April 19, 2024, 8:44 am

Mười năm hương lửa…

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM BÁO VĂN NGHỆ RA SỐ ĐẦU TIÊN

Ấy là cái đận tôi và Trần Huy Quang cùng nhau làm trang văn xuôi, báo Văn Nghệ. Mười năm ấy (1987-1998), mười năm hương lửa…Năm 1987, báo Văn nghệ ghi một mốc son: Tiara đang từ hơn hai ngàn bản tăng vọt lên mấy chục ngàn bản, mở đầu thời hoàng kim của báo giấy.

Trang văn xuôi (gồm truyện ngắn và bút ký, phóng sự) trước đây êm ả, lờ lờ, nhợt nhạt một thứ văn chương tủ kính, bỗng sôi réo như biển lửa, với sự xuất hiện truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, phóng sự Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc. Rồi, phóng sự Câu chuyện về một ông “Vua lốp” của Trần Huy Quang, Làng giáo có gì vui của Hoàng Minh Tường, Người đàn bà quỳ của Lê Khắc, Đất trắng của Hoàng Hữu Các… và một loạt bài vở chuyên mục khác. Nhà văn Ngô Ngọc Bội trẻ lại mấy chục tuổi. Ông tham mưu với Ban biên tập, đề nghị tăng cường quân tinh nhuệ cho trang văn, biên tập viên phải là phóng viên xông xáo, giỏi tay nghề. Đích thân Tổng biên tập Nguyên Ngọc và phó tổng Võ Văn Trực đánh xe đến tận cơ quan báo Người giáo viên Nhân Dân và báo Độc Lập “xin” chúng tôi về Ban Văn xuôi báo Văn nghệ.

Từ trái sang phải: các nhà văn Trần Huy Quang, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Bắc Sơn bên tượng đài Hoàng Hoa Thám – Yên Thế trong chuyến đi thăm thú cuối cùng của ông

Trần Huy Quang hơn tôi năm tuổi, quê Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu, Nghệ An, có đôi tai Phật, chỉ dấu sẽ giàu nứt đố đổ vách. Quang có truyện ngắn đăng báo Trung ương từ 1968, thời lính pháo chiến đấu ở đất lửa miền Trung, Quang viết Khe Cò, chiếm ngôi Bảng nhãn cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội, 1981. Tiếp chuyện, thấy nói năng chậm rãi, có lúc lầu bầu khó nghe, lại như chẳng có tí tẹo gì kẻ cả, lên mặt dạy đời, chẳng có vẻ gì xứ Bọ, từ giọng nói đến tính cách, trái lại ông xưng hô bỗ bã, mày tao, khiến bao nhiêu năm tôi cứ nghĩ ông ngang hàng, bằng vai phải lứa. Ban văn, khi ấy có ba người, Ngô Ngọc Bội trưởng ban, thêm hai nhân viên, thành bộ ba, thế chân kiềng vững chãi. Hai chúng tôi lính mới, khi Ban biên tập hoặc độc giả phát hiện vụ việc, điển hình mới, thấy có vấn đề là lên đường tác chiến. Công việc thường trực vẫn là biên tập. Bài vở ùn ùn gửi về. Hai chúng tôi được phân bài đọc phá, phân loại, phần biên tập cuối cùng do anh Bội hoàn chỉnh và đưa lên duyệt... Anh Bội bảo: “Hai cậu là nhà văn thứ thiệt, lại là nhà báo có số má, về Văn nghệ vừa là duyên vừa là nghiệp. Tớ tình nguyện gác gôn cho các cậu đi viết…”.

Chuyến công tác đầu tiên tôi và Quang đi chung cùng nhau là chuyến lên Thổ Tang, quê hương ông phủ Vĩnh Tường, ông tổng cóc của nữ sỹ Hồ Xuân Hương, một điển hình nông - công - thương xuất sắc của huyện và cả tỉnh Vĩnh Phú. Sau buổi gặp huyện ủy, báo cắm hai đứa tôi ở lại, ăn ngủ tại nhà ông Khen, bí thư đảng ủy xã. Quang được phân công viết bài, lúc nào cũng cắm cúi vào cuốn sổ tay, còn tôi nhởn nhơ ngắm cảnh ngắm người. Thổ Tang những năm cả nước đói kém ấy, vẫn là một xã giàu, giống như Ninh Hiệp, Đình Bảng, hàng hóa từ khắp nơi ùn ùn đổ về, rồi lại từ Thổ Tang đi khắp nước. Đêm đầu tiên tôi khó ngủ. Nửa đêm vẫn thấy Quang ngồi bên của sổ đốt thuốc đỏ lòe, chắc anh đang nghĩ đến bài phóng sự. Rồi ba giờ sáng đã thấy anh khoác áo ra đường. Thì ra anh đi ra quan sát chợ người. Sau này đọc bút ký Người biết làm giàu về chuyến đi ấy, tôi giật mình nhận ra, trong bài ký, lần đầu tiên Quang phát hiện ở Thổ Tang có sáu loại chợ. Ấy là chợ người, chợ mua bán lao động từ ba giờ sáng mỗi ngày. Rồi chợ bán phân, cỏ, rác (chất thải loại) từ khoảng năm giờ, tiếp đến là chợ nông sản từ bảy giờ, chợ chính họp từ tám giờ, đủ loại hàng hóa, một đại bách hóa ngoài trời, trong nhà, đón đủ khách hàng trong huyện trong tỉnh và cả nước, ô tô tải rầm rập. Rồi phiên chợ chiều. Và cuối cùng là chợ tối, từ chín giờ cho tới đêm. Trần Huy Quang bảo dân Thổ Tang hầu như không ngủ. Suốt ngày họ mải miết lao động, mải miết làm giàu. Đọc bút ký, chứng kiến sức làm việc, thái độ làm việc với câu chữ văn chương, tôi thực sự kính nể một lực điền phóng sự.

Ngày cuối cùng, Trần Huy Quang bỗng rủ tôi: Đến Thổ Tang mà không thăm nhà người anh hùng Nguyễn Thái Học, và nhân vật huyền bí Vũ Hồng Khanh thì chúng mình chỉ là anh bổ củi… Chúng tôi đi lang thang khắp làng… Trần Huy Quang bảo: “Thổ Tang có hai người con vĩ đại, nhưng hầu như chính người thân yêu, người xóm giềng của họ cũng không hề biết. Buồn thay cái môn lịch sử mà mình đã theo học”.

*

Từ cuối năm 1989, nhà thơ Hữu Thỉnh được điều về làm Tổng biên tập báo Văn nghệ. Ngô Ngọc Bội tuyên bố xanh rờn: “Ban văn không thuộc phe nào. Ai làm cho báo Văn nghệ giữ vững và phát triển thì chúng tôi cúc cung phụng sự”. Quả nhiên, thập niên tiếp theo, trang Văn của báo Văn nghệ và các trang chuyên mục khác vẫn được bạn đọc đón đợi. Các cuộc thi truyện ngắn và bút ký liên tiếp ba năm một lần ngoài việc khảng định những tác giả tên tuổi: Vũ Bão, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Bản, Đặng Văn Sinh, Lưu Nghiệp Quỳnh… đã phát hiện những tác giả mới: Hòa Vang, Lại Văn Long, Quý Thể, Ngô Phan Lưu, Đoàn Ngọc Hà, Hoài Tố Hạnh, Minh Chuyên, Nguyễn Văn Đệ, Trần Văn Thước, Mạc Can vv…  Sau khi nhà văn Ngô Ngọc Bội về hưu, ban Văn chỉ còn tôi và Trần Huy Quang, hai anh em thay nhau trực và đi viết. Mỗi ngày đọc hàng chục bản thảo để mong tìm ra được một truyện, ký để in. Nhiều tuần thiếu bài đinh, chúng tôi lại phải gọi điện, viết thư, hoặc đến tận nhà các nhà văn tên tuổi quen biết xin bài. Vì thế, văn xuôi của báo Văn nghệ vẫn được bạn đọc đón đợi mỗi tuần và là món ăn tinh thần không thể thiếu của độc giả văn chương cả nước.

Nhưng rồi tai nạn nghề nghiệp ập đến. Số báo Văn nghệ ngày 4/7/1992 đăng truyện ngắn Linh nghiệm của Trần Huy Quang... Những ngày ấy tôi rất thương Trần Huy Quang mà không biết cách nào an ủi ông. Ông vật vờ như một cái bóng, hằng ngày vẫn đi bộ từ ngôi nhà 56 Bà Triệu sang tòa soạn để đợi án kỷ luật. Họa sỹ Thành Chương chép miệng thở dài: “Người trông hiền lành thế kia mà trong gan có thép”. Trần Ninh Hồ bảo: “Chất xứ Nghệ đấy. Nguyễn Biểu ngày xưa dám ăn đầu người trước giặc Minh cơ mà”. Võ Thanh An nhếch miêng cười: “Rồi các vị xem, lời nói đọi máu nhé. Được nghỉ vài năm, dân bọ có liền vài cuốn tiểu thuyết cho coi”. Quả nhiên, đó là thời gian Trần Huy Quang thai nghén các tiểu thuyết Nước mắt đỏThánh ca Truông BồnNhững cô gái Đồng Lộc, và những trang viết da diết về làng Mơ, về Quỳnh Lưu máu thịt cuả ông.

Cũng may, chỉ ít ngày sau, Trần Huy Quang lại được đọc biên tập cùng với tôi. Ông có án miệng là cấm không được ký tên trên bất cứ ấn phẩm báo chí văn chương nào, nhưng vẫn được ngầm làm việc. Trong việc này Tổng biên tập Hữu Thỉnh thực sự là người lớn và nhân hậu. Ông báo cáo với cấp trên sẽ xử lý rất nặng, nhưng kỳ thực là luôn tìm cách cứu người. Vậy là ban Văn xuôi khi ấy có trưởng ban là tôi và một nhân viên án lưu là Trần Huy Quang.

Thế rồi tôi và Trần Huy Quang cũng sống với nhau được mười năm. Cùng nhau là bà đỡ cho bao nhiêu áng văn chương. Cho đến năm 1998, nhà văn Triệu Bôn giới thiệu tôi về làm báo cho Tổng cục Du lịch. Tôi chia tay Quang đi nhận nhiệm vụ mới. Cũng là lúc nhà văn Trần Huy Quang qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai, được phong chức Trưởng ban Văn xuôi. Lúc ấy ban có thêm Phạm Thị Minh Thư và nữ văn sỹ Dạ Ngân mới từ trường Nguyễn Du về.

*

Khi đã về hưu rồi mới càng thấy quý “mười năm hương lửa ấm nồng” ấy.

 Có lần Tôi và Trần Huy Quang rủ nhau lên Cẩm Khê, Phú Thọ thăm ông anh Ngô Ngọc Bội đang trí sĩ quê nhà. Anh Bội ôm chầm lấy chúng tôi cười ha hả mà nước mắt ngấn ướt: Ba thằng chúng ta có mười năm với nhau ở báo Văn nghệ. Tao với Quang có thời gian làm báo Văn nghệ hơn gấp hai thằng Tường. Đáng sống, đáng viết lắm. Hai chú em thua thiệt vì văn và người chúng mày khảng khái khí phách quá. Cả anh chúng mày cũng thế. Không khí phách làm sao viết được Chị Cả Phây với Ác mộng.

Chúng tôi cùng cả cười.

Những năm về hưu, chúng tôi có thời gian chơi với nhau. Tôi và Nguyễn Bắc Sơn về Quỳnh Minh chơi, ngủ trong căn nhà tổ phụ của Quang dưới gốc nhãn gốc khế xanh rì, rồi ra bãi biển hóng mát, lên thắp hương đền Cờn. Tôi nhớ mãi cái lần Quang về thăm nhà tôi ở quê. Tinh mơ đã thấy Quang ngồi hút thuốc ngoài hè. Quang bảo: Có một ngôi nhà ở quê để đi về là hạnh phúc nhất đấy ông ạ. Tôi tính, hai vợ chồng sẽ về quê ở hẳn. Làng Mơ quê tôi giờ vui lắm rồi.

Hai tháng trước, trung tuần tháng 10, Trần Huy Quang ra Hà Nội bảo con rể lái xe đưa tôi và Nguyễn Bắc Sơn thăm bạn văn Mạc Khải trên Yên Thế. Chúng tôi đi thăm Phồn Xương, tượng đài Hoàng Hoa Thám và thắp hương khu mộ vợ chồng nhà văn Nguyên Hồng. Hình như đây là chuyến đi thăm thú cuối cùng của Trần Huy Quang. Về quê được bốn tuần, ông đã từ Nghệ An ra bệnh viện Việt Xô.

Chúng tôi đến thăm. Bà Huệ bảo: “Ông ấy vẫn tin đợt này bị mất tiếng là do cảm lạnh. Chờ kết luận của bác sỹ, chúng tôi lại về Nghệ An để xem trận chung kết World Cup. Tôi quen sống ở quê rồi. Thích lắm”. Trần Huy Quang cười hiền, nói không ra tiếng: “Dẫu có việc gì cũng chẳng làm sao. Trải nghiệm đủ rồi các ông ạ”.

Khí phách và lạc quan cho đến lúc ra đi. Nhà văn Trần Huy Quang về trời mà chưa kịp về làng Mơ để xem trận chung kết World Cup Achentina – Pháp sau ba ngày nữa.

Hoàng Minh Tường

Nguồn Văn nghệ số 52/2022


Có thể bạn quan tâm