April 24, 2024, 5:59 pm

Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng*

Tôi là Nguyễn Bình, người đã chuyển ngữ Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du sang thể anh hùng song cú của tiếng Anh. Tôi rất tiếc khi bị Covid 19 ngăn trở, không thể về được Việt Nam để nhận giải, song tôi hy vọng rằng qua bức thư này, mình có thể truyền tải niềm vinh hạnh khi được trao giải thưởng danh giá của Hội Nhà văn.

Tôi đã dành hai năm trời dịch Kiều ở nơi đất khách quê người, thoạt đầu như một dự án “lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương”, song càng về sau  càng trở thành một công trình nghiêm túc. Tôi rất sẵn lòng kể về công đoạn dịch thuật và nghiên cứu về Kiều của mình khi tôi có nhiều giấy viết hơn, nhưng ngày hôm nay, tôi chỉ muốn thừa nhận những gian nan từ buổi ấy để bày tỏ rằng mình rất hạnh phúc khi công lao mình bỏ ra đã được công nhận bằng một giải thưởng có tầm vóc thế này “Now what delight could pass today’ delight?” Ấy là bản dịch dòng 2994 của Truyện Kiều, “Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?”, và cũng là tóm tắt tâm trạng tôi ngày hôm nay.

Trong thời gian dịch Kiều, tôi đã nhận được sự ủng hộ, sự góp ý của rất nhiều bạn bè và người thân, những người có thể không làm thơ bằng tiếng Anh nhưng cũng đủ thấu hiểu tiếng Anh và tiếng Việt để phân tích và nhận xét. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Linh, tới Thảo, tới Khuê, tới San, tới chị Thuỳ Dương, tới Huyền Anh, và rất nhiều người nữa. Ở thế kỷ 21, chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ và bá quyền văn hoá đã cho phép tiếng Anh đi theo văn hoá phương Tây mà thẩm thấu vào mọi khía cạnh của cuộc sống người Việt. Trước sự chuyển dịch đó, sự xuất hiện của một thế hệ song ngữ trẻ tuổi vừa trân trọng và hiểu thơ tiếng nước ngoài, vừa thương mến văn hoá và thi ca Việt không những là một sự thích nghi sinh thái, mà còn là một sự phản kháng bình dân có tính tái tạo. Tôi tin rằng thế hệ của tôi sẽ mang lại những đột phá mới cho thi văn Việt Nam, thông qua việc thử nghiệm với những thứ khác lạ, dẫn dắt những cái cũ đến các khán phòng mới hơn, hay là hàng trăm điều nữa mà tôi cũng chẳng thể tiên đoán. Văn học Việt Nam không thể chết được; thân thể nó chỉ đang hoá thành dạng mới, như nhà thơ Ovid của La Mã đã từng nói ngày xưa. Người đang và sẽ chịu trách nhiệm cho sự hoá thân ấy chính là người trẻ, bất kể họ từ miền Nam, miền Trung  hay miền Bắc, bất kể họ là nam, là nữ, hay không thuộc vào hệ nhị nguyên giới. Người trẻ nói chung đến giờ vẫn còn ít được chú ý đến trong các diễn ngôn văn học, nên với giải thưởng mới này của Hội Nhà văn, tôi mong rằng họ sẽ được truyền cảm hứng để bước ra, để “chắp nhặt dông dài” và gây dựng những thiên hà văn học của riêng mình. Về phần tôi, tôi chắc chắn sẽ tiếp tục sáng tác, tiếp tục dịch thuật và tiếp tục yêu mến tiếng nói của những người trồng dâu trồng gai (dù bây giờ chắc là họ chuyển sang trồng cà phê, gạo và hạt điều rồi).

* Email của dịch giả Nguyễn Bình gửi về từ Mỹ, nơi anh đang học, nhân dịp tác phẩm TRUYỆN KIỀU (THE TALE OF KIEU) được trao giải thưởng Tác giả trẻ 2021. Tiêu đề do toà soạn đặt

Nguồn Văn nghệ số 3/2022


Có thể bạn quan tâm