April 25, 2024, 11:57 am

Mùi lửa – đau đến mức tự do

 

Lâu nay, làng văn nghệ đã định danh Hữu Ước là “nhà văn kiêm nhà viết kịch”. Ngẫm thế cũng đã đủ. Còn việc anh vẽ tranh, làm nhạc, xuất bản tập thơ, mọi người đều quan niệm đó là anh chơi. Một cuộc chơi tao nhã của người vốn giàu năng lượng sáng tạo.

Nhưng đến khi tôi cầm tập thơ Mùi Lửa trên tay. Thì bỗng dưng định danh cũ và cuộc chơi tao nhã đã có sự đổi chỗ bất ngờ. Mùi Lửa đã định danh lại Hữu Ước. Hóa ra, anh thực sự là một nhà thơ chứ không phải là danh xưng gì khác. Thường thì với người viết, đầu tiên là làm thơ, sau rồi định danh bằng văn xuôi. Ít có những người gắn bó với thơ tới trọn đời. Gắn bó đến gàn dở. Khó đấy dù cứ tưởng là dễ.

Đọc Mùi Lửa, tôi mới thấy thêm một lần kính trọng lời phát ngôn về việc làm thơ của Hàn thi sĩ: “Vì sao ta làm thơ? Vì nàng đánh ta đau quá”. Thơ chỉ có thể bật ra khi người ta bị đánh quá đau. Nàng mà đánh Hữu Ước đến bật ra thơ như hôm nay, chính là “nàng số phận”. Anh tin tưởng đời à? Ta quật cho anh thấy “niềm tin gầy theo giọt thời gian”. Không đau, sao viết được câu thơ như thế. Anh muốn hạnh phúc sum vầy ư? Ta quật cho anh thành kẻ cô đơn, để phải bật ra “Cái ngõ nhỏ không còn hơi thở cũ”. Anh muốn quây quần bè bạn sao? Ta quật cho anh nhận ra “nhân gian  trắng rã như ngân nhũ” nhiều những nịnh bợ, lừa lọc, ton hót và phản phúc. “Bạn bè cũ đã thay lòng đổi dạ/ Đám học trò có đứa quay lưng”.

Các cụ đã không sai từ lâu: “Đòn đau nhớ đời”. Nhưng đòn đau để mà bật ra thơ, để tự nhiên trở thành thi sĩ thì thực ra không phải là một phép lạ mà bởi trong anh đã vốn có chàng thi sĩ đó. Chỉ có điều là chàng vẫn đang im lặng, đôi khi tuôn ra vài ba câu cho vui vẻ. Đòn đau khiến chàng phải cất tiếng, phải đứng dậy để chống chọi lại “con mãnh thú vô hình” là nỗi đau đang gặm rỉa anh từng ngày, để tồn tại, để chua xót nhận ra mình là “một thi sĩ dại khờ/ giữa thế giới người khôn”. Cũng phải thôi. Phật dạy rồi: “Được mất là một”. Mất niềm tin mà được một thi sĩ, chắc cũng nên. Nên lắm. Cái mất này biến anh thành thi sĩ, để thêm lên vạn lần tin tưởng ở con người. Đấy là phép nhân của sinh sôi. Không phải sinh – diệt.

Tôi tin chắc, nếu không có nỗi đau này, Hữu Ước không thể tìm đến được những cái tứ độc đáo kiểu như “Chỗ dựa”. Thật thi sĩ khi ngẫm ra: “Nương thân còn một chút tình – chiều buông… tiếng cháu giật mình gọi ông!”. Cũng là đêm, nhưng đêm đau trong cô đơn đã được dựng lên vừa liêu trai, vừa khẩu khí Đường Thi: “Nhìn ngang, nhìn dọc. Đơn côi – Và một cái bóng cùng tôi chập chờn”.

Hay đến khó tả. Lại thấy hiện ra những Sisyphus hiện đại lăn vần đá lên đỉnh núi, rồi thả xuống núi, rồi lại lăn lên… qua Leo núi: “vuốt nước mắt/ đứng dậy/ tập tễnh/ lại leo lên đỉnh núi khác…”. Chỉ đến tâm thế này, mới nhận ra sự chia sẻ vô cùng của chữ, chia sẻ trong an ủi: “Con chữ/ lặn ngụp trong hơi thở/ dập dềnh ngoi trên sóng/ bóp nghẹt trái tim/ đi tìm chốn hư không…”. Chỉ đến bây giờ, mới nhận ra sự bền bỉ của cỏ: “Cỏ không bị bầm dập/ Cỏ làm sao xanh tươi/ Cỏ không bị băm nát/ Cỏ làm sao nảy mầm”. Khi tận cùng đơn côi thì mới đủ năng lượng nhận ra sự đơn côi cùng cực của một con bò trong tranh: “Mùa đông/ lại mùa đông/ con bò cứ đơn côi/ con bò lại đơn côi…”.

Không chỉ tìm ra được những tứ thơ độc đáo. Tâm trạng thi sĩ khiến cho Hữu Ước có những buông thả, những lỏng lơi mà trước kia anh chưa tới được. “Vô tư con sóng xô bờ/ Mắt giăng lưới nhện lòng vờ xa xôi” Ôi! Cái “vờ xa xôi” thật thi sĩ. Hay “Còn nhà thơ uống rượu/ cho rượu ngấm vào thơ”. Và anh nhận ra thơ thật hồn nhiên: “Thơ là rượu cất chưng từ nước lã/ Nước lã mà vã nên hồ/ làm người ta say…”. Đôi khi, ngơ ngác, bâng quơ: “Giọt sương chỉ thấm trên môi má hồng” hay “Tôi gặp em chiếc lá rơi đầu ngõ”.

Đòn đau để bản lĩnh lên, để tầm vóc hơn, để chấp nhận. Để thấy mình thanh thản như người xưa. Bài Than là sự bộc bạch kiểu như Lê Thánh Tông: “Ngẫm tấm thân kia quá ngũ tuần/ Lòng như sắt cứng cũng mềm dần”. Còn ở Hữu Ước: Sắp bảy mươi rồi không thấy xuân/ Ngẫm thương con tạo nó xoay vần/ Trẻ lo cơm áo không đủ bữa/ Lớn mải bon chen chốn quan trường/ Chữ nghĩa lâu rồi văn thơ nhạt/ Có chút tài hèn bạn ghét ghen/ Nay về lưu ẩn miền sơn cước/ Vui buồn giấu kín giữa trời xanh.

Trong Mùi Lửa, Hữu Ước dành phần thứ hai sau thế sự là thơ viết cho vợ. Ở phần này, có bài thơ Lá bùa cầu mong may mắn có thực mà vợ trao cho anh sống qua ba năm lao lý, mùi lửa trở thành một may mắn tượng trưng trao cho Hữu Ước một tư cách thi sĩ: “Chỉ khi vợ tôi mất/ Tôi mới nhận ra rằng/ Nỗi đau là có thật”. Cái nàng này luôn bắt Hữu Ước phải không ngừng thi sĩ với những “nỗi buồn vương nỗi nhớ”, “ướp nỗi buồn cô đơn”, “Giường rộng quá và đêm dài quá”, “Tôi cào cấu vào đêm”, “Câu thơ bấu vào nỗi nhớ/ Nỗi nhớ đầy vơi…”. Không có mùi lửa này, Hữu Ước không thể nào có chứng chỉ thi sĩ qua tập thơ mà ta đọc và gấp lại. Thấy rung mãi dư âm.

Mùi lửa của Hữu Ước chính là mùi lửa của thơ. Thế mới thấy để có thơ thực, con người phải trả giá cho sự đau đớn biết nhường nào. Đau đến mức tự do.

Nguồn Văn nghệ số 45/2020


Có thể bạn quan tâm