March 29, 2024, 4:21 pm

Mỹ Thuật hoá tác phẩm Văn học - hiệu ứng tích cực trong dạy học bộ môn Ngữ Văn

 

Vẽ tranh minh hoạ được xem là một phương tiện hỗ trợ cho quá trình tiếp nhận văn bản ở học sinh. Thông qua những ưu điểm cụ thể như, có thể giúp diễn đạt một nội dung trừu tượng của văn bản hay giúp học sinh phát triển trí tưởng tượng khi tiếp nhận những thông điệp mà văn bản đề cập đến, từ đó có thể tạo ra một mối liên hệ đặc biệt - mối liên hệ cảm xúc - giữa văn bản với học sinh. Chưa kể, đối với những văn bản mang tính thời sự, những hình ảnh "đời thường" với sự xuất hiện của nhân vật còn có tác dụng "phản chiếu" ở chính mỗi học sinh, giúp các em tìm thấy một phần của chính mình .

Tạo hiệu ứng thị giác

Sử dụng tranh minh hoạ trong công tác giảng dạy nói chung và đối với môn Văn học nói riêng vô cùng cần thiết đối với việc giảng dạy. Nó góp phần tạo nên sự hứng thú học tập ở học sinh và giúp cho học sinh tiếp thu tri thức một cách nhẹ nhàng hơn. Nhất là với đối tượng học sinh khả năng tư duy sâu sắc còn ít, các em chủ yếu tiếp nhận tri thức bằng điều “mắt thấy tai nghe”. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Định hướng đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông theo Luật giáo dục (1998), với bốn nhiệm vụ cơ bản là Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo ở học sinh; Bồi dưỡng phương pháp tự học; Rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; Tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh. Bốn định hướng này có liên quan chặt chẽ, trong đó định hướng đầu tiên là căn bản. Để học sinh lĩnh hội được tri thức một cách tốt nhất cần hướng học sinh vào "hoạt động tích cực". Tức là học sinh phải được trực tiếp tìm hiểu, khám phá vấn đề. Mỗi vấn đề được làm sáng tỏ sẽ mở ra những chân trời mới về sự sáng tạo. Bộ môn Ngữ văn đang trên con đường đổi mới cũng phải tuân theo quy luật đó. Dạy học theo phương pháp đổi mới phải thực sự lấy "học sinh làm trung tâm", coi hoạt động của học sinh là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhất trong việc dạy và học. Học sinh nắm được kiến thức thông qua sự hướng dẫn mang tính gợi mở của giáo viên. Các em có thể đọc, phân tích văn bản và đưa ra những luận điểm cá nhân để cùng thảo luận. Phương pháp lấy học sinh làm trung tâm nói trên được đánh giá là tích cực khi tăng tính tương tác giữa người dạy và học. Tuy nhiên, sự lắng đọng về lượng kiến thưc sau mỗi giờ học Văn còn hạn chế. Do đó, nhiều giáo viên dạy Văn đã tích cực lòng ghép, mở rộng, khắc sâu kiến thức cho học sinh bằng các phương tiện dạy học như: máy chiếu, tranh ảnh, biểu bảng, phiếu thảo luận... giúp học sinh hoán đổi từ thụ động trong tiếp nhận kiến thức trở thành người khám phá, tìm hiểu văn bản. Biến văn bản là phương tiện dạy học là chìa khoá mở rộng vốn kiến thức về thế giới quan Chân - Thiện - Mỹ.

Trong nhiều năm qua, giáo dục phổ thông đã có nhiều đổi mới, trong đó Văn học cũng không là ngoại lệ. Đã có rất nhiều sáng kiến được đưa ra cho việc dạy và học Văn để giúp thầy và trò có sự hứng khởi nhất định khi học bộ môn này. Tuy nhiên, nỗ lực thì có, song kết quả thì vẫn chưa như mong đợi. Môn Văn vẫn là môn học khô cứng, tổ hợp Khoa học Xã hội, trong đó có môn Văn giữ vai trò chủ chốt vẫn không thu hút được thí sinh trong mỗi kỳ thi tuyển quốc gia vào các trường Đại học, Cao đẳng. Để thay đổi cục diện, thầy cô giáo dạy Văn nói chung đã có nhiều ý tưởng mới trong dạy và học Văn. Trong đó, chú trọng các phương tiện khoa học kỹ thuật hỗ trợ công tác giảng dạy, tích hợp nhiều kiến thức môn học trong dạy Văn. Với tinh thần "bám sát sách giáo khoa, lấy sách giáo khoa là phương tiện dạy học cơ bản". Đồng thời sử dụng thêm một số bức tranh được Bộ Giáo dục & Đào tạo hỗ trợ, những giáo viên dạy Văn đã mang đến sức sống mới cho tác phẩm văn học và một không khí sôi nổi hơn trong các giờ học Văn. Bên cạnh việc sân khấu hoá, mỹ thuật hoá tác phẩm văn học, các thầy cô giáo còn  sử dụng các phương tiện dạy học khác như: Phiếu thảo luận, sơ đồ, biểu bảng... do chính giáo viên chuẩn bị nhằm khắc phục sự nhàm chán vốn ăn sâu vào tâm thức học sinh: “Giờ Văn đơn thuần chỉ là đọc - chép”.

Dưới dự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin, nhiều thầy cô giáo đã mạnh dạn số hoá tác phẩm Văn học, sử dụng phần mềm photosop để vẽ tranh minh hoạ cho tác phẩm văn học. Kết hợp yếu tố nhìn với phương pháp nhận thức quy nạp đã tạo nên hiệu ứng tích cực trong giờ dạy Văn. Ghi nhận chung, học sinh hào hứng hơn khi học những tiết Văn có tranh minh hoạ hay được sân khấu hoá. Phương pháp tích hợp trong dạy Văn góp phần phát huy tính tích cực trong nhận thức của học sinh. Do các phương tiện dạy học vừa là nguồn cung cấp tri thức vừa là phương tiện minh hoạ cho bài học, vừa là phương tiện để thực hiện các thao tác của quá trình dạy học, đã biến những tác phẩm văn nghị luận khô khan hay những tác phẩm văn học cổ trở nên gần gũi hơn với học sinh, từ đó khắc phục tâm lý ngại học Văn, thậm chí chán học Văn ở cấp Trung học cơ sở nói riêng và học sinh khối phổ thông nói chung.

 

Mỗi học sinh là một hoạ sỹ

Thực tế trong công tác giảng dạy Văn học, nhiều thầy cô giáo đã linh hoạt hướng dẫn học sinh thay vì soạn văn theo cách truyền thống là trả lời câu hỏi cuối bài được thay bằng vẽ tranh thể hiện nội dung câu chuyện. Đây là cách làm không chỉ giúp cho học sinh có thêm sự hào hứng tìm hiểu nội dung chuyện mà còn giúp các em khám phá năng lực mỹ thuật của bản thân. Ở những tác phẩm như Thánh Gióng, Thạch Sanh (Văn 6) hay Cô bé bán diêm (Văn 8), nhiều học sinh đã thể hiện nội dung tác phẩm bằng những bức tranh vô cùng sinh động. Việc Mỹ thuật hoá tác phẩm Văn học đã mang đến một phương pháp học Văn hoàn toàn mới. Đó là hoán đổi học sinh, từ bị động trong tiếp nhận tác phẩm Văn học trở nên chủ động nắm bắt kiến thức và nhớ tác phẩm một cách có hệ thống. Thông thường, trong bức tranh các em thể hiện có kiến thức trọng tâm và hình ảnh minh họa theo chủ đề bài học hoặc hình ảnh sáng tạo theo tư duy của mình. Trong quá trình vẽ, các em có thể thỏa thích sáng tạo màu sắc, đường nét… nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ nội dung kiến thức.

Thầy cô giáo trở thành hoạ sĩ hay bản thân học sinh là hoạ sĩ đều xuất phát từ tinh thần phát huy vai trò của giáo cụ trực quan trong tiếp nhận tác phẩm văn học. Với phương pháp dạy học trực quan không chỉ giúp học sinh huy động sự tham gia của nhiều giác quan kết hợp với lời nói sẽ tạo điều kiện dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ lâu, làm phát triển năng lực chú ý, năng lực quan sát, óc tò mò khoa học của mỗi học sinh. Đây cũng là bước đổi mới cần thiết trong dạy và học Văn nhằm từng bước đáp ứng quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thổng đồng bộ sau năm 2018 gắn phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học. Trong đó, môn Ngữ văn được coi là môn học công cụ có vai trò rất quan trọng đối với việc định hướng phát triển năng lực học sinh. Theo một nghiên cứu khoa học về khả năng ghi nhớ của con người, chúng ta sẽ có thể ghi nhớ được khoảng từ 5% đến 10% thông tin kiến thức khi nghe, đọc; ghi nhớ được khoảng 50% thông tin kiến thức khi thảo luận cùng nhau và ghi nhớ được khoảng từ 85% đến 90% thông tin kiến thức khi hoạt động và giảng giải cho người khác.Thứ hai, cũng như khi sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực khác, việc sử dụng kỹ thuật phòng tranh trong dạy học sẽ tạo không khí học tập thoải mái, sinh động nhưng vẫn hiệu quả. Người học sẽ được tạo cơ hội để giao tiếp, thể hiện quan điểm riêng, giá trị bản thân, ước mơ, mục tiêu cá nhân… Thứ ba, dạy học sử dụng kĩ thuật phòng tranh sẽ hình thành và rèn luyện kỹ năng thuyết trình cho tất cả học sinh trong lớp. Từ đó bồi đắp sự tự tin cho các em.

Chúng ta đều biết, dạy văn là khám phá cái hay, cái đẹp từ những tác phẩm văn chương nhằm khơi dậy, hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh, bồi dưỡng cho các em tri thức hiểu biết và làm phong phú đời sống tâm hồn, hướng các em tới Chân - Thiện - Mỹ, những giá trị đích thực của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu không ý thức rõ phương tiện trực quan chỉ là một phương tiện nhận thức mà lạm dụng chúng thì dễ làm cho học sinh phân tán chú ý, thiếu tập trung vào những dấu hiệu bản chất, thậm chí còn làm hạn chế sự phát triển năng lực tư duy trừu tượng của chính người học. Do vậy, việc cảm nhận văn bản nên được hiểu, không chỉ đơn thuần chủ yếu bằng ngôn từ trong văn bản, mà còn có thể qua nhiều kênh thông tin khác nhau, trong đó có tranh minh họa được xem là một phương tiện hỗ trợ cho quá trình tiếp nhận văn bản ở học sinh. Nó góp phần tạo nên sự hứng thú học tập ở học sinh và giúp cho học sinh tiếp thu tri thức một cách nhẹ nhàng hơn.

Do đó, giáo viên có thể xây dựng những bài soạn bằng giáo án điện tử với những hình ảnh đẹp, sinh động, có âm thanh nhẹ nhàng làm nền, sát hợp với nội dung bài học để tác phẩm hấp dẫn, lôi cuốn học sinh hơn. Thầy cô cũng có thể chuyển đổi bộ tranh tĩnh trong sách giáo khoa thành các tranh động để sử dụng linh hoạt, dễ dàng trong giờ dạy. Cách làm này giúp giáo viên giảm đựợc thời gian soạn bài, chuẩn bị đồ dùng dạy học mà học sinh vẫn cảm thấy thích thú, tiết học sinh động hơn. Và đây cũng chính là sự thành công của cả thầy và trò trong nỗ lực làm mới môn Văn hiện nay.

Nguồn Văn nghệ số 52/2019


Có thể bạn quan tâm