April 25, 2024, 2:00 am

Mỹ thuật với đề tài lịch sử

Ở nước ta, số lượng tranh, tượng về đề tài lịch sử ra đời khá phong phú. Những tác phẩm đó chủ yếu là phản ảnh sự kiện đấu tranh kiên cường của quân dân ta chống thực dân xâm lược bảo vệ hạnh phúc và độc lập toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh những bức tranh, tượng, phù điêu hoành tráng, còn có những tác phẩm miêu tả chân dung anh hùng dân tộc, nhà văn hóa, những bà mẹ vệ quốc, những chiến sĩ đấu tranh anh dũng, hy sinh vì độc lập dân tộc và vì hạnh phúc của nhân dân. Những biểu tượng ấy chính là đề tài lịch sử.

 

Những người kéo thuyền trên sông Volga - Repin

 

Nhiều ý kiến của các nhà phê bình mỹ thuật thì sáng tác mỹ thuật về đề tài lịch sử là phản ánh lại những sự kiện, những nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến xã hội mà nhân dân yêu cầu. Khái niệm đó phản ánh một phương pháp luận có ý nghĩa thực tiễn nhưng đồng thời nó cũng rất cụ thể cho một thực tế vận động của xã hội mà các nghệ sĩ tạo hình đã và đang sáng tạo. Như vậy sáng tác về đề tài lịch sử là phải rất cụ thể, phản ánh tính khách quan vận động của con người trong xã hội.

Trong sự nghiệp sáng tác mỹ thuật ở nước ta, nhiều nghệ sĩ tạo hình đã lao động sáng tác quên mình, dù ở chiến trường hay ở hậu phương, bất cứ nơi nào mà nhân dân cần thì những nghệ sĩ ấy đóng góp xứng đáng những tác phẩm có giá trị tư tưởng cũng như nghệ thuật sâu sắc. Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ - sơn mài của Nguyễn Sáng, Con trâu quả thực - màu nước của Tô Ngọc Vân, Bát nước - sơn mài của Sĩ Ngọc, Võ Thị Sáu - sơn dầu của Huỳnh Văn Gấm… Những cụm tượng đài, tượng chân dung, phù điêu và nhất là thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, cho đến ngày nay đã để lại cho dân tộc một kho tàng văn hóa vừa mang tính vật thể vừa phi vật thể vô cùng quý giá.

Hòa bình lập lại, Đảng và nhà nước ta đã có những chủ trương sát thực, cụ thể cho văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tác văn học nghệ thuật, trong đó có đề tài lịch sử, mà chủ yếu là phát huy giá trị của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta từ thời xa xưa cho đến nay. Do đó đối với nghệ thuật điêu khắc đã có nhiều tượng chân dung, nhóm tượng, đài kỷ niệm được các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam sáng tạo và xây dựng ở nhiều vùng miền của cả nước, tạo thành một kho tàng quý giá về tượng đài. Các tượng đài về đề tài Bác Hồ của Diệp Minh Châu, Trần Văn Lắm và nhiều nhà điêu khắc ở các thế hệ tiếp nối đã nói lên hệ thống tượng đài về đề tài chân dung lịch sử của ta là rất phong phú kể cả về chất liệu, phong cách, quy mô, phương pháp biểu đạt. Những bức tượng uy nghi hoành tráng được xây dựng ở Đô Thành, vùng nông thôn rộng lớn tuy có những mặt này hay mặt khác còn khiếm khuyết nhưng những đề tài mang dấu ấn lịch sử của con người Việt Nam ở trên mọi lĩnh vực như anh hùng trong lao động, trong chiến đấu, những tấm gương vượt khó sáng tạo làm giầu cho đất nước đều là những đề tài phong phú và sâu sắc để các nhà điêu khắc sáng tác.

 

Con trâu quả thực.

Kí họa mầu nước của Tô Ngọc Vân

Vẽ tranh, nặn tượng về đề tài lịch sử là rất khó, đòi hỏi nghệ sĩ phải có tay nghề vững về mỹ thuật rồi chưa đủ mà phải có kiến thức rộng về mặt xã hội, như triết học, kinh tế chính trị học, lịch sử… để nghiên cứu xây dựng tác phẩm có chất lượng mà nhân dân yêu cầu. Như vậy, đứng ở góc độ này thì mỹ thuật có thể là minh họa lịch sử, ở góc độ khác mỹ thuật lại đóng vai trò tái tạo lại hình ảnh của lịch sử. Chỉ khác nhau là đề tài đó có trở thành tác phẩm mỹ thuật đích thực hay không, dù đó là điêu khắc, hội họa hay đồ họa… Kể cả về lý luận hay thực tiễn, thì tính chân thực của lịch sử vẫn là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình sáng tác. Nếu một tác phẩm mỹ thuật mà tách rời tính chân thực của lịch sử thì xã hội sẽ đào thải nó và bản thân tác phẩm đó không thể tạo ra cảm xúc về tình cảm và lý trí cho người xem…

*

Nghệ thuật tạo hình cũng như văn học hay nghệ thuật khác, nếu được gọi là tác phẩm có nội dung về chủ đề lịch sử, bản thân nó phải dựa trên cứ liệu có thật trong xã hội, và từ cứ liệu ấy mà nghệ sĩ mới sáng tạo thành tác phẩm có giá trị nội dung tư tưởng đích thực. “Có tích thì mới có trò” là có nghĩa như vậy. Tính trung thực trong sáng tác về đề tài lịch sử là rất quan trọng. Có nhiều họa sĩ lấy hình tượng Bác Hồ trong ảnh thời sự của các nhà nhiếp ảnh thời chống Pháp như là Bác lội suối đi công tác, Bác cưỡi ngựa ở chiến khu kháng chiến… lồng ghép vào một không gian nào đó mà tác giả tạo ra trong tranh thế mà được giải thưởng này giải thưởng nọ, đó là điều đáng suy nghĩ.

Trong thực tế có những ký họa để nghệ sĩ làm tư liệu xây dựng tác phẩm lịch sử nhưng những ký họa đó về sau nó lại trở thành bức tranh mang tính lịch sử... Từ cách đặt vấn đề cho một phương pháp luận logic trên, cũng cần đặt ra một vài suy nghĩ cho việc xây dựng tác phẩm mỹ thuật có chủ đề về lịch sử. Hiện nay, nhà nước chưa có chính sách khuyến khích cho việc sáng tác mỹ thuật về đề tài lịch sử như đào tạo, đầu tư kinh phí. Ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển, người ta đã chú trọng đến việc đào tạo sáng tác đề tài lịch sử trong chuyên ngành mỹ thuật. Và những tác phẩm có nội dung về lịch sử sẽ được nhà nước, tổ chức xã hội đặt vẽ và mua để sử dụng vào việc trang trí ngoại giao, bảo tàng, phát triển du lịch… với giá thỏa đáng vì đây là tác phẩm rất công phu trong quá trình sáng tạo.

Tuy chúng ta đã có một đội ngũ nghệ sĩ tạo hình hùng hậu và chính họ đã để lại cho xã hội một kho tàng di sản về mỹ thuật có giá trị cao nhưng vẫn còn thiếu và còn nhiều đề tài chưa khai thác một cách tích cực. Vì thế nhà nước cần quan tâm đúng mức và nghệ sĩ còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa, chắc chắn tác phẩm mỹ thuật vẽ đề tài lịch sử của nước ta sẽ đáp ứng được sự mong đợi của công chúng, nhất là thời kỳ hội nhập quốc tế.

Nguồn Văn nghệ số 22/2020


Có thể bạn quan tâm