April 26, 2024, 3:15 am

Mỹ và cuộc “thử nghiệm địa chính trị”

Trong những ngày cuối tuần qua, đã diễn ra các màn đấu khẩu đầy kịch tính và không lường trước. Trong lần đầu đối mặt với Trung Quốc (ngày 18 và 19/3), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã toan tính đầy mạo hiểm. Nhìn thẳng vào người đồng cấp Trung Quốc trong cuộc họp tại Alaska, Ngoại trưởng Blinken gọi Bắc Kinh là mối đe dọa đối với “sự ổn định toàn cầu” và cáo buộc những vấn đề về nhân quyền, thương mại, Hồng Kông, Đài Loan và một loạt các vấn đề khác trước rất đông phóng viên và máy quay. Trong khi Tổng thống Biden “chọc giận” người đồng cấp Nga thì Ngoại trưởng Blinken chỉ trích Trung Quốc. Những điều này dường như phục vụ cho một chiến lược định sẵn, đó là chính quyền Biden muốn thể hiện sự tự tin của mình khi đối mặt với cả Nga lẫn Trung Quốc.

Ngoại trưởng Blinken cùng cố vấn an ninh quốc gia Sullivan, đối diện ông Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị, tại phiên khai mạc hội nghị Mỹ - Trung ở Anchorage hôm 18/3

"HỖN LOẠN" TRÊN SÂN KHẤU NGOẠI GIAO

Các nhận xét nhằm thể hiện sự tự tin của chính quyền Joe Biden khi đối mặt với thái độ của Trung Quốc và thể hiện cho điều mà Blinken gọi là “thử nghiệm địa - chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21”. Cuộc họp kéo dài hai ngày, kết thúc vào 20/3, ngay sau khi Tổng thống Joe Biden khẳng định quan điểm rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin là “kẻ giết người”, khiến Moscow phản ứng dữ dội. Chỉ trong hai tháng, chính quyền Biden đã thể hiện sự khao khát mạnh mẽ đáng ngạc nhiên đối với các đối thủ hàng đầu đầy chiêu trò của Mỹ. Những cao trào đầy kịch tính càng chỉ rõ hướng đi mới của Washington trong thời kỳ hậu Trump, nhưng cũng tạo ra những kết quả không thể đoán trước và đôi khi hỗn loạn trên sân khấu ngoại giao.

Sau bốn năm ngoại giao theo phong cách thất thường của Tổng thống Trump, nhiều người kỳ vọng Biden sẽ quay trở lại cách tiếp cận truyền thống. Nhưng chính quyền mới đã không né tránh việc hạ bệ những người đứng đầu chính phủ, đảng cầm quyền và bỏ qua cuốn sách về chuẩn mực ngoại giao. Tại Alaska, các quan chức của chính quyền Biden thừa hiểu rằng Trung Quốc sẽ đáp trả một cách giận dữ trước cú “ra đòn” của Blinken, nhưng họ chắc mẩm ​​rằng việc phản bác sẽ chỉ giới hạn trong mấy phút dành cho quan chức Trung Quốc, theo các quy tắc cơ bản mà Washington và Bắc Kinh đã nhất trí.

Trên thực tế, điều đó đã không xảy ra. Thay vì đưa ra một lời đáp lễ phải phép, ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã phản pháo Blinken bằng bài phát biểu kéo dài 17 phút chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ và những can thiệp quân sự thất bại trong 20 năm qua, lật lại lời buộc tội Mỹ liên quan đến các quốc gia đang chịu bất ổn sau can thiệp của Mỹ. “Chúng tôi không tin vào việc xâm lược thông qua sử dụng vũ lực, hoặc lật đổ các chế độ khác bằng nhiều cách khác nhau, hoặc tàn sát người dân của các quốc gia khác, bởi vì tất cả những điều đó sẽ chỉ gây ra hỗn loạn và bất ổn trên thế giới này”, ông Dương nói. Khi ông Dương nghiêng về các khía cạnh khác nhau trong nội trị của nước Mỹ, gồm cả việc đối xử với người Mỹ da đen, các quy tắc cơ bản được thương lượng cẩn thận giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã biến mất. Từ đó dẫn đến sự đáp trả qua lại kéo dài giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc và cả hai bên sau đó đã khiến bầu không khí hội nghị rẽ sang hướng khác, vì giao thức đối ngoại bị phá vỡ.

Danny Russel, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, người từng là nhà ngoại giao cấp cao trong chính quyền Barack Obama, bình luận: “Màn trình diễn trước công chúng đầy nguy hiểm này chắc chắn là vô ích trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm thiết lập một động lực tích cực hơn”. “Mục tiêu của cuộc họp ở Anchorage (thủ phủ bang Alaska) là để giao tiếp. Nhưng thay vào đó, thực tế là các bên đã tham gia vào một trận đấu khẩu trên sân khấu ngoại giao”. Ông thừa nhận: “Nhưng đấu khẩu là một thứ nghệ thuật mà người Trung Quốc vượt trội”.

Dù có bất kỳ thất bại nào xảy ra, nhưng Blinken ngay lập tức nhận được lời khen ngợi từ cấp trên ở Nhà trắng khi trở về Washington. “Tôi rất tự hào về ngoại trưởng”, Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng khi được hỏi về phản ứng của ông trong ngày hội đàm đầu tiên. Tương tự, Biden cũng phớt lờ những lời chỉ trích từ Nga dù Moscow tạm thời triệu hồi đại sứ Anatoly Antonov về nước, vụ triệu hồi đầu tiên trong hơn 20 năm qua. Hôm thứ năm 18/3, Putin nói rằng bằng cách gọi ông ta là kẻ giết người, Tổng thống Mỹ dự kiến ​​sẽ bồi thường cho việc Mỹ giết người da đỏ và nô lệ da đen.

ĐẤU KHẨU NHƯNG VẪN TÌM CÁCH HỢP TÁC

Việc tỏ thái độ trong ngoại giao đồng thời với Nga và Trung Quốc đặt ra câu hỏi về việc liệu Biden sẽ tìm cách tạo dựng mối quan hệ hữu ích với hai nước này, hay liệu trạng thái đối đầu và xung đột có trở thành bình thường mới hay không. Chính quyền Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cả hai nước để đáp lại việc Moscow bị cáo buộc đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Nga Navalny và việc Bắc Kinh bị cáo buộc đàn áp đối với các quyền tự do chính trị ở Hồng Kông.

Tại Nga, phát ngôn viên của Putin, Dmitry Peskov, cho biết, “Rõ ràng là Biden không muốn bình thường hóa quan hệ với đất nước chúng tôi”. Trong các bình luận công khai, các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng thời của một tổng thống Mỹ nói những lời tâng bốc về Putin (ám chỉ Donald Trump) đã qua và rằng chính quyền sẽ tìm cách đẩy lùi sự xâm lược của Nga ở bất cứ nơi nào. Đồng thời, các trợ lý của Biden đã nhanh chóng đàm phán việc gia hạn hiệp ước vũ khí hạt nhân START mới với Nga ngay từ ngày đầu của chính quyền Biden, cho thấy rằng một số nỗ lực hợp tác sẽ tiếp tục.

Về phía Trung Quốc, chính quyền Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hợp tác lẫn đối đầu, đồng thời tỏ ra nhạy cảm với ý kiến cho rằng việc phát ngôn hôm 18/3 có thể ngăn cản tiến bộ đáng kể. Một quan chức chính quyền Biden nói rằng đằng sau những cánh cửa đóng kín, hai bên “ngay lập tức bắt tay vào công việc” sau khi công khai tranh luận và tham gia vào các cuộc thảo luận “ thực chất, nghiêm túc và trực tiếp”. “Trên thực tế, cuộc thảo luận hơn hai giờ đã diễn ra tốt đẹp”, một quan chức khác giấu tên lên tiếng. Ngoại trưởng Blinken đến Alaska sau khi thăm các đồng minh hiệp ước của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi ông cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tiến hành các cuộc gặp 2+2. Hai q uan chức tromg chính quyền đã tái khẳng định cam kết của Mỹ với các đối tác an ninh quan trọng của mình.

Như một điểm gặp gỡ hiếm hoi, ông Blinken cho biết cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều có những quan tâm chung về Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu. “Về kinh tế, về thương mại, về công nghệ, chúng tôi nói với những người tương nhiệm phía bên kia rằng chúng tôi đang duyệt xét cẩn thận những vấn đề này với sự tham khảo chặt chẽ với Quốc hội, với các đồng minh và đối tác, và rằng chúng tôi sẽ tiến tới theo phương cách hoàn toàn bảo vệ và thăng tiến lợi ích của người lao động và doanh nghiệp của chúng ta,” ông Blinken nói. Các thành viên trong phái đoàn Trung Quốc rời khách sạn mà không trả lời báo giới.

Hôm thứ Sáu 19/3, khi Ngoại trưởng Blinken xuất hiện sau cuộc gặp lần thứ ba với các đối tác Trung Quốc, ông lưu ý rằng Trung Quốc đ ã kiên quyết chống lại những chỉ t rích của Mỹ về các chính sách của họ ở Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương cũng như đối với Đài Loan. “Khôn g có gì ngạc nhiên khi chúng tôi nêu ra những vấn đề đó… chúng tôi đã nhận được phản ứng đáp trả”. Tuy nhiên, về các vấn đề không liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc, Blinken cho biết hai bên “có thể trò chuyện rất thẳng thắn”. “Chúng tôi muốn chia sẻ với họ những lo ngại quan trọng về một s ố hành động mà Trung Quốc đã thực hiện... và chúng tôi đã làm điều đó”, Blinken nói. “Chúng tôi cũng muốn vạch ra rất rõ ràng các chính sách, ưu tiên và thế giới quan của riêng mình. Và chúng tôi cũng đã đạt được điều đó”.

TỪ “BỘ TỨ” ĐẾN “KHUNG CHIẾN LƯỢC”

Trong cuộc họp Bộ tứ An ninh ngày 12/3/2021, Tổng thống Biden cho biết Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục làm việc với các nước đồng minh và các đối tác nhằm ổn định và phát triển khu vực, bảo đảm khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Từ những cuộc họp với Nhật, Ấn và Úc đã hình thành Bộ tứ An ninh (the Quad) và phát triển thành Khung Chiến Lược Ấn Độ - Thái Bình Dương (U.S. Strategic Framework for the Indo - Pacific). Là tài liệu mật được ghi chú “không dành cho công dân nước ngoài” lẽ ra Khung Chiến Lược sẽ được bảo mật cho đến năm 2043, nhưng Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số ngày 2021/1/5 đã cho phép giải mật và công bố một tuần trước ngày Tổng thống Trump mãn nhiệm. Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien thời đó cho biết việc giải mật là để thể hiện những cam kết chiến lược của Hoa Kỳ đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tập tài liệu gồm 10 trang đánh máy, một vài chỗ chưa được giải mật bị bôi đen, chừng một nửa tài liệu trực tiếp nói về chính sách cho hai nước Trung Hoa và Ấn Độ, với những mục tiêu và hướng dẫn hành động cụ thể. Theo Khung Chiến Lược này, việc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục tồn tại do hệ thống chính trị và kinh tế của hai nước quá khác biệt cả về bản chất lẫn mục tiêu. Trung Quốc đã bất chấp mọi quy tắc và chuẩn mực quốc tế để giành lợi thế thống trị toàn cầu, vì vậy Mỹ cần gia tăng ảnh hưởng tại Á châu nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục thiết lập những khu vực ảnh hưởng mới.

Theo Hoa Kỳ, nước này sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc, nhưng phải hợp tác công bằng và phù hợp với lợi ích của người Mỹ, không phải hợp tác bằng mọi giá như các chính phủ trước đây đã sai lầm vướng phải. Hoa Kỳ tiến hành xây dựng liên minh với các nước đồng minh và đối tác, trên tinh thần tôn trọng và hợp nhất với chiến lược của các quốc gia khác để hình thành một chiến lược chung cho toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhưng đồng thời các quốc gia đồng minh cũng phải đối xử công bằng và phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, như chia sẻ gánh nặng về quốc phòng với Mỹ và thương lượng lại các Hiệp định thương mại tự do không để nước Mỹ quá thiệt thòi.

Một trong những mục tiêu chính yếu được đề ra trong Khung Chiến Lược là xây dựng kinh tế và quốc phòng Ấn Độ để quốc gia này trở thành một nước cường thịnh đủ khả năng đối đầu với Trung Quốc về mọi mặt và về lâu dài. Mục tiêu khác là thúc đẩy và củng cố vai trò trung tâm của Khối ASEAN trong việc giữ gìn an ninh khu vực và khuyến khích các nước thành viên đạt được đồng thuận về những vấn đề then chốt. Ngày 11/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời, người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: Hiện nay, đã và đang xuất hiện nhiều ý tưởng, sáng kiến hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do các quốc gia trong và ngoài khu vực đề xuất. Quan điểm của Việt Nam là luôn mong muốn và hoan nghênh các sáng kiến góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Khung Chiến Lược không trực tiếp đề cập đến các quốc gia Âu châu, nhưng ông Robert O’Brien cho biết các quốc gia như Anh, Đức và Pháp sẽ tham gia vào chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Nguồn Văn nghệ số 13/2021


Có thể bạn quan tâm