March 29, 2024, 7:08 pm

Mùa Xuân bình thường mới

1. Thế là Mùa Xuân của những ngày “bình thường mới” đã đến! Một niềm vui khôn tả cho phép chúng ta thực hiện bao dự định và hẹn ước dành cho giờ phút được đi lại tự do.

Y hệt ngày xưa thời còn chiến tranh, tất cả hy vọng đều dành cho ngày hòa bình. Bây giờ cũng thế, nhóm cựu chiến binh chúng tôi kẻ Bắc người Nam vốn vẫn đậm ký ức chiến tranh, đã đùa vui với câu hẹn gặp nhau vào ngày “thống nhất non sông”, khi đất nước tan bóng thù covid… Đùa thôi, nhưng là thật, hoặc ít ra là giống như thật, bởi một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện “chống dịch như chống giặc” vừa diễn ra. Sài Gòn, nơi biểu hiện rõ nét nhất về hình tượng “mỗi phường - xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ” với trải nghiệm khủng khiếp. Đại dịch để lại nhiều đau thương, bài học xương máu... “Lúc đó chưa có thuốc điều trị, thành phố xây bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm F0. Nhưng, tập trung xong ngồi đó ngó vì không biết phải làm gì...” như lời chia sẻ của ông Nguyễn Văn Nên, người đứng đầu Sài Gòn với Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố trong phiên giám sát chiều 12/10/2021. Lại nhớ ngày đầu tiên Hà Nội được hạ giãn cách xuống “Xêtê.15”, với các chốt gác hạn chế đi lại được gỡ bỏ, các cửa hàng café, ăn sáng… được mở bán mang về.

Chỉ thế thôi, nhưng đêm ấy, người Hà Nội đã đổ ra đường, đi và đi, chẳng có việc gì cũng đi... cho đỡ nhớ. Vui như trảy hội, hệt như ngày hòa bình năm nao (!) Lúc ấy ở Sài Gòn vẫn nguyên “Xêtê.16 cộng”, chỉ biết thầm mong bao giờ đến lượt mình. Mãi sau rồi cũng đến lượt, nhưng chỉ là nhín nhín thôi, bởi thành phố vẫn một ngày 3.500 đến 4.000 ca nhiễm. Nhưng, chắc hẳn thấu hiểu dân tình không thể chịu đựng được nữa, nên chính quyền đành mạnh dạn cho phép ra đường với điều kiện phải có lý do chính đáng... Thế là nhóm bạn già chúng tôi bèn liều mình tìm cách gặp nhau. Từ quận 7, tôi nín thở, khiêm tốn rà xe vượt qua các trạm gác liên phường, trực chỉ Hồ Con Rùa, nơi kê những chiếc ghế đá cách nhau hai-ba mét, một địa điểm lý tưởng để liên lạc như “hòm thư chết” của thời hoạt động bí mật trong lòng Sài Gòn. Gặp nhau không thể tay bắt mặt mừng vì 5K. Bỏ qua chuyện hỏi thăm sức khỏe vì “phây-búc” đã cho biết hàng ngày, chúng tôi vào ngay chuyện covid - có - gì - lạ. Tuổi già bệnh nền thâm niên, là đối tượng “cảm tình 1” của Covid, nên cứ phải biết để cảnh giác. Nhưng, chưa kịp nhập đề thì một ông bạn vốn từ Hà Nội vào chơi với con cháu bị mắc kẹt ở Sài Gòn không có đường ra đã bốn tháng nay, cười bảo: “Có cái này này, vừa mới vừa lạ các ông ạ. Nếu phải chết ấy mà. Thì chết quách lúc Covid này là nhẹ nhàng nhất. Vào viện, cách ly với thế giới bên ngoài, ba bốn ngày sau hai chú bộ đội bê hũ tro đến nhà, thắp hương và bàn giao. Xong! Miễn phí trăm phần trăm. Khỏi lo chuyện tang gia bối rối, phiền lụy con cháu, bạn bè…”. Rồi ông bạn bồi tiếp: “Chứ không à? Chuyện lạ mà quen của cái cuộc chiến Covid này đấy!”.

2. Trời! Tóm tắt một thảm cảnh thật vẫn đang tiếp diễn, mà ông bạn tôi đùa tỉnh bơ. Nhưng mà kể cũng đúng, đã từng có bao nhiêu sự thật nghiêm túc được qua cái lăng kính vui đùa như một chất xúc tác giải phóng bớt thảm khốc trong cái mùa Covid này? Tỷ như mấy chữ “đứt gãy chuỗi cung ứng” chẳng hạn. Ai cũng đã từng nghe và nghĩ nó là sự cảnh báo đối với nền kinh tế toàn cầu xa xôi. Vậy mà chúng tôi ăn ngay quả đắng ở giữa Sài Gòn: Đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm... Cả thành phố háo khô họng, mơ về những vựa rau củ quả trù phú, những trang trại gia súc, gia cầm hàng trăm ngàn con chỉ cách Sài Gòn vài ba chục cây số ở các tỉnh vùng ven... Ở đấy, rau héo úa trên ruộng; gà công nghiệp lông trắng sáu ngàn đồng một kilogam; heo hơi chỉ hơn hai chục ngàn một ký… Tất cả đều quá lứa thương phẩm nằm bất động chỉ vì “tỉnh cách ly với tỉnh”. Những ngày đó, ở Sài Gòn có rau ăn trở nên một việc xa xỉ, là nhà có điều kiện (!)… Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn ác liệt hơn cả cuộc chiến tranh bom đạn. Không thiết quân luật, nhưng “nhà cách ly với nhà, phường xã cách ly với phường xã, quận huyện các ly với quận huyện, tỉnh cách ly với tỉnh...” cùng các quy định nghiêm ngặt về vận tải hành khách và hàng hóa. Thế thì đến... cái gì cũng đứt gãy, nói chi đến chuỗi cung ứng thực phẩm? Mà đó mới chỉ là những chuyện xảy ra với dân thành phố, chưa kể đến những người nhập cư. Bỏ làng lên phố kiếm sống bị mất việc làm, không còn nguồn thu nhập, thiếu lương lương thực thực phẩm, họ phải quay về để bị kết tội “tự ý về quê”. Lẽ ra, khi ấy F0 còn đang bị nhốt trong các khu cách ly và bệnh viện dã chiến, chúng ta hãy giúp họ trở về trong trật tự thì cuộc chống Covid ở Sài Gòn cũng nhẹ nhàng, mà tránh cho các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ bùng phát dịch (?). Sau này, thực hiện vừa chống dịch vừa rút kinh nghiệm, Sài Gòn đã tái hiện thời bao cấp phân phối xa xưa ở miền Bắc, phát “phiếu đi chợ” cho mỗi hộ dân 3 ngày một lần. Kể ra, nếu được thế cũng mừng. Hà Nội ngày ấy với bìa tem phiếu chi ly và hệ thống thương nghiệp chằng chịt đã đảm bảo được tinh thần đạo đức nhân văn “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Còn Sài Gòn lúc này, nguồn hàng hóa đứt gãy, không chủ động, tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa, chỉ một số ít siêu thị được phép mở bán tập trung… mà lại áp dụng chế độ tem phiếu mua hàng, kể cả “nhóm đi chợ hộ”, thì có khác gì đã thiếu lại không công bằng? Cùng với những “đứt gãy” là quy định “ra đường phải có lý do chính đáng” gắn với “dịch vụ thiết yếu” và “hàng hóa thiết yếu”… Tất cả hợp lại làm nên chuỗi quy ước rắc rối, mê hồn trận. Biết và thuộc các nguyên tắc này để khi ra đường được việc và không bị phạt là cả một cuộc thi trắc nghiệm hóc búa. Chả thế mà đã xảy ra bao chuyện dở khóc, dở cười. Ra hiệu thuốc mua thuốc tiểu đường, nhưng tiểu đường không phải hàng hóa thiết yếu nhé! Ra trụ ATM rút lương hưu để mua thực phẩm thiết yếu không phải là lý do chính đáng nhé! Lại còn tiền thì không có trong danh mục hàng hóa thiết yếu nhé! Đau hơn là chuyện một anh đi chia quà từ thiện quên mua sữa cho con. Tối về, nhớ ra anh vội chạy đến siêu thị gần nhà, nhưng vì không có “phiếu đi chợ” nên mặc cho năn nỉ - chìa cả giấy phép di chuyển do công an cấp cho hoạt động từ thiện lại cả thề, chỉ vào mua đúng một hộp sữa rồi ra ngay, vẫn không được. Tức khí, anh ta lỡ lời “Có biết tôi là ai không? Trưởng nhóm từ thiện của quận đây”. Xưng danh trong lúc ấy là kỵ nhất, dù nửa khu phố tôi biết anh. Thế là ngay đêm ấy, cuộc đôi co được tường thuật, kẻ thương người ghét cãi vã bung cả mạng xã hội. Chưa hết, sáng hôm sau công an vào cuộc và đến trưa thì vụ việc được các báo Online vốn cũng “đứt gãy thông tin” đã pha loãng, tường thuật dài dằng dặc...

3. Giãn cách xã hội ở cấp độ cao với “ai ở đâu, ở yên đó” là biện pháp hữu hiệu đầu tiên để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, ngăn chăn sự chết chóc do Covid-19 gây ra. Nhưng đó cũng lại là khởi nguồn của mọi nhiêu khê hệ lụy khốn khổ mà chính chúng ta phải gánh chịu. Thế nên, niềm sung sướng vinh hạnh đầu tiên của “ngày bình thường mới”, lại đơn giản là ngày được tự do đi lại, tận hưởng niềm hạnh phúc “mây của ta trời thắm của ta...”. Mặc dù, thực ra ngày “bình thường mới” thì giặc thù Covid vẫn chưa tan. Nó vẫn quanh quẩn đâu đây để đến một lúc nào đó sẽ quay lại. Hình như Covid đã là một thành tố của xã hội, giống như có Chúa Jesus thì cũng có Quỷ Satan... Bởi thế, “bình thường mới” đòi hỏi chúng ta phải có kỹ năng sống mới để sống chung với Covid. Bởi thế, đã từng có một so sánh thô sơ là ngày “bình thường mới” không thể được như “bình thường cũ”. Và bởi thế, ai không nhớ đến ngày “bình thường cũ” là không có lương tâm. Song, ai chỉ muốn trở về ngày “bình thường cũ” là người không có đầu óc. Không thể như những ngày bình thường trước đây, nhưng có sao đâu. Để có ngày bình thường mới như hôm nay là công sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với những bài học kinh nghiệm quý báu, giúp chúng ta bình tĩnh, thích ứng khi Covid quay lại. Hãy tin chắc một điều rằng, cách sống như của ngày chống dịch đã qua sẽ không lặp lại. Sẽ không có chuyện cả nước đồng loạt bị cách ly nhau từ tỉnh đến phường-xã và tổ-xóm… mà sẽ mềm dẻo hơn với các vùng xanh, vàng, đỏ... Sẽ không có chuyện đứt gãy các chuỗi cung ứng; hàng hóa sẽ được lưu thông trong nước và bươn ra với kinh tế thế giới. Sẽ không có chuyện năng lực y tế mỏng manh, vỡ vụn vì đã có quy định mới là tất cả các bệnh viện tuyến cơ sở đều có khoa Covid với đầy đủ trang thiết bị y tế và phác đồ điều trị nội-ngoại trú cho bệnh nhân F0… Xuân mới của những ngày bình thường mới đã về cùng với bao dự ước lãng mạn đang hướng chúng ta mơ đến việc ra đời một loại thuốc phòng chống và điều trị covidi như với cúm mùa thông thường. Khi ấy, trẻ sơ sinh sẽ được tiêm chủng “n trong 1” để phòng các bệnh do virus bao gồm cả corona. Còn lũ trẻ lớn hơn, chúng sẽ được chào cờ ở sân trường, tung tăng chạy nhảy trong giờ ra chơi. Tuổi thơ mải mê tiếp nhận bao điều mới mẻ, chúng sẽ quên ngay cái ngày khai giảng, đứng nghiêm trong phòng kín, quàng khăn đỏ lí nhí hát quốc ca trước màn hình vi tính. Hình ảnh ấy sẽ chỉ còn là hoài niệm của những người lớn về một thời đã qua...

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022


Có thể bạn quan tâm