April 26, 2024, 4:04 am

Mỹ Latinh từ cánh cửa văn học

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước tham gia, là Úc, Brunây, Canađa, Nhật Bản, Malaixia, Niu Dilân, Xingapo, Việt Nam và 3 quốc gia thuộc Mỹ Latinh: Chile, Pêru và Mêhicô. Có thể qua văn hóa để hiểu thêm các đối tác bạn bè là con đường ngắn, hiệu quả.

Việt Nam cách xa châu Mỹ (America) nửa vòng trái đất. Mỹ Latinh (America Latina) là miền đất rất rộng lớn trên lục địa châu Mỹ này, nơi mà người dân ở đó nói thứ tiếng chính thuộc ngữ hệ Latinh. Những thứ tiếng thuộc ngữ hệ này bao gồm: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Pháp, Rumania. Diện tích của Mỹ Latinh xấp xỉ 21.069.500 km², chiếm gần 3,9% diện tích bề mặt và 14,1% tổng diện tích đất liền của trái đất. Theo số liệu thống kê vào năm 2019, dân số Mỹ Latinh ước tính có trên 660 triệu người, tổng sản phẩm nội địa của khu vực là 516 nghìn tỷ đôla Mỹ.

Văn học Mỹ Latinh chủ yếu bao gồm văn học của 19 nước nói tiếng Tây Ban Nha, là Achentina, Paraguay, Uruguay, Chile, Pêru, Bolivia, En Xanvado, Vênêzuêla, Côlômbia, Guatêmala, Ônđurat, Côsta Rica, Panama, Đôminica, Puectôricô, Cuba, Nicaragua, Mêhicô, Êcuađo, một nước nói tiếng Bồ Đào Nha là Braxin và một nước nói tiếng Pháp là Haiti. Nhìn chung, văn học lục địa này rất trẻ, đang ở thời kỳ sung sức, lắm thành tựu lớn, giầu hương sắc, nở rộ trên cả một vùng bao la.

Văn học viết Mỹ Latinh chỉ mới ra đời vào thế kỷ 16 và mãi đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 mới trở nên phát triển. Hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh tương tự nhau, gần như chung một thứ tiếng, văn học các nước ở khu vực này nhận ảnh hưởng qua lại lẫn nhau rất rõ rệt.

Uống chung nguồn sữa mẹ là nền văn học Tây Ban Nha, văn học Bồ Đào Nha, đến cuối thế kỷ 19 đầu 20, văn học Mỹ Latinh tìm được đường riêng cho mình, không lặp lại bất cứ một ai. Có thể ví nó như một thanh niên cường tráng giơ tay vẫy chào từ biệt qúa khứ để đi nhập vào văn hóa thế giới văn minh, hiện đại.

Thành tựu nổi bật của văn học Mỹ Latinh thế kỷ 20 được ghi nhận bởi 2 thể loại: tiểu thuyết và thơ. Tiểu thuyết Mỹ Latinh tự khẳng định mình, chiếm lĩnh tình cảm của người đọc trên khắp hành tinh từ những năm 50-60 thế kỷ 20 bằng một loạt tác phẩm thuộc trường phái hiện thực huyền ảo. Nó tạo nên sự chú ý rộng rãi do những đổi mới trong nghệ thuật tiểu thuyết, khai thác những đặc điểm của một vùng nhiều dân tộc, khác mầu da, có các nền văn hóa dị biệt.

Trường phái hiện thực huyền ảo là một trào lưu trong tiểu thuyết Mỹ Latinh hiện đại sau chiến tranh thế giới thứ hai. Các nhà văn của trường phái này nhìn nhận thực tại không chỉ có các hoạt động của con người tác động vào thế giới xung quanh mà còn bao gồm cả ý niệm tinh thần, tiềm thức, ảo giác, huyền thoại, truyền thuyết, thần thoại. Cốt lõi trong thi pháp là việc vận dụng khái niệm thời gian đa chiều, nhiều tuyến. Cái quá khứ sống với quy luật của hiện tại và ngược lại, cái hiện tại cũng nhận ảnh hưởng, chịu sự chi phối bởi quy luật quá khứ. Trường phái hiện thực huyền ảo là một bước phát triển mới của chủ nghĩa hiện thực, một bằng chứng thuyết phục để nói lên tiểu thuyết hiện đại không đi vào ngõ cụt mà vẫn tiếp tục phát triển. Nhà văn tiêu biểu của trường phái này là Garcia Market (người Côlômbia), tác giả tiểu thuyết Một trăm năm cô đơn – tác phẩm đem lại giải thưởng Nobel danh giá cho tác giả vào năm 1982. Ngoài ra, thành tựu của tiểu thuyết Mỹ Latinh thế kỷ 20 còn gắn với tên tuổi các nhà văn nổi tiếng khác như: Jorge Amado (Brazin), Axturiat (Guatemala), Caxpênhtiê (Cuba), Horacio Quiroga (Uruguay)…

Về thơ, đầu tiên phải kể đến những tên tuổi, như 2 nhà thơ của Chile là Pablo Nêruđa, nữ thi sỹ Gabriela Mixtơran; và Ôctavio Pat (Mehico). Cả 3 người đều nhận được giải thưởng Nobel văn học. Bên cạnh họ còn có những nhà thơ lớn khác, những người đã in đâm dấu ấn riêng vào cả nền thơ bằng tiếng Tây Ban Nha như: Ruben Dario (Nicaragua), Nicôlat Ghiden (Cuba), Sêsa Vagiêhô (Peru)…

Những vấn đề mà văn học tiến bộ Mỹ Latinh đặt ra là những vấn đề nóng bỏng mang tính toàn cầu, có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của cả lục địa rộng lớn đã và đang có nhiều bão táp, đầy ắp sự dồn nén. Ngày nay, tiếng nói lên án chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình, ca ngợi tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc ngày càng tăng, dần trở nên một trong những khuynh hướng chủ đạo của các tác phẩm văn học – nghệ thuật.

Tìm hiểu văn hóa Mỹ Latinh, thật cảm động khi biết có những nhà văn tài năng của lục địa này đã giới thiệu Việt Nam với thế giới bằng tình cảm trân trọng, tin yêu. Từ thế kỷ 19, nhà hoạt động cách mạng, đồng thời là nhà tư tưởng, nhà văn, nhà báo nổi tiếng người Cuba là Hôsê Marti (Jose Marti) đã cho in truyện Một cuộc dạo chơi qua xứ Annam trên Tạp chí Tuổi Vàng, một ấn phẩm do ông sáng lập và điều hành. Qua tác phẩm này, nhà văn đã thể hiện tình cảm trân trọng và tin rằng, tương lai Việt Nam sẽ được giải phóng. Về sự kiện này, Lãnh tụ Fidel Castro của nhân dân Cuba đã nhận xét: “Hôsê Marti chính là người Cuba – người Mỹ Latinh đầu tiên phát hiện ra Việt Nam”.

Nhạc sỹ tài năng Victor Jara của Chile với nhạc phẩm Quyền được sống trong hòa bình (El drecho de vivir en paz), đã ca ngợi Bác Hồ (lời tác giả), lời thơ có đoạn: “Nhà thơ Hồ Chí Minh – đưa quyền sống hòa bình – từ Việt Nam ra toàn nhân loại…”.

Nhà thơ, nhà báo nổi tiếng của Cuba, Phêlích Pita Rôđrighết, cũng đã có nhiều tác phẩm ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Thi phẩm Hồ Chí Minh – tên Người là cả một niềm thơ của ông, được dư luận đánh giá rằng, đây là một trong những tác phẩm hay nhất của các nghệ sĩ quốc tế viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ba nước Chile, Pêru và Mêhicô, là những thành viên trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, cùng các quốc gia khác ở Mỹ Latinh đều có nền văn hóa khá phát triển. Tuy nhiên cho đến nay, các nền văn hóa ấy gần như chưa được giới thiệu bao nhiêu ở Việt Nam!

Nguồn Văn nghệ số 44/2020


Có thể bạn quan tâm