu về thuế quan, kéo dài từ nhiều tháng nay, trong khi Washington tìm cách áp lực Bắc Kinh phải giải quyết các than phiền về các hành xử của Trung Quốc cũng như các chính sách liên quan tới tài trợ hàng hóa xuất cảng, chuyển giao công nghệ, mở cửa thị trường cũng như về tài sản trí tuệ. Các tiến triển trong thảo luận thời gian qua đã khiến Nhà Trắng đồng ý trì hoãn vô hạn định việc tăng thuế qua trên số lượng hàng hóa trị giá khoảng 200 tỷ đô la nhập cảng từ Trung Quốc, đáng lẽ đã xảy ra hôm 2/3 vừa qua. Ông Willems nói hai quốc gia đã có nhiều tiến triển nhưng vẫn còn nhiều điều phải giải quyết. Ông từ chối không cho biết là Tổng thống Trump liệu có đặt ra thời hạn mới để tăng thuế quan nếu cuộc thương thảo bế tắc hay không.

 

Nước Mỹ sau một năm thương chiến

Một năm sau khi khởi động cuộc thương chiến, kết quả mà tổng thống Trump thu được nhìn chung rất ít ỏi. Hoa Kỳ chỉ có thể tự hào về việc buộc được Trung Quốc và châu Âu đàm phán, còn về cơ bản thì chưa giải quyết được gì. Cán cân thương mại Mỹ vẫn tiếp tục thâm hụt thêm, trong lúc tăng trưởng kinh tế toàn cầu trì trệ, do đầu tư bị đình trệ trước kết cục khó lường của cuộc chiến tranh thương mại. Trong số ra ngày 4/3/2019, nhật báo Pháp Les Échos đã đánh giá các kết quả mà Tổng thống Mỹ đạt được sau một năm gây thương chiến, để đi đến kết luận là ông Trump thực ra không thu lợi được bao nhiêu. Tờ báo Pháp này lấy dấu mốc là ngày 1/3/2018, khi Tổng thống Trump đơn phương loan báo việc đánh thuế đối với hai mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, qua đó, mở ra một thời kỳ căng thẳng thương mại chưa từng thấy giữa Mỹ và các đối thủ cũng như đối tác.

Trước đó, trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, Trump đã đặt trọng tâm vào lời hứa công nghiệp hóa trở lại vùng Midwest của Mỹ và ngăn chặn việc di dời nhà máy. Ông muốn cho thấy đối thủ thuộc phe Dân Chủ là tác nhân của tiến trình toàn cầu hóa tai hại, đồng thời cho rằng thâm thủng mậu dịch to lớn mà Mỹ phải chịu là một điều ô nhục. Thông báo tăng thuế đối với thép, một sản phẩm mang tính biểu tượng cao mà giá đã giảm sụt mạnh với thép nhập từ Trung Quốc, được đưa ra 8 tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Từ đó trở đi, giọng điệu càng lúc càng cứng rắn hơn, trong lúc lãnh vực trừng phạt ngày càng mở rộng thêm. Cuộc tấn công thương mại của ông Trump tuy nhiên không hoàn toàn là điều mới mẻ. Gần như hầu hết các tổng thống Mỹ, kể cả ông Obama, đều đã cố kềm hãm nhập khẩu thép, nhưng đều không mấy thành công.

Trước các đe dọa thuế cao của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhanh chóng đúc kết những thỏa thuận mới với Mỹ. Đàm phán với Mêhicô và Canada kéo dài từ nhiều tháng, đột nhiên đã tăng tốc và một phiên bản mới của NAFTA, Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ, có lợi hơn cho công nhân Mỹ, đã ra đời vào tháng 10/2018. Văn kiện này còn phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, và đang bị đảng Dân Chủ chỉ trích. Tuy nhiên, với châu Âu và Trung Quốc, đàm phán mở ra vào mùa hè vừa qua chưa dẫn đến kết quả gì. Trump lại đe dọa tăng thuế quan đối với xe hơi, một yếu tố thương lượng đáng gờm, cũng như đánh thêm thuế mới đối với 200 tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc, mà ông Trump đã hai lần dời lại việc áp dụng. Riêng châu Âu sẵn sàng đáp trả đến đâu? Trước một Trump luôn đẩy họ vào thế bị động, châu Âu đang cố chơi một ván bài tế nhị: Đáp trả nhưng cũng sử dụng củ cà rốt. Phương thức phòng thủ của châu Âu rất rõ: Không chủ động tấn công vào Mỹ, nhưng đáp trả ngay, theo nguyên tắc có qua có lại và trên tinh thần tôn trọng quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Ví dụ cụ thể của phương thức này là những biện pháp tăng thuế quan đối với các loại rượu Bourbon, quần jean hay xe môtô Harley-Davidson để chống lại đợt tấn công của Mỹ đối với thép nhập châu Âu. Tuy nhiên, cách thức phản ứng thực thụ của châu Âu nằm ở nơi khác. Đó là cố thuyết phục Mỹ trở lại làm người đồng minh lịch sử, một vị trí mà Hoa Kỳ vẫn nắm giữ chỉ cách đây không lâu. Mục tiêu là đứng chung chiến tuyến với Mỹ và Nhật để thúc đẩy cải tổ WTO nhằm đối phó tốt hơn với các đòn tấn công của Trung Quốc. Nhưng cách tiếp cận này đến nay chưa mang lại kết quả. Liên quan đến lời đe dọa của Washington đánh thuế xe hơi nhập từ châu Âu, đối với đa số thành viên châu Âu, đi đầu là Đức, câu trả lời tốt nhất là nhanh chóng thúc đẩy việc mở đàm phán đã hứa hẹn mùa hè này ở Washington, mà phạm vi áp dụng còn rất hạn chế. Nhưng Paris lại không muốn. Tổng thống Macron luôn từ chối “thương lượng khi bị dí súng vào đầu”.

 

Trung Quốc “ăn miếng trả miếng”

Trước loạt thuế của Washington, Bắc Kinh trước tiên đã quyết định đáp trả, đánh thuế hàng hóa Mỹ theo giá trị tương đương. Nhưng với số hàng nhập từ Mỹ 4 lần ít hơn hàng xuất sang Mỹ, chiến lược này không thể trụ lâu trước đe dọa của Trump áp thuế đối với toàn bộ hàng nhập từ Trung Quốc. Dễ hiểu là Trung Quốc nhẹ nhõm khi hưu chiến thương mại được tuyên bố ngày 1/12/2018 giữa hai Trump và Tập bên lề thượng đỉnh G20. Dưới sức ép, Bắc Kinh đã cố đưa ra vài cam kết (như mở cửa lãnh vực tài chính, chấp dứt chế độ công ty hợp doanh trong ngành xe hơi) và trong các lãnh vực mà công ty Trung Quốc đã vững vàng. Nhưng vào lúc mà Washington đòi hỏi những cải tổ về cấu trúc, thì Bắc Kinh không muốn bỏ mô hình kinh tế dựa trên các tập đoàn Nhà nước hùng mạnh, cũng như không từ bỏ việc nâng cấp ngành công nghiệp của mình để tạo ra những nhà vô địch công nghệ học tầm cỡ thế giới.

Hậu quả cuộc thương chiến đối với Mỹ là gì? Do tỷ trọng hàng nhập khẩu không cao trong GDP của mình (độ 13%), kinh tế Mỹ không mấy bị tác động do việc thuế tăng lên. Cho dù căng thẳng thương mại gây lo âu trên thị trường tài chính, kinh tế Mỹ vẫn có dấu hiệu khỏe mạnh: thất nghiệp chỉ khoảng 4%, tăng trưởng ở mức hơn 3%. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài lãnh vực, việc thuế tăng không có hệ quả làm thất thu thương mại, vẫn hơn 550 tỷ đô la từ tháng Giêng đến 11/2018, tức nhiều hơn so với cùng thời kỳ hai năm 2016 và 2017. Ai được ai thua trong cuộc tấn công của Washington? Ngành phân phối có lẽ là khu vực đã lên tiếng nhiều nhất chống lại các biện pháp của ông Trump, cảnh báo về nguy cơ thuế tăng làm giá cả tăng theo, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nhưng cho đến lúc này, các hộ gia đình Mỹ cảm nhận không nhiều hệ quả các thuế phụ thu.

Vào mùa thu năm ngoái, hai nhà nghiên cứu của Trường Kinh tế London và Princeton đã nêu cụ thể những khoản tốn thêm do các biện pháp của ông Trump, trung bình là vài chục đô la mỗi năm cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, khoản này sẽ lên thành 270 đô la/năm trong trường hợp áp thuế 10% đối với toàn bộ hàng nhập từ Trung Quốc. Nếu bản kết quả kinh doanh của một số tập đoàn lớn đã ghi nhận chi phí họ trả thêm do chính sách của Washington, những người bị thua thiệt trước tiên là các nạn nhân của biện pháp trả đũa từ phía các đối tác thương mại của Mỹ. Việc Trung Quốc ngưng nhập đậu nành và bắp của Mỹ chẳng hạn, đã làm giá cả hai mặt hàng này sụp đổ, buộc các nông dân miền Midwest tìm thị trường khác.

 

Thương chiến có tốt thật không?

Hệ quả ở giai đoạn này vẫn giới hạn và khó ước lượng bằng con số cụ thể. Thị trường lao động Mỹ tiếp tục tạo trung bình 200.000 việc làm mới mỗi tháng, nhưng thường là trong lãnh vực dịch vụ, còn trong công nghiệp thì khiêm tốn hơn. Một số công ty chế tạo xe hơi đã thông báo đầu tư tại Mỹ từ hai năm qua, nhưng các quyết định đó thường không liên quan trực tiếp với chính sách của Trump. Việc đóng cửa 4 nhà máy của tập đoàn General Motors, theo thông báo hồi tháng 11 vừa qua, như đã dội một gáo nước lạnh vào không khí phấn khởi. Ông Trump cũng nói đến “phép màu” trong ngành luyện thép mỗi khi một lò mới được đưa vào hoạt động. Ngành được lợi nhờ giá cả tăng do chính sách thuế, nhưng hệ quả về việc làm, trong một ngành sử dụng rất nhiều máy tự động, vẫn còn khiêm tốn. Theo các chuyên gia của viện nghiên cứu sắt và thép American Iron and Steel Institute, lượng nhân công sử dụng hiện nay thấp hơn 4% so với cách đây 4 năm.

Cách đây một năm, Tổng thống Trump tuyên bố “chiến tranh mậu dịch là tốt và dễ thắng lắm”. Cuối tháng Hai vừa qua, một cuộc nghiên cứu mới của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy là trả đũa của Bắc Kinh về thuế quan đã tạo nhiều khó khăn cho các nhà xuất cảng Hoa Kỳ hơn là so với những đối tác của họ ở phía Trung Quốc. Theo cuộc khảo sát này thì trả đũa của Trung Quốc có ảnh hưởng trầm trọng hơn cho xuất cảng của Hoa Kỳ. Con số thiệt hại tính cho toàn năm 2018 theo IIF lên đến 40 tỷ đô la, gần một phần ba con số 130 tỷ đô la mà Hoa Kỳ xuất cảng sang Trung Quốc năm 2017. Trong hoàn cảnh đó, hẳn là rồi sẽ có một thỏa thuận ngưng bắn. Nhưng thỏa thuận đó kéo dài bao lâu và rồi khi bùng nổ lại cuộc chiến sẽ mang hình thức nào thì chúng ta còn phải chờ xem./.


Có thể bạn quan tâm